Dư luận vẫn sốc với chuyến công tác đúng thời điểm cao trào bùng phát dịch Covid-19 đợt 2, ngày 31.7, của bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cùng giám đốc nhiều sở, ban ngành của Thái Bình.
Sốc với chuyến đi này bởi lẽ, lúc này Chính phủ và cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19 bùng phát với nhiều diễn biến bất thường về chủng virus biến thể, tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng và nhiều bệnh nhân nặng hơn.
Sốc là bởi, dù thời điểm bình thường đi nữa, chỉ là đi thăm trại bò, trại lợn có cần phải dẫn cả "bầu đoàn thê tử" từ lãnh đạo cao nhất của tỉnh như vậy?
Sốc hơn nữa bởi, nhìn lịch trình, ai cũng thấy thực chất đây là chuyến du hý thì đúng hơn là chuyến đi công tác.
Cụ thể, theo lịch trình, đoàn đi công tác từ ngày 31.7 đến ngày 7.8 thì nội dung công tác chỉ gọi gọn trong hai buổi sáng. Sáng 1.8, thăm trại lợn trong buổi sáng ở Quy Nhơn, sáng hôm sau thăm trại bò của một tập đoàn kinh tế ở Gia Lai. Thực chất chuyến công tác chỉ có vậy, còn là đi tham quan, du lịch ở VinPearl Nha Trang; thăm một số lăng mộ triều Nguyễn, chùa Thiên Mụ và ăn tối trên Sông Hương ở Huế; và về ăn nghỉ ở Cửa Lò, Nghệ An trước khi quay về Thái Bình.
May sao đó chỉ là lịch trình dự kiến ban đầu, thực tế kế hoạch đã bị thay đổi khi ngày 1.8, ở Thái Bình có trường hợp bị dương tính với Covid–19. Ông Ngô Đông Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, cho biết, "đúng là đoàn công tác của tỉnh có kế hoạch đi thăm, làm việc tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên nhưng địa điểm và thời gian không phải như trên mạng xã hội đang lan truyền mà đã được rút gọn."
Dù chuyến đi đã "được rút gọn", nhưng nếu Covid-19 không bất ngờ "hiện hình", chắc hẳn hành trình đó vẫn được giữ nguyên. Nói gì thì nói, lịch trình chuyến đi như vậy là không thể chấp nhận với xã hội bởi nhiều lẽ.
Thứ nhất, nền kinh tế của cả nước đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19, chưa nói, thời điểm đó mới bùng phát lại dịch Covid-19 ở nước ta. Chuyến đi như vậy, không chỉ tốn kém ngân sách Nhà nước, tiền thuế của dân mà chắc chắn ảnh hưởng tới công việc đang rất cần sự chỉ đạo cấp thiết, sát sao của lãnh đạo tỉnh.
Thứ hai, nhằm tiết kiệm ngân khố, Đảng và Nhà nước đã, đang chỉ đạo rất chặt chẽ cần thiết phải hủy, hạn chế những chuyến đi không cần thiết và không ít vị lãnh đạo bị kỷ luật vì những chuyến du hý khoác áo "đi công tác". Mặt khác, việc tri ân với cán bộ hưu trí, sắp nghỉ hưu là chuyện nghĩa tình, nhưng nên rạch ròi. Làm sao phải ghép cả phu nhân của vị Chủ tịch tỉnh vào chuyến đi công tác này?
Thứ ba, chuyến "công tác" này cho thấy, dù chỉ là những mảnh ghép nhỏ, nhưng lại thể hiện rõ, rất dễ thấy những lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, bất chấp quy định của Đảng, Nhà nước và dư luận.
Không thể không thấy, chuyến công cán này chỉ minh chứng rõ hơn, cụ thể hơn điều đã trở thành vấn nạn, cũng là nỗi khổ cho rất nhiều vị đứng đầu các tỉnh, bộ, ngành. Tôi nói, "vấn nạn, nỗi khổ" cho các vị lãnh đạo theo cả nghĩa đen.
Chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh Thái Bình là thực hiện thỏa thuận từ trước với lãnh đạo của tập đoàn kinh tế nọ. Nhưng, thăm trang trại lợn, trang trại bò, dù lý do gì đi nữa, có cần thiết phải cả Bí thư lẫn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch tỉnh và cả bầu đoàn trên ba chục người đi như vậy?
Câu hỏi này được đặt ra bởi, người viết chứng kiến, được nghe lời than vãn của không ít lãnh đạo từ các quận, huyện cho đến lãnh đạo các UBND tỉnh, thành phố và nhiều Bộ, ngành phải đi dự các loại họp hành, lễ lạt. Chính vì vậy, dư luận từng phải cười ra nước mắt khi một số bộ, ngành, tỉnh thành phố đề nghị tăng cấp phó với lý do để ... có người đi họp. Thực tế, rất, rất nhiều vị lãnh đạo chỉ có thể đọc tài liệu và ký các văn bản ngoài giờ hành chính. Vậy họ còn đâu còn thời gian nghĩ cho các đề xuất, các kế hoạch dài hơi, thậm chí suy nghĩ thấu đáo cho các giải pháp cụ thể?
Vậy tại sao họ phải đi họp nhiều như vậy? Rất tiếc đây cũng là một vấn nạn nói mãi vẫn vậy. Các cuộc họp, lễ kỷ niệm, mít tinh ... để thêm phần long trọng, ban tổ chức luôn muốn có các vị lãnh đạo để giải quyết khâu oai, chứng tỏ sự quan trọng và tăng phần long trọng cho buổi lễ. Và không ít vị lãnh đạo không tiện chối từ, vì đã đến với lễ với A, thì không thể không đến lễ với B...
Dù đã bị phê bình, dư luận bức xúc, nhưng bao giờ mới chấm dứt được những chuyến công tác vô bổ và những lễ lạt hình thức vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Trong dịch Covid-19 đang diễn ra, những cuộc họp trực tuyến của Chính phủ, Quốc hội, thậm chí cả các cuộc họp quốc tế, các hội đàm song phương đa phương vẫn trôi chảy có thể là một câu trả lời cho các địa phương còn muốn lạm dụng ngân sách.
Chính phủ đang nỗ lực để giảm bớt các chuyến đi không cần thiết, tiết kiệm cho ngân sách, tiết kiệm thời gian, tăng tính hiệu quả và thực chất của các cuộc họp, lẽ nào địa phương không làm được?