Đau đầu với dịch khảm lá trên cây khoai mì

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 13/11/2019 10:36 AM (GMT+7)
Trong khi nguồn giống sắn (mì) kháng bệnh vẫn chưa phát huy hiệu quả, thời tiết và dịch bệnh vẫn tiếp tục đe dọa các vùng trồng khiến nhiều nông dân ở Đồng Nai, Tây Ninh... lo lắng cho vụ thu hoạch cuối năm.
Bình luận 0

Dịch khảm lá tiếp tục lây lan

Từ đầu tháng 10, ông Đỗ Hữu Hưng - nông dân trồng sắn tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, 10ha sắn của gia đình đã nhiễm bệnh khảm lá dù vụ trước không bị.

“Nếu nhiễm nhẹ, năng suất còn duy trì được 35 - 40 tấn/ha. Còn với các đám bị nhiễm nặng, tôi buộc phải nhổ bỏ. Tình hình này, năng suất thu hoạch sẽ khó mà đạt được như mọi năm” - ông Hưng nói.

img

Nỗ lực tìm giống sắn kháng bệnh ở Tây Ninh không đạt được mục tiêu như mong đợi. Ảnh: Nguyễn Vy

Cuối tháng 10, giá sắn nguyên liệu (loại 30% chữ bột) ở Tây Ninh chỉ còn 2.500 - 2.550 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so hồi giữa tháng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết cùng với nhu cầu từ Trung Quốc thấp, Hiệp hội Sắn dự báo sản lượng xuất khẩu sắn lát năm 2019 của Việt Nam ước đạt ngưỡng 300.000 tấn, giảm khoảng 54% so với năm 2018.

Tại huyện Cẩm Mỹ, diện tích sắn hiện có gần 500ha, tăng gần 200ha so với cùng kỳ. Dù diện tích nhiễm bệnh ít hơn các địa phương khác, nhưng ngành chức năng của huyện cho biết khảm lá đã xuất hiện và gây hại trở lại.

Tính đến đầu tháng 9, Đồng Nai có 676ha sắn bị dịch khảm lá, tập trung ở các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Trảng Bom,... Cuối tháng 9, dịch khảm lá có chiều hướng bùng phát trở lại, làm thiệt hại gần 700ha. Đến cuối tháng 10, tổng diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá toàn tỉnh tăng lên gần 1.000ha (tổng diện tích sắn toàn tỉnh hơn 14.000ha).

Ông Ngô Văn Truyền Lâm - kỹ sư Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Trong lúc dịch bệnh đang phát triển mạnh, người dân cần thường xuyên chuyển đổi các loại cây ngắn ngày để luân canh cải tạo đất, giảm sâu bệnh”.

Sở hữu diện tích sắn lớn nhất nước, cũng là “thủ phủ” của dịch khảm lá, tỉnh Tây Ninh dù đã rất nỗ lực phối hợp cùng các ngành chức năng tìm giống kháng bệnh nhưng đến nay, vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh KM94 ở huyện Tân Châu đã không đạt được mục tiêu. Mô hình trồng thử nghiệm 160ha sắn, đến nay đã hơn 9 tháng tuổi, nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh tăng lên 40 - 80%.

Mô hình trồng thâm canh cây sắn bền vững với diện tích 27ha tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Dù được cách ly bằng không gian mặt nước trong lòng hồ Dầu Tiếng, nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh vẫn lên đến 50%. Hiện, sắn ở đây được 8 tháng tuổi, trong giai đoạn nuôi củ.

Nỗ lực bất thành

Ông Phan Ánh Phương - người tham gia trồng khoảng 80ha sắn bằng giống KM94 trong mô hình ở huyện Tân Châu (Tây Ninh) cho biết, sắn bắt đầu nhiễm bệnh từ giai đoạn 4 tháng tuổi. Khi cây sắn cao lớn, vượt quá đầu người, việc phun xịt thuốc trừ bọ rất khó khăn. Bọ phấn trắng bắt đầu tấn công và hiện, gần như toàn bộ diện tích trong mô hình đã nhiễm bệnh.

Theo Sở NNPTNT tỉnh, mục tiêu khống chế bọ phấn trắng xâm nhập và lây lan không đạt được. Ngoài ra, chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cùng với tiền thuê nhân công tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh tăng nên hiệu quả triển khai mô hình không cao. Ngành nông nghiệp đang hoàn chỉnh thủ tục, đề nghị ngừng mô hình, tiến tới sử dụng giống sắn sạch bệnh từ các tỉnh khác.

Nhưng theo ông Phương, sắn trong mô hình dù nhiễm bệnh nhưng năng suất củ vẫn không giảm nhiều, 1ha có thể cho sản lượng từ 30 - 35 tấn. Giá sắn hiện nay vẫn đảm bảo nông dân có lãi (dù không nhiều) nên người dân vẫn tiếp tục mua giống đã nhiễm bệnh ngay trong tỉnh để tái sử dụng.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, hiện tại, hầu hết nhà máy chế biến sắn trên cả nước đã chạy máy vụ 2019 - 2020. Nguồn sắn lát cho vụ mới đã có. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh mặt hàng này chủ yếu gom hàng xuất khẩu luôn và không nhập kho trữ hàng vì độ ẩm đầu vụ cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem