Thư từ "tâm dịch" Covid-19 Đà Nẵng: Bình tĩnh trong "mắt bão"

Nam Cường Chủ nhật, ngày 02/08/2020 16:48 PM (GMT+7)
Nếu ví Covid-19 như một cơn bão đang càn quét qua khúc ruột miền Trung thì TP. Đà Nẵng chính là "mắt bão". Một tuần kể từ khi lần đầu tiên phát hiện ca mắc Covid-19 ở Đà Nẵng, thành phố vẫn quay cuồng trong "mắt bão", nhưng tâm thế đã khác hơn...
Bình luận 0

Chiều 1/8, bản tin của Bộ Y tế công bố thêm 28 ca trên toàn quốc, trong đó 19 ca liên quan Đà Nẵng, trước đó lúc 6h sáng 1/8 là 12 ca mắc Covid-19 mới, ở TP.Đà Nẵng và Quảng Nam, đến 9h45 cùng ngày, lại thêm một bản tin về BN 499 (Hòa An - Cẩm Lệ - Đà Nẵng) đã tử vong. Ngày 31/7 là 45 ca bệnh vào buổi sáng, 1 BN đang điều trị tử vong, ngày 30/7 là 9 ca tại Đà Nẵng và Hà Nội... Cho đến sáng nay, đã có 5 BN tử vong. 

Chưa ai biết, ngày mai, ngày kia sẽ là những con số vô tri nào. Giờ đây, ngoài việc "ai ở đâu ở yên chỗ đó", mỗi buổi sáng thức dậy vào lúc 6h, mỗi buổi chiều đến mốc 18h, mọi người lại giật thót mình chờ con số vô tri, cùng cầu mong số 0 xuất hiện.

Ngày 31/7, con số 45 ca Covid-19 được công bố lúc 6h sáng đem tới sự sợ hãi đột ngột cho vô số người. Bạn bè, người thân của tôi ở khắp phương xa nhắn tin gọi điện hỏi thăm liên tục về tình hình Covid-19 ở Đà Nẵng, động viên giữ gìn, cầu chúc sức khỏe an yên. 

Tôi chỉ nhắn lại, Đà Nẵng, người Đà Nẵng, và tôi, vẫn bình tĩnh. Tôi bình tĩnh là bởi xung quanh tôi, cả cộng đồng Đà Nẵng, ngoài một vài sự việc đâu đó chưa được như ý, một nhóm người nào đó cuống quýt sợ hãi, còn lại thì Đà Nẵng vẫn đang trên dưới một lòng. 

Thư từ "tâm dịch" Đà Nẵng: Bình thản trong "mắt bão" - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 trong cộng đồng.

Hàng chục ca mắc Covid-19 có liên quan đến các BV lớn trên địa bàn thành phố, tính đến thời điểm này, riêng Đà Nẵng đã xác định hơn 7 ngàn ca F1, hơn 2 ngàn ca F2, tất cả đều được tập trung cách ly. Với lịch trình dịch tễ chằng chịt của các ca bệnh, như có người vào chùa, có cô giáo đi coi thi, người bán hàng ở chợ... Cảm giác sống trong "tâm dịch" Đà Nẵng bây giờ là ai cũng không bất ngờ khi tên mình được gọi đi cách ly. Cũng bởi thế, ngày hôm qua là con số 45, nay 12, con số ngày mai chưa công bố thì vẫn chưa ai đoán định được cấp độ lớn nhất đã ở phía sau hay còn rập rình phía trước. 

Đà Nẵng có rối không? Không! TP. Đà Nẵng vẫn đang đi đúng hướng, dẫu có đôi chút chệch choạch ban đầu thì giờ đây, ngay trong tâm dịch, mọi thứ đã vững vàng. Người Đà Nẵng bình thản đón đợi, kể cả những điều tồi tệ hơn mấy ngày qua. Cơ sở nào để vững tin vào điều đó?

Ngày hôm qua trời mưa nặng hạt, nhưng dòng người với những chuyến hàng vẫn lan tỏa đi khắp nơi. "Không ai bị bỏ lại phía sau", đó chính là điều khiến bất kỳ người dân nào cũng cảm thấy vững lòng. Mặc cho những hạt mưa hắt vào mặt, chị Nguyễn Hương vẫn nói chuyện vui vẻ với mọi người khi hai tay đang thoăn thoắt nhận thùng hàng nặng không dưới 20kg. Chị Hương cho biết, chị có mặt ở điểm cách ly trước Bệnh viện C Đà Nẵng đã 2 ngày nay.

