Giới đầu tư đất nền Hoà Lạc ồ ạt 'lướt sóng' giấy đặt cọc?

Thành Thái Thứ ba, ngày 24/03/2020 07:00 AM (GMT+7)
Xuất phát từ thông tin đề xuất dự án mới, đất nền Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã tăng “nóng” và đứng trước nguy cơ sốt ảo… khi cò đất liên tục thổi giá và chủ yếu các giao dịch chỉ “lướt sóng” giấy đặt cọc.
Bình luận 0

Đi mua đất… như đi chợ

Những ngày qua, sau khi có thông tin Tập đoàn Vingroup vừa có văn bản gửi UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) đề nghị xây dựng 2 khu đô thị trên địa bàn, hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô về khu vực này khiến “cơn sóng” đất bất ngờ được thổi lên làm cho giá đất tăng nhanh theo từng giờ, ngày.

Có mặt tại khu vực Đồng Trúc (huyện Thạch Thất), cảnh tượng môi giới, nhà đầu tư đi xem đất nhộn nhịp như một phiên chợ. Khung cảnh ít ai ngờ tới giữa cánh đồng ven xã Đồng Trúc, ngay trong những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp lại nhộn nhịp “chợ bất động sản” với cả trăm môi giới miệt mài thổi giá đất.

img

Môi giới, nhà đầu tư đi xem đất ở khu vực Đồng Trúc đông như đi chợ. 

Một số người dân ở xã Đồng Trúc cho biết, sau khi thông tin dự kiến thực hiện khu đô thị 300 ha thì giá đất tại địa phương này tăng lên từng ngày. Tăng giá chóng mặt nhất là khu đất phân lô giãn dân Quan Giai ở xã Đồng Trúc, chỉ trong vài ngày, nhiều lô đất tại đây đã tăng giá gấp 2 – 3 lần.

“Mấy ngày rồi, đường trong làng liên tục ùn tắc vì nhiều ô tô, xe máy của thợ săn đất, cò đất đi lại nhộn nhịp. Tuần trước, làng tôi bình yên bao nhiêu thì tuần này nhốn nháo vì tăng giá đất bấy nhiêu. Đâu đâu cũng nói chuyện mảnh nọ, thửa kia chốt bán giá tăng theo ngày, thậm chí từng giờ”, bà Nguyễn Thị Tạo, 45 tuổi, người dân xã Đồng Trúc chia sẻ.

img

Xe ô tô xếp hàng dài trong một con đường làng... 

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Giáp, 50 tuổi, người dân xã Đồng Trúc, khu này có vài chục lô đất phân lô diện tích từ khoảng 150 m2 đến 250 m2. Nhưng môi giới và khách tập trung hết ở đây, giới thiệu luôn cả những ô, thửa đất ở những khu vực khác.

“Giá cả còn tùy vị trí, nhưng phổ biến dao động từ 5 triệu đồng/m2 đến vài chục triệu đồng/m2. Đa số tăng lên gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với 10 ngày trước thôi”, ông Giáp nói.

Đặt cọc, bán cọc

Qua ghi nhận, một số môi giới ở đây tiết lộ trong hàng trăm người có mặt tại “chợ bất động sản” này thì chỉ khoảng 10% là khách đến xem đất. Giá tăng từng giờ, thậm chí từng phút đều là qua miệng cò đất đưa ra, thực tế, giao dịch thành công không nhiều.

Các giao dịch thông qua hình thức đặt cọc, viết giấy tay rồi ra phòng công chứng chứng thực giao dịch. Giá chốt mua và bán cũng vô chừng, nhốn nháo, chộp giật, tùy vào sự hiểu biết của khách. 

img

Những mảnh đất đã được phân lô sẵn tại xã Đồng Trúc. 

“Cò đất tinh lắm, nhìn ai là khách mới, ai là chủ đất, ai là môi giới biết ngay. Nhiều cò đất còn liên tục diễn kịch khi vờ có điện thoại đưa lên nghe, hét lớn các thuật ngữ chốt giá, tăng giá, lấy sổ đỏ, đặt cọc trăm triệu…

Một số cò đất khác thì chọn cách kéo khách ra góc riêng thì thào về giá, diện tích, không quên nhắn nhủ câu: Không mua nhanh giá sẽ tăng hoặc người khác đặt cọc mất…”, anh Nguyễn Văn Tài, 36 tuổi, một môi giới kỳ cựu chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của một môi giới, giao dịch sôi động nhất là khu vực đất trong làng của người dân. Hầu như đội trung gian thi nhau đẩy giá, chủ yếu người này đặt cọc xong lại bán giấy đặt cọc cho người kia. Còn người đứng ra ôm 1 đống tiền trả 1 lúc là không thấy.

Thực tế, cơn sốt những ngày qua dường như đã làm lợi rất nhiều cho giới cò đất. Những ngày qua, giới “cò đất” thông qua việc mua bán, sang tay, hỗ trợ làm thủ tục giấy tờ… nhưng cũng đã có thể đút túi vài trăm triệu đến cả tỷ đồng thông qua hàng chục lô đất được giao dịch mỗi ngày.

Đại diện chính quyền xã Đồng Trúc cho biết, đang theo dõi, nắm bắt tình hình môi giới đẩy giá đất ở trên địa bàn vài ngày gần đây. Đúng là có nhiều người ở huyện Thạch Thất và cả môi giới bất động sản chuyên nghiệp ở Hà Nội về đua nhau đẩy giá đất. Tuy nhiên, lượng giao dịch thực tế không nhiều như đồn thổi.

Một số chuyên gia bất động sản cảnh báo, đây là hiện tượng "lướt sóng" của dân đầu cơ khi có thông tin một tập đoàn bất động sản lớn đang nghiên cứu đầu tư dự án khu đô thị quy mô lớn sát khu vực này. Dự báo, thực trạng như hiện nay nhiều khả năng giá đất còn tăng, nhưng cùng lắm cũng chỉ lên đỉnh điểm khoảng 20 triệu đồng/m2. Là hiện tượng đầu cơ nên nhà đầu tư nào vào sau sẽ chịu nhiều rủi ro.

Trước đó, cách đây hơn 10 năm khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây, rồi sau đó quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050, thị trường bất động sản "nóng sốt" khắp mọi nơi, giá nhà đất leo thang từng ngày. Vào thời điểm 2009-2011, những khu vực chỉ mới bắt đầu có thông tin trở thành đô thị vệ tinh như Hòa Lạc dù cơ sở hạ tầng còn yếu kém, vẫn chỉ là vùng quê hoang sơ thế nhưng giá nhà đất đã được đẩy cao gấp nhiều lần do hiệu ứng tâm lý đám đông, người người nhà nhà lao vào "cơn sốt" đất.

Giá nhà đất Hòa Lạc khi đó tăng rất mạnh, gấp nhiều lần so với mặt bằng ban đầu. Giai đoạn 2008-2009, từ mức chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/m2 cho những lô đất đẹp, ô tô đỗ cửa đã tăng vọt lên mức 10-15 triệu đồng/m2, cao điểm nhất có khu lên tới 30 triệu đồng/m2. Những mảnh đất trong làng xóm khi đó có giá ban đầu chỉ chừng 500-600 nghìn đồng/m2 cũng được đẩy lên 5-6 triệu đồng mỗi m2. Với những lô đất mặt đường quốc lộ có giá lên tới 30 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên sau đó thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, "vỡ bong bóng" giá nhà đất ở khắp Hà Nội "xì hơi" vào giai đoạn 2011-2012, hầu hết các dự án tại khu đô thị vệ tinh đều bất động hoặc chậm triển khai. Trong đó, nhà đất Hòa Lạc cũng rơi vào tình trạng đóng băng, giá giảm sâu suốt 10 năm qua.

Phải đến cuối năm 2018 đầu năm 2019 thì đất Hòa Lạc có mới tăng giá trở lại. Nhưng sau đó lại chững lại cho tới cuối 2019 sôi động trở lại. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem