Dân Việt

Truyện dự thi: Gò Moong tẻ ở Văn Long

Vũ Quốc Khánh (Phú Thọ) 09/11/2020 07:30 GMT+7
Đáng lẽ sẽ chẳng có chuyện gì to tát xảy ra. Nhưng chỉ vì việc lựa chọn giống cây trồng trên gò đất Moong tẻ này mà vợ chồng Vĩnh - Lợi, vốn tình cảm là thế, nay bất hòa. Bất hòa đến mức không thể nào hàn gắn được.

Vốn xưa kia Moong tẻ là một gò đất đầy cỏ tranh, lau lách um tùm. Có một điều khác thường là cứ từ sớm đến trưa, mây tạo thành dòng quần tụ, la đà trôi quanh đỉnh gò. Hôm nào trời quang, mặt trời lên sớm, dòng mây đó ánh lên mầu vàng huyền bí trông như vành đai hoàng tuyền. Còn hôm nào âm u, mây cũng âm u, xoáy vòng từ mép gò này sang mép gò kia chứ tịnh không trôi ra ngoài. Dân làng Văn Long lấy làm lạ, hỏi các thầy cúng quanh vùng, ai cũng bảo cái dòng nổi trôi quần tụ của đám mây kia ở đâu là ở đó ẩn chứa những linh hồn thập loại chúng sinh, cô thần quả tú bị giam cầm ở nơi âm ty địa ngục nên mới sinh ra màu sắc như vậy. Họ khuyên chớ có dại mà đến đó kẻo thần linh quở trách.

Thế là gò đất ấy vốn ít người qua lại giờ càng thêm hoang vắng. Thỉnh thoảng, trong đêm khuya rộn lên tiếng gầm rú man dại của đám hổ lớn, hổ bé nghe rợn cả tóc gáy. Bởi vậy người dân Văn Long mới rỉ tai nhau bảo đó là nơi Beo đẻ và gò đất ấy tiếng Mường gọi là gò Moong tẻ. Họ còn thêu dệt bao nhiêu chuyện quanh cái chốn hoang vu này, làm cho ai ở xa kinh hãi đã đành, mà ngay cả người bản địa cũng nổi da gà mỗi khi có việc phải đi qua gò đất đầy cỏ tranh và lau lách ấy.  

Gò Moong tẻ ở Văn Long - Ảnh 1.

Từ những năm xa xưa dân Văn Long còn truyền lại câu chuyện: Có ông thầy địa lý người Dao trong một lần xuôi Mai Châu xem huyệt mộ cho nhà quan tri phủ, ngang qua đây gặp lúc tối trời dừng chân nghỉ ở làng này. Ông được Lý trưởng họ Phùng tên Long Hợp đối đãi như với bậc chân linh. Cảm kích vì ân tình đó, sau tuần rượu nóng vần bên bếp lửa, ông thầy địa lý mới bảo nhỏ cho lý trưởng biết "Tiếc quá, hình khe dáng núi Văn Long thuộc thế long chầu hổ phục, nhưng lại bị gò Moong tẻ nhiều âm khí hợp với cung hoàng tuyền nằm án ngữ, nên trở thành nghịch địa. Nếu không, vùng đất này thuận đường làm ăn phải biết".

Hỏi có cách nào hóa giải sự nghịch địa ấy, thầy địa lý bấm độn rồi nói "Phải có người hội đủ tứ moong trấn trạch thì mới được". Hỏi tứ moong là gì, thầy đáp: "Đó là người sinh sống ở đất này qua ba đời, có giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh và năm sinh đều được cung Dần tự đứng chủ". Lý trưởng Phùng Long Hợp chưa kịp vui vì có cách hóa giải, thì đã buồn ngao ngán bởi trong hàng vạn kẻ tuổi Dần, chưa chắc tìm được một người như vậy. Dẫu thế ông cũng bụng bảo dạ, "không có lòng thì thôi, chứ có lòng biết đâu trời thương sẽ cho tìm ra". Từ đấy ông vẫn luôn để mắt trông ngóng.

Lại nói về nhà Bàn Văn Vĩnh. Ba đời về trước các cụ nhà Vĩnh là người Dao sống ở Tổng Kim trên vùng cao thượng huyện. Vì mất mùa đói kém phải phiêu dạt xuống đây làm con rơi, con nhặt một gia đình người Mường. Hội đồng kỳ mục Văn Long xếp vào dạng ngụ cư nên buộc các cụ phải ra ở rìa làng, cắm cho mảnh đất đối diện với gò Moong tẻ qua một dải đồng hẹp. Đất đai đã mỏng, chỉ vừa đủ mấy sải chân trẻ con, lại cằn cỗi đến mức cỏ cũng không mọc nổi. Đói ăn quanh năm, lại chẳng có đất trồng cấy, mấy lần các cụ định liều sang gò Moong tẻ khẩn hoang, trồng khoai sắn kiếm kế sinh nhai. Hiềm nỗi nghe dân làng đồn thổi, sợ đám mãnh thú tác oai tác quái, nên các cụ đành dằn lòng chịu đựng.

Mãi sau này, khi bố mẹ Vĩnh đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ về, người thêm mà đất chẳng, ước mong có mảnh đất tư riêng càng nổi lên mạnh mẽ. Ông bèn thuyết phục bà, mình đi dân công gặp beo hổ nhiều lần mà có sao đâu, vậy có gì phải sợ. Thế là hai vợ chồng vác dao cuốc, địu cu Vĩnh sang chân gò Moong tẻ thi gan cùng mãnh thú. Trải qua mấy tuần dãi nắng dầm mưa, họ cũng sỏn dọn được một khoanh đất rộng chừng hơn chục đường bừa. Rồi cứ thế chồng cuốc vợ xới, xem chừng tâm đầu ý hợp, không ai ngăn cản được. 

Mãnh thú ở đây chắc thấy con người không làm gì hại chúng, nên chẳng nỡ gầm gừ dọa nạt. Chỉ có đất gò Moong tẻ là không. Những lát đất cuốc lên trông rõ nục nạc mà rễ cỏ tranh lại tầng tầng lớp lớp, trắng như vôi mới ra lò. Loại rễ này có đem phơi khô thì phơi nhưng hễ gặp ẩm là mầm lại đâm lên tua tủa. Chúng nhọn sắc, xuyên thủng cả da chân, khiến không cây trồng nào mọc chen được với chúng. Đang băn khoăn chưa biết tìm cách gì để diệt cỏ tranh thì ông bà chợt nhớ ngày đi dân công có người kể chỉ cần lên luống trồng khoai lang thì mấy cỏ tranh cũng phải tịt giống. Mừng quá, hai vợ chồng ra sức đi khắp làng xin dây khoai lang về gơ. Xin được đến đâu, gơ thành hàng đến đấy. Dần dần họ cũng đủ giống trồng kín bãi. Đúng là cao thủ sẽ có cao thủ trị. Đám rễ cỏ tranh gặp phải kẻ trên cơ nên chẳng cái nào ngóc lên nổi. Còn dây khoai lang cứ tung tẩy bò kín luống. Đến lúc thu hoạch, những củ khoai nần nẫn, chen nhau nổi trên mặt luống. Quả là lời các bậc lão nông "khoai đất lạ, mạ đất quen" cấm có sai. 

Được mùa, bố mẹ Vĩnh không quên ơn bà con dân làng, bèn lựa chọn những củ khoai to mang biếu mỗi nhà một nồi luộc. Ai cũng mừng, nhưng hễ rủ họ sang cùng phá hoang trồng tỉa thì lại chối đây đẩy. Lời ông thầy địa lý người Dao khi xưa nhắc nhở vẫn ăn sâu vào tâm trí họ. Còn bố bầm Vĩnh, sau vụ đầu thắng lợi, cảm giác sợ hãi mãnh thú đã không còn đeo bám như trước nữa. Ông bà yêu quý thành quả lao động của mình và chẳng có lý do gì mà không yêu luôn mảnh đất đã được thuần hóa. Cuối năm ấy, họ dựng được nếp nhà tranh xinh xắn ven gò đất Moong tẻ. Những tiếng cục cục của bầy gà, tiếng nhanh nhách của con chó dé, tiếng mèo kêu meo meo và tiếng bi bô, cười đùa của cu Vĩnh đã làm cho vùng đất này bớt đi vẻ hoang lạnh, bất chấp những đám mây vẫn ngày ngày quần tụ như dòng suối mải miết xoáy vòng trên đỉnh gò ánh lên mầu hoàng tuyền hay mầu u tịch đầy ma lực.

* * *

Một buổi chiều nắng nhạt. Vĩnh vừa ngủ dậy sau một giấc ngon lành. Không gian vẫn vắng lặng như thường thấy. Nó hé cửa bước ra hè, định chạy xuống bãi với bố bầm như mọi ngày. Bỗng nhiên, một con bướm trắng cứ nhấp nháy bay dọc lối mòn hướng lên phía trên gò. Tính tò mò của con trẻ trỗi dậy. Vĩnh muốn thử đi theo cánh bướm trắng kia xem sao. Thế là nó lon ton đi, đi mãi cho đến lúc ngẩng lên, bất chợt trông thấy một con mèo đang nằm trong búi cỏ. Con mèo ngước nhìn Vĩnh bằng cặp mắt trong veo rồi đứng dậy, bước về phía Vĩnh, dụi đầu vào người, thè lưỡi liếm lên mặt như đôi tri kỷ. Vĩnh thích thú giơ tay xoa lưng nó, rồi hai đứa ôm nhau lăn trên bãi cỏ mềm, đùa nghịch như đã quen nhau tự bao giờ.

Mãi đến lúc trời nhập nhoạng, bụng đói mèm, Vĩnh mới nhớ mình phải về nhà. Bỗng một con mèo to lớn nữa từ đâu đến đã đứng ngay bên cạnh. Nó gừ gừ với Vĩnh, nhưng không có vẻ gì giận dữ. Còn mèo con mừng rỡ, há mồm, dũi đầu vào bụng con mèo lớn bú ngon lành. Mùi sữa thơm làm bụng Vĩnh sôi eo éo. Nó khóc toáng lên, nước mắt giàn giụa. Thấy thế con mèo lớn thè lưỡi ra liếm vào tai, vào cổ, lại dùng bàn chân trước vỗ nhẹ trên lưng Vĩnh. Nệm chân mèo thật mềm, như bàn tay bầm xoa nựng khiến Vĩnh càng nấc lên vì nhớ. Con mèo mẹ bất chợt đứng lên. Bầu vú thề lễ trễ xuống trước miệng Vĩnh như mời mọc. Trong cơn đói cồn cào Vĩnh há miệng, ngậm vào vú mèo mẹ rồi mút lấy mút để. Từng tia sữa nóng ấm trôi qua cổ họng làm cơn đói dịu dần. Khi bụng đã căng đầy, mắt díu lại, Vĩnh ngáp một tiếng dài rồi ôm con mèo con lăn ra ngủ.

Chẳng biết ngủ được bao lâu, chỉ biết khi thấy những tiếng xoong nồi đập xủng xoảng, rồi tiếng người ồn ào kêu khóc và ánh lửa rùng rùng chiếu sáng những búi cây cỏ xung quanh thì Vĩnh tỉnh giấc. Nó lồm cồm bò dậy, ngó quanh chẳng thấy mèo mẹ đâu, chỉ còn con mèo con đang nằm cạnh. Vĩnh khóc ré lên, bố bầm nó nghe tiếng cầm đuốc ào tới. Ánh lửa soi rõ bầm nó nước mắt giàn giụa, kinh hãi gạt con mèo con sang một bên rồi ôm chặt lấy Vĩnh chạy vội về phía đám đông. Bỗng một tiếng gầm dữ dội vang lên. Con mèo mẹ chồm tới bên mèo con. Đám người cùng đi với bố bầm Vĩnh sợ hãi la hét thất thanh:

- Chạy đi. Tổ moong đấy!

Rồi họ chạy tán loạn về phía chân gò. Bố bầm Vĩnh cũng vậy. Lát sau về đến nhà Vĩnh, tất cả mới hoàn hồn. Họ xúm lại sờ nắn, xoa xuýt Vĩnh. Nhìn thấy vệt sữa tươi còn vương trên vạt áo con, bầm nó như chợt hiểu. Bà lập cập hỏi Vĩnh:

- Con bú sữa con moong mẹ  à?

Vĩnh gật đầu. Mọi người ồ lên kinh ngạc. Ông trưởng bản chợt nhớ ra, vội hỏi bố Vĩnh:

- Thằng cháu này sinh vào lúc nào dượng nhỉ?

Bố Vĩnh trả lời. Ông trưởng bản lẩm bầm một lát rồi hét toáng lên:

- Tìm thấy rồi bà con ơi!

Tiếng ồn ào nổi lên:

- Tìm thấy gì đấy?

- Cháu Vĩnh đây chính là người có đủ "tứ moong" mà bao lâu nay dân làng Văn Long ta đỏ mắt tìm đấy. Thảo nào mà đám moong này phải né tránh không dám động đến nó. Từ nay có cháu Vĩnh trấn trạch, chúng ta không phải sợ lũ mãnh thú ấy nữa. Văn Long ta cũng dễ thở đến nơi rồi.

Mọi người xúm lại ôm hôn Vĩnh. Ai cũng muốn được chạm tay vào người nó như thể làm thế là tìm được phước thịnh.

* * *

Đấy là câu chuyện của những ngày Vĩnh mới lên ba. Sau này khi đã khôn lớn nó mới hiểu thêm những chuyện li kì mà mọi người đã kể. Thì ra con mèo lớn đã cho Vĩnh bú vào cái buổi chiều hoang dại ấy chính là con hổ mẹ, một mãnh thú mà dân làng chỉ cần nghe thấy tiếng là đã khiếp vía. Lúc ấy nó vừa qua đận mang nặng đẻ đau và đang trong thời kỳ cho con bú. Không biết có phải tình mẫu tử làm mềm lòng, hay do lời phán của ông thầy người Dao hiệu nghiệm mà hổ mẹ không động đến Vĩnh. Cũng từ đó người dân Văn Long biết Vĩnh là cứu tinh của cả làng.

Thời gian dần trôi. Vĩnh mỗi ngày một khôn lớn. Khi lên học cấp hai, rồi cấp ba, câu chuyện xa xưa ấy vẫn cứ được mọi người háo hức kể lại. Thầy giáo và bạn bè luôn nhìn nó bằng con mắt ngưỡng mộ. Mỗi khi Vĩnh có lỗi thầy cũng không nỡ mắng mỏ, khiến nó càng tưởng Trời đã ban cho khả năng trấn trạch thì không cần học vẫn giúp dân làng được. Nó luôn được cưng nựng kể cả khi nói dối. Có một lần cái Lợi không thuộc bài. Sợ thầy, Lợi rơm rớm nước mắt cầu cứu. Trong lúc bí bách, máu liều trỗi dậy, Vĩnh bèn ấp úng:

- Hôm qua em bị cảm… bạn Lợi phải đi lấy thuốc cho em… nên không có thời gian học bài đấy ạ!

Thầy đang cau có, bực bội vì cô học trò lười, nghe thấy thế nét mặt chuyển thành vui vẻ:

- Hóa ra em bận giúp bạn Vĩnh à? Thế thì thôi, ngày mai em học bài, thầy kiểm tra lại sau nhé!

Học hết cấp ba, Vĩnh và Lợi yêu nhau lúc nào không biết. Hai đứa dắt tay nhau đi thi vào đại học. Kết quả Lợi trúng tuyển còn Vĩnh thì trượt bởi những đặc ân khi học ở Văn Long đã không còn để nâng đỡ cho nó nữa. Hay tin, ông chủ tịch xã đến tận nhà nói:

- Cháu không phải lo nghĩ gì. Bác sẽ bảo văn phòng xếp vào chân thư ký ủy ban để cháu danh chính ngôn thuận, yên tâm trấn trạch gò Moong tẻ cho bác.

Mấy hôm sau Vĩnh trở thành nhân viên ủy ban thật.

Thấm thoắt mấy năm, Lợi đã tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp. Cô xin về xã công tác và được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã. Còn Vĩnh không may mắn như trước nữa. Thời gian và công việc khiến mọi người biết anh không phải là cán bộ ủy ban có năng lực. Trong kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân xã, chẳng có lá phiếu nào bầu cho Vĩnh cả. Xôi hỏng bỏng không, Vĩnh lại tay trắng trở về mảnh đất gò Moong tẻ. May mà có Lợi động viên, nỗi buồn trong anh cũng vơi dần. Tháng mười năm ấy, Vĩnh nghe lời bố bầm lấy vợ. Cô dâu không phải ai xa lạ, chính là kỹ sư Phùng Kim Lợi, người mà anh yêu từ những năm còn học phổ thông. Rồi bố bầm Vĩnh cũng già yếu. Họ lần lượt theo nhau về hầu các bậc tiên tổ, để lại cho vợ chồng anh quản lý toàn bộ gò đất Moong tẻ với bao nhiêu là huyền tích.

* * *

Và, đáng lẽ sẽ chẳng có chuyện gì to tát xảy ra. Nhưng chỉ vì việc lựa chọn giống cây trồng trên gò đất Moong tẻ này mà vợ chồng Vĩnh - Lợi, vốn tình cảm là thế, nay bất hòa. Bất hòa đến mức không thể nào hàn gắn được.

Nguyên do là từ khi Phùng Kim Lợi còn đang học đại học, chị đã say mê với nghề nghiệp mà mình chọn lựa. Trong các học phần chuyên môn Lợi đều liên hệ gắn với vùng quê của mình. Bàn chân chị đã lội khắp các khe đồi, vỉa đất Văn Long, đã khoan tìm, lấy mẫu đất, khảo sát tỷ mỷ chi tiết, đo đếm và quan trắc mọi hiện tượng thời tiết ở đây. Tốt nghiệp ra trường, tình yêu quê hương thúc giục Lợi xin về Văn Long công tác và được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã. Một lần nữa chị lại nhờ các giáo sư cử sinh viên thực tập chuyên ngành về Văn Long khảo sát các tiêu chí cần thiết giúp chị quy hoạch đất đai, xem xét lựa chọn giống cây trồng phù hợp với từng làng bản, đồi núi. Qua đó chị đã xây dựng được đề án đưa Văn Long trở thành vùng chè tập trung chất lượng cao theo mô hình VietGAP. Phòng Nông nghiệp huyện cũng hết lòng ủng hộ, cử kỹ sư Phùng Thế Bảo hỗ trợ nên mọi việc xem ra cũng suôn sẻ. Vậy mà bà con dân làng Văn Long vẫn chẳng ai hào hứng với mô hình sản xuất này. Họ bảo nhau "xưa nay mình vẫn trồng chè theo kiểu "chọc lỗ bỏ hạt", vẫn bón phân hóa học, vẫn sử dụng thuốc trừ sâu, chẳng cần theo những quy chuẩn khắt khe của VietGAP mà chè vẫn ra búp tốt, vẫn có những cân chè "Núi Thiếp" ngon khiến khách mua khen tấm tắc, cần gì phải thay đổi".

Nghe thế Lợi rất buồn, song lại nghĩ bà con Văn Long chưa hiểu thì nói thế, chứ xưa nay cuộc sống của họ vẫn dựa một phần vào cây chè. Đề án xây dựng vùng chè chất lượng cao của chị là đề án giúp dân làng làm ra sản phẩm tốt, bán được giá cao. Chắc chắn khi đã hiểu họ sẽ làm theo. Có điều lâu nay quen nếp làm ăn cũ, bây giờ muốn làm giầu, phù hợp với cơ chế thị trường bà con cần có thực tiễn chứng minh. Chị là chủ nhiệm hợp tác xã, chị chẳng đi đầu để chứng minh thực tiễn ấy thì ai nữa. Ý nghĩ đó làm Lợi tự tin. Giầu có ai chẳng muốn. Chị hy vọng về nhà bàn với Vĩnh, chồng chị sẽ ủng hộ, sẽ cùng chị biến gò đất Moong tẻ hoang hóa thành vườn chè chất lượng cao để dân làng tin theo.

Thế nhưng cái hy vọng tưởng chừng đơn giản ấy của Lợi đã không thành. Vĩnh không đồng ý. Anh bảo Moong tẻ vốn dĩ là gò đất nghịch, chỉ hợp với việc trồng rừng. Ngày trước nhờ công trấn trạch của anh, các mãnh thú bỏ đi, dân bản đã kéo sang phá hoang trồng tỉa nhưng vẫn luôn bị thất bại. Nơi đây, đúng như lời các ông thầy cúng nói, chắc chắn là chốn đi về của những linh hồn thập loại chúng sinh, cô thần quả tú không siêu thoát được. Hiện tượng các đám mây cứ quần tụ theo hình vòng xoáy trên đỉnh gò, lúc ánh lên mầu hoàng tuyền, lúc bao phủ đầy một mầu u tịch càng khẳng định Moong tẻ là nghịch địa, không thể trồng chè được. 

Còn lý lẽ của Lợi lại khác hẳn. Qua khảo sát, khoa học đã kết luận đất này hợp với việc trồng chè. Nói rằng Moong tẻ là nơi quần tụ các linh hồn người chết là không đúng. Sở dĩ có các đám mây trôi theo hình vòng xoáy trên đỉnh gò là do hơi nước ở hồ Suối Lạnh phía đông bốc lên, ngưng tụ thành mây, được gió từ miền hạ du thổi đến, gặp các dẫy đồi vòng cung xung quanh thung lũng quẩn lại, đẩy chúng chuyển động xoáy tròn quanh vị trí trung tâm là gò Moong tẻ. Những đám mây đó khi có ánh mặt trời thì ánh lên mầu vàng, không có thì tụ lại thành âm u chứ chẳng có linh hồn thập loại chúng sinh, cô thần quả tú ở chốn âm ty địa ngục nào cả.  

Vĩnh không cãi được lập luận của vợ, nhưng vẫn không chịu. Anh bảo, Trời cho anh khả năng trấn trạch gò Moong tẻ nên mách anh nói thế. Một nhà không thể có hai chủ. Nếu Lợi vẫn quyết tâm, anh sẽ xin đi thoát ly để Lợi thoải mái.

Tưởng Vĩnh giận thì nói vậy, không ngờ mặc cho vợ năn nỉ đến thế nào Vĩnh vẫn bỏ đi. Anh nhờ bạn xin vào làm hợp đồng ở Công ty Lâm sản huyện. Mấy lần Lợi xuống thăm chồng, tươi tỉnh làm lành theo ý Vĩnh, nhưng anh không chịu, mặt mũi cứ nặng như đá đeo. Có lẽ bằng cấp và vị thế xã hội của vợ chồng khác nhau làm Vĩnh thấy bị lép vế nên bực thì phải.

* * *

Chồng xuống huyện làm, ở nhà chỉ còn mình Lợi. Căn nhà đã vắng vẻ giờ thiếu bóng đàn ông càng vắng vẻ hơn. Mọi thứ cứ rối lên. Việc chỉ đạo sản xuất ở hợp tác xã không thuận, khiến chị như lạc vào khu rừng rậm đầy gai góc chưa có lối ra. Việc không thuyết phục được chồng cũng làm chị như đi vào ngõ cụt. Đang không biết giải quyết thế nào thì kỹ sư Phùng Thế Bảo và Bí thư xã đoàn Hà Thanh Mừng đến chơi. Cặp trai tài gái sắc này đang chuẩn bị làm đám cưới. Tiếng cười giòn tan mách với Lợi họ đang có chuyện vui. Y như rằng, vừa nhìn thấy Lợi, Mừng đã xởi lởi:

- Chị có việc gì mà rầu rĩ vậy? Hay vẫn chuyện đề án trồng chè chưa triển khai được? Nếu vì chuyện ấy thì em mang đến tin vui cho chị đây.

- Tin gì đấy?

- Theo ý anh Bảo, xã đoàn chúng em đã vận động được các ủy viên chấp hành mỗi người trồng mới một sào chè theo đề án để ủng hộ chị rồi nhé!

- Thế thì hay quá. Nhưng nếu trồng phân tán như thế thì việc bảo vệ thực vật làm sao thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP được?

Bảo phải giải thích:

- Theo anh, "dục tốc bất đạt" em ạ! Tất cả mọi việc phải làm từ từ. Trước mắt hãy làm sao để bà con thấy lợi ích của việc trồng chè giống mới hơn hẳn tập quán "chọc lỗ bỏ hạt" đang làm cái đã. Vài năm nữa cả Văn Long nghe theo, đều trồng chè giống mới thì lo gì không vận động được dân làng thực hiện chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

Lợi thấy phải, mừng như đang đi trong đường hầm tối thấy phía trước le lói ánh sáng. Chị nhủ thầm, đoàn viên người ta đã làm rồi, mình có đất mà không làm hóa ra tụt hậu à? Thế là, ngay chiều hôm đó Lợi bắt tay vào đào rãnh trồng chè giống mới trên gò Moong tẻ mà không chờ sự đồng ý của chồng. Để kịp thời vụ, chị dùng số hồi môn ít ỏi bố bầm cho thuê thêm người đào rãnh, lại mua phân trâu bò trong làng về bón lót. Chị còn tính toán để hợp đồng với Viện nghiên cứu chè mua đủ lượng bầu giống cho tất cả diện tích trồng vụ này.

Gò Moong tẻ ở Văn Long - Ảnh 4.

Mùa đông năm ấy, hơn ba sào đất nhà Lợi ở gò Moong tẻ và gần một mẫu của các đoàn viên xã Văn Long đã được hạ kín bầu chè LDP1 giống mới của Viện. Qua được bế tắc, Lợi vui lắm. Chị hý hửng mang niềm vui đó xuống huyện khoe với chồng. Cứ nghĩ Vĩnh cũng sẽ vui, nhưng trái lại nét mặt anh vẫn lầm lỳ. Suốt ba ngày Tết Vĩnh nằm khàn ở nhà, chẳng bước chân ra khỏi ngõ. Sớm mùng bốn, không đợi vợ làm cơm hóa vàng cho các cụ, anh đã phóng xe về công ty. Lợi đoán chắc anh giận, nhưng cũng an tâm vì ngầm hiểu Vĩnh đã bất lực trước quyết tâm trồng chè giống mới trên gò đất Moong tẻ của vợ.

Trời đất bước vào xuân. Được mưa ẩm, các bầu chè bắt đầu hồi sức, búp vươn lên, khỏe khoắn và mập mạp hơn hẳn những cây chè trồng theo cách "chọc lỗ bỏ hạt". Niềm phấn khởi làm cho Lợi vơi đi nỗi buồn vì sự giận dỗi của chồng. Chị lại lao vào công việc cùng ban chủ nhiệm vận động dân làng Văn Long tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè giống mới. Những ánh nhìn tin cậy và nụ cười vui vẻ xem ra đã có phần lấn lướt sự nghi ngại của mọi người.

Mùa thu năm ấy diện tích các hộ đăng ký trồng chè giống mới tăng vọt. Nhiều hộ không cần vận động, cứ đua nhau làm đất, đào rãnh để trồng chè, khiến Lợi lao đao vì không đủ bầu chè giống cho họ. Số bầu chè hợp đồng với Viện đã cắm hom từ đầu năm, giờ muốn lấy thêm cũng không có. Ngay gò Moong tẻ của chị cũng đã vượt so với dự kiến gần hai héc-ta. Quả là nan giải, chẳng lẽ dân làng đang hăng hái mình lại hãm người ta lại. Đang loay hoay chưa biết làm thế nào thì Lợi gặp kỹ sư Phùng Thế Bảo trong cuộc họp ở Ủy ban huyện. Biết tin Văn Long đang thiếu bầu chè giống, anh vội rút điện thoại ra gọi cho bạn. Thật may, Công ty Phú Cường nơi bạn anh làm giám đốc có chủ trương chuyển một số diện tích chè trồng mới vụ Đông sang vụ Xuân vì không cân đối được lao động nên còn dư bầu giống. Mừng quá, ngay hôm sau Lợi rủ anh Bảo sang Phú Cường ký luôn hợp đồng. Thế là tạm ổn.

Khi những bầu chè giống cuối cùng trong vụ chè Đông năm ấy vừa hạ xong thì cũng là lúc dân làng Văn Long rục rịch đón tết ông Công, ông Táo. Nhìn bạn bè vui vẻ chuẩn bị mừng xuân, trong lòng Lợi dâng trào nỗi nhớ chồng da diết. Hơn một năm nay kể từ ngày xuống huyện công tác, thỉnh thoảng Vĩnh mới đáo qua nhà, ăn với vợ bữa cơm rồi lại ra đi, mặc kệ Lợi một mình thui thủi với bộn bề công việc. Lắm lúc chị thầm mong có một đứa con để những lúc vắng chồng còn có tiếng bi bô con trẻ. Mong ước ấy dâng lên cháy bỏng trong lòng Lợi, nhưng đáp lại chỉ là sự hờ hững của Vĩnh, khiến chị rất buồn. Thật may, Lợi vừa kịp dọn dẹp nhà cửa sau những ngày bận bịu trồng chè thì Vĩnh về. Nhìn chồng hốc hác, mắt trũng sâu, râu ria lởm chởm, bơ phờ như người đói ngủ, chị không khỏi xót xa. Nước mắt lưng tròng, Lợi ôm lấy Vĩnh mếu máo. Bao nhiêu lời muốn giãi bày mà không thể cất nên lời. Còn Vĩnh cứ dại đi, người đơ lại như mất hồn trong căn nhà của mình. Sau bữa cơm tối vội vàng Vĩnh cũng vội vàng đi ngủ. Lợi nằm bên thao thức, nghe chồng nhai tóp tép trong giấc mơ mà lòng buồn rười rượi. Mãi gần sáng chị mới thiu thiu.

Khi tỉnh giấc, Lợi đã không thấy Vĩnh đâu, chỉ thấy trên bàn một mảnh giấy nhỏ vỏn vẹn vài dòng. "Anh làm ăn thua lỗ, nợ bạn bè không trả nổi, nên phải đi làm kiếm tiền trả nợ. Bao giờ trả xong, anh sẽ về". Lợi đau đớn, nấc lên, rồi hấp tấp đạp xe xuống công ty tìm chồng. Ông trưởng phòng tổ chức ái ngại nhìn chị, bảo: "Chú ấy ham cờ bạc, tiêu lạm vào tiền mua vật tư của công ty, nên bị buộc thôi việc cách đây bốn tháng rồi". Chị hỏi giờ Vĩnh có thể ở đâu, mọi người trong phòng đều không ai biết. Suốt Tết năm ấy Lợi như nằm trên đống rấm bếp, không biết làm gì ngoài việc cắn chặt răng lại để ngăn nước mắt khỏi trào ra.

Mọi thứ rồi cũng nguôi ngoai. Công việc chăm sóc vườn chè đã lôi chị về với thực tại. Những hàng chè trồng hơn một năm trước giờ đã cao đến đầu gối, bước vào kỳ hái tạo tán. Những vườn chè mới trồng lại bắt đầu vào giai đoạn hồi sức, búp vươn lên khỏe khoắn và mập mạp. Theo dự kiến năm nay hợp tác xã sẽ động viên bà con chuyển đổi tiếp một số vườn chè "chọc lỗ bỏ hạt" năng suất thấp sang trồng giống mới. Cứ đà này chả mấy chốc Văn Long sẽ khép kín diện tích chè kinh doanh chất lượng cao. Với sản lượng lên đến cả nghìn tấn thì việc bán chè tươi và chế biến theo cách cũ "sao chảo, vò chân" đã không còn phù hợp nữa. Hợp tác xã phải tính đến việc vận động bà con đầu tư mua sắm máy vò, máy sao sấy, máy đo độ ẩm, rồi máy hút chân không, thiết kế tem, nhãn, đăng ký mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... mới đủ năng lực chế biến và tiêu thụ hết lượng chè của xã. Nhưng xoay xở tiền ở đâu ra để làm bây giờ? Một đống chứ ít gì? Câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu, khiến Lợi suốt ngày bồn chồn, lo lắng.

Giữa lúc đó Ủy ban nhân dân huyện có công văn hướng dẫn các hợp tác xã lập kế hoạch vay vốn khuyến nông theo đề án ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp miền núi của Chính phủ. Lợi như người đang bơi đuối sức vớ được chỗ bấu víu. Chị cho họp ban chủ nhiệm hợp tác xã để lựa chọn người quản lý và địa điểm xây dựng xưởng chế biến chè. Cả buổi sáng bàn đi tính lại, so hơn đọ kém vẫn chưa thống nhất được. Cũng khó, theo hướng dẫn của trên, tiền vay đứng danh nghĩa hợp tác xã, nhưng người sử dụng lại là xã viên, ngộ nhỡ làm ăn thất bát thì hợp tác xã lấy gì trả nợ Nhà nước. Cuối cùng ban chủ nhiệm quyết định kỹ sư Phùng Kim Lợi phải đứng ra chịu trách nhiệm mở cơ sở chế biến. Thế là lại một núi công việc đổ xuống đầu chị. Nào là đắp nền, làm xưởng, lợp mái. Nào là mua máy, lắp đặt thiết bị, xây lò, kéo điện, nước. Nào là tuyển chọn, tập huấn công nhân, xây dựng quy trình chế biến, vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động. May mà mùa này các phòng chức năng trên huyện ít việc, Lợi đặt vấn đề nên họ kéo quân xuống hướng dẫn giúp.

Rồi mọi việc cũng hòm hòm. Xưởng chế biến đã làm xong. Các điểm thu mua chè búp tươi ở Văn Long đã bước vào hoạt động. Nhưng ước mong chế biến đồng nhất một loại chè LDP1 giống mới chưa thành hiện thực bởi việc thu mua vẫn lẫn cả chè hạt với chè cành. Công việc chế biến đành phải vừa làm cho quen nếp, vừa chờ sự thích nghi của dân làng trước cái mới.

Ba năm sau, các vườn chè ở Văn Long đã thay đổi căn bản. Dân làng thấy trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP quả là có lợi, nên tự động phá bỏ các vườn chè hạt chuyển sang trồng tất cả chè giống mới chất lượng cao. Xưởng chế biến của Lợi vì thế hoạt động càng hiệu quả. Thu nhập của xã viên ngày một tăng lên, đồng tiền dư giả, họ bèn học tập xây dựng thêm các xưởng chế biến chè mini nữa. Thế là Văn Long trở thành làng nghề chế biến chè có thương hiệu. Các thương nhân kéo đến đông dần, ồn ã ngày đêm mua bán. Đời sống người làm chè khấm khá, có bát ăn bát để, nhà cửa khang trang mọc lên san sát. Siêu thị điện máy trung tâm ở Văn Long lúc nào cũng tấp nập người mua sắm.

* * *

Giữa lúc Lợi đang bộn bề với công việc thì Vĩnh về. Không ai biết anh làm gì, ở đâu trong những năm vừa qua, chỉ biết mới ba năm mà trông anh đã già đi đến gần chục tuổi. Gò đất Moong tẻ khi anh đi hoang hóa và lau lách, bây giờ đã thành vườn chè xanh ngút mắt. Một cơ ngơi thơm ngậy vị chè với hệ thống máy móc chế biến tiên tiến và những người công nhân chăm chỉ, cần mẫn. Vĩnh thầm nghĩ, vợ anh đúng là người phụ nữ chịu thương, chịu khó. Thấy anh về, Lợi không tỏ thái độ bực bội, vẫn lo toan, chăm sóc cho chồng như người vợ thảo hiền. Điều ấy càng làm cho Vĩnh thêm bối rối.

Mọi chuyện rồi cũng đến lúc phải vỡ lở. Số tiền nợ nần vì thua bạc hơn năm trăm triệu đồng của Vĩnh đang bị bọn xã hội đen ngày đêm thúc ép. Nhưng điều ấy không làm cho Lợi đau đớn bằng việc Vĩnh đã phụ bạc chị, ăn nằm với người phụ nữ khác. Cô ta đã rủ rê Vĩnh ngay trên chiếu bạc. Cho đến lúc không lợi dụng được nữa, nghe theo người tình mới, cô ta thẳng tay đuổi Vĩnh ra khỏi nhà. Nhìn chồng đau đớn thú tội, nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt xám ngoét vì không biết bấu víu vào đâu, Lợi thấy thật chua xót cho cảnh đời. Chị lặng lẽ bước ra khỏi nhà như một cái bóng.   

Cái bóng đó đưa đẩy chị ra bên hồ Suối Lạnh. Dòng thác Hồng Hoang đổ nước từ trên núi cao xuống làm ánh trăng vỡ ra từng mảnh li ti. Không gian được những hạt bạc rắc vào lấm tấm chảy trên thảm cỏ khiến tâm hồn Lợi thư thái lại. Tự nhiên trong lòng chị ý nghĩ "của Caesar lại trả về Caesar" dâng lên. Công sức của chị mấy năm qua đã biến gò đất Moong tẻ thành như bây giờ, trả lại nó cho Vĩnh coi như chị đã trả nợ xong cho quyết định sai lầm về làm dâu nhà họ Bàn. Lợi sẽ rũ áo ra đi làm lại cuộc đời. Chị sẽ cất một cái nhà sàn nho nhỏ tại đây và xin đấu thầu hồ Suối Lạnh. Biết đâu sẽ mở ra con đường làm ăn khác. Suy nghĩ ấy thôi thúc, thổi bùng lên trong lòng Lợi luồng sinh khí mới. Nó nhẹ nhàng và êm dịu, ru chị chìm vào giấc ngủ ngay trên thảm cỏ mần trầu ven hồ Suối Lạnh đang mác ánh trăng.

Cho đến lúc sương xuống thành giọt Lợi mới tỉnh ngủ. Vĩnh ngồi cạnh chị tự lúc nào. Anh lại run run nói những lời tự xỉ vả và mong chị mở lòng nhân từ cứu anh ra khỏi vũng bùn nhơ nhớp đang vây kín. Anh thú nhận đã sai lầm khi nghĩ rằng dân làng tôn vinh anh là cứu tinh thì chẳng cần học vẫn giúp được họ mà không hiểu rằng muốn làm được điều ấy ít nhất phải có kiến thức và lao động. Bây giờ anh đã bị dồn đến chân tường. Chỉ có Lợi mới trả được món nợ cờ bạc để kéo anh quay lại cuộc đời lương thiện. 

Lời Vĩnh nói như nhát dao cứa vào lòng chị. Bàn tay Vĩnh lùa vào tóc Lợi, khiến chị xúc động nhớ lại khi xưa lúc nhận lời cầu hôn của anh. Nhưng chị vẫn không sao quên được nỗi đau bị phản bội. Chị gồng người lên, bảo sẽ trả lại gò đất Moong tẻ cho Vĩnh, rồi ra đi. Lập tức Vĩnh giẫy nảy lên:

- Công lao của em gây dựng nên cơ nghiệp này thì em phải ở lại để giúp dân làng chứ? Nếu phải có người ra đi thì người đó là anh, đâu phải em.

Lợi không chịu. Chị kiên quyết về nhà mở két lấy tiền đưa cho Vĩnh:

- Đây là tiền để anh trả nợ thua cờ bạc. Trả nợ xong anh hãy chí thú quay về Moong tẻ mà làm ăn sinh sống, đừng làm điều gì dại dột để dân làng chê cười.

Biết tính vợ đã nói là làm, Vĩnh tìm cách trì hoãn:

- Em chờ anh hai ngày anh đi trả nợ. Xong xuôi vợ chồng mình sẽ bàn tính tiếp nhé!

Hai ngày sau vẫn không thấy Vĩnh về. Tủ giả của anh cũng chẳng còn bộ quần áo nào cả. Thế là thêm một lần nữa Vĩnh lại bặt vô âm tín.

* * *

Tin vợ chồng Mừng - Bảo cải tạo vụng nước dưới chân thác Hồng Hoang, nuôi thành công cá tầm chả mấy chốc loang ra khắp Văn Long. Mọi người háo hức muốn đến tham quan nhưng Phùng Thế Bảo kiên quyết:

- Không ai được vào đâu. Phòng bệnh hơn chữa bệnh đấy. Các vị đến tham quan nhỡ mang theo mầm bệnh khiến cá chết hàng loạt thì chúng tôi sạt nghiệp à?

Thế là ai nấy đành chịu. Chỉ đến khi chủ tịch xã báo đưa đoàn khách thành phố đến thăm, vợ chồng Mừng mới vào trang trại mở cổng tiếp đón. Đoàn khách được dẫn đến những ao nuôi cá tầm kè bằng đá núi, xếp thành hàng bên thác Hồng Hoang bọt tung trắng xóa. Một thanh niên đội mũ Levis che kín vầng trán cao, chân tay rám nắng từ căn chòi bên rừng bước ra giới thiệu:

- Trang trại của chúng tôi có hơn một chục ao nuôi cá tầm, lấy nước từ thác Hồng Hoang chảy từ đỉnh núi xuống. Đây là nguồn nước sạch và lạnh, rất phù hợp cho việc nuôi cá tầm. Ba ao đầu là ao ươm cá giống, còn lại là ao nuôi cá thịt các độ tuổi. Qua một năm từ khi thả cá giống đến nay chúng tôi đã chuẩn bị thu hoạch lứa đầu.

Mọi người đi theo bờ bê tông đến thăm ao cá thịt. Từng dòng bọt nước do máy sục oxy từ dưới đáy sủi lên len lỏi giữa đàn cá, mỗi con dài chừng hai gang tay, mình thuôn tròn chen chúc nhau bơi. Ai cũng trầm trồ khen ngợi. Một ông khách hào hứng hỏi:

- Cá này bán bao nhiêu tiền một cân hả anh?

Người hướng dẫn ngẩng lên đáp:

- Dạ, khoảng ba trăm ngàn anh ạ.

Bỗng ông Chủ tịch xã Văn Long reo lên:

- Chú Vĩnh! Chú làm ở đây à? Sao cô ấy bảo không biết chú đi đâu?

- Dạ, em ở đây nuôi cá cho vợ chồng nhà Mừng - Bảo đã gần năm nay rồi ạ.

- Thế à? Thế mà mọi người không biết, cứ đồn thổi đâu đâu ấy.

 Chiều, nghe chủ tịch xã bảo, Lợi vội vã chạy vào thác Hồng Hoang. Trang trại của Mừng được rào kín. Cổng giả chắc chắn, cài chặt. Lâu nay biết vợ chồng Mừng lập trang trại ở đây, nhưng công việc bận tối mắt, lại luôn thấy họ sống trong làng, nên Lợi chưa có dịp vào thăm. Chị đang ngơ ngác thì Bảo phóng xe ào đến. Anh mở cổng, đẩy Lợi đến trước ngôi nhà sàn năm gian được dựng giữa khoảng đất trống nối thác Hồng Hoang và hồ Suối Lạnh rồi gọi lớn:

- Vĩnh ơi, ra đón khách này.

Có tiếng lạch xạch ngoài khu ao, rồi Vĩnh hấp tấp men theo bờ chạy vào. Đến trước mặt Lợi, anh đứng như trời trồng. Lợi cũng như hóa đá, nước mắt vòng quanh. Phải một lúc sau Vĩnh mới bình tâm lại. Anh run run nắm tay Lợi, kéo lên cầu thang vào nhà. Bảo đang ngồi trước bếp lửa kê ở gian giữa đứng dậy:

- Thôi nhé. Từ hôm nay tôi trả lại nhà cho hai người đấy. Có chuyện cần tâm sự với nhau thì tâm sự đi, còn gì tý nữa chờ tôi về đón Mừng vào sẽ giải quyết nốt.

Nói xong Bảo cười tinh nghịch, ào xuống cầu thang rồi phóng xe lao nhanh ra cổng. Lợi ngơ ngác chưa hiểu thế nào, mặt cứ đần ra, buộc Vĩnh phải giải thích. Giọng anh đượm buồn:

- Anh đã có lỗi lớn với em. Anh muốn làm được việc gì ra tấm ra món để chuộc lại lỗi lầm ấy. Vì thế số tiền em đưa đi trả nợ ngày trước còn mấy chục triệu anh không dám tiêu, nhờ anh Bảo đi mua hộ ngôi nhà sàn này về dựng ở đây. Anh bàn với vợ chồng Mừng chung nhau đào ao nuôi cá tầm. Một năm qua anh không cho vợ chồng Mừng báo tin, quyết tâm ẩn dật, nuôi bằng được cá tầm để lập công chuộc tội với em đấy.

Lợi thấy thương chồng, nhưng còn giận vì bị phản bội nên vẫn im lặng, chẳng bắt lời. Không gian yên ắng như chốn không người. Mãi tối một chặp vợ chồng Bảo mới vào. Vừa bước lên cầu thang Mừng đã nháy mắt với Lợi, bỗ bã:

- Thế nào, "mạ già ruộng ngấu", kể lể với nhau hết chưa? Anh Vĩnh nhà chị thế mà giỏi ra phết nhé. Anh ấy nói với vợ chồng em là ba năm trước đã ngã xuống từ chiếu bạc, may mà còn học được nghề nuôi cá tầm. Bây giờ anh ấy phải quyết đứng lên từ nghề ấy đấy. Vụ cá này chắc chắn chúng ta thu được bốn tấn cá, trừ chi phí cũng còn lãi trên nửa tỷ đồng, chị ạ!

Bảo phù họa:

- Không phải chỉ nuôi cá tầm thành công đâu. Đề án mở khu du lịch sinh thái tại Văn Long của chú Vĩnh tôi đã trình bầy và được huyện đồng ý rồi. Tới đây chú ấy sẽ là giám đốc đề án, có mà bơi ra chẳng hết việc nhé!

Lợi lại ngơ ngác, rụt rè hỏi:

- Đề án ấy như thế nào?

Bảo nói tiếp:

- Thực hiện đề án đưa Văn Long trở thành vùng chè tập trung, hợp tác xã đã dùng máy móc thay cho lao động thủ công nên lao động dôi dư nhiều. Để giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho số người này, chú Vĩnh đã nghiên cứu lập đề án chuyển bớt họ sang làm du lịch cộng đồng, mở ra một ngành nghề mới cho quê mình đấy, em ạ.

Lâu nay Lợi đã từng lo đến mất ăn mất ngủ về việc làm cho số lao động dư thừa khi thực hiện đề án của mình mà chưa tìm ra cách. Nghe Bảo nói vậy chị vội hỏi:

- Du lịch cộng đồng là làm những việc gì?

Đến lượt Vĩnh trả lời:

- Chúng ta sẽ tạo ra các tour du lịch đến Văn Long. Việc này anh Bảo đã bàn với Phòng Văn hóa huyện rồi. Họ sẽ phối hợp để các tour du lịch đi Vườn Quốc gia Xuân Sơn lấy Văn Long mình làm điểm dừng chân. Đội ngũ hướng dẫn viên của xã sẽ bố trí chỗ ăn nghỉ cho khách, rồi đưa họ đi tham quan dàn cọn nước ven suối Chiềng cõng nước lên tưới cho ruộng bậc thang, thăm thung lũng Moong tẻ với những đám mây mầu vàng trôi trên đỉnh gò, ngắm những đồi chè xanh ngắt lấp loáng trong sương sớm, thăm thác Hồng Hoang bồng bềnh trong nắng và khu nuôi cá tầm của chúng ta.

Mừng phấn khởi nói tiếp:

- Để có điểm cho khách nghỉ ngơi, anh Vĩnh bàn sẽ vận động dân làng tách bớt một số hộ vào Suối Lạnh, cất các ngôi nhà sàn như của mình đây để vừa ở, vừa làm du lịch sinh thái. Đoàn Thanh niên đã vận động đoàn viên lập các nhóm tự tay nấu các món ăn của người Mường, người Dao như cơm lam, xôi ngũ sắc, cá nướng, thịt lợn muối chua, thịt trâu sấy gác bếp, các món rau đồ và các món ăn đặc sản chế biến từ cá tầm để phát huy nét đẹp văn hóa ẩm thực thu hút khách. Các nhóm này còn được học cách hướng dẫn khách tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hóa Mường, Dao quê mình như đâm đuống, múa mỡi, xinh tiền, hát giang, hát ví, cấp sắc, tết nhẩy và đánh đu nữa.

Với một giọng run run, Vĩnh nói như hối lỗi:

- Còn gò đất Moong tẻ, chúng ta nên đề nghị đổi tên thành gò Hoàng Hạc. Mầu vàng của các đám mây trôi trên đỉnh gò bây giờ đã mang một sắc thái mới. Nó như cánh hạc vàng bay trên nền xanh mướt của chè, đem đến cho bạn bè khắp nơi những cảm hứng sáng tạo nghệ thuật ấm cúng. 

Nghe mọi người nói, Lợi thấy nhẹ hẳn lòng. Chị thực sự xúc động. Con người Vĩnh đã trải qua những bước lầm lỗi khi phụ bạc mảnh đất này, giờ đã tỉnh ngộ, biết đem các kiến thức hội nhập ở các vùng quê khác về nâng tầm vị thế cho đồng đất quê hương. Bây giờ anh còn xử lí những ách tắc về lao động dôi dư trong đề án phát triển vùng chè của chính chị. Làng xóm Văn Long cũng mở lòng, chỉ ra bao nhiêu điều tốt đẹp để anh biến những ấp ủ của mình thành các hoạt động quảng bá văn hóa các dân tộc từ xa xưa đang lưu dấu ở đất này. Còn chị, chẳng lẽ trước những cố gắng của anh, chị vẫn cố chấp?

Tự nhiên trong lòng Lợi dâng trào một cảm xúc xao xuyến, vừa thương chồng, vừa thương mình. Chị như người đang ở giữa đêm đông giá lạnh, được hơi bếp lửa hồng sưởi ấm, làm bồng lên những ước vọng hạnh phúc. Ý nghĩ giục chị mở lòng đón Vĩnh quay về làm lại cuộc đời cứ lớn dần, lớn dần rồi choán hết tâm trí. Chị âu yếm nhìn chồng rồi mỉm cười.

Thoáng cái trời đã gần sáng. Trên đỉnh gò Moong tẻ, đôi chim "bắt cô trói cột" đã gặp được nhau. Tiếng của chúng xoắn lại, buông vào không gian những dư âm tràn trề hạnh phúc.