Theo Cục BVTV (Bộ NNPTNT), tính đến nay đã có 19 tỉnh thành trên cả nước bị nhiễm bệnh khảm lá sắn.
Với diện tích trồng khoảng 28.000ha, Phú Yên là một trong những tỉnh có diện tích sắn bị lây nhiễm bệnh khảm lá khá nhanh trong thời gian gần đây. Đầu tháng 6, toàn tỉnh có hơn 6.800ha sắn bị bệnh khảm lá. Đến đầu tháng 9, bệnh khảm lá đã gây hại trên 13.450ha sắn, trong đó nhiễm nặng là 2.150ha.
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Yên đánh giá, niên vụ sắn 2020-2021, bệnh khảm lá sẽ còn tiếp tục phát sinh gây hại. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đang xây dựng kế hoạch phòng trừ bệnh khảm lá trên toàn địa bàn.
Trong đó, biện pháp quan trọng vẫn là nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh, người nông dân nhập các giống sắn không rõ nguồn gốc; vận động các hộ nông dân không tiếp tục trồng ra ruộng cũng như tiêu hủy các giống sắn đang tồn trữ.
Tại các tỉnh miền Đông, bệnh khảm lá cũng đang khiến nhiều nông dân đứng ngồi không yên. Như tại huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) có diện tích sắn khá lớn với 9.000 ha thì diện tích nhiễm bệnh cũng đã trên 700ha.
Bà Trần Lệ Thanh ở thị trấn Tân Minh (huyện Hàm Tân) kể, những năm trước, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ cây sắn (mì) vì đất đai phù hợp. Đến năm 2019, bệnh khảm lá xuất hiện, nhiều nông dân đã tiến hành tiêu hủy các diện tích nhiễm bệnh. Nhưng hiện nay, bệnh vẫn tiếp tục xuất hiện trở lại.
Vụ đông xuân 2019–2020, bà Thanh xuống giống mì trên diện tích 8ha. Ban đầu, bệnh chỉ biểu hiện trên vài cây, rồi sau đó lây lan rất nhanh. Hiện nay tỉ lệ nhiễm đã trên 80%.
Bà Thanh nhẩm tính, chi phí đầu tư sản xuất cho mỗi ha sắn dao động từ 15-16 triệu đồng. Bệnh khảm lá đã làm tăng chi phí phân thuốc và công chăm sóc nhưng vẫn không ngăn được bệnh lây lan. "Nhiều nông dân đang lo lắng vì không chỉ năng suất giảm mà chất lượng tinh bột cũng kém đi", bà Thanh nói.
Với 2.150ha, xã Xuân Hòa là địa phương có diện tích cây mì lớn nhất huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Theo ông Hoàng Thanh Bạch – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, bệnh khảm lá đã nhiễm trên 500ha sắn, có diện tích nhiễm hơn 30% cây.
Nhiều diện tích bị bệnh khảm lá với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 10-30%, nhiều nơi tỷ lệ nhiễm bệnh hơn 50% nên năng suất cây mì ước tính chỉ bằng khoảng 1/3 năm trước, tức khoảng 4 tấn/ha.
Chính quyền địa phương đang khoanh vùng diện tích bị bệnh và hướng dẫn bà con tập trung xịt thuốc trừ bọ phấn trắng truyền bệnh. Tuy nhiên, tình trạng cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá đang diễn ra trên diện rộng và ngày càng nghiêm trọng hơn, khiến người trồng sắn bất an, lo lắng về năng suất cũng như nguồn giống cho vụ tới.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, nguồn sắn lát tồn kho vụ 2019-2020 của Việt Nam gần như đã cạn kiệt. Hiện nay, ngoại trừ phía Bắc, hầu hết các nhà máy chế biến sắn tại Việt Nam đã chạy máy vụ sản xuất 2020 - 2021. Tuy nhiên, sản lượng của các nhà máy này vẫn rất hạn chế.
Như ở khu vực Tây Ninh, mùa vụ 2020 - 2021 vẫn tiếp tục gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu do lượng sắn từ Campuchia về ít hơn và giá cao hơn các năm trước. Hiện giá sắn nguyên liệu (trữ bột 30%) ở Tây Ninh hiện vẫn dao động từ 2.650–2.750 đồng/kg; ở Đăk Lăk từ 2.250–2.300 đồng/kg; Kon Tum 2.200–2.250 đồng/kg; miền Trung dao động từ 2.050–2.100 đồng/kg.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính chung 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,78 triệu tấn, trị giá 619 triệu USD; tăng 15,6% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, trong ngắn hạn, giá xuất khẩu sắn lát và tinh bột sắn dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi nguồn cung suy giảm trong bối cảnh diện tích một số tỉnh trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, ảnh hưởng đến năng suất sắn vụ mới 2020-2021.
Theo Cục BVTV, tính đến đầu tháng 9; bệnh virus khảm lá đã gây hại với diện tích 57.986 ha; tăng 22.508ha so cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nhiễm nặng hơn 7.700ha.
Bệnh đang gây hại tại 19 tỉnh thành: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, An Giang, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Lào Cai.
Ngoài virus khảm lá đang tiếp tục gây hại, rệp sáp bột hồng cũng tái xuất hiện và gây hại tại nhiều địa phương đã từng phát hiện trước đây.