"Công ty mình mỗi ngày nhận ủng hộ Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng một ít nước uống và đồ ăn nên mình theo xe tới trước Bệnh viện C để bàn giao. Sáng nay trời mưa nhưng mình và các bạn ở công ty quyết định vẫn đi vì nghĩ rằng, phía trong biết bao y bác sĩ đang căng mình cứu chữa bệnh nhân, đến giấc ngủ cũng không được đảm bảo thì việc mình làm có gì gọi là khó khăn. Lúc tới đây, mình đã thấy rất nhiều người dân đi xe máy chở hàng tới ủng hộ từ sớm", chị Hương nói.

Thư từ "tâm dịch" Đà Nẵng: Bình thản trong "mắt bão" - Ảnh 2.

Người dân đội mưa chuyển đồ tiếp tế vào Bệnh viện Đà Nẵng.

Để hỗ trợ du khách còn kẹt lại ở TP. Đà Nẵng, nhiều khách sạn trong thành phố đã giảm giá tiền phòng, có nơi miễn phí trong 14 ngày cho khách. Trao đổi với PV, đại diện khách sạn A25 Nguyễn Du (Đà Nẵng), một trong những đơn vị miễn phí tiền phòng và chi phí ăn uống trong 14 ngày tới cho những người bị kẹt lại thành phố cho biết, việc làm này mang tinh thần tương trợ lẫn nhau trong hoàn cảnh ai cũng gặp nhiều khó khăn.

"Mình đồng cảm được sự lo lắng của những người đang bị kẹt lại trong dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, chưa thể về nhà. Sự giúp đỡ này chỉ là phần hỗ trợ nhỏ về tài chính để động viên du khách, khiến họ cảm thấy không bị bỏ lại phía sau và yên tâm ở lại thành phố đến khi có thể trở về", người đại diện nói. Và sắp tới chắc chắn cũng sẽ còn nhiều cơ sở lưu trú sẵn sàng chung tay như thế. 

Còn người dân thì sao? Đó là ông Nguyễn Vinh, trú số 4 đường Ngô Gia Tự tâm sự: "Mưa dầm dề từ sáng nhưng có lẽ vì cái tình, vì muốn góp sức đẩy lùi Covid-19 ở Đà Nẵng nên rất nhiều người vẫn đội mưa đưa hàng đến đây. Hàng hóa rất nhiều, mọi người không thể chuyển vào trong được hết cùng lúc nên bị mưa làm ướt kha khá. Hai đêm hôm nay, mấy gia đình chúng tôi sống ở đây cứ thấy lo khi hàng hóa để bên ngoài, nên vài tiếng lại trở dậy ra xem thử thế nào".

Anh Hoài Nam, người tình nguyện bốc dỡ hàng hóa ở điểm cách ly Bệnh viện C thì chia sẻ, cách đây 2 ngày, anh thấy trước Bệnh viện C rất nhiều hàng hóa nhưng người bốc thì rất ít nên tình nguyện tới đây tham gia.

"Rất nhiều tấm lòng hảo tâm bỏ tiền, bỏ hàng hóa để ủng hộ các y bác sĩ đang ngày đêm chống dịch Covid-19 ở Đà Nẵng. Còn tôi không có điều kiện như thế, nên khi đi qua đường Ngô Gia Tự thấy dãy dài hàng hóa chất cao lên không có ai bốc dỡ nên có ý định ngay. Thực lòng, cả nước đang hướng về Đà Nẵng và bản thân mình được góp một chút sức lực thấy rất vui, trong lòng thấy thoải mái lắm", anh Nam vui vẻ nói.

Thư từ "tâm dịch" Đà Nẵng: Bình thản trong "mắt bão" - Ảnh 3.

Giấc ngủ vội của các nhân viên y tế giữa dịch Covid-19 ở Đà Nẵng.

Những tấm barie trắng đỏ được dựng lên khắp thành phố, là dấu hiệu để nhận biết khu vực đang bị cách ly hoàn toàn. Đặc biệt, điểm nóng BV Đà Nẵng ở các cung đường Hải Phòng  - Quang Trung giờ đây "nội bất xuất ngoại bất nhập". Nhìn cảnh tượng đội mưa tiếp tế của đoàn người thiện nguyện, mới thấy, chiếc barie chỉ ngăn cản về cơ học, còn ý chí, tâm tình gửi gắm của triệu người dân vào tuyến đầu chống dịch vẫn không thể "cách ly", trái lại ngày càng đầy tràn. Đó chính là thứ năng lượng tích cực không gì đo đếm nổi. 

Ở bên trong hàng rào đỏ trắng, nơi được xem là cuộc chiến cam go, có thể nói đối mặt tử thần của các y bác sĩ, nhân viên y tế và người bệnh, những dòng nhật ký của điều dưỡng Thái Thị Thu Hà đẫm nước mắt như thế này: "Thèm lắm bữa canh nóng, cá kho, thịt luộc... Được ngồi với người thân trong gia đình nói về chuyện công việc, bạn bè, cuộc sống... Thèm lắm chiếc giường rộng có đủ gối và mền cho giấc ngủ được ngon giấc (ở bệnh viện không đủ chăn mền gối và giường, mỗi người tự tìm cho mình một góc để ngả lưng sau giờ chống dịch). Thèm lắm cái ôm của người chồng, người con sau giờ tan ca, chỉ cần thủ thỉ con nhớ mẹ nhớ ba thì mọi buồn phiền tan biến (bây giờ phải gọi online để thấy mặt nhau, nỗi nhớ chỉ thể hiện qua ánh mắt chứ không được ôm nhau) và nước mắt cứ thế lại rơi...".

"Sáng dậy thấy mắt đồng nghiệp đỏ và sưng mắt, tôi hỏi cô ấy nói: "Đêm qua ngủ dưới đất con gì cắn sưng mắt", nhưng tôi biết đêm qua cô ấy nhớ con khóc liên tục, vì tôi đã từng trải qua nên tôi hiểu..." 

Một trong những vẻ đẹp người con gái, còn điều gì quan trọng hơn mái tóc? Vậy nhưng các điều dưỡng, y bác sĩ vẫn vui vẻ xén ngọt cho ngắn hết mức có thể để không bị vướng víu. Còn hình ảnh nào xúc động hơn thế? 

Bác sĩ Phùng Đình Thạnh -  Phó GĐ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, tâm sự, ông xúc động bởi chính các đồng nghiệp, các nhân viên của mình, những người cùng ông đồng hành trong cuộc chiến chống Covid-19: "Tôi muốn cổ vũ, động viên tinh thần các bạn ấy. Vì chúng tôi đang bước vào giai đoạn "khốc liệt" với Covid-19 ở Đà Nẵng, khi các ca nhiễm và nghi nhiễm liên tục được công bố và có nguy cơ lan nhanh trên diện rộng. Tôi mong các đồng nghiệp luôn lạc quan, mạnh mẽ nhất có thể để cùng nhau chiến thắng đại dịch này". 

Thư từ "tâm dịch" Đà Nẵng: Bình thản trong "mắt bão" - Ảnh 4.

Nhiều nữ nhân viên y tế sẵn sàng hy sinh mái tóc để chiến đấu với dịch Covid-19 ở Đà Nẵng.

TP. Đà Nẵng hôm qua đã bắt đầu xét nghiệm nhanh hàng loạt trong cộng đồng, 2 bệnh viện dã chiến cũng đã bắt đầu khởi động. Hơn 7 ngàn ca F1, 2 ngàn ca F2 được khoanh vùng, cách ly. Có thể tình hình những ngày tới còn căng hơn nữa, nhưng cách đối phó với đại dịch, cách mà người dân Đà Nẵng thể hiện như mấy ngày qua, có cảm giác, TP. Đà Nẵng bắt đầu giành thế chủ động, "tấn công" ngược lại con Covid-19. Cần phải nhắc lại rằng, 3 cả tử vong vừa rồi, tất cả đều mang nền bệnh rất nặng mà Covid chỉ là giọt nước tràn ly.

Nếu ví Covid-19 nhưng cơn bão đang càn quét miền Trung thì Đà Nẵng chính là "mắt bão", là nơi khủng khiếp nhất, sức tàn phá lớn nhất. Nhưng với "cơn bão Covid-19" này, nếu người trong "mắt bão" vẫn đang tự tin thì hy vọng vào sự giảm dần đều của những con số vô tri được công bố vào mỗi 6h sáng và 18h chiều là có cơ sở. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem