Dư luận chưa hết bức xúc vì bản án hình sự ở Bình Phước khiến ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử, thì tại TP Hồ Chí Minh, sau khi tòa phúc thẩm tuyên án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất, vợ bị đơn là bà Hiệp chạy ra ban công nhảy lầu tự tử, rất may có người ngăn cản kịp thời...
Theo hồ sơ vụ án, Năm 1999, vợ chồng ông Phan Quý và bà Lê Thị Bích Thủy mua mảnh đất 3.500 m2 của ông Lợi. Đến năm 2002 vợ chồng ông Quý bán 500 m2 đất cho ông Sĩ; năm 2009 bán cho ông Dư và ông Thắng, mỗi người 87 m2. Sau đó, ông Dư mua lại của ông Sĩ và ông Thắng những mảnh đất trên.
Điểm giống nhau của tất cả các hợp đồng mua bán trên là đều không có công chứng.
Điểm bất thường đầu tiên là, dù vợ chồng ông Dư đã ăn ở ổn định hơn chục năm, đến tháng 6. 2017 ông Quý đột ngột khởi kiện ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông với các ông Dư, Thắng, Sĩ trước đây là vô hiệu. Đồng thời yêu cầu công nhận phần diện tích đất 647 m² đã giao dịch chuyển nhượng với các bị đơn thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn. Nguyên đơn sẽ hoàn trả số tiền đã nhận chuyển nhượng đất trước đó.
Bản án sơ thẩm tòa tuyên, hủy hợp đồng chuyển mua bán 500 m2 đất giữa ông Quý và ông Sĩ và diện tích đó thuộc quyền của ông Quý, nhưng chấp nhận hợp đồng mua bán 174 m2 đất giữa ông Quý với ông Dự, ông Thắng.
Về bản án này, VKSND quận Gò Vấp có kháng nghị và tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND TP HCM đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị, hủy án để xét xử lại vụ án. Tuy nhiên, hội đồng xét xử đã không chấp nhận và tuyên: Việc tòa sơ thẩm chỉ hủy một hợp đồng chuyển nhượng đất là chưa chính xác. Từ đó, hội đồng xét xử đã tuyên hủy cả ba hợp đồng chuyển nhượng và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Quý.
Như vậy, vợ chồng ông Dư bỏ tiền ra mua tổng cộng 674 m2 đất, đang ăn ở ổn định bỗng chốc trắng tay. Do đó, việc vợ ông Dư quỳ xuống lạy thẩm phán tại tòa và sau đó chạy ra ban công nhảy lầu tự tử là diễn biến tâm lý dễ hiểu. Tự nhiên, tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của cố Chánh án TAND Tối cao Trịnh Hồng Dương: "Ở nước ta, án dân sự xử thế nào cũng được."
Nhưng, nay đã là năm 20 của thế kỷ XXI, sao có thể vậy?
Tuy nhiên, vụ án đúng sai thế nào, trong phạm vi bài này chúng tôi không lạm bàn, chỉ lưu ý một điểm duy nhất: Diễn biến vụ việc là cụ thể, rõ ràng, cùng sử dụng một bộ luật, nhưng vì sao quan điểm của VKS với tòa án, và ngay cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại khác nhau đến như vậy?
Đặt ra vấn đề này, rất nhiều người cho rằng, có như vậy mới cần VKS, mới cần các phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm...
Vâng, tất nhiên là vậy, nhưng trong vụ án này, mọi diễn biến rõ mồn một, không một điểm mờ, nhưng vì sao việc hiểu, vận dụng pháp luật lại có sự khác biệt lớn như vậy? Đến các cơ quan tư pháp còn hiểu, vận dụng luật như vậy, dân biết đâu mà lần, đâu còn dám chắc, mình đã làm đúng luật hay không?
Đó mới là vấn đề dư luận thực sự lo ngại.
Điều cần nhấn mạnh rằng, việc mua bán là thật, giao đủ tiền, đã giao đất. Những người mua đất đã đầu tư công sức, tu bổ, tạo dựng thêm các tài sản trên đất, thực sự chiếm hữu, sử dụng theo hợp đồng trên 10 năm đến gần 20 năm.
Nhưng, vì đâu tòa tuyên hủy hợp đồng một cách đơn giản như vậy?
Và ở nước ta, còn bao nhiêu những hợp đồng mua bán viết tay, không có công chứng? Nếu bản án này được thực thi, liệu sẽ còn bao nhiêu vụ án kiểu này sẽ xảy ra nếu như người bán đất trở mặt?
Ngay như, hợp đồng mua đất của ông Quý với chủ đất ban đầu là ông Lợi cũng là giấy viết tay, không công chứng, vậy hợp đồng này có hợp pháp? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu vì ham lợi, ông Lợi kiện ra tòa đòi hủy hợp đồng mua bán?
Cuối cùng, VKS cho rằng việc tòa án chưa xác minh rõ điều kiện tách thửa, điều kiện cấp giấy chứng nhận đối với từng lô đất đang tranh chấp, nhưng đã giải quyết vụ án là chưa đủ căn cứ để xác định các giao dịch có vi phạm điều cấm của pháp luật hay không nhằm xem xét thời hiệu khởi kiện và căn cứ giải quyết vụ án.
Vậy vì đâu tòa án vẫn lôi ra xử bằng được?
Đó còn chưa kể, dư luận còn thắc mắc nhiều điểm khác: Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là bạn thân nguyên đơn, bị đơn xin đổi nhưng không được; bản thân nguyên đơn từng là trưởng phòng tại VKS ND TP, con trai công tác tại VKS, con gái tại TAND TP HCM nên vụ án được xem là có phần lợi thế với nguyên đơn.
Vậy càng cần một bản án công minh, để người dân được tin chắc rằng, công lý không chỉ là một diễn viên hài và lẽ phải không chỉ thuộc về kẻ mạnh.
Việc ông Phước nhảy lầu tự tử ngay ở tòa là một trong những nguyên nhân khiến Tòa án cấp cao tại TP HCM chấp nhận kháng nghị, hủy cả 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại. Vậy, liệu bản án phúc thẩm hủy bản án mua bán đất lần này, khiến vợ bị đơn đòi tự tử vì bị dồn đến đường cùng, liệu có bị hủy?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.