"Siêu dự án" Đại học quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc "đắp chiếu" hơn 10 năm: Hàng nghìn người dân quá khổ (Bài 1)

Thành An - Trần Kháng Thứ năm, ngày 17/09/2020 08:00 AM (GMT+7)
"16 năm trước chúng tôi tưởng được đi rồi nhưng khu tái định cư cứ trì trệ đến nay. Chúng tôi quá khổ!", một người dân sinh sống trong đất của Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, than.
Bình luận 0

Phản ánh đến báo Dân Việt, người dân thôn 5, xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội) cho hay, Dự án Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội tại Hòa Lạc chậm tiến độ hơn 15 năm qua khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân gặp nhiều khó khăn.

Hàng nghìn người dân mòn mỏi sống trong "siêu dự án" Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc

Qua phản ánh của người dân, cả thôn 5 có khoảng 600 hộ dân, gần 2.500 nhân khẩu đang sống trong đất thuộc dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (ở Hòa Lạc).

CLIP: Người dân sống trong khu dự án ĐHQG Hà Nội: "Chúng tôi quá khổ!"

Siêu dự án chậm tiến độ hơn 15 năm nay khiến đời sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn, thường xuyên phải sống trong thấp thỏm, lo âu bởi nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa, cây cối, hoa màu phải giữ nguyên không được trồng mới, con cái lấy vợ, lấy chồng có thêm con, cháu nhưng sống chật chội, bí bách.

Nhiều hộ dân được kiểm đếm đất, cây cối, hoa màu từ năm 2005 đến nay đã được hỗ trợ, đền bù nhưng có những hộ vẫn chưa. Đặc biệt, khu tái định cư đã được "quy hoạch" song điện, đường, nước sinh hoạt vẫn chưa được hoàn thiện.

Ông Cấn Văn Tân, người dân sinh sống tại thôn 5, xã Thạch Hòa than: "Từ năm 2005 đến nay chúng tôi sống "bất đắc dĩ" trong đất của dự án đại học quốc gia Hà Nội. Nhà thì dột nát, sửa không được, làm mới cũng không xong… nếu sửa thì phải xin ý kiến chính quyền rất phức tạp". Leo lên mái nhà nhấc bổng tấm bạt, ông Tân nói thêm: "Chúng tôi phải làm tạm để chống dột, ngăn không cho nước mưa vào nhà. Nhà báo thấy dân chúng tôi có khổ không?".

Bài 1: Hàng nghìn người dân sống khổ sở vì dự án ĐHQG Hà Nội ở Hòa Lạc - Ảnh 2.

Gia đình anh Cấn Văn Tân - thôn 5, xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội) phải sinh sống tạm bợ trong ngôi nhà của mình nằm trong đất Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. (Ảnh: Thành An)

Bài 1: Hàng nghìn người dân sống khổ sở vì dự án ĐHQG Hà Nội ở Hòa Lạc - Ảnh 3.

Ngôi nhà nhỏ của anh Tân thường xuyên bị dột khi mưa bão đến, đã vậy nhà không được cải tạo sửa chữa trong nhiều năm đã xuống cấp ít nhiều tiềm ẩn nguy hiểm cho những người trong gia đình anh. (Ảnh: Thành An).

Người đàn ông trong dáng hình khắc khổ bảo, sở dĩ gia đình ông phải sinh sống khổ sở ở đây 15 năm qua bởi đất của gia đình nằm trong Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội, sau khi cơ quan chức năng kiểm đếm, hỗ trợ đền bù nhưng không đảm bảo đất tái định cư cho người dân nên không chỉ gia đình ông mà hàng trăm hộ dân khác trong thôn "bất đắc dĩ" phải ở lại. "Chỉ khi nào có đất tái định cư và đất tái định cư có đảm bảo cho đời sống của chúng tôi thì chúng tôi mới đi", ông Tân quả quyết.

Bà Phùng Thị Khương, Cộng tác viên dân số thôn 5, ủy viên BCH Phụ nữ xã Thạch Hòa, đồng thời kiêm là thành viên Ban Chấp hành Mặt trận của thôn cho hay: Năm 1990 bà bắt đầu về làm công nhân ở Nông trường 1A. Đến năm 1995, đất Nông trường bắt đầu được quy hoạch làm Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội, dự án được kiểm đếm từ năm 2005.

"15 năm qua người dân chúng tôi chưa chuyển đi vì công tác Giải phóng mặt bằng. Công tác kiểm đếm trao trả mặt bằng cho chính quyền người dân làm rất tốt nhưng việc giải quyết các chế độ cho người dân thì cơ quan chức năng có thẩm quyền làm không được kịp thời, nhiều bất cập", bà Khương nói về lý do người dân sống trong đất dự án. 

Bài 1: Hàng nghìn người dân sống khổ sở vì dự án ĐHQG Hà Nội ở Hòa Lạc - Ảnh 4.

Khu vực người dân xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội) sinh sống tạm bợ trong đất của dự án Đại học quốc gia Hà Nội nằm xa đường Quốc lộ, hẻo lánh... (ảnh: Thành An).

Bồi thường chỉ 5 nghìn/m2 không bằng mua 1 cây cải bắp: Tiền đâu mua đất xây nhà?

Theo bà Khương, nhiều lần tại các buổi tiếp xúc cử tri người dân kiến nghị nhưng cơ quan chính quyền các cấp chưa giải quyết dứt khoát, không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân nên "cực chẳng đã" hàng trăm con người phải bám trụ ở đây.

Kể về quá trình hình thành thôn từ ngày còn là thôn 10 sau đó sáp nhập thành thôn 5, nữ cán bộ thôn này giãi bày: Hiện nay người dân ở thì đông, lại dàn trải ở nhiều nơi, cán bộ lại ít nên việc sát sao với người dân là không thể khiến người dân bị thiệt thòi đủ thứ. Nhiều khi chính quyền thông tin ở trên loa phát thanh thì người dân ở thôn 10 cũ giờ sáp nhập vào thôn 5 không được tuyên truyền vì ở xa.

Cùng đó, đất đang ở trong vùng quy hoạch nên không được đầu tư, đường đi khó, thành "ổ voi", "ổ trâu", xin được tu bổ thì chỉ được gọi là sửa tạm thời nhưng không đạt yêu cầu, tuyên truyền trên loa đài thì hoàn toàn không được biết. Về vấn đề hỗ trợ, đền bù, ở đây chúng tôi không được đền bù mà chỉ được hỗ trợ là chính.

"Ngày xưa đất đai rất rộng, hỗ trợ ngày ở Hà Tây không được bao nhiêu, chỉ 5 nghìn/m2 không bằng mua 1 cây cải bắp", bà Khương ví von và khẳng định: "Bây giờ dân chúng tôi cần nhất là đảm bảo cơ sở hạ tầng tại khu tái định cư theo tiêu chuẩn của nhà nước, còn không chúng tôi quyết không di dời, ở lại thì chính quyền phải hỗ trợ cho chúng tôi trong giai đoạn chờ đợi 10 năm nay. Người dân phải "an cư lạc nghiệp" thì mới bàn giao nốt mặt bằng, hiện nay người dân chúng tôi đi không được, ở cũng không yên…rất bức xúc".

Bài 1: Hàng nghìn người dân sống khổ sở vì dự án ĐHQG Hà Nội ở Hòa Lạc - Ảnh 6.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt và thông qua năm 2003, với mục tiêu phát triển một đô thị đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.

Chung nỗi niềm với hàng trăm hộ dân, ông Đặng Quang Thanh, người dân Thôn 5 lại canh cánh việc xây dựng nhà cửa nếu được bố trí đất tái định cư. "Khi kiểm đếm, gia đình tôi nhận được hỗ trợ 42 triệu đồng, tuy nhiên khi nhận đất ở tái định cư cơ quan chức năng bảo gia đình tôi phải nộp gần 100 triệu mới được nhận đất. Hỏi rằng gia đình chúng tôi lấy số tiền đấy ở đâu ra để nộp để nhận đất. Sau đó lấy đâu tiền để xây dựng nhà cửa, trang trải cuộc sống….", ông Thanh giãi bày và cho hay, hiện tại cuộc sống của gia đình vô cùng khó khăn, nhà cửa thì tạm bợ, đất làm chè thì bàn giao cho chính quyền nên hiện nay "bữa cháo bữa rau nuôi nhau".

Hoang hóa... 

Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, ngay cổng vào Khu dự án đại học quốc gia Hà Nội nằm trên địa bàn xã Hòa Thạch (Thạch Thất, Hà Nội) – ngay sát đường Đại lộ Thăng Long đi Cao tốc Hòa Bình xuất hiện tấm biển lớn giới thiệu về dự án bị cỏ dại mọc che khuất phía bên dưới. Trong khu vực dự án, chỉ có một số công trình đang hoạt động như Khu nhà khách ĐHQG Hà Nội, Khu quốc phòng an ninh, Ban quản lý dự án. Còn lại, chủ yếu khu đất trống được bao trùm bởi cây, cỏ.

CLIP: Cảnh tượng hoang hóa trong Dự án ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc.

Gần đây, một công trình đang xây dựng là Dự án đầu tư xây dựng một số công trình thuộc Zone 4 đầu tư xây dựng Đại học Khoa học Tự nhiên. Song, công trình này đã tạo ra nhiều ý kiến không hài lòng với nhân dân xung quanh.

Bài 1: Hàng nghìn người dân sống khổ sở vì dự án ĐHQG Hà Nội ở Hòa Lạc - Ảnh 8.

Dự án Xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc trở nên hoang hóa sau nhiều năm không được thi công. (ảnh: Thành An)

Bài 1: Hàng nghìn người dân sống khổ sở vì dự án ĐHQG Hà Nội ở Hòa Lạc - Ảnh 9.

Các phương tiện, máy móc phục vụ cho xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc nhiều năm không hoạt động nằm im một chỗ đã có dấu hiệu hỏng hóc. (Ảnh: Thành An)

Bài 1: Hàng nghìn người dân sống khổ sở vì dự án ĐHQG Hà Nội ở Hòa Lạc - Ảnh 10.

Đường bộ bộ xây dựng khang trang, đẹp đẽ với nhiều làn đường "trở thành" đường cho gia súc đi lại. (Ảnh: Thành An).

Đường nội bộ được đầu tư quy mô và rộng vài chục mét với nhiều làn xe chạy. Nhiều tuyến, hai bên đường đã làm sẵn lối đi trên vỉa hè, lát bằng gạch trông khá mới. Tuy nhiên, qua nhiều năm, phần lớn những con đường này đã được cây cỏ mọc chen vào, rậm rạp che kín phần lớn nhiều lối đi.

Thậm chí, gần khu Nhà khách Đại học quốc gia Hà Nội xuất hiện một khu vực tập kết nhiều phương tiện như xe ô tô, xe lu, máy móc trộn bê tông đã gỉ sét, bong lớp sơn, bị cỏ dại mọc che khuất. 

Các phương tiện khác sau thời gian nhiều năm nằm phơi mưa nắng đã xuống cấp trầm trọng, qua quan sát, nhiều khả năng chỉ còn bán thanh lý sắt vụn. Trên các phương tiện này, nhiều chỗ có ghi tên "Licogi". 

Cách đó vài trăm mét, một bãi tập kết vật liệu xây dựng siêu lớn, trải dài hàng chục mét. Nhiều xe ô tô đi lại, vận chuyển phương tiện vào bãi này. Một công nhân tại đây cho biết, đây là bãi trung chuyển vật liệu xây dựng để chở đi nơi khác.

Không những vậy, phần lớn diện tích bị bỏ hoang, không có người ở, nên nhiều người dân đã coi đây là khu vực chăn thả trâu, bò vào khu vực đất Đại học quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc. Đơn cử, dọc con đường gần với khu Giáo dục An ninh Quốc phòng, hàng chục con trâu được chăn thả. Đường lát vỉa hè đẹp đẽ thành ra lối đi lại cho đàn trâu, bò. "Ở ngoài đồng khó quản lý, thả trâu vào khu vực Đại học quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc nhiều cỏ, lại không phải trông nom gì" – một người chăn thả trâu nói với PV.

Sau khi đi một vòng, PV Báo Dân Việt chỉ thấy có một công trình đang được xây dựng mới là Dự án đầu tư xây dựng một số công trình thuốc Zone 4 đầu tư xây dựng Đại học Khoa học Tự nhiên. Việc triển khai chậm với đại dự án này đang gây ra sự lãng phí rất lớn do nhiều công trình chậm đưa vào khai thác, việc giãn các trường đại học trong nội đô không biết khi nào mới thành hiện thực.

Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 695/QĐ-TTCP ngày 16/10/1995 về việc quy hoạch và xây dựng Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, trên diện tích đất của Nông trường quân đội 1A quản lý và sử dụng tại Hòa Lạc.

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/1998/QĐ-TTg ngày 26/01/1998 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 702/QĐ-TTg ngày 23/8/2002 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc tại Quyết định số 22/1998 QĐ-TTg ngày 26/01/1998.

Năm 2003, trên cơ sở quy hoạch Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc đã được Chính phủ phê duyệt, trên diện tích đất do Nông trường quân đội 1A quản lý, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND ngày 15/7/2003 về việc thu hồi 8.606.641 m2 đất của NT1A (cũ) quản lý, sử dụng thuộc địa bàn xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất. Giao ĐHQG Hà Nội quản lý để thực hiện Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tây còn ban hành Quyết định 874/QĐ-UBND ngày 26/8/2004 về việc thu hồi 1.137.160m2 đất của Nông trường để thực hiện dự án Tái định cư (TĐC) cho Dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem