Công sản, đất đai "chôn vùi" nhiều quan chức

Vương Hà Thứ tư, ngày 15/07/2020 15:33 PM (GMT+7)
Không chỉ hai vụ án ở Sabeco và Sagri, mà còn khá nhiều quan chức cấp cao ở các vụ án khác bị khởi tố vì các dự án liên quan đến đất, đến công sản. Đáng quan ngại là, các dạng sai phạm này ngày càng nghiêm trọng.
Bình luận 0

Kể từ khi "lò" của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng bắt đầu nổi lửa, việc kỷ luật, khởi tố những cán bộ cấp cao không còn xa lạ với dư luận. Dù vậy, trong cùng một ngày, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố thêm một số bị can là cán bộ cấp cao trong 2 vụ án xảy ra ở Sabeco và Sagri vẫn khiến dư luận bất ngờ. 

Điểm giống nhau trong hai vụ này là, các ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) và ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch UBND TP HCM) cùng bị khởi tố với cùng tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Điều đó cho thấy, các cơ quan chức năng ngày càng truy tận gốc những đối tượng chủ chốt gây sai phạm. Nếu không có chữ ký của ông Hoàng, chắc chắn thửa đất "vàng" 6.000m2 tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM (thuộc Cty Sabeco) không thể bị "bán" với giá bèo cho tư nhân.

Trường hợp của ông Trần Vĩnh Tuyến cũng mắc sai phạm tương tự trong việc Cty Sagri  bán toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9. TP HCM) có tổng diện tích 3,75 ha cho tư nhân với giá một m2 đất chỉ bằng 1/3 so với giá chuyển nhượng của dự án liền kề.

Công sản, đất đai "chôn vùi" nhiều quan chức - Ảnh 2.

Ông Trần Vĩnh Tuyến là một trong số ít cán bộ cấp cao bị khởi tố khi đương chức.

Nếu chiểu theo "luật ngầm", các vị này sẽ được hưởng một số tiền "cảm ơn" rất lớn. Tuy nhiên, để chứng minh việc này không hề đơn giản, nên hầu hết các vụ án kinh tế, tham nhũng nhưng hầu như chỉ có tội "thiếu trách nhiệm...", "cố ý làm trái...", "vi phạm quy định về quản lý...", mà hầu như không thể khởi tố các bị can về tội danh "nhận hối lộ". Chỉ trừ vụ mua bán AVG, các đối tượng phải thừa nhận tội danh đưa và nhận hối lộ với số tiền khổng lồ, tính tổng cộng trên 6 triệu USD.

Không chỉ hai vụ án này, mà ở nhiều vụ án khác liên quan đến đất và công sản, nhiều quan chức ngã ngựa và phải đứng trước vành móng ngựa. 

Từ những doanh nhân khoác áo quân đội, công an như Út "trọc" (Đinh Ngọc Hệ), Vũ "nhôm" (Phan Văn Anh Vũ) – những kẻ không chỉ đủ sức kéo xuống bùn đen lãnh đạo cao cấp của mình, mà còn dìm cả quan chức chủ chốt của một số tỉnh, thành phố. Không chỉ các doanh nhân trong lực lượng vũ trang, ngay cả những ông tướng xịn như đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến cũng bị "chôn vùi" vì đất. 

Hay hai vị nguyên chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Nguyễn Hữu Chiến, một số vị Phó Chủ tịch TP HCM như các ông Nguyễn Hữu Tín, Trần Vĩnh Tuyến cũng không tránh khỏi bị đất và công sản làm cho "mù lòa".

Thậm chí, cảng Quy Nhơn có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế và quốc phòng, dù được một số bộ có văn bản ngăn cản, nhưng vẫn bị Bộ GTVT phớt lờ, đem bán cho tư nhân không chút băn khoăn. Trong đó, trách nhiệm liên quan đến Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh – người ký tới hai văn bản chủ trương thoái vốn nhà nước ở cảng Quy Nhơn.

Nếu liệt kê các quan chức bị khởi tố, bị kỷ luật cảnh cáo liên quan đến đất, đến các công sản kiểu này sẽ còn dài dài.

Điều đó khiến dư luận buộc phải đặt ra câu hỏi: Vì sao các quan chức ngã ngựa vì công sản và các dự án liên quan đến đất luôn chiếm tỷ lệ cao? Đây là câu hỏi đã quen thuộc, nhưng vì sao nó vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp?

Câu hỏi này đã có đáp án, vấn đề là vì sao những sai phạm này dù khá lộ liễu, nhưng không sớm bị phát hiện? Hậu quả để lại là rất lớn, không dễ khắc phục và có những vụ không thể khắc phục.

Mặt khác, những vụ án vừa qua, dù có nghiêm khắc đến đâu cũng chỉ là giải quyết phần ngọn, việc đã rồi. Nhưng đáng tiếc là, dù mới xử lý phần ngọn, nhưng ở một số vụ án vẫn còn chậm một cách khó hiểu.

Điển hình là dự án Thủ Thiêm. Sai phạm là rất rõ ràng, rất lộ liễu. Nhiều đối tượng đã bị khởi tố, nhưng vẫn chỉ là những kẻ thừa hành. Một số nhân vật chủ chốt không chỉ gây ra những sai phạm, mà còn dấu hiệu bao che sai phạm gần hai chục năm trời vẫn chỉ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc bị tước quyền "nguyên...".  Trong đó, vẫn còn những cán bộ mắc sai phạm cực kỳ nghiêm trọng vẫn giữ cương vị lãnh đạo, vẫn là ĐB Hội đồng nhân dân TP - liệu đó có phải là một trong những nguyên nhân khiến Thủ Thiêm vẫn luôn nóng?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem