Dân Việt

Diễn đàn nông dân Quốc gia lần V: Cần “bà đỡ” cho sản xuất và tiêu thụ nông sản trong liên kết 6 Nhà

Nhóm Phóng viên 13/10/2020 10:05 GMT+7
Mấu chốt thành công của liên kết 6 “Nhà” nhất thiết phải có những “bà đỡ”, đó là vai trò hỗ trợ hợp lý hiệu quả thiết thực của Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương đối với các doanh nghiệp.
Cần “Bà đỡ” cho sản xuất và tiêu thụ nông sản trong liên kết 6 nhà - Ảnh 1.

Toàn cảnh diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V chủ đề Vốn và Công nghệ trong liên kết 6 Nhà

Sáng nay (ngày 13/10), Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ 5 với chủ đề "Vốn và công nghệ trong liên kết 6 Nhà" đang diễn ra tại khách sạn Quân Đội (Hà Nội). Nhiều nông dân và doanh nghiệp, chuyên gia, bộ ngành đã đến diễn đàn. 

Trong vài năm trở lại đây, nông nghiệp đang nổi lên là nhóm ngành tăng trưởng mạnh về xuất khẩu. Mặc dù đại dịch Covid-19 hoành hoành nhưng 9 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu nông sản ước đạt xuất khẩu ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD.

Cần "Bà đỡ" cho sản xuất và tiêu thụ nông sản trong liên kết 6 Nhà

Có được kết quả này, ngoài những nỗ lực đổi mới của các doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất và kinh doanh, trong những năm qua Chính phủ đã tích cực tham gia ký kết các hiệp định thương mại như WTO, CPTPP, EVFTA... nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản.

Tuy vậy, thương hiệu của nông sản Việt vẫn chưa thực sự tạo được sự chú ý trên thị trường thế giới, mà mấu chốt chính là mối quan hệ trong 6 "Nhà" vẫn còn một vài vướng mắc cần giải quyết, đặc biệt là câu chuyện về sử dụng vốn sao cho hiệu quả hay ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh nông sản như thế nào để đạt được hiệu quả tốt.

Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho hay chủ trương liên kết 6 "Nhà" của Chính phủ rất đúng và kịp thời, nếu tổ chức tốt được việc kết nối sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất và kinh doanh ở nước ta.

"Tuy nhiên, trong thời gian qua những kết nối này còn mang nhiều tính tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ, kết nối cơ học là chính, địa phương nào có thế mạnh về xúc tiến thương mại, sản xuất phát triển thì công tác kết nối có nhiều điểm đáng ghi nhận, việc kết nối trước đây, hiệu quả đem lại còn thấp và chưa rõ rệt. Đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề để giải bài toán kết nối một cách hiệu quả hơn, vững chắc hơn, nhân văn hơn, đúng pháp lý hơn", ông Phú cho hay.

Theo ông Phú, mấu chốt thành công của liên kết 6 "Nhà" nhất thiết phải có những "bà đỡ", đó là vai trò hỗ trợ hợp lý hiệu quả thiết thực của Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương đối với các doanh nghiệp. "Bà đỡ" phải tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường.

Khoa học công nghệ không thiếu, nhưng cần người định hướng

Bà Vũ Thị Minh – Chuyên gia kinh tế (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhìn nhận, cùng với sự hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn để khai thác lợi thế địa phương, việc ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp đã ngày càng được chú trọng hơn, từ đó tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp.

Đơn cử như trong lĩnh vực chăn nuôi, ngoài việc chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trai, gia trại và liên kết theo chuỗi giá trị, phương thức chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo quy trình GAP có xu hướng phát triển nhanh. Số lượng trang trại chăn nuôi tăng từ 8.796 năm 2013 tăng lên 15.700 năm 2019, trong đó có khoảng 9% số trang trại chăn nuôi theo các quy trình VietGAP và GlobalGAP. Cơ giới hóa khâu chế biên thức ăn gia sức được tăng cường với số lượng máy chế biến thức ăn gia súc năm 2019 tăng gần gấp đôi so với năm 2011.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, cụ thể là sản xuất lúa gạo, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã làm tăng giá trị sản xuất và hiệu quả sử dụng đất lên nhiều lần. Chẳng hạn như ở Hà Nam, nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra giá trị sản xuất từ 1,2-1,4 tỷ đồng/ha/năm đối với khu vực sản xuất ngoài trời và từ 3-4 tỷ đồng/ha/năm đối với sản xuất trong nhà kính.

