Truyện dự thi: Trở lại Hỏa Phong

Tống Ngọc Hân Chủ nhật, ngày 03/05/2020 08:22 AM (GMT+7)
Có nhẽ, hắn là người đầu tiên ở làng Củ Mật này có mặt ở Hỏa  Phong.
Bình luận 0

Nắng cháy da thịt. Gió khô không khốc. Hắn nằm trên một gò đá lổn nhổn nhiều màu, trông như những tảng phiêu nham bị ai đó lấy búa dằm nhỏ trong một bộ phim 3D. Đất ở Hỏa Phong xấu thậm tệ, chắc không trồng cấy được gì, không nuôi được con gì. Ở xứ sở hắn đang sống, có một vùng đất được mệnh danh là "chó ăn đá, gà ăn sỏi", nông dân như bố mẹ hắn đổ mồ hôi trán, dán mồ hôi lưng mới có bát cơm ăn, thì tình hình vẫn khả quan hơn ở đây nhiều. Hắn khát. Khát cháy cổ mà chưa kiếm được miếng nước, thì trông gì làm giàu. Đất đang nẻ từng hố lớn ngay trước mặt hắn. Những tảng đá nham cựa quậy như con thú bị đòn sắp tụt xuống khỏi mặt đất để tránh trú.

Hắn cố cất tiếng gọi thằng Thạc mà không gọi được. Nó đem con bỏ chợ thế này đây. Tên với chả tuổi, gọi cũng khó. Nhà nó bốn anh chị em. Thầy nó hợm lắm. Đặt tên con đầy vẻ trình độ. Giáo, Tiến, Thạc, Sĩ. Ý thầy nó là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ cả đấy. Cơ mà ông thiên bà địa tô cả vào lá số tử vi rồi. Lấm lưỡi hết mới có ăn. Cả bốn anh chị em nhà nó đều có số bới đất lật cỏ hết.

Ngọ ngoạy nhiều, mồ hôi róc rách len lỏi khắp các hang hốc rò rỉ ra ngoài, bám vào quần áo. Bò mà đưa lên đây thì thành đặc sản bò thui luôn. Thế mà thằng Thạc còn tính chuyện chăn gà vịt trên Hỏa Phong này. Mà sao hắn lại nghe thằng Thạc nhỉ? Thằng đại học lại nghe thằng lớp tám chém gió tơi tả và tin sái cổ thế nhỉ? Từ hồi còn mặc quần đùi theo nhau đơm be tát té ngoài trằm Hồng, cho đến thuở bò lê bò toài cùng nhau búng bi thổi nịt, hắn đã nghe thằng Thạc răm rắp rồi. Hồi học xong phổ thông, hắn định ở nhà luôn không thi đâu cả nhưng thằng Thạc xui hắn học nông nghiệp. Nó bảo học nông nghiệp vừa miếng, phù hợp với điều kiện gia đình hắn. Nó còn nói, sau khi hắn học xong về, hai thằng kết hợp làm ăn. Thạc sẽ cho hắn cái kinh nghiệm của một thằng bao phen ngã bật ngửa ra sau vì trồng cây ế quả, nuôi vịt vịt trút lông, nuôi lợn lợn lở mồm long móng. Còn hắn sẽ cho Thạc những ứng dụng công nghệ mới để phát triển an toàn và đảm bảo đầu ra cho nông sản...

Ừ, thằng Thạc nói rất có lý. Thế là hắn thấy mình có sứ mệnh cao cả. Đi học một phần cho thằng Thạc và dân làng Củ Mật nữa.

Truyện dự thi: Trở lại Hỏa Phong - Ảnh 1.

Ra trường, cục nợ to đùng bố mẹ hắn ngay lập tức sang tên đổi chủ cho hắn. Nợ ấy, bố mẹ vay mượn nuôi hắn ăn học. Chả oan uổng gì. Trong khi hắn đang hôn hít nâng niu tấm bằng cử nhân nông nghiệp trên hai bàn tay trắng còn thơm mùi mực thì thằng Thạc đã có một trang trại chăn nuôi cá và vườn ổi lớn nhất vùng. Có ô tô nửa tỷ bạc lượn vè vè và yêu thắm thiết hẳn một em sinh viên trường đại học sư phạm xinh đẹp nõn nà. Hắn chán yêu đương rồi. Lúc còn sinh viên, hắn cũng si tình một em cùng khoa, khóa dưới. Sau một lần đưa em về thăm nhà, em chạy mất dép, đến nỗi bỏ cả cơm căng tin, để đỡ phải thấy cái bản mặt hắn. Thề bồi quên sạch, dự định nọ kia quên sạch. Hắn ngây thơ như trang giấy trắng tinh mở ra trước mắt thằng Thạc. Mày bảo tao phải làm gì bây giờ? Mày cứ vẽ vào tao đi! Gì cũng được! Thằng Thạc nổi cáu. Thôi đi ông, vẽ gì lúc này cũng lệch màu, sai tông hết. Dịch tả châu Phi đang hoành hành không chừa chỗ nào. Rồi thì cúm gia cầm. Dưới ruộng thì sâu bệnh bủa vây. Ông cứ từ từ đã, sốt ruột không được. Lời nói của thằng Thạc như thùng nước đá Thạch Sanh đổ từ đầu hắn xuống chân liền trong cả tuần, hắn lướt thướt run rẩy. Nhưng ăn không ngồi rồi, báo cô bố mẹ cả năm đần hết người, hắn lại nén sỹ diện xuống đáy tâm can, mò tìm thằng Thạc. Hắn khẩn cầu. Có chỗ nào mà dịch bệnh không tới được không mày? Tao vừa đọc cuốn sách rất hay. Ông này giờ thành tỷ phú với khởi đầu chỉ là một con bò cái què. Thằng Thạc cắt lời hắn. Có đấy, có một nơi mà dịch bệnh không tới được. Hắn như người chết đuối túm được bòn bọt, cứ ngớp liên hồi. Ở đâu cơ, mày nói đi. Bao xa?

Thằng Thạc cười ằng ặc.

Cái thằng thổ tả ấy, mặt mũi đường nét rất ngược đời. Khi nó khóc còn có tí tươi tắn, khởi khởi. Chứ lúc nó cười, mặt nó nhăn nhúm, khốn khổ. Xe đẹp, nhà đẹp hay người yêu đẹp cũng chả cứu vãn được cái điệu cười của nó. Đợi nó dứt cơn cười. Hắn hỏi, giọng tỏ ra quá sức chịu đựng. Tóm lại là nơi nào? Mày nói đi! Thằng Thạc cười, chỉ tay lên nền trời xanh sẫm như màu một loại sơn vừa quảng cáo trên tivi về sự bền bỉ siêu việt. Hỏa Phong! Giờ chỉ còn Hỏa Phong là không có dịch bệnh! Mày có muốn phượt một chuyến Hỏa Phong không, tao với mày đi!

Thằng thánh vật!

Hắn nguyền rủa thằng bạn rồi cười như con nít. Đi thì đi, sợ gì! Chả có thằng nào thích dịch chuyển bằng hắn lúc này cả. Thằng Thạc vác bình rượu long nhãn ra bóng cây trứng cá ngay trên bờ ao. Cỏ chiếu. Ổi thức nhắm. Ổi sạch đấy mày ạ. Say đã rồi đi. Trên ấy không có quán xá gì đâu. Mày hít sâu vào. Dự trữ ô xy đầy buồng phổi vào. Nghe nói trên ấy oxy hiếm lắm. Cực nóng nhá!

Được vài mắt, hắn hăng hái. Nông thôn mới là gì hả mày? Thằng Thạc cười ngất ngư. Là đổi mới nông thôn. Vì nó cũ quá mà phải đổi mới. Chỗ nào đổi được thì đã mới. Chỗ nào chưa đổi được thì vẫn cũ. Chết chết! Mày đi học nhiều hóa ra lạc hậu quá. Chả biết làng đã đổi mới đến đoạn nào rồi. Hắn thú thật. Thì từ khi ôm bằng về đến nhà, tao đã ra khỏi cổng làng đâu. Tiền chả có thì đi đâu. Thấy người cứ ngu ngu thế nào ý. Thạc nhếch mép. Mày vẫn ngu như hồi xưa mà. Chỉ khi nào mày tự sống, không tiêu vào đồng tiền của bố mẹ mày nữa, thì mới khôn được. Hắn buồn rầu. Thế theo mày, cái làng Củ Mật này có vị gì không? Liệu có hội nhập được không? Thạc chưa hết cơn cợt nhả nên cười to hơn. Có vị chứ. Ngọt, chả thế mà tổ tiên ta mới đặt tên làng là Củ Mật. Cơ mà, nếu không vun, chỉ phá thì mật ngọt thành vỡ mật, đắng ngóm. Thôi uống đi, Hỏa Phong không có rượu đâu. Nhiệt tình với cuộc này xong, tao đưa mày đi!

Hắn đã bị thằng Thạc dẫn dắt như thế đấy. Không biết thằng Thạc đã đưa hắn lên Hỏa Phong bằng cách nào. Hắn có tự đi bằng chân của mình không. Giờ thì hắn hiểu, tại sao Hỏa Phong được gọi là Hỏa Phong. Nó giống như một cái chảo nắng khổng lồ. Gió thổi ra hơi nóng hừng hực, khô như rang, chỉ cần một tàn lửa bay tới là cái chảo này sẽ bùng cháy. Hỏa Phong là xứ sở của nắng và gió khắc nghiệt. Hắn bỗng ngứa ngáy phía lưng. Hắn lần tay vào sâu trong lớp áo nhớp nháp mồ hôi và rờ được một sinh vật gì đó. Hắn tóm lấy, thả vào bàn tay và rùng mình. Một con rệp. Đang định giết chết nó bằng hai cái móng tay cái cả tháng chưa cắt thì con rệp van vỉ. Thưa điền chủ, mong ông tha tội chết cho con! Gì hả! Mày vừa gọi tao là gì? Dạ, ông là điền chủ ạ! Thế mày sống ở đây hay mày theo tao từ Củ Mật lên? Dạ, con sống ở đây từ lâu rồi ạ. Theo gia phả thì ông tổ đời thứ ba triệu nhà con vốn định cư ở Củ Mật. Bó tay! Lại còn bày đặt gia phả! Thế mày chui vào người tao để làm gì? Định hút máu tao à? Dạ oan cho con quá, con chỉ định xin ông tí muối trong mồ hôi của ông thôi ạ. Thôi, tóm lại, ý mày là mày muốn sống chứ gì? Mày phải làm việc gì có ích cho xã hội thì mới đáng sống chứ. Con rệp khua mấy cái chân nhỏ xíu như thể tán đồng cái phát ngôn sặc mùi sách vở của hắn. Thôi đấy, nể mày vì cái sự biết người biết ta nên tao tha mạng. Dạ, đa tạ điền chủ ạ! Hắn thả con rệp ra, ngửa cổ nhìn lên bầu trời. Trời ở đây rất lạ. Chỉ nhìn một tí là nhức mắt, dù rất xanh. Không biết thằng Thạc đi đâu rồi?

Trong lúc trống trải, hoang mang, hắn bỗng lẩm bẩm hỏi con rệp. Này, ở Hỏa Phong, ngoài mày ra, còn sinh vật nào tồn tại không? Con rệp nép mình trong một kẽ đá mà khề khà ra oai. Ngoài tôi ra chả còn sinh vật nào cả. Vì tất cả những loài khác đều bị họ hàng nhà tôi hút máu mà chết sạch. Hắn rùng mình. Mày có thể tiêu diệt được hết các loài khác lớn hơn mày sao? Thế còn các loài cây? À, cây thì chúng tôi hút nhựa! Tóm lại, mày có thể trả lời tao một câu không? Dạ, điền chủ cứ hỏi. Mày có biết Hỏa Phong này thật sự là nơi nào trên bản đồ địa lý không? Con rệp cất tiếng cười lanh lảnh. Điền chủ đại ngu dốt. Hỏa Phong này từng là một khu rừng nguyên sinh, lá phổi của cả vùng trung du rộng lớn này trong đó có Củ Mật đấy. Nó ở rất cao, khi hậu quanh năm mát mẻ, trong rừng có nhiều thuốc quý và lâm sản quý. Biết rồi... Hắn ngắt lời con rệp. Thôi, khỏi kể. Đoạn này có trong giáo trình hắn được học. Hắn quá rành về quy trình biến một khu rừng nguyên sinh thành một hành tinh ngấp ngoải. Hắn bật ngồi dậy. Khi ngồi, tâm thế của con người rất khác với nằm, dù là nằm thế nào. Hắn ngồi và thấy bầu trời ở cao hơn khi trước. Hắn chỉ còn nghe tiếng con rệp thầm thì rất khẽ khi hắn hỏi về dịch bệnh. Con rệp rỉ rả. Nơi nào con người có thể đặt chân đến thì dịch bệnh cũng có mặt. Dịch bệnh đến và lan tràn chính bởi tính ích kỷ của chính con người. Hắn chống gối đứng dậy thì trời lại cao hơn nữa và không khí bớt ngột ngạt hơn. Không muốn nhìn thấy con rệp nữa, không muốn nghe con rệp rao giảng về tính ích kỷ của con người nữa. Hắn nhìn thấy thằng Thạc đang ngồi trên một tảng đá mà bện một cái gì đó giống như sợi dây thừng. Hắn cất tiếng gọi rất to. Thằng Thạc ném đầu dây về phía hắn. Hắn đưa tay tóm lấy. Sợi dây dai nghéo, tanh tanh và động đậy trong tay hắn như đuôi con rắn. Hắn nhắm mắt lại, vẩy mạnh tay, thoát khỏi sợi dây và thấy nhẹ cả người.

Mở mắt ra, hắn giật mình. Đây là hành tinh nào vậy? Hỏa Phong đâu rồi?

Tiếng thằng Thạc ngay trước mặt. Tao thua mày. Có vài chén mà mày ngủ như chết ngay giữa đỉnh nhiệt. Hắn thấy mình đang dựa lưng vào gốc cây trứng cá và hỏi đầy ngạc nhiên. Tao ngủ đứng hả? Thằng Thạc vẫn cười khùng khục. Mày ngủ nằm chán, tao dựng mày ngồi dậy. Tao làm bao việc, quay lại, mày vẫn ngủ, rồi tao dựng mày đứng dậy, mày vẫn ngủ. Mày ngủ nằm hai tiếng, ngồi hai tiếng và đứng một tiếng. Bốn giờ chiều rồi đấy. Đi cho cá ăn với tao.

Hắn chả hiểu mô tê gì. Dưới ao, bọn trắm cỏ lừng lững đạp nước ngoi lên táp từng cành lá sắn nhấn xuống nước rồi xâu xé trong phút chốc. Những con cá cân vội bằng mắt cũng khoảng bốn kg làm hắn nôn nao cả người. Hắn nhớ cái thời hắn còn bé nuôi hai con cá cờ lộng lẫy trong cái bùm bằng đất nung tối tăm. Khi cần cất hạt giống hay gì đó, bà nội đòi bùm, hắn phải chuyển đôi cá sang chai thủy tinh. Rồi được vài hôm, giỗ ông nội hắn, bố hắn lại đòi chai thủy tinh để đi mua rượu. Hắn dốc đôi cá ra cái chậu rửa bát, đổ nước giếng vào, nuôi tạm đã. Vừa chạy đi lấy cái mẹt để đạy, khi quay lại đã thấy con gà mái đang rướn cổ nuốt. Thế đấy! Chưa bao giờ hắn lại dám mơ đến một cái đầm to thế này và cả nghìn con trắm trắng lừng lững thế này.

Hắn tỉnh táo hoàn toàn. Hắn bảo Thạc. Tao vừa đi Hỏa Phong về mày ạ. Tao thề là tao không ngủ. Trên ấy nóng kinh khủng, ngủ sao được. Tao thấy hết mọi thứ. Thậm chí tao còn trò truyện với một con rệp vốn có gốc gác từ làng Củ Mật. Tao thấy cả mày ở đó, đang bện gì đó như sợi dây chạc nhưng lại tanh tưởi nhớt nhát như tay lưới kéo cá. Thằng Thạc đã có vẻ nghiêm túc. Mắt mày ngủ nhưng não mày lại làm việc cật lực. Tao ghi nhận điều này. Thôi, bê thúng cám ngô giúp tao. Đi sang ao cá giống! 

Bảy giờ tối hắn về nhà. Người đau nhừ tử dù chả làm gì, chỉ bị rượu và thằng Thạc hành. Ai bảo suy nghĩ mà không mệt chứ? Mẹ hắn hỏi một cách săn đón. Con thấy trang trại nhà thằng Thạc thế nào? Hắn không thích mẹ hắn khởi đầu một chuỗi so sánh dài bất tận nên hắn qua quýt. Mẹ biết hơn con cơ mà, sao phải hỏi. Mẹ hắn im lặng rồi tiếng nói lào phào phía sau lưng. Mỗi năm, nó bán cá, gà lợn và ổi sạch cả mấy trăm triệu đồng đấy con ạ. Mà có lớp mấy thôi. Làng giờ chả ai bằng nó.Hắn bậm môi. Thằng Thạc hơn hắn hai tuổi, học dốt hơn hắn và rất nhiều đứa ở Củ Mật này nhưng làm kinh tế thì không ai bằng nó. Hắn chợt quay lại, nắm lấy bàn tay đang gọt khoai của mẹ hắn mà hỏi. Mẹ! Mẹ có bao giờ nghe nói đến vùng đất Hỏa Phong không? Mẹ hắn lắc đầu. Không có đâu. Mẹ về đây làm dâu mấy chục năm, chưa từng nghe cái tên ấy. Bỗng bà nội hắn từ trong buồng lọ mọ chống gậy đi ra. Bà hắn ngoài tám mươi. Thầy hắn là con út của bà mà. Bà bảo. Hỏa Phong là nơi này, chính làng mình đấy con ạ. Bà nghe ông cụ của con kể như vậy. Mãi khoảng hơn trăm năm trở lại đây, làng mới có tên Củ Mật. Hắn chợt nhớ đến câu nói của thằng Thạc. Chỉ có Hỏa Phong là không có dịch bệnh! Thế là sao nhỉ? Chả phải dân làng hắn từng khốn đốn vì các loại dịch bệnh giết hại gia súc, gia cầm và hoa màu hay sao? Tại sao mẹ hắn đã sáu mươi tuổi chưa nghe tên Hỏa Phong bao giờ mà thằng Thạc lại biết? Hắn rất muốn hỏi thằng Thạc nhưng cái sĩ diện của một thằng sở hữu bằng đại học loại giỏi trở về ngăn hắn không cho hắn hỏi. Trước khi đi đại học hắn từng nghĩ học cho cả bố mẹ hắn, cho cả dòng họ Đỗ nhà hắn, cho cả cái làng Củ Mật lam lũ này nữa. Vậy mà, giờ này, hắn thấy, hắn chỉ học cho cái bản thân hắn còn chưa xong.

Giấc mơ về vùng đất Hỏa Phong ám ảnh hắn nhiều ngày giời. Bàn tay hắn phồng rộp, tóc hắn cháy khét. Mẹ hắn thương thằng con trai vừa độ nào còn trắng trẻo thư sinh nay hốc hác đen nhẻm. Suốt ngày hắn lang thang ngoài trằm Hồng với cái cây thuốn sắt trong tay để chọc xuống bùn rồi đo đạc. Phồng tay vì đo đạc. Bố hắn gọi hắn là thằng thần kinh. Trằm Hồng là khu đầm lớn nối xã của hắn với hai xã láng giềng. Anh rể hắn đấu thầu của xã chỉ trồng có một vụ sen và thả cá. Những thửa giáp với sen thì trồng lúa một vụ cũng không năng suất. Đầm lại xa làng nên mất mát hao hụt nhiều. Từ khi anh rể hắn gặp tai nạn rồi không thể lao động nặng, gia cảnh khó khăn thì chị gái hắn bỏ hết đấy mà ra thành phố nấu cơm thuê cho một toán thợ xây. Đến mùa thu hạt sen thì về. Cái giống sen quỳ sai hạt lắm. Tuy nhiên, cũng chả được bao nhiêu. Một hôm, hắn nói với Thạc, tao sẽ bắt đầu từ đồng trũng, cụ thể là trằm Hồng. Sẽ thuê máy vét bùn lên làm ao. Bùn ấy đổ lên ruộng, mua thêm đất đổ vào để thành vườn. Tao sẽ biến đầm thành vườn và ao. Mày ủng hộ tao nhé. Và rồi hắn bắt đầu theo cái cách của hắn.

Cũng chả ngon ăn tí nào. Cũng từng rất nản. Gối đầu lên cuốn bạt diệt cỏ vừa mua về, hắn nghĩ đến một loài cây rất cũ. Bưởi. Làm thế nào để biến cũ thành mới?

