Dịch khảm lá sắn khó diệt, Bộ NNPTNT 4 lần làm việc với Tây Ninh

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 31/07/2019 15:00 PM (GMT+7)
Kết quả thực hiện các mô hình sản xuất giống mì sạch bệnh tại Tây Ninh đều cho thấy có tỷ lệ nhiễm bệnh khảm lá. Tây Ninh khó có thể sản xuất tốt giống mì sạch bệnh vì áp lực loại bệnh này quá cao.
Bình luận 0

img

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khảo sát thực tế tại mô hình sản xuất thử nghiệm giống khoai mì sạch bệnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sáng ngày 30/7, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh dẫn đầu đoàn khảo sát kiểm tra tình hình thực tế tại mô hình sản xuất thử nghiệm giống khoai mì sạch bệnh tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Mô hình có quy mô 160 ha, gồm 100 ha vùng lõi, 60 ha vùng vành đai bảo vệ.

Mô hình này sử dụng giống sắn KM 94 sạch bệnh, xuống giống tập trung từng lô và toàn mô hình trong khoảng thời gian 2 tuần (từ giữa tháng 12/2018). Mô hình có sử dụng bẫy dính vàng dự báo bọ phấn trắng. Ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ lượng thuốc phun trừ bọ phấn trắng cho 10 lần phun ở giai đoạn dưới 4 tháng tuổi. Đến cuối vụ sẽ thu hồi cây mì sạch bệnh chuyển giao cho các huyện tiếp tục nhân giống.

Tuy nhiên, bệnh bắt đầu xuất hiện rải rác ở thời điểm 25 ngày sau khi trồng. Đến giai đoạn dưới 6 tháng tuổi, bệnh xuất hiện trên ruộng với tỷ lệ dưới 20%. Từ tháng thứ 6 sau khi trồng đến nay, bệnh bắt đầu gia tăng tỷ lệ lây nhiễm.  Đến nay, cây mì đã được 203 – 219 ngày sau trồng và tỷ lệ nhiễm bệnh đã lên đến 55%.

img

Cây mì trồng trong mô hình vẫn bị nhiễm bệnh ở các mức độ khác nhau. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết hiện 2 hộ dân sản xuất không tiêu hủy hết cây bệnh trên ruộng sản xuất giống vì cây cao, sinh khối lớn, đang phát triển củ nên nông dân muốn giữ lại đến cuối vụ thu hoạch củ. Sau đó mới loại bỏ cây bệnh trước khi thu hồi cây giống để hạn chế thiệt hại kinh tế cho người đầu tư.

Mô hình này sử dụng kinh phí thực hiện từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia và ngân sách tỉnh đầu tư. “Với tỷ lệ nhiễm bệnh cao như thế, Sở sẽ không sử dụng cây mì trong mô hình này để làm giống”, ông Nguyễn Duy Ân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết.

Tương tự, mô hình trình diễn thâm canh khoai mì bền vững với diện tích 27 ha trồng cách lý trong đảo Suối Nhiếm, hồ Dầu Tiếng cũng có tỷ lệ nhiễm bệnh 60%.

img

Sở NNPTNT Tây Ninh sẽ không sử dụng cây mì trong mô hình đã nhiễm bệnh để làm giống. Ảnh: Nguyên Vỹ

Mô hình này cũng dùng giống mì KM 94 sạch bệnh, đến nay đã được 6 – 7 tháng tuổi. Nguyên nhân bệnh phát sinh mạnh giai đoạn sau 3 tháng trồng do trong vùng có nhiều nông dân trồng giống nhiễm bệnh nên đã lây lan sang mô hình trình diễn.

Tuy nhiên, tại 2 mô hình này đều có điểm tích cực là triệu chứng biểu hiện bệnh làm mất diệp lục tố trên phiến lá chỉ ở mức thấp, lá ít bị biến dạng và các thành phần năng suất như số lượng củ, trọng lượng củ không khác biệt nhiều giữa cây có bệnh và cây không nhiễm bệnh.

Trước tình hình trên, Sở NNPTNT Tây Ninh đề xuất không thực hiện mô hình, dự án nhân giống cây sạch bệnh ở vùng có dịch vì áp lực bệnh quá cao. Các tỉnh trồng mì trong nước rà soát các vùng sản xuất không có bệnh khảm lá để liên kết giới thiệu cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu mua sử dụng.

img

Điểm tích cực là số lượng, trọng lượng củ không khác biệt nhiều giữa cây có bệnh và cây không nhiễm bệnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đồng thời, tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét bố trí vốn hỗ trợ cho tỉnh nguồn vốn 2 tỷ đồng để xây dựng mô hình hỗ trợ vận chuyển cây giống từ những vùng chưa nhiễm bệnh ở các tỉnh về cung ứng cho người dân trên địa bàn tỉnh trong vụ đông xuân 2019 – 2020 từ nguồn vốn Trung ương.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Quốc Cường – Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết đến nay tỷ lệ bệnh khảm lá mì trong mô hình hơn 50%. Tuy biểu hiện triệu chứng bệnh chỉ ở mức nhẹ, ít ảnh hưởng đến năng suất nhưng kết quả cho thấy không thể tổ chức sản xuất giống theo biện pháp truyền thống ngay trong vùng áp lực bệnh cao như ở Tây Ninh.

Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá mì cũng nêu đề xuất Tây Ninh không tiếp tục sản xuất giống sạch bệnh trong tình hình hiện tại mà tổ chức chỉ đạo, hỗ trợ, vận động nông dân thu mua giống mì sạch bệnh ở các tỉnh không bị nhiễm về làm giống để đảm bảo an toàn dịch bệnh

img

Cây mì vẫn đang được người dân lựa chọn để canh tác vì hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng truyền thống khác. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết đây là lần thứ 4 Bộ cùng làm việc với tỉnh Tây Ninh để bàn tiếp câu chuyện về dịch khảm lá mì. Ghi nhận tại thực tế, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao những nỗ lực mà Tây Ninh đã triển khai  trong thời gian qua.

Thực tế cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh năm 2019 đã giảm hơn hẳn so với các năm trước đó. Bọ phấn trắng vẫn tỏ ra nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh nhưng mật số đã giảm. Cây mì vẫn đang sinh trưởng tốt, năng suất củ không bị ảnh hưởng nhiều và nông dân vẫn tiếp tục lựa chọn cây trồng này để canh tác vì hiệu quả cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ cấu mùa vụ là điều đáng lo ngại khi tỉnh Tây Ninh gần như luôn duy trì sự hiện diện cây mì trên đồng.

“Ngoài việc tiếp tục tuyển lựa giống kháng bệnh, Tây Ninh cần bàn tính kỹ với các ngành chuyên môn về việc chọn địa điểm triển khai mô hình. Mật độ bọ phấn trắng có giảm nhưng phải có số liệu cụ thể để đánh giá chính xác về tác nhân truyền bệnh này”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem