Trước thực trạng người dân nằm trong Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc thuộc địa bàn xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội phản ánh, PV Báo Dân Việt đã có cuộc làm việc với đại diện UBND xã Thạch Hòa để làm rõ vấn đề.
CLIP: Người dân sống trong khu Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc: "Chúng tôi quá khổ!"
Trước nội dung PV Dân Việt đề cập, ông Nguyễn Văn Thá, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa, với lý do bận đi công tác, đã giới thiệu phóng viên gặp Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Hưng.
Tiếp chúng tôi, vị Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa Hoàng Văn Hưng nói: "Hạ tầng chưa đâu vào đâu" và thừa nhận việc có hàng trăm hộ dân đang phải sinh sống tạm, bợ trong khu DDự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc do chưa về ở tại khu đất tái định cư.
"Khu tái định cư đã được quy hoạch nhưng còn nhiều bất cập, triển khai không đồng bộ, thi công chậm tiến độ, hiện nay vẫn chưa có đường, chưa có điện, chưa có nước sạch để phục vụ nhu cầu của người dân", ông Hưng giãi bày.
Ông Phùng Văn Hạnh, Công chức Địa chính xã Thạch Hòa cũng khẳng định điều trên với PV Dân Việt: Do các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch nên hệ thống đường giao thông liên thôn xuống cấp không được đầu tư sửa chữa, gây khó khăn cho cuộc sống người dân. "Xã chỉ là cơ quan phối hợp với huyện để giải phóng mặt bằng. Trước đây, ĐHQG Hà Nội "ôm", không bàn giao, đến năm 2014 mới bàn giao cho huyện", ông Hạnh thông tin.
Thông tin về tiến độ thực hiệnDự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, ông Hoàng Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa khẳng định: "Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội hiện mới chỉ triển khai được 2 tòa nhà, còn lại vẫn giậm chân tại chỗ. Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến dự án để sớm đi vào hoàn thiện, ổn định đời sống của người dân tại địa bàn".
Theo báo cáo của UBND xã Thạch Hòa, về kết quả triển khai thực hiện dự án và những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc: Diện tích xây dựng ĐHQG Hà Nội là hơn 860 ha; dự án xây dựng khu tái định cư ĐHQG Hà Nội là hơn 113ha (với hai phân khu phía Bắc và phía Tây).
Tổng diện tích UBND xã Thạch Hòa phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện và Trung tâm phát triển đô thị Đại học đã bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là hơn 940ha/1.170,21ha. Với tổng kinh phí tiếp nhận và chi trả cho cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất là hơn 536 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND xã Thạch Hòa, khu tái định cư được quy hoạch ở phía Bắc của dự án, vị trí khu TĐC tiếp giáp với đất quân sự, các đơn quân đội vị thường xuyên tổ chức huấn luyện và tổ chức diễn tập bắn đạn thật. Do vậy không đảm bảo an toàn cho người dân được cấp và giao đất.
Bên cạnh đó, khu đất của một số đơn vị quân đội tiếp giáp khu tái định cư, đơn vị cho tổ chức cá nhân thuê đất làm trang trại chăn nuôi lợn và gia cầm. Quy mô trang trại chăn nuôi lớn, thường xuyên xả thải không qua xử lý ra môi trường. Do vậy gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí cho toàn bộ khu vực dân cư thôn 5, trong đó có khu tái định cư ĐHQG Hà Nội.
Một trong những vướng mắc cũng được UBND xã Thạch Hòa chỉ ra là, công tác lập quy hoạch dự án, phân lô, tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư còn bất cập, triển khai xây dựng không đồng bộ, thi công chậm tiến độ.
Chưa có đường vào khu tái định cư, do đường trục chính vào khu tái định cư thuộc đất của Bộ Quốc phòng. Chưa có quyết định thu hồi để triển khai xây dựng đường vào cho người dân. Từ các nguyên nhân trên dẫn đến tâm lý của người dân không muốn bốc thăm và nhận đất tái định cư khi được bố trí vào khu tái định cư ĐHQG Hà Nội", báo cáo của UBND xã Thạch Hòa nêu rõ.
Đáng chú ý, UBND xã Thạch Hòa cho hay, từ năm 2013 đến nay, chủ dự án không bố trí được nguồn vốn để thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường cho người dân bị thu hồi đất. Không bố trí được kinh phí để triển khai đầu tư các hạng mục công trình đường giao thông, đường điện, đường nước sạch trong khu TĐC. Do không có vốn nên dẫn đến dự án bị chậm tiến độ.
CLIP: Cảnh tượng hoang hóa trong Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Ngoài ra, UBND xã Thạch Hòa cũng cho rằng, thời gian thực hiện dự án kéo dài từ năm 2003 đến nay là bởi vì "cùng một dự án nhưng chính sách giải phóng mặt bằng lại khác nhau" như chính sách bồi thường, hỗ trợ của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) thực hiện năm 2005 và chính sách bồi thường, hỗ trợ hiện nay của UBND TP.Hà Nội thực hiện năm 2013.
Cùng đó, đối với các hộ ở trên đất nông nghiệp tồn tại hai loại. Một là các hộ được 2 thửa đất, trong đó một thửa có đất ở và một thửa đất nông nghiệp. Hai là các hộ không được giao đất ở, chỉ được giao đất nông nghiệp nhưng làm nhà và sinh sống, ở trên thửa đất nông nghiệp. "Cả hai nhóm trên đều không còn chỗ ở nào khác trên địa bàn và hộ không di chuyển bàn giao mặt bằng" – báo cáo của UBND xã Thạch Hòa cho hay.
Trước những vấn đề trên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND xã Thạch Hòa đề nghị UBND huyện Thạch Thất, Hội đồng bồi thường hỗ trợ TĐC huyện Thạch Thất, Trung tâm phát triển đô thị ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc và Ban quản lý Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đề nghị chủ đầu tư bố trí nguồn kinh phí, tổ chức chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi cho dự án. Triển khai xây dựng hạ tầng khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội, các công trình hạ tầng kỹ thuật dự án.
Đề nghị UBND huyện Thạch Thất, các ban ngành huyện, các Sở ban ngành TP.Hà Nội tập trung rà soát quy hoạch các hạng mục dự án. Trình UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định thu hồi đất; Quyết định phê duyệt quy hoạch và triển khai xây dựng thực hiện dự án...
Một tin mừng cho người dân sinh sống trongDự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được đại diện UBND xã Thạch Hòa thông tin là: Chính phủ đã có kế hoạch cấp 500 tỷ trong năm nay, trong đó có hơn 130 tỷ xây dựng khu tái định cư ĐHQG Hà Hội ở Hòa Lạc.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030. Trong đó Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Dự án Ðại học Quốc gia (ÐHQG) Hà Nội được coi là vùng lõi, là động lực để đô thị vệ tinh Hòa Lạc phát triển.
Đánh giá về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, hạ tầng vẫn còn ngổn ngang, chưa giống với hình dung một khu công nghệ cao đầy đủ hạ tầng về giáo dục, y tế và các thiết chế cần thiết khác, vì thế, chưa tạo được sức hút.
Theo lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, định hướng phát triển đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, với quy mô nghiên cứu khoảng 17.274 ha. Ðây là 1 trong 5 khu đô thị vệ tinh lớn của thành phố được triển khai đầu tư trong những năm tới. Ðầu tư xây dựng Khu đô thị Hòa Lạc và tiếp tục phát triển khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ðại học Quốc gia Hà Nội sẽ là điều kiện thuận lợi, tác động mạnh mẽ để huyện Thạch Thất phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh.