Không thể chờ giống sạch, chính con người cũng gây dịch khảm lá

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 06/11/2018 19:30 PM (GMT+7)
Không chỉ do bọ phấn trắng, chính con người cũng là tác nhân lây bệnh khảm lá khi hom sắn (mì) giống đã nhiễm bệnh vẫn tiếp tục được trao đổi, sử dụng lại trên đồng, trồng tiếp cho vụ sau...
Bình luận 0

Giống kháng bệnh chưa có, kinh phí hỗ trợ tiêu hủy không cao, việc quản lý hom mì giống nhiễm bệnh trở thành vấn đề nan giải tại Tây Ninh cũng như nhiều tỉnh thành khác.

Không thể chờ giống sạch

Hơn một năm trôi qua, dù Bộ NNPTNT, UBND và Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh đã có nhiều biện pháp phòng, chống nhưng đến nay, dịch bệnh khảm lá mì vẫn hoành hành. Nhiều nông dân ở Tây Ninh vẫn đang tìm cách “sống chung với lũ”. Dù biết mì nhiễm bệnh, nông dân vẫn liều mình trồng tiếp cây mì cho vụ sau.

img

  Người dân chặt hom mì để làm giống.  Ảnh  Vũ Nguyệt

Tại huyện Tân Biên, anh Lê Thành Trung nhẩm tính, với giá củ mì tươi hiện hơn 3.000 đồng/kg, nếu 1ha mì bị bệnh khảm lá cho năng suất khoảng 30 tấn khi thu hoạch thì bán được khoảng 100 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, người trồng vẫn còn lãi khoảng hơn 40 triệu đồng/ha. Do đó, anh Trung cũng như nhiều nông dân khác vẫn tiếp tục chọn trồng mì và duy trì nguồn giống cũ, không chuyển sang cây trồng khác.

Ông Lê Thiện Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, trong công tác phòng chống hiện nay, giống là vấn đề nan giải nhất. Huyện đã khuyến cáo dùng giống sạch nhưng nông dân không chờ được. Biết hom giống cũ đã nhiễm bệnh nhưng đến vụ không thể không dùng.

img

Ông Nguyễn Duy Ân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh thừa nhận, ngành nông nghiệp có khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng do tình hình dịch bệnh, thị trường tiêu thụ và thói quen canh tác, diện tích mì chuyển sang cây trồng khác chưa nhiều. Toàn tỉnh chỉ có khoảng 10.000ha chuyển đổi, mới đạt gần 20% tổng diện tích trồng mì ở Tây Ninh.

Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Tây Ninh hoàn thiện mô hình xây dựng vùng mì sạch bệnh với nguồn giống kháng. Đồng thời, Cục BVTV cũng cần liên hệ bàn giải pháp chung với nước bạn Campuchia, không nên dừng lại ở mức loanh quanh trong nội địa”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh

Qua rà soát trên địa bàn tỉnh có khoảng 39 điểm bán cây giống tại địa bàn 5 huyện. Hầu hết các điểm bán đều là tự phát theo nhu cầu mùa vụ, không có cửa hiệu, nông dân bày bán ngoài đường hoặc trao đổi giống ngay trên ruộng mì. 

Ngoài giống mì HL-S11 bị nhiễm nặng, tỷ lệ kháng của giống có tính kháng tương đối như KM94 cũng ngày càng giảm sút. 100% diện tích mì toàn tỉnh gần như đã nhiễm bệnh.

Căng thẳng năng suất mì

Theo Sở NNPTNT, 9 tháng đầu năm 2018, diện tích cây mì trên địa bàn tỉnh là 50.000ha; tăng 5,4% so với cùng kỳ, vượt 11,2% kế hoạch. Tuy nhiên, năng suất mì bị sụt giảm mạnh, khoảng 30-50%. Tính đến cuối tháng 10, diện tích nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh gần  35.100ha, tăng gấp 6 lần so với năm 2017. 

Ông Lê Quốc Cường - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đánh giá, ngoài bọ phấn trắng, chính con người cũng là tác nhân truyền bệnh. Bên cạnh 12 tỉnh đã nhiễm bệnh, cần khống chế không cho bệnh khảm lá lây lan ra miền Bắc, ảnh hưởng vùng nguyên liệu của cả nước.

Ông Tạ Văn Minh - nông dân huyện Dương Minh Châu cho rằng, giá củ mì cao trong bối cảnh dịch bệnh tràn lan hiện nay thực chất là tình trạng mất mùa được giá. Người dân muốn trồng mì sạch bệnh nhưng các biện pháp hiện nay chưa đem lại hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, bọ phấn trắng lây lan theo kiểu chạy tiếp sức, cộng thêm tác nhân con người nên càng khó quản lý bệnh khảm. Các địa phương phải thực hiện nghiêm túc và triệt để các quy trình phòng trừ đã công bố, từ xử lý hom giống đến canh tác. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn là giải pháp quan trọng hiện nay. Nơi nào người dân thể hiện sự đồng thuận cao, quyết tâm cùng chính quyền, nơi đó mới phòng trừ tốt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem