Tượng đài nghìn tỷ

Quốc Phong Thứ bảy, ngày 11/07/2020 20:53 PM (GMT+7)
Có những nơi người ta vẫn sẵn sàng ký những quyết định xây dựng tượng đài, cổng chào hoành tráng, cho dù địa phương mình vẫn là tỉnh nghèo, số người nghèo vẫn chót vót 2 chữ số, chính quyền nợ kéo dài, trường học bệnh viện vẫn thiếu.
Bình luận 0

Báo Dân Việt ngày 5/7 có bài viết tổng hợp lại một số công trình tượng đài, cổng chào xây dựng rất hoành tráng ở mấy địa phương trong nước. Đọc xong mà lòng tôi không khỏi đau xót và buồn khó tả. Trước đó đã từng có những "tấm gương xấu", chẳng hạn đề án xin nhà nước tiền xây tượng đài kiểu như ở Sơn La năm 2015, dự toán chi 200 tỷ cho xây tượng đài và 1200 tỷ cho việc di dân giải phóng mặt bằng và xây dựng khu quảng trường.

Đề án "khủng" này bị báo chí vào cuộc, phê phán; sau đó,Trung ương không phê duyệt. Vậy mà  sao nay lại vẫn có những địa phương "điếc không sợ súng", quyết xây bằng được những tượng đài cổng chào chục tỷ trăm tỷ, không ngán ngại dư luận đang bất bình.

Tượng đài nghìn tỷ - Ảnh 1.

Tượng đài khởi nghĩa Vịnh Thạnh, tỉnh Bình Định đang được xây dựng.

Có huyện được hỗ trợ giảm nghèo nhưng vẫn bỏ  tiền tỷ xây tượng đài, rồi chưa đủ kinh phí nên để kéo dài. Có huyện đang nợ người dân và doanh nghiệp 50 tỷ do chi tiêu quá đà và sai nguyên tắc nhưng vẫn đề xuất xây tượng đài 29 tỷ. Có huyện nghèo xây tượng đài tới gần 50  tỷ…

Việc các địa phương trình tỉnh nhà những dự án xây dựng tượng đài kỉ niệm về cuộc chiến đấu oai hùng của dân tộc hoặc cổng chào của phố huyện... về một mặt nào đó, nếu có điều kiện thì cũng có thể làm. Nhưng tuyệt đối phải tránh phô trương gây tốn kém ngân sách cho dù đó là ngân sách trung ương hay địa phương.  

Nên hiểu rằng, cho dù "miếng bánh"ngân sách đó là của Trung ương hay của địa phương thì cũng từ mồ hôi nước mắt của Nhân dân mà có. Rồi thì, dù có là tiền vận động qua kênh "xã hội hoá" chăng nữa, theo tôi vẫn vậy. Đó cũng đều từ Nhân dân mà ra.  

Tượng đài hay cổng chào hay gì gì đi nữa, nếu địa phương muốn làm thì nên bằng tiền đóng góp tự nguyện của mọi người dân trong địa phương là chính và cũng phải quyên góp sau nhiều năm, chứ không nên dồn dập quá, dân chịu sao nổi! Và không được phép dùng từ nguồn ngân sách. Chỉ như thế nó mới có ý nghĩa chính trị và tinh thần. Qua đó, tất cả đều sẽ có trách nhiệm bảo tồn nó vì nhân dân địa phương phải chắt chiu từng đồng tiền nhỏ mới tạo nên nó sẽ rất biết trân quý. 

Việc làm tượng đài hoành tráng liệu có nên khi dân địa phương vẫn chưa thoát được cảnh nghèo. Vẫn phải trông chờ trung ương hỗ trợ hàng năm, đến cả gạo ăn, thì vui nỗi gì!

Và tượng đài, cổng chào có ý nghĩa gì khi trường học của trẻ em nhà tranh vách đất, mùa đông rét thấu xương, trời mưa căng nylon, hứng chậu khắp nơi mà nền vẫn nhão nhoét! Có ý nghĩa gì khi trẻ em đi bộ cả nửa buổi mới đến trường, cầu đường trải nhựa không có, nhà vệ sinh nước sạch cũng không, trạm y tế sơ sài không máy móc, bữa cơm của người dân chỉ chan nước lọc với rau rừng?

Tư duy "hoành tráng" của các vị lãnh đạo địa phương này hiện đã quá cũ, không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Kiểu tư duy đó cần được xoá bỏ sớm.

Thử hỏi rằng có ở đâu được xem là quốc gia thu nhập chỉ trung bình thấp trên thế giới, cổng chào và tượng đại được xây lớn và to tát như Việt Nam? Đã vậy bố cục, thần thái của công trình văn hoá ấy thì nặng nề, thiếu tinh tế  và tốn kém. 

Đi nhiều nơi, tôi thấy các nước chỉ làm tượng đài, cổng chào chỉ mang tính biểu tượng, cách điệu nhẹ nhàng, nhưng lại rất văn hoá và không hề vụ lợi như các công trình của Việt Nam ta lâu nay.

Dư luận xã hội luôn hoài nghi và đặt ra nhưng dấu hỏi lớn: Công trình càng làm to tiền thì càng có khả năng được đơn vị trúng thầu"lại quả "nhiều. Và nếu quả như vậy thì nguy quá! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem