Một người chân đất, cao lêu đêu, xách con gà trống, tay thõng xuống, quần xắn bên cao bên thấp, lộ ra ống chân đen nhẳng. Một người chân giày, quần bò, áo phông đen, lững thững từ nhà ra, mặt tươi chào:
- Bác từ dưới ao lên ạ.
- Nhà toàn ao, chẳng lẽ trên trời xuống chắc.
- Dưới ao lên, lại xách gà. Con này là cá gà chăng?
- Ờ, cá trên cạn bị cá dưới nước phóng lao kinh quá. Nó bay vào tay ta, bảo nhanh nhanh về mà đón chú.
Cả hai cười rung, bắt tay.
Về đến sân, chân đất gọi, Tâm ơi làm cho chú con gà. Vẫn món như mọi khi ạ, tiếng con gái từ sau nhà. Ờ… tiết canh, rang, rau cải luộc. Dạ, vâng ạ.
Chân giày nghênh mặt nghe, rồi tẫm tợt, có bạn giám đốc ao, tưởng được đãi cá, lại gà… hay là cá không an toàn nhỉ. Chú nói gì…. - chân đất vụt đứng dậy, vung tay, đùng đùng:
- Cái Tâm đâu, ra ao bắt ngay cho chú mấy con lên đây.
- Dạ. Trắm, hay chép, hay lăng ạ.
- Loại nào cũng được… mau lên.
Cái Tâm cuống cuồng chạy, tay vung thức ăn, tay vợt lẩy bẩy. Tích tắc, đen đặc mặt ao một bè cá. Oằn né, nhảy lên, rớt xuống, ủm choẳm… Cái vợt quờ quạng như thằng mù, lấy bấy mấy lần nhấc lên, toàn nước rơi.
Đồ ăn hại… chân đất quát, chạy ra, giật lấy vợt. Nhoằng cái, một con trắm to vật, trĩu tay mang về.
Cá, dao, thớt phịch lên bàn. Pằm pằm pằm... đầu đuôi gạt ra, thân cá thành ba khúc, gọn gẽ. Chân đất nhấc khúc giữa lên, xoay một vòng, rồi đưa sát miệng. Chân giày mồ hôi vã ra, lắp bắp:
- Em… em xin lỗi, em đùa, bác bỏ qua cho.
- Không xin sỏ, đùa cợt gì sất. Đứng yên đấy, mở to mắt ra mà đợi… Một là mai đọc điếu văn vang như mõ cho Trần Miến… Hai là ao này, nhà này, từ nay không có thằng bạn nào tên là Dung Nguyên.
- Em xúc phạm bác, tội em to lắm rồi, em lạy bác… bác tha cho - chân giày mếu máo, quỳ gối, đầu rập xuống như bổ củi.
Không có biểu hiện gì hạ nhiệt. Khúc cá đã vào mồm chân đất. Thịt vào, xương ra, quén gọn.
Chân giày cắn răng, ôm đầu giựt tóc. Chân đất đương như con mèo hăng mồi, ngon thẻm chứng minh.
Từng giây, nặng nề. Tí nữa thôi sẽ kết thúc. Lịch sử Thanh Quang sẽ có mấy dòng… Hôm ấy tại ao nhà Trần Miến, trong cơn tự trọng, bốc cháy nóng giận đã xảy ra một việc… Nhưng. May quá, trong lúc chân đất ngửa mặt lên giời, chân giày vô thức vớ luôn một khúc… nhai nhai nuốt nuốt… y hệt chân đất.
Chân giày làm chậm. Chân đất xong xuôi, trố mắt nhìn… Trời ơi, cái cổ đang ngắc ngắc nghẹn ứ, nước mắt nước mũi chan hòa. Chết chết, đồ văn hồ báo ao mà đòi bắt chước à. Chân đất đập tay đánh ruỳnh một cái xuống bàn:
- Thôi ngay… đồ điên…
Chân giày như điếc. Chân đất tức mình, thẳng tay vả cho một cái. Chân đất loạng choạng, lảo đảo ra gốc khế. Thấy ngồi thụp xuống, vai rung rung, hình như là khóc.
***
- Còn oan ức lắm hả. Thôi về đây uống nước… - Giọng chân đất đã nhẹ.
Chân giày đứng dậy, lau nước mắt.
Không ai nói gì. Họ cùng nhìn ra ao. Gió lăn tăn mặt nước, mát lẹm.
“Cháu cho gia vị đầy đủ rồi, để sắp ăn mới nấu chú nhé”, cái Tâm từ bếp ra, đứng nghiêm. Có thế mà cũng báo cáo, chân đất nói rồi tợp một ngụm chè xanh. Ăn no rồi gà qué làm đếch gì. Ha ha… ăn no cá nhưng đói gà. Như chỉ đợi có thế, chân giày sằng sặc cười. Ôm bụng cười, hai tay bấu vào ghế, ngả nghiêng. Chân đất mím môi, kìm cho vẻ mặt nghiêm, nhưng tiếng nói vừa ra đã ngặt nghẽo:
- Hôm nay… có hai thằng điên nặng.
- Vâng, được bác cho chơi lạ, thích lắm ạ.
- Ờ, cả xã này bảo Miến khùng. Chú thấy đúng chưa?
- Dạ, thưa thầy đúng lắm ạ.
Thế là gan ruột khoan khoái, hòa bình trở lại.
Chân giày linh tinh, thế giới, trong nước, tỉnh nhà, ông nọ bà kia, nóng sốt, đóng băng. Chân đất kể, hôm kia tay Bắc cùng một đoàn tùy tùng vào đây câu cá, uống rượu, chém gió. Chân giày ra vẻ thạo quan hệ, chia sẻ, thì làm ăn mà… bác không thể nuôi cá một mình. Ờ, chú nói giống với một triệu người, điều này anh giác ngộ ba chục năm nay rồi. Lẽ ra chân giày phải tiếp lời là, bao nhiêu lần lũ mà ao nhà bác chả sứt tí bờ nào, hay đại loại ma quỷ tướng cướp, hiền lành tử tế… bác cho xuống ao tất… thì lại buông một câu, dù văn vẻ nhưng vẫn rất tiểu nông, bụi tre - Ba mươi năm, nếu cộng hết những mâm khách, chắc kín hết hai hécta ao, bác nhỉ. Ờ, chắc thế, nhưng ăn nghĩa đất đen giờ lạc hậu lắm rồi, thời đại mới rồi. Thời đại mới mà tỷ phú vẫn da đen chân đất. Ừ, chân đất đấy… chân đất ngả người giơ hai chân lên, kéo quần lên. Màu đất đúng chưa, nông dân mà không có đất thì chết đi cho rồi. Chân giày ơ mắt, dù bao nhiêu lần nghe chân đất kể, đọc Tam Quốc, Truyện Kiều, thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên… vận vào, chiêm nghiệm, nhưng hôm nay thấy lạ lạ làm sao. Chắc ông này sắp có triết lý mới đây? Chân giày im tinh, chờ đợi… Nhưng mãi, chả thấy câu gì thêm. Chân đất bỗng đứng dậy, vỗ vai chân giày:
- Sang đây với anh. Hôm nay anh cho chú xem pháo đài của anh.
- Đóc Ky thì nằm kia rồi. Súng ống, dao kiếm gì nữa chăng?
- Nghe giọng đã thấy non bấy. Cứ sang đã, tận mắt, tận tay rồi thầy phán.
Minh họa của họa sĩ Vũ Long Bình.
Hai người sánh vai nhau, chầm chậm bước. Qua lối bê tông, hàng cau như kiêu binh nghiêm thẳng chào đón hai nguyên thủ. Qua cây cầu cong mướt, cá bên dưới thấy người là uốn éo ngay, rõ những cái miệng chu môi lên vuốt bóng.
Đây, pháo đài của anh đây. Khánh thành được hai tháng rồi. - Chân đất mở cửa, khoát tay. Đây là trì sàng (chỉ vào cái giường) cho ta mơ những giấc mơ cùng nàng tiên cá. Đây là kho bạc, dòng vào trôi chảy dòng ra nhịp nhàng (chỉ vào cái két). Đây là bộ thông tin (chỉ vào đầu wifi, camera) bốn phương trời về đây với Trần Miến. Đây là đầu ra…(chỉ vào phòng WC) đêm hôm buồn cái là te thiếu huyền, phải giăng phải gió… phải khóc.
Chân giày mở to mắt, nhìn, nghe. Hết phòng ngoài, còn phòng nữa, bên trong tấm ri đô phe phất kia... thôi chả dại, tò mò làm gì, có khi lại phạm húy, ăn chửi. Bụng bảo dạ vậy nhưng chân giày cứ nhìn nhìn, rồi buột miệng, chỉ tay - đây chắc là phòng thờ? Phòng kỷ niệm… nhưng mà thờ cũng đúng.
Hai người vào. Thấy tối hẳn. Chân giày dụi mắt… phòng thờ gì mà xoàng xĩnh, nền đất chả lát gạch men. Bàn thờ, bát hương đâu?
- Chú biết cái gì đây không? - Chân đất đập đập bàn tay xuống những hõm đất. Năm, sáu, bảy, tám… hõm đất, quây vòng hai hàng hai bên như kiểu… người trời chơi ô ăn quan.
- Hõm đất. - Chân giày đã nghĩ chân đất ẩn dụ gì đây nhưng nghĩ mãi không ra đành nói tạm.
- Thế mà cũng đòi làm nhà văn… Đây là ghế ngồi uống rượu ăn cơm.
- Ghế ngồi? Ngồi ăn mà phệt xuống đất á?
- Chứ sao. Đã lên cơn ăn thì quan trọng gì cái ghế.
- Trời phật. Cho em xin kiểu ảnh nhé. - Chân giày hớn hở rút cái máy ảnh bé xíu trong túi quần ra.
- Khoan khoan… Đợi anh phục dựng nguyên bản.
Chân đất xua tay, lập cập lại mở tủ, mang ra một bọc nylon dài. Khe khẽ mở, rón rén kéo… Oao… một manh chiếu cói. Thâm sỉn, rách nát.
Để em cầm một đầu. Không được, chú xê ra. Đây được rồi, mời chú.
Chân giày bấm máy, đèn lóe lia lịa. Chân đất nhìn vẻ sốt ruột, luôn mồm hỏi xong chưa.
Mấy phút, chân giày mới bỏ máy ra khỏi mắt, kêu lên:
- Ôi… sao cái chiếu này rách khéo thế. Bao nhiêu chỗ rách, bấy nhiêu hõm đất, trùng khít nhau.
- Đấy, đầy đủ ghế ngồi của mâm cỗ đấy.
- Chắc mông của khách có gai.
- Gai vào mắt chú ý. Chỉ giỏi suy diễn.
- Vâng, suy diễn là nghề của em mà.
- Ghê nhỉ. Vậy những hõm đất này suy ra cái gì
- Ra… ra cái ao. Nó là sa bàn ao.
- Đồ nịnh thối.
… “Đồ nịnh thối” còn bị đay lại bốn lần trong bữa ăn nữa. Cứ “đồ nịnh thối” xong, chân đất lại hê hê. Rồi bàn tay xương xảu rập rình ngón trỏ vào mặt chân giày. Chân giày tức quá, bật phản pháo:
Anh còn nịnh thối hơn em. Nịnh ai, bằng chứng đâu? Thì đấy, những cái hõm đất ghế ngồi đấy... hàng triệu lượt. Chả nịnh thì là chửi chắc?
Nói xong, chân giày cười he he, vênh mặt tự đắc… phen này ông hết lý nhá.
Có vẻ thua. Thấy chân đất thu ngón tay về. Nhưng làm sao kia, đang vo thành nắm đấm. Đấm ba quả vào không khí, rồi chùng giọng:
- Chú thấy nước mà chưa biết cá. Thấy ghế ngồi hõm đất nhưng chắc gì được một mẩu mô tê răng rứa.
- Thì kể đi. Em xin làm người chép sử ao làng.
- Chép làm sao được. Kiểu gì cũng bị văn người. Văn đất khó lắm… không bón phân hóa học, không chị em chính phụ.
Chân đất ngồi phệt xuống, gỡ manh chiếu lên. Chân giày ngồi theo, mặt sờ sợ.
* * *
Chân đất ngồi thừ, đôi mắt mở to, không chớp. Chân giày nhìn ông anh, nhìn ra ao, lại quay vào. Chân đất vẫn tư thế, nét mặt vậy.
Xạc xào, âm âm. Tiếng đâu từ tít sâu âm ti, văng vẳng.
… Bắt đầu từ buổi trưa, ta nằm mênh mông phơi nắng. Người làm đồng đã về hết. Có một chiếc xe đạp đang nặng nề, rõ tiếng cót két. Rồi tiếng chửi - “đ. mẹ chúng mày chơi tao hả”.
Không lẽ chửi ta… ta biết anh này từ ngày tay trắng, không tấc ta. Ta nhiều nhất, giàu nhất nhưng quyền lực thì hạt bụi. Ta biết rõ từng người, sung túc lắm, đói rách cũng nhiều… muốn công bình mà không thể cất tiếng. Ta hèn. Ta ngậm cay nuốt đắng, đành dặn mình rằng sẽ có một ngày ai cũng có ta.
Đêm rằm ấy, trên “bờ xôi” khu “ruộng mật” có một người đàn ông nằm lên ta mà khóc. Xa xa tiếng trống tùng rinh, tiếng hát “…chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu…” náo nức. Nước mắt thấm vào ta, xót lẹm. Thật không hiểu nổi, trung thu trăng sáng như gương thế này mà có người ôm đầu gục mặt nức nở. Làm sao con khóc? Trời ơi… đất ơi… con khổ quá! Sao con không có đất? Trẻ con thì có tội gì mà không được ăn bánh đón trăng. Tiếng khóc òa lên, như đứa trẻ bị đánh từ sáng, đến tối mẹ về lại bùng đau. Ta rung theo, nghèn nghẹn.
Ta biết rõ anh này. Tại anh từ nơi chật đến nơi rộng mà… không xin phép. Anh làm con khỉ vào rừng, anh thành con trâu đất làm thuê khắp vùng, anh lấy vợ sinh con vẫn không có đất. Không có đất thì không có theo nhiều thứ. Hôm nay trung thu, trăng thấy trẻ con thì yêu tất, nhưng người không thế, phải xóm tổ khu abc cụ thể cơ… Vậy là con anh thừa ra.
Khóc nữa đi con. Có đất mẹ đây, mẹ không để rơi một ai. Đứng dậy đi con, thẳng người đi con. Đừng yếu mềm thế, nước mắt đàn ông nhạt lắm.
Từ đêm ấy, thôi khóc.
Tháng năm, tháng mười, cánh đồng nhộn nhịp, thóc nhằm hướng xóm về hòm bịch. Anh trèo lên ngọn sung nhìn ra màu vàng mênh mông, thở dài. Anh nghiến răng, nắm chặt bàn tay, mình không thể chết được.
Vẫn còn một cánh cửa mở. Gặt xong thì đồng không… ốc, ngóe, châu chấu, thóc rụng…. vô biên. Mình sẽ nuôi vịt, chả ăn ruộng ăn đất của ai. Tiếng cạp cạp vang rộn trong đầu anh.
Đàn vịt đã kéo anh đi. Vụ ấy, vụ sau, vụ nữa, nữa nữa… hai trăm, hai ngàn, ba ngàn con. Anh như đang khát được uống, chăm chỉ chạy đua với thời vụ. Người ta quên, cả vùng vẫn chăm chắm vào thóc, đo giàu nghèo bằng thóc. Anh rộng đường vịt. Ngày ngày những sọt trứng ra chợ, tự mình quyết định giá mà non sáng đã hết veo.
Cứ thế, chả mấy, anh đã cất được ngôi nhà trên bãi lầy trong chân núi.
Nhưng sự đời không chiếu mãi một phim. Mấy năm cánh diều vịt anh lên cao vút thì đổi mới đổi miếc, mở cửa thông lên “xứ mù”.
Sáng ấy, như mọi sáng anh đèo hai sọt trứng ra chợ phố. Có mấy người đến hỏi giá bao nhiêu, trả lời - vẫn như mọi hôm. Kêu - Đắt quá. Lè lưỡi, bảo - Mua trứng vàng trứng bạc này làm gì, lại xe tải kia mà lấy, mười quả như nhau cả mười mà giá bằng nửa đây.
Ngồi cả buổi không bán được quả nào, anh bỏ xe trứng đấy, ra chỗ xe tải xem sao. Thấy đen đỏ người vây quanh. Hỏi bán thế nào, trả lời, lẻ thì… buôn thì hạ thêm ba giá… chở đến tận nơi theo yêu cầu. Trời đất, nuôi nấng kiểu gì mà bán như cho vậy. Không tin, anh hỏi lần nữa, vẫn trả lời thế. Anh tái mặt quay gót. Thấy tiếng với theo - Cái đồ phọt phẹt xe đạp, đếm từng quả. - Nông nghiệp ăn thế nào được công nghiệp. - Rồi mày sẽ tự chết thôi...
Anh quay ngoắt lại, để đấm vỡ mồm, dập tắt mấy cái loa đểu. Nhưng một cái hất hàm, những ngực xăm trổ, những mắt vằn đỏ chuẩn bị ra đòn…. khiến anh lảo đảo quay gót. Anh tứ cố vô thân, tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Đường về toàn nắng quây anh. Anh uất, anh chửi. Ta thương lắm, cứ bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau sẵn sàng nâng đỡ cái xe rẹo rọ… Nhưng, không kịp nữa rồi… chớp mắt, xe lao vút xuống ruộng, hai sọt trứng văng ra. Phút chốc mặt bùn thành một đám lòng đỏ, lòng trắng, quả vỡ, quả lành. Ta cong người định nâng anh dậy, nhưng anh nhanh hơn, rút chân, rũ bùn, đứng thẳng. Anh giật sọt trứng còn mấy quả, vung lên ném nốt. “Tao thề không bao giờ ra chợ nữa, rồi chúng mày sẽ phải vào nhà tao mà xin mua.”. Tiếng thề vang lảnh, chói lói. Nắng rần rật chạy lên cao, mặt ruộng rung rung, sóng bùn óc ách.
Mặc vợ khuyên can, khóc lóc, ba ngày anh tống táng xong đàn vịt.
Cả tháng anh nằm nhà, thuốc lào vã, trà cắm tăm một mình.
Sáng nay, hai đứa con đi học. Anh vẫn ngồi như tượng. Vợ dưới bếp, siêu nước sôi từ lâu, mãi mới nem nép lên lấy cái phích. Lúc chị quay lại thì anh nói:
- Chắc em sợ chết đói lắm phải không?
- Vâng. Miệng ăn núi lở... Cứ thế này, có khi nhà mình kéo nhau đi ăn mày thôi.
- Ăn mày… tưởng dễ đấy hả… Đàn bà chỉ nghĩ quẩn là nhanh.
- Thế anh định làm gì?
- Chưa định làm gì, nhưng sẽ làm.
- Hay là mình ra phố làm thuê? ... Ngày cũng được dăm cân gạo.
- Phố phố phố. Tôi cấm nhắc đến từ phố trong cái nhà này. Tôi là nông dân, cô là nông dân, không có phố phường gì hết.
Anh gầm như con hổ, đứng lên, giậm chân bình bịch xuống ta. Rồi anh lôi sềnh sệch chị vợ ra sân, chỉ tay:
- Banh mắt ra mà nhìn đi. Mênh mông kia bao nhiêu năm rồi bỏ hoang… muốn đói đất cũng chẳng cho đâu.
Ta nghe mà mát hết cả gan ruột.
Ta cũng như người. Chỗ nạc mỡ, chỗ xương xảu. Nạc mỡ đều đã có chủ hết, xanh vàng mùa màng gối nhau. Còn xương xảu, bao nhiêu bãi đá sỏi, đầm lầy cứ phơi như xác chết chả chôn. Như khu nhà anh đây, từ thời sinh ra đã bị người người sợ hãi tránh xa. Nhớ lần đàn trâu ngoài xóm, hết buổi ăn trong rừng về, tại bóng đêm, tại đầm lầy… một con bị trượt chân xuống, giãy giụa… rồi nằm lịm. Chủ nhận hung tin, hộc tốc đến nơi, thấy còn mỗi đôi mắt khóc, chóp sừng nhấp nhô. Thương trâu xót của, anh ào ra… tích tắc, bùn lún tận ngực. Cứu trâu chưa được, lại thêm cứu người. Gọi nhau, hét nhau, đèn đuốc sáng trưng, cuộc cứu nạn ấy, ì ạch trầy trật mãi tới gần sáng. Người thoát chết, còn trâu phải xẻ thịt - đấy là tấm biển cảnh báo chết chóc vô hình treo trên bầu trời ta. Ta đau lắm, ta luôn muốn đâu cũng màu mỡ xanh tươi, gọi người sinh sống, nhưng ta tên là Đất. Đất chỉ sinh ra nơi sống, còn quyết định đẹp, xấu, sung sướng, khổ đau… lại do bàn tay khối óc con người.
Ta ngạc nhiên, rồi sung sướng, rùng rình đón anh, cả gia đình bốn người về ta. Anh chăm như con trâu, cả nhà là một đàn trâu khỏe, bạt đồi, chở đất, làm đường, đắp nền.
Hai tháng, ngôi nhà giữa bãi lầy đã mọc lên. Ta vui, hằng đêm rung ngân theo tiếng trẻ học bài, tiếng vịt cạp cạp. Anh có một tổ ấm để đi, để về. Ta không còn lạnh lẽo, ta thấy mình không vô nghĩa.
Anh mải miết theo đàn vịt. Tối tối, tiếng đếm tiền, tiếng vợ chồng hỏi nhau nghe sao mà no ấm hạnh phúc. Mấy năm như thế, tưởng rồi đây gia đình anh sẽ cất cánh, tậu được một mảnh đất mới êm thuận, xây ngôi nhà khang trang như nhiều người thoát đói nghèo, hay đổi mới như thế.
Nhưng, ta mừng hụt mất rồi... Dạo này, chả thấy vịt kêu, chả thấy chồng, chỉ chị vợ ra, vừa thấy ta là khóc sùi khóc sụt. Hỏi thì òa lên, nức nở … cả nhà con sẽ chết đói mất thôi. “Con người là hoa đất”, còn ta còn hoa thơm trái ngọt, ta tin nghị lực ý chí anh nhà, sẽ không có chuyện xấu xảy ra đâu. Ta động viên vậy nhưng chưa hết lo. Vùng này nhiều người mắc nghiện, buôn bán ma túy… nát nhà tan đời, có nguyên nhân từ hoàn cảnh phẫn uất, muốn một tấc thoát đất lên trời.
Thì hôm nay mừng quá, hệt như ngày đắp đất mở đường, đắp nền, làm nhà. Nhưng lần này khác hẳn. … Thấy đôi vai, ì ạch vác từng tảng, từng tảng ta. Thấy đào sâu, đắp cao. Thấy ngày, thấy đêm, thấy mồ hôi hòa đất nâu, nước bùn rót rít khuôn mặt. Thấy vợ chồng con cái cần mẫn lầm lụi như đàn kiến xây tổ. Thấy nắng muốn tắt, thấy mưa muốn kêu trời một tiếng. Thấy người đến xem, bĩu môi - đồ điên nặng.
Một tháng… hai tháng… sáu tháng… hai cái ao rõ hình hài. Anh chồng giọng vui, đố vợ. … một nghìn, hai nghìn, ba nghìn, bốn nghìn mét vuông… em chọn mấy nghìn? To quá em không ước được, vợ nghèn nghẹn nói, mắt rưng rưng nhìn chồng. Một cái hơn một nghìn, một cái gần ba nghìn…tất cả là bốn nghìn, anh đo chiều qua rồi… mình sẽ chỉ thả ba loại, rô phi, trắm và chép, con trên con giữa, con đáy; con ngắn nuôi con dài… trước mắt là như thế đã.
Ý định phơi phới thế nhưng không dễ dàng được. Đầu tiên là… tiền đâu thả cá giống. Từ đận thôi vịt trứng, bốn miệng ăn không, trong nhà còn mỗi mấy trăm, nhăn nhúm cáu bửn. Thì đi vay. Sáng anh ra xóm, trưa quay về mặt thườn thượt, lao luôn lên giường, nằm sấp. Chị không dám hỏi. Mơ sớm hôm sau anh lại đi, gần trưa đưa về một người áo trắng, chân giày, cắp cặp. Anh ghé tai chị, làm nhanh cho mâm cơm. Sao lại đưa khách về lúc này, anh định vạc thịt vợ chồng ra à? Chị nói bé, anh hốt hoảng kéo ra ngoài, gằn giọng, cứu tinh đấy… nhanh nhanh lên… nhớ rượu phải ngon đấy nhé.
Kết cục mâm cơm cũng ra đời. Bốn đĩa - gà luộc, bò xào, sườn chua ngọt và canh chuối ếch đẹp tươi thơm lựng. Anh gật đầu khen vợ. Vị khách thấy bát đĩa bày dưới đất, lắc đầu một cái rồi ra cửa nhìn tràn ao.
Dạ, đã xong xuôi, mời anh ạ. Không nói. Dạ, chả mấy khi anh vào thăm nhà, mời anh ạ. Khách vẫn không mở lời. Anh nhìn mâm cơm dưới đất, hiểu ra… cố giọng khẩn khoản… dạ, thôi thì nhà nông đất đai cục súc, có gì anh thông cảm ạ. Khách nói mát, trong này đất rộng thật đấy nhỉ. Vâng, đất rộng nhưng vốn hẹp, may mà có anh… Câu qua câu lại một lúc không khí mới thăng bằng.
Khách đặt cái cặp xuống đất, lòm khòm hạ người, chân co lại ruỗi, lóng ngóng nhấp nhổm… Ta buồn cười quá. Chưa biết họ là ai, cứ xem đi đứng ngồi nằm trên đất là rõ.
Phải năm chén rượu, vòng vèo thưa gửi xã giao mới hết. Anh xoa tay, dạ nếu được năm chục thì là cái tốt; còn khó quá, hai, ba chục cũng quí ạ… vợ chồng tôi không quên ơn anh ạ. Nhiều thế, tiền nhà nước chứ có phải của túi tôi đâu. Dạ, đúng là nhà nước nhưng cho dân vay để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo… anh ký một chữ thì nhà tôi đổi đời. Nói dễ nhỉ…Đây ông ký đi… khách nhoằng người vớ cặp, lấy cây bút ra, giơ cao… Đây, ông giỏi ký thay tôi đi… Thôi rồi anh ơi, người ta giận rồi, chết rồi… Ta nghĩ chắc chắn việc lớn sẽ hỏng bét. Ta nín thở, nghĩ anh sẽ xin sẽ dập đầu xuống ta mà lạy. Nhưng, ô, làm sao kìa, anh giật cây bút, vụt đứng lên, vung tay… này thì ký này… ký này... Cây bút vèo như một mũi tên, qua cửa, cong cong cầu vồng, lao choẳm xuống ao.
Chị vợ ra từ lúc nào, ôm ngực, khóc thành tiếng. Không khí nặng trình trịch. Tưởng tiếp theo sẽ văng đéo, đù mẹ đù cha, cút ngay… thì khách lên tiếng, ngoặt sang món ăn:
- Món ếch nấu chuối này ngon thế nhỉ.
- Dạo đào ao, bắt được mấy con, nhốt lại. - anh đáp trống không.
- Có khi nuôi ếch cũng hay, dưới kia người ta làm lớn lắm, xuất ra cả nước ngoài đấy.
- Nói vậy biết vậy, giờ nhiều ộp ộp mồm to lắm. - anh kháy.
- … Thế anh định nuôi con gì? - khách biết giọng kháy, vẫn không tức... lạ thật.
- Cá cho chắc đã, cả vùng không một mét đồng tự nhiên, cá ao sẽ thắng.
Câu chuyện chủng chẳng thế mà rượu vẫn đi.
Khi can nhẹ bỗng thì khách dốc lời - hồ sơ của anh, em đã đọc kỹ, nhưng còn phải thông qua cấp trên nữa, em sẽ trả lời anh sớm. Anh nắm tay khách, lắc lắc, mọi chuyện chú cứ lo, anh ở đất mênh mông nên tính cũng mênh mông. Anh nhấn mạnh “Mênh mông”.
Khách đứng lên, chào tạm biệt. Thấy chỗ ngồi, khoảng chiếu hõm xuống, nhăn nhúm. Một làn hơi nóng, mỏng như khói, vẩn vơ bay.
Anh tiễn khách, men bờ ao, ra tận đường cái.
Anh quay lại, chị đang dọn mâm. Anh bảo, thôi để ăn tiếp, nãy toàn uống, đã được hạt cơm nào đâu… Chị nhìn anh ăn một lúc mới hỏi… như thế là hỏng hở mình? Hỏng làm sao được… nó ra vẻ đấy... Em thấy chú ấy bảo còn thông qua bên trên cơ mà… Thông cái con khỉ. Nó đã vào nhà mình, ngồi xuống đất uống rượu là đói lắm rồi… sĩ thôi, cao cao quan trọng tí thôi... mũ cao áo dài khổ thế đấy. Em chả tin.
Năm ngày sau thì nhà lại có khách, cũng áo trắng cắp cặp. Khách bảo em là quân của anh Ngần, đến thông báo cho anh chị… được năm mươi triệu rồi… phải thuyết minh bã bọt mép đấy.
Lại mâm bày dưới đất. Khách ngồi xuống, đúng chỗ khách trước. Khách rút điện thoại trong túi quần ra, alo luôn, anh Ngần ạ… anh nói chuyện với anh Miến nhé. Anh cầm điện thoại -… chú Ngần à, chú vất vả quá, mời chú vào uống chén rượu vui với anh. Chúc mừng anh, em bận lắm… thôi có gì anh cứ làm việc với nhân viên của em nhé.
Bữa rượu vui say nhanh. Kết thúc khi khách chốt lại, sáng mai anh ra trụ sở ký nhận tiền, nhớ bảo cho gặp Thành phòng khách hàng cá nhân, em ở trên tầng hai ý. Khách bắt tay anh, rồi đứng lên. Anh chạy vào buồng, mang ra một bọc giấy vuông vắn, chú vào thăm nhà anh chị có chút quà gửi chú Ngần cùng anh em… Khách xua tay, thôi thôi để khi nào cá to em xin mấy con làm gỏi. Rồi sẽ có trắm bằng cái cột, nhưng hôm nay là quà trang trọng cảm ơn, chú không nhận anh giận đấy. Anh giằng lấy cái cặp, mở ra, đút vào, khóa đánh tách, đưa lại cho khách. Khách đành chịu, mặt tươi như hoa, rổn rảng chào về lần nữa.
Sáng hôm sau anh đi, non buổi đã về. Chị hỏi được bao nhiêu. Năm, anh xòe bàn tay. Chị mở túi, đếm, lẩm bẩm, sao có bốn. Đưa trả luôn cho thằng My một. Vay nó bao giờ… sao lại vay? Mẹ cu nông dân quá, quà hôm qua đấy. Anh giải thích hoa hồng hoa cúc, này nọ. Chị nghe chỉ hiểu lơ mơ, rồi thở dài… thôi cầu trời cho lứa cá này đầu xuôi đuôi lọt.
“Cầu trời”, ta nghe mà chạnh lòng. Sao không cầu ta? Trời làm nắng mưa nóng rét nhưng ở xa. Ta ở gần, ngày đêm nâng giấc, ru dưỡng chúng nó. Ta là ruộng, là ao, vườn tược, cây con… ta vui thì được mùa, no ấm; ta mà đã giận thì trời cũng chả xuống mà cứu được. Thật hột đến thế là cùng, thôi bỏ qua cho kiểu nói quen mồm… không nhỡ làm sao lại gục mặt xuống ta mà khóc.
Vụ cá ấy thắng to. Rô phi được nước mới, lại người chăm tốt nên lớn nhanh như thổi. Anh bắn tin buổi sáng, buổi chiều dân ngồi chợ đã xe đạp xe máy ùn ùn vào đòi mua, đợi lấy. Giá hét bốn mươi, vui. Biết thừa là chúng mày ăn năm giá, nhưng cân xong vẫn bớt cho… còn có ba tám. Hai bên cười phớ lớ, chúc nhau bán đắt hàng, cá chóng nhớn.
Cuối năm, trừ nọ trừ kia, chưa tính bọn trắm lừ lừ, chép, lăng vẩn vơ vẫn để dành thì hai ao ăn ra được trăm rưỡi. Vợ bảo đem gửi ngân hàng, sau này cho hai con học đại học. Anh vằn mắt, chỉ tay, còn lâu còn dài, bao nhiêu đất kia, định để thối ra à.
Ta mừng, mình đã không “thối”, không chết khô, vô nghĩa.
Anh thuê ủi được thêm ba ao nữa, mới cùng cũ mênh mông mặt nước. Nhưng, hoang mãi thì không sao, nay tầm mắt vừa mới xa xa mát lành thì có chuyện.
Một sáng ngủ dậy, bước ra cửa, anh giật mình tái mặt. Hương cắm đầy quanh nhà, bờ ao, có que vẫn còn khói. Chuyện gì đây? Không dám gọi vợ, anh lặng lẽ nhổ, gom lại cho vào bao xác rắn, đem ra tít gốc dừa cuối vườn.
Trưa, cả nhà đang ăn cơm thì có tiếng chửi ngoài cổng, rồi một đoàn dao gậy tiến vào. Anh đứng lên, hỏi:
- Các anh đến có việc gì?
- Chúng tao đến để đuổi mày đi. - Đất này là của ông cha chúng tao.- Mày ở đâu tự nhiên nhảy dù xuống đây. - Muốn sống thì cuốn xéo.
- Các anh bình tĩnh. Đất này tôi không cướp của ai. Tôi khai phá bằng mồ hôi, nước mắt… và máu nếu ai muốn.
- Không nói nhiều. - Có trả đất không.
- Không bao giờ. Chúng mày làm gì cứ làm đi.
Trận chiến đã xảy ra. Một chọi mười, một nhất chết giữ đường sống, mười đang hăng rượu vung dao hò la. Anh không kịp vũ khí gì, chỉ né né, lùi lùi. Nhưng đường lùi đã kịch đến đống gạch vỡ bờ ao. Các anh về đi, mai tỉnh rượu đến đây nói chuyện phải trái. Không, dứt khoát hôm nay mày phải chết. Tôi nói lần cuối, tôi xin các anh bình tĩnh, nói chuyện phải trái… Không chuyện trò gì hết, chỉ có chuyện này thôi… Dao vung lên, gậy giáng xuống. Anh lảo đảo vùng vẫy trong đám hỗn loạn. Anh sẽ chết mất, mưa đòn thế kia mà. Nhưng, ùm… ùm… ùm… một, hai, ba, bốn, năm thằng… bị ném xuống ao. Mặt anh hằm hằm, tay lăm lăm hòn gạch… hôm nay tao sẽ nhất chết với chúng mày... chúng mày muốn lấy đất hãy bước qua xác tao. Lời vừa dứt thì bùm bùm bùm những hòn gạch vút xuống ao, nước tung tóe tát vào mấy cái đầu nhấp nhô…
Dưới nước bơi vào, lóp ngóp lên. Trên bờ bừng bừng thủ thế.
Mười đứa ướt như chuột lụt, thất thểu về cùng câu đe - mày sẽ không yên ở đất này đâu.
Trận chiến kết thúc. Hôm sau hai bên đều bị gọi. Chỉ là xô xát, vết thương nhẹ, nên hòa giải nhanh.
Tưởng thế là yên. Nhưng cái sảy này lại nảy ra cái ung. Ung là, khu nhà khu đất, tràn ao của anh… giấy tờ đâu? Không có. Lịch sử đất đai vùng này, mấy chục năm nay thế nào, ai cũng biết, mà hôm nay bỗng nhiên quên. Những người áo trắng đến kiểm tra. Anh không thể túm cổ họ ném xuống ao. Họ khen anh có đầu óc, khen ao đẹp, còn phát triển…. nhưng tiếc quá pháp luật là pháp luật… rồi chào về.
Anh phải bán hết trắm chép lăng, bỏ ao, đi ra huyện. Ba ngày sau về, cùng theo có năm người. Câu chuyện khó khăn phức tạp, diện tích, chứng nhận… phải thế này, phải thế kia… suốt chiều, đến tối mới chốt lại bằng bữa rượu dưới đất.
Rượu khiến người dễ tính thoải cởi mở hơn. Anh xoa tay bảo chưa sắm được bàn ghế. Khách giọng thoải mái, bọn tôi là bạn của nhà nông, đơn giản thôi mà. Họ cùng ngồi phệt xuống chiếu, có người mông to phè ra đất.
Oang oang miên man đến chín giờ tối. Anh mời các anh ngủ lại, thử một tối trời đất nước non vùng sâu. Khách đồng loạt đứng dậy, bắt tay. Một anh mặt to, bụng to mắt hí, nói, tin tưởng anh sẽ là tấm gương cho toàn thể nông dân. Tất cả vào xe rồi còn nói với ra. Anh chả nghe thấy gì, chỉ vâng vâng và giơ tay vẫy.
Anh quay vào nhà, chị hỏi luôn, được giấy rồi chứ mình. Chắc chắn được, chả chó nào chê cứt. Anh nói bậy quá, họ nghe được là chết đấy.
Chả ai chết cả. Một buổi, chập tối nhà anh lại có khách. Thấy mặt to bụng to mắt hí anh đã ngờ ngợ. Hỏi anh là… thì khách cười, tôi là Sính, hôm nọ trưởng đoàn khảo sát đất đai. À, anh Sính… nhớ rồi… đầu óc tôi dạo này kém quá. Sính thông báo đất ao bác đã đi hết các phòng ban rồi, nhưng khó khăn quá, đụng vào đâu cũng thiếu vướng lung tung xòe… Anh hiểu, rồi nói thật… tiền nong giờ tôi chả có, chỉ có năm cái ao và tấm lòng, anh liệu xem có thể giúp được không. Một hồi thế nọ thế kia, cuối cùng òa ra cách giải - Anh Sính có hai ao/năm ao, gửi anh Miến. Mặc chân đất mời lay đày, khách vẫn một mực, em phải về có việc. Khách mở cặp lấy một quyển toàn tờ năm trăm đưa chân đất bảo, em ở xa có gì anh chủ động chăm nom săn sóc giúp. Chân đất xua tay nhưng vẫn nhận.
Ba tháng sau chân đất được sổ đỏ.
Một ngày cuối năm, bất chợt giữa trưa nhà có khách. Khách là Sính cùng cô vợ váy hoa, hai đứa con trắng như bột gạo. Anh vồn vã kéo chị ra đón. Sính bảo luôn, anh không phải cơm nước gì đâu nhé, tiện đường lên tỉnh, em đưa gia đình vào thăm ao. Anh quan tâm quá. Quan tâm gì, ao của em thì em về xem mà… thôi, anh đưa em đi xem ao nhà mình đi. - chị vợ khách giục chồng. Vợ anh ơ mắt… thế này là thế nào? Cấm nói gì, việc lớn, một lời đàn bà là hỏng hết, anh riết giọng.
Khách đi rồi thì nhà to tiếng. Anh bán ao cho ông ta à? Biếu chứ không phải bán. Biết là để lo việc, nhưng một cái là đủ rồi, cần gì phải hai. Mẹ cu đầu ngắn quá, đánh rắn phải đánh rập đầu, tương lai mới to lớn bình yên… không đọc giấy đỏ à. Có đọc, nhưng chỉ biết là từ nay đất nhà mình chả có đứa nào dám ho he dòm ngó. Bỏ ra hai cái ao, mình được 7 hát, giấy tờ đàng hoàng… hết ấm ức chưa. Hết rồi… nhưng em cứ thấy thế nào ý. Thời thế thế thời phải thế, muốn sống khỏe hay chết non nào.
* * *
Năm… có hai chục bài báo, phát thanh, truyền hình từ tỉnh lên trung ương ca, ngợi tấm gương nông dân nuôi cá Trần Miến.
Chân giày tức lắm, in, foto, ghi hết số bài, rồi phóng xe vào “hỏi tội” chân đất:
- Sao, giờ anh còn vênh vệu cao đạo nữa hay thôi?
- Chú vẫn ức lần xin viết về ta, bị đuổi chứ gì?
- Nhớ. Nhưng tại sao chơi với nhau mãi rồi, giờ vẫn không cho viết?
- Thì chả cho cái hõm đất rồi đấy thây... có viết đến chết cũng chả hết. Ta đọc truyện của chú thấy đau đớn, vật vã, nước mắt, máu đổ… không xoen xoét người tốt việc tốt tí nào. Chú mà như bọn nó, nhoằng một cái vượt qua khó khăn, giàu to, thì làm khách cho rồi.
- … Hõm đất. Hình mông người. Một, hai, ba, bốn, năm… hõm đất. Quây lại, rướn lên, tiếng rượu, tiếng hứa, tiếng thở dài.
Hõm đất. Những tia mắt trên xuống, dưới lên, ngang, chéo.
Hõm đất. Lũ trẻ tưởng bàn chơi ô ăn quan. Đúng, quan dân to nhỏ thì cũng hõm hủm hố trên mặt đất cả thôi.
Hõm đất. Trong nhà là hõm, ra vườn thành ao. Ao to ao bé nối nhau đi.
Hõm đất - bàn thờ dưới đất.. Một bàn thờ có một không hai của một nông dân nuôi cá.
Được hứng, chân giày đọc liền một mạch.
Chân đất nghe. Gật gù, chau mày, rồi xua tay:
- Thôi thôi dừng. Mới một đoạn đã thấy…. trêu tổ ong và lướt ván.
- Trêu đâu? Lướt đâu?
- Tự biết đi. Chú có sách, có chữ, ta có ao, có cá. Cũng là chăn nuôi cả thôi. Bờ ao có kẻ trộm, kẻ cướp. Lề sách cũng có đạo chích, thiên lôi cầm búa… bất đắc dĩ phải oánh nhau, nhưng phải đi đến hòa bình… phỏng có đúng không ạ?
Chân giày vâng một tiếng, hết lý. Thấy lão này như ma xó. Im lặng mãi, bỗng chân đất chuyển chủ đề:
- Đã bao giờ chú nghe chuyện cá thành tinh chưa?
- Có nghe, có đọc… nhưng chưa thấy?
- Thì cứ ở đây uống rượu, đợi khuya trăng lạnh, khắc được xem.
Mãi, rượu xong, sắp hết cả chuyện thì trăng lên. Hai người như tượng bên cái bàn bờ ao. Trăng im phăng phắc. Mặt nước sáng lóa, lấp lánh lên như vảy cá, tràn tràn sương trắng, phất phơ dáng cau dáng dừa.
Đẹp quá. Chân giày đứng dậy, hụt hẫng bước ra ao. Trăng sáng, nước sáng… mắt mờ đi. Dù vẫn còn ức chuyện văn mình bị chê vừa nãy, nhưng chân giày vẫn nghĩ, phải cẩn thận trong đêm trăng nước một màu này.
Chân giày lần lần tới mép bờ.
- Sang phải, bước thẳng xuống. Dừng, thẳng mặt tiến. Này đi đâu thế, được rồi, ngồi xuống… - Tiếng chân đất ùng ục như từ đáy ao vọng lên, uy lực.
Chân giày như được gắn chip, theo lệnh máy chủ.
- Chú nhìn xuống ao đi. … Mở to mắt, không được chớp.
Có tiếng gì ọt ọt… một cái xoáy nước quay tròn, rộng ra. Rồi òa òa, cánh cửa “nhà nước” mở.
Chân giày thấy một con cá. Không phải trắm, không phải chép… râu dài ròng ròng, mắt sáng rực… Và cái mồm, chao ôi, môi trên môi dưới như hai cái thuyền, đang từ từ há ra, hết cỡ. Thấy ‘cái thuyền” đỏ lòm, sáng rực, vàng lóe, chỉ nghĩ con này sao lại nuốt trăng thì đã tối sầm. Rồi gió hút hút, ô sao hút cả mình thế này…? Hút thật. Người bị treo đầu ngọn gió, tóc tai quần áo phần phật về phía hõm đen. Chân giày há mồm ớ ớ. Thôi, vĩnh biệt, tôi bị vào bụng cá rồi - chân giày nhắm mắt, phó mặc.
- Thôi. - Tiếng chân đất hô, cùng một cú đá hàng tạ vào mông chân giày.
Chả thấy cá khủng đâu nữa. Chả thấy gì nữa.
- Thoải mái rồi nhé. Giờ, nếu không sợ ma thì về, sợ thì vào giường ngủ.
- Ma… He he… Dung Nguyên này chỉ sợ nhõn người thôi.
- Thật không, xem có cái gai nào không? - Chân đất sờ sờ vuốt vuốt da tay chân giày. Được, may cho chú đấy. Hôm nay chú mà bụng to thì ăn đủ.
- Bụng to thì sao?
- Thì sẽ như tay gửi ao ý.
Chân giày hỏi, gửi ao là tay nào. Chân đất kể... kể… Nó thân với anh từ dạo cấp sổ đỏ. Chân giày gặp hắn một lần. Áo trắng, mặt to, bụng to, mắt hí. Lâu rồi, chỉ nhớ hôm ấy chân đất giới thiệu đây là chú Sính, còn đây là chú em tôi, cũng nuôi cá ao… giấy. “Gửi ao” bắt tay chân đất. Tay bắt mà mắt không, mồm ra một tràng… tốt đấy, phải vượt khó, nuôi ý chí, phát triển. Chả biết bảo ai. Thấy chân đất nhe răng tươi.
Một, hai tháng, tầm sắp đi ngủ, gửi ao lại alo bác Miến à, bác có khỏe không, trong đấy dạo này bà con thế nào, khu mình làm ao là tốt lắm đấy... Chân đất báo cáo nhanh, đò đưa thêm tí nữa mới chúc chú sức khỏe, ngủ ngon. Mấy hôm sau, chân đất dẫn bốn con trắm đen trong túi bóng căng phồng oxy ra. Gửi ao mắng té tát, bác còn khó khăn, quà cáp làm gì. Chân đất thưa, của chú thì giả chú chứ, anh có hối lộ đâu. Chịu chịu, lí thế thì gửi ao chịu.
Một tối gửi ao gọi cho chân đất, bảo bác có nhiệm vụ to lớn nặng nề đây… chả là dự án phát triển thủy sản cho các xã nghèo, cần một người phụ trách, em giới thiệu bác rồi đấy. Sao, làm sếp á? Không được, anh chỉ quen làm nông dân thôi, chân đất sợ, chối ngay. Nói mãi, gửi ao vẫn cương quyết, cả tỉnh này chỉ có mỗi bác thuộc từng quả trứng cá... thôi không chối nữa. Vậy là sáng hôm sau kệ ao cho mấy người làm, chân đất bắt taxi ra. Gửi ao đưa luôn ông anh đi mấy phòng, đến phòng nào cũng nói, ai chứ nông dân Trần Miến này thì yên tâm. Về trung tâm khuyến nông, chân đất ký năm lần vào cái hợp đồng. Gửi ao ngồi đợi. Xong xuôi, chân đất bảo anh phải về ngay, gửi ao chả giữ chỉ dặn, ao bác giờ là bộ mặt của cả tỉnh rồi đấy, bác cố gắng. Chân đất nắm tay gửi ao, lâu quá rồi chú không vào chơi… Gửi ao xua tay, em bận lắm, bao nhiêu việc đang triển khai. Chân đất giơ ngón trỏ lên, vẻ nghiêm trọng, chú quan liêu lắm… ao mình mà chả biết cái gì… ao chú có một con trắm to không tài nào bắt nổi. To bằng nào… gửi ao mắt sáng lên. To lắm, gấp đôi chú ý, chân đất vòng vòng tay diễn tả. Có thật không, hay anh hoa mắt. Thật, anh làm gì biết chém gió… một đêm trăng suông, anh lơ vơ đi tuần, đến ao chú thì ùm ùm ầm ầm… cột nước bốc cao, sợ quá chỉ kịp nhìn con cá sáng lóa, phóng lên hạ xuống. Vậy hả, thế thì tối thứ sáu này em vào. Chân đất cười, cười xong thấy sợ… mình liều quá nói bốc… con cá khủng ấy, chân đất chỉ được nghe tiếng ùm ùm khác thường, đoán ra vậy thôi. Nhưng kệ, mời thường thì biết bao giờ nó vào.
Tối thứ sáu, trăng lên, sáng như ban ngày, rồi văn vắt lạnh, vẫn chưa thấy bóng dáng gửi ao.
Trăng đã thêm sương. Bàng bạc lớp phấn. Chân đất xem đồng hồ, hai giờ sáng, lão lẩm bẩm, đúng là miệng quan trôn trẻ. Thiêng luôn, có tiếng xe ì ì, rồi nổ to, đèn sáng rực, dừng xịch giữa sân.
Hai người ra bàn bờ ao. Ngồi mãi, không ai chuyện. Trăng bắt đầu xuống, thấy ao mờ mờ, đen đen. Rồi tối sầm như bị bịt mắt.
- Chú chú ý nhé. - Chân đất nhắc khẽ.
- Tối thế này, liệu nó có lên không? - Gửi ao hỏi.
- Tôi tin là nó sẽ lên. Cá nào chả muốn gặp chủ. - chân đất giọng khẳng định.
Năm phút nữa qua, trăng đã hết sạch, ao đen xì. Đúng lúc gửi ao thở dài thì chân đất vỗ vai - có rồi, nhìn đi, tuyệt đối im lặng đấy.
Mặt ao chợt sáng, rồi gồ lên, từng con sóng như sóng biển, vút cao ập xuống… Lạ thật, nhìn thấy mà không âm thanh gì.
Hơn chục lần vút cao ập xuống như thế thì nghe tiếng. Cái xoáy nước ọt ọt cùng cột nước dựng đứng lên.
Gửi ao đứng dậy. Chân đất đứng lên theo, nắm lưng áo, nhưng trơn tuột… còn mỗi tay không.
Gửi ao đang phất phơ men bờ, hướng cột nước. Cột nước lên hết tầm thì òa ra, tỏa xuống. Chắc lại cột nữa… cứ thế cho đến sáng. Nghĩ vậy, nhưng không phải. Cột thứ ba vừa hết thì… một cột cá… rõ ràng là đầu, râu, vây vảy tung lên. Vút… pặp… ối… Chân đất chỉ kịp nghe gửi ao kêu, rồi mắt nhòe đi.
Trăng sáng trở lại. Gửi ao thất thểu về, hai tay ôm mặt, máu me nhớt nhát nhòe nhoẹt. Thấy lẩm bẩm tiếng gì chả rõ, chỉ rõ tiếng chửi - đồ chó cá. Chân đất cởi áo mình, lau lau chấm chấm, xuýt xoa, chú làm to có khác, cá cũng to. Gửi ao tức lắm, định chửi nữa nhưng chỉ kêu ái ui.
Sắp sáng hẳn, mặc chân đất nói, giữ, gửi ao vẫn dứt khoát em phải về ngay, mai có việc. Chân đất xin lỗi và bảo, tôi sẽ bắt bằng được con này, giao chú xử tội. Thôi thôi, đừng động vào… có khi anh cũng khốn đấy. Có con cá mà chú cũng sợ. Thôi, không biết không bị thì vô tư, thế này rồi thì em không dây nữa.
Con cá khủng ấy chân đất cũng không hiểu làm sao lại có. Khi thả giống tất cả đều thau tháu, hơn kém chỉ một li. Ăn uống thì như nhau… Ma mãnh chui vào, đội lốt giở trò chăng? Bậy nào, chả bao giờ có chuyện ấy. Hay là từ khe suối trong núi về đây? Có thể lắm, nước ao nhà hoàn toàn dẫn từ suối, cá theo về… Nhưng mới có mấy năm, không thể khổng lồ kinh khủng thế được. … Nghĩ mãi không ra, thôi nghĩ làm quái gì cho mệt, đời này, cái gì cũng có thể xảy ra.
Nguồn gốc con cá khủng chân đất không nghĩ được. Gần tháng đầu óc đã quên hẳn, thì gửi ao vào - em nhượng lại cho bác cái ao em gửi. Chân đất tròn mắt, chả mừng, nghĩ luôn… chắc lại mở màn trò mới gì đây. Chú nói thế nào, hai cái ao thì ảnh hưởng gì đến kinh tế chính trị nhà chú. Đúng là không ảnh hưởng, nhưng em quyết rồi, bác chỉ thực hiện… đây giấy trắng mực đen đây. Chân đất nói thêm mấy câu nhưng cũng chả thay đổi được. Gửi ao về, khi chỉ còn làn khói xe loãng tệch, chân đất mới vung tay nói to, tự ngươi xóa tên đấy nhá. Nói xong ra bờ giữa hai ao gửi, chắp tay, lầm rầm… thưa lại nội dung lúc nãy. Chưa hết câu, thấy ao gồ lên, lừ lừ những đầu đen lưng xanh. Mấy con nhảy tung lên, nhào lộn, tủm xuống; con không nhảy được thì uốn éo rất buồn cười. Chắc chúng phấn khởi, chào mừng gì đó. Thôi từ nay, các em hết mang tiếng là con nuôi mà chả được nuôi - chân đất vòng vòng tay như xoa đầu các cá.