Cần “Bà đỡ” cho sản xuất và tiêu thụ nông sản trong liên kết 6 nhà - Ảnh 3.

Khoa học công nghệ không thiếu, nhưng cần người định hướng

Trên thực tế, đã có không ít mô hình nông nghiệp thành công khi áp dụng KHCN, gia tăng giá trị cho nông sanhiên, đây chỉ là những mô hình nhỏ và vừa, chưa được kết nối và mở rộng.

Ví như, mô hình trồng dưa lưới Taki, rau thủy canh theo công nghệ Nhật Bản của nông dân Trần Văn Tân - Chủ trang trại Queenfarm (Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) là điển hình. Theo chia sẻ của ông Tân, trang trại Queenfarm đang áp dụng quy trình tưới nước nhỏ giọt hiện đại của Israel và mô hình công nghệ, sản xuất của Nhật Bản. Nhờ đó, bình quân hiệu quả kinh tế từ mô hình này là rất cao.

Hiện Dưa Taki trồng trong nhà lưới được 3 vụ/năm, mỗi vụ 30 tấn/vụ, doanh thu 1 năm 5,4 tỷ đồng. Nếu chỉ tính giá bình quân 20 triệu đồng/tấn thì từ rau thủy canh, mỗi năm cũng thu về trên 4 tỷ đồng.

"Khi áp dụng mô hình này sẽ giúp tăng năng suất và sản lượng của cây trồng cũng như hiệu quả kinh tế của nó cũng sẽ vượt trội hơn nhiều so với việc sản xuất truyền thống", ông Tân nhấn mạnh.

Không ít lần thất bại, lỗ cả trăm triệu và đứng trước bờ vực phá sản nhưng nhờ kiên trì mày mò, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình nuôi lươn công nghệ cao của Nguyễn Thanh Tân (Long Hồ, Vĩnh Long) cũng đang mang lại số lợi nhuận lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Điểm nổi bật của mô hình này là tận dụng tiện ích từ công nghệ 4.0 để quảng bá, xây dựng thương hiệu.

"Một cái điều cực kỳ đặc biệt của trang trại là Zalo, Facebook, website chiếm hơn 90 % lượng khách. Chúng tôi là đơn vị tiên phong về thương mại điện tử với sản phẩm này. Đó là thành công rất lớn", anh Tân cho hay.

Tuy vậy, thực trạng ứng dụng KHCN trong nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Theo ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lucavi, trong thế giới phẳng, tràn ngập thông tin việc tìm hiểu các kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng, lai tạo, ghép giống…, thậm chí đang bị ngộ độc vì quá nhiều thông tin. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại không đơn giản với những nông dân "dám" khởi nghiệp. Bởi họ không biết nên học của ai, học từ đâu, trình độ có đủ để tiếp cận và học hỏi không.

"Vì vậy, vai trò định hướng của Nhà nước, nhà khoa học để KHCN phù hợp với trình độ chuyên môn và phù hợp với nhận thức, phù hợp với mô hình, loại hình nông nghiệp - nghĩa là phù hợp trong điều kiện thực tế sản xuất cho bà con nông dân rất quan trọng", ông Cường cho hay.

Một lý do khác, đó là vấn đề về nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2011-2020, vốn đầu tư vào nông, lâm, thủy sản còn hạn chế, chỉ chiếm tỷ lệ từ 5,8- 6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong suốt giai đoạn 10 năm qua, chưa tương xứng với phần đóng góp (từ 15-20% trong cùng kỳ) của nông, lâm, thủy sản vào tổng sản phẩm trong nước (GDP). Vốn đầu tư thấp làm hạn chế khả năng tạo thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ KHCN vào lĩnh vực này. Điều này cũng là một rào cản khiến cho mối liên kết sản xuất trong các chuỗi sản xuất thường không thành công.

Để giải các bài toán này, bà Vũ Thị Minh (Chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, cần phải tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng nông nghiệp đặc biệt tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông sản, thông qua thực hiện các biện pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay; phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ vay vốn và sử dụng vốn vay… Bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng để thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.