* * *
Đã hơn năm, chân giày không vào chơi với chân đất, điện đóm cũng không.
Bặt mãi, thì một tối thứ sáu, chân đất gọi, mai chú vào anh có việc. Việc nhớn hay bé? Anh được huân chương nuôi cá, làm hai chục mâm mời anh em bạn bè và kẻ thù. Sáng mai dứt khoát chú phải vào, nhớ là chín giờ bắt đầu đấy.
Lão này ghê thật, mời “anh em bạn bè và kẻ thù” … kích thích kinh, chả có lí gì mà hoãn lại sự tò mò. Chân giày thấy sướng.
Chín giờ kém mười lăm chân giày đã vào lối rẽ. Qua hàng cau hàng dừa, vào sân nhà… ô, chả thấy rạp rẹc bàn ghế gì. Có khi lão này lừa mình để mình vào chơi. Chân giày tụt hứng.
Anh Miến ơi. Đây đây, chú đúng giờ gớm nhỉ. Khách đâu, cỗ đâu… anh định chơi bài quái gì thế này? Ngày mai mới rộng rãi, hôm nay chỉ ta với chú thôi… việc thiêng này không có thằng nào hết, chân đất chỉ tay ra nhà pháo đài.
Hai người vào phòng, vào gian thờ đất. Mâm cỗ toàn cá đặt dưới đất. Chân đất châm chín que hương rồi ngồi phệt xuống, chắp tay. Chân giày làm theo. Khói hương mỏng mảnh lờn vờn. Tiếng chân đất nghe lào xào âm âm… đất là máu của con, ao là da thịt chân tay của con… con được như ngày hôm nay, con lạy mười phương đất Việt Nam, mười phương đất Thanh Quang, bao nhiêu năm qua đã bao bọc chở che, đón thiện ngăn ác cho con xanh tươi nên người, cho xóm Thanh Tân không còn nghèo đói…
Chân đất xuỵt dài, rạp đầu, mặt áp đất. Chân giày làm theo, nhưng mỏi quá, mãi không thấy chân đất ngẩng lên, thì khẽ hé mắt. Thấy những “hõm đất - ghế ngồi” mờ mờ, nhấp nhô… Sao không che đi nhỉ, để chúng tham gia nghi lễ này thì tạp quá. Chân giày muốn bảo…. nhưng đành nén nhịn, việc đã rồi, tí nữa xong xuôi ra ngoài sẽ hỏi.
Mãi, rồi gian đất cũng kết thúc. Hai người đứng lên, chắp tay cúi lạy lần nữa, rồi ra ao. Nắng gió đang về vàng tươi gặp ao, mát lẹm. Chân đất như mặc niệm, cũng lầm rầm như trong gian đất. Lầm rầm đến đâu chân giày thuộc đến đấy.
Chân đất nắm tay chân giày dạo thăm ao. Chân đất sực nhớ, hỏi - sao lúc nãy bác làm lễ cho cả những hõm đất? Hỏi nông quá… Ta, vợ con ta, thêm cả chú nữa mà thiếu những vị khách hõm xuống ấy liệu có nên cơm cháo gì không. Chân đất cứng họng, cười cười… chịu bác.
Tối hôm sau, nhà chân đất như đám ngoài phố. Điện sáng lung linh soi bóng ao, khách chen vai, bắt tay, cười nói, hoa cùng lời chúc mừng…
Chân đất diện comple cà vạt, giơ cao hai tay… tôi xin có mấy lời.
Mấy lời là… huân chương đã nhận ở hội trường chục hôm rồi, hôm nay mời anh em bạn bè… chân giày nghe, thót tim sợ, nhỡ tiếp theo là “kẻ thù” như hôm gọi mình thì tan cuộc luôn… nhưng không, cao thủ láy lại… mời anh em bạn bè chung vui chia sẻ. Chân đất còn mấy câu nữa, đại ý mong được giúp đỡ… nhưng đám đông như ao bèo tấm lời gió ném xuống chả thay đổi gì.
Chân đất đi chúc cảm ơn được ba mâm thì vẫy tay chân giày, chú theo phù rượu cho anh. Hai hơn một ngay, gặp mâm nào cũng thông, cũng tranh nhau kể lể ôn chuyện anh Miến ngày xưa, hồi ý bác Miến, hôm nọ em mới biết trung thu của xã bác tài trợ hết… Mỗi một câu lại cạch chén, chân giày nhanh tay nhanh mắt uống hộ.
Đến dãy mâm toàn áo trắng, chân giày đã hoa mắt lắm rồi. Thấy loa lóa mặt, tên Ngần, tên Sính… và quen quen. Thấy bắt tay lắc lắc, thấy một tay kéo cà vạt chân đất, nói - làm chủ nhiệm hợp tác xã thủy sản là nặng nề lắm đấy, anh cố gắng nhé. Nghe tiếng chân đất cười, bao nhiêu năm mồ hôi máu đổ xuống ao, giờ hòa bình rồi, Trần Miến này đâu chịu xuôi tay.
Đến dãy mâm mặt mũi sương gió, một mặt sẹo như đắp con rết bảo, bác ngồi xuống đây với bọn em. Nhất trí, chân đất ngồi xuống, với chai rượu rót hết các chén. Các chú còn giận anh không? Nói thật với anh, hồi ấy muốn đập chết anh… nhưng bên trên không cho, bảo chỉ dằn mặt để nó sợ bỏ đi thôi. Anh cũng nói thật với các chú, hôm ấy định mỗi thằng một hòn gạch vào đầu nhưng không hiểu sao ghê tay nên chỉ ném ao ném nước… Tại sao bác lại nhận cái Tâm nhà em, chỉ cơm nước, cho cá ăn mà giả những mười triệu? Thì hoàn cảnh đường cùng sờ sờ ra đấy, có mà người đá mới không giúp…
Mười một giờ khuya, mấy khách cuối cùng đã về hết. Chân đất bảo chân giày, chú ngủ lại đây đấy. Không, em về để bác nghỉ ngơi. Chú về cũng được, nhưng hôm nay… anh mời ngủ chú ngủ đất với anh.
Hai người vào phòng đất. Chân đất rải chiếu, nằm xuống, thẳng chân thẳng tay. Chân giày nằm theo, vừa đặt lưng thì rùng mình, co như con tôm. Trằn trọc mãi, chân giày bảo, em thấy khó ngủ quá… hay là em về. Tháo giày ra ông tướng, định nằm và đi hử. Chân đất quát và ngồi dậy lôi đôi giày ra, quẳng đánh uỵch vào góc phòng. Vẫn không ngủ được, chân giày lại đòi về. Chú sao thế nhỉ, hay là lạ nhà. Không phải, người lang thang này thì ngã đâu chả giường.
À, thủ phạm đây rồi… Chân đất ngồi dậy, không bật điện, mò lấy đôi giày, ném ra ao. Đêm khuya rõ một tiếng ùm. Quay vào đã thấy chân giày đã ngáy khò khò. Chân đất vỗ vỗ mông chân giày, ngủ ngon nhé.
Sáng hôm sau chân giày dậy, cứ lom khom như tìm cái gì. Chú tìm giày hả, anh vứt cho cá ăn rồi. Không, em xem mình có hõm đất không? Chú mà có hõm thì làm gì ngủ được ở đây. Thế ra chỉ khách mới hõm à. Ờ, chắc là thế… hồi ấy một số tên say rượu ngủ lại, nhưng nửa đêm cứ nằng nặc đòi về. Chắc là chủ đất không cho anh nhỉ. Ờ phải đấy, dối người chứ làm sao dối được đất.
Tin cùng chủ đề: Thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.