Những luống đất vừa lên bùn còn tươi rói, hắn đã đem bạt diệt cỏ phủ lên. Bố hắn lắc đầu. Đã trồng gì đâu mà anh trải bạt lên cho mau hỏng. Mà cũng làm gì đã có cỏ mà diệt? Hắn chỉ cười. Bố đừng lo. Ơ hay, nhà tôi ở, anh mang bìa đi cắm vay tiền. Không lo thì để ra đường chắc. Hắn chưa kịp giải thích thì mẹ hắn đã le te đạp xe ra, gào toáng. Phong hả! Con ơi. Chưa gì con đã trải lên này nó hỏng bạt đấy. Phơi mưa nắng nhiều bạt cũng mâu đi. Bưởi thì bây giờ mới chiết ghép. Nhanh cũng hai tháng nữa mới xuống đất được. Hắn nhoẻn cười. Mẹ ngỡ hắn vẫn mười bốn thì phải. Đúng là bạt diệt cỏ nhưng hắn lại dùng để ngăn cỏ. Hạt cỏ khi gió mang tới đây, rơi xuống mặt bạt, không thể tiếp xúc với đất thì sẽ thối hỏng. Không những thế, bạt này còn ngăn các loại côn trùng sâu bệnh đẻ trứng vào đất. Rồi thì giữ cho đất ẩm không bốc hơi, khi bưởi đủ rễ chỉ việc khoét đất vừa với gốc cây rồi đặt xuống. Và hơn nữa, đạm tự nhiên và phù sa có trong đất không bị bốc hơi và rửa trôi vì mưa nắng trước khi trồng bưởi xuống. Giờ không ai còn phun trừ cỏ nữa rồi.

Bố mẹ hắn gật gù, bán tín bán nghi. Kệ anh. Anh làm nào thì làm!      Thằng Thạc thò cổ ra khỏi cửa xe ô tô hất hàm hỏi hắn khi hắn đang hì hụi giăng dây thép gai quanh khu trang trại trên định trồng bưởi dưới chưa thả cá. Này, làm thử đã. Chưa gì mày đã táng xuống cả nghìn cành là liều mạng đấy. Hắn cười phấn chấn. Mày liều được sao ngăn tao liều.Trước khi rụt cổ vào, thằng Thạc còn nói thêm. Mày biết thằng Toàn lác không? Hắn gật đầu nhớ ra thằng bạn học hơn hắn hai tuổi, đúp lên đúp xuống nhưng có chí kiếm tiền từ hồi học cấp hai trường xã. Nó làm sao? Tuần vừa rồi cá nó chết gần hết...

Hắn không ngủ được. Hằng tấn cá chim chuẩn bị thu hoạch chết trắng bụng. Không biết thằng Toàn xoay xở thế nào. Hắn biết thằng Thạc nói thế không nhằm khiến hắn nhụt chí, mà chỉ muốn cảnh báo. Suốt mấy tháng giời hắn với thày bầm hắn thực hiện ghép mắt bưởi đào lên cây mẹ là giống bưởi chua da vàng, hắn không có điều kiện để đi nhiều như hồi mới về dẫu là quanh làng.

Mẹ hắn tiếc vườn để không. Tiếc ao để không. Tiếc mấy chục triệu tiền rào thép gai giăng vườn không. Cứ giục hắn thả xuống tạm nào là đu đủ, nào là ớt, nào là chuối tiêu hồng nào là cá vược. Đủ để hắn hiểu, bốn năm học của hắn là dài thế nào, là mong ngóng thế nào với gia đình hắn. Đi thì mới thành đường chứ. Con đường này, trước khi trải bê tông thì nó nhoe nhoét bùn và ngập ngụa phân gia súc. Cánh đồng lúa mênh mang này xưa kia là đầm lầy, sen, súng, ấu và cỏ mác, mạnh gì nấy mọc. Cái cổng làng kia, trước khi được xây khang trang bề thế, nó vốn là ba cây tre đực. Hai cây cắm hai bên, một cây bắc ngang phía trên kèm theo cái rèm lá dừa. Phi cổ bất thành kim. Nhưng cái lạc hậu cứ quấn chân người như dây muống mủ ấy. Chỉ gỡ ra thì không đủ. Phải diệt nó đi.

Hắn ăn sáng vội vàng rồi xách con xe đạp cũ từ thời hắn học cấp ba ra sân. Xe này mẹ hắn vẫn đạp đi chợ, ra đồng mỗi ngày. Hắn đạp đến nhà Toàn lác. Quăng xe vào chân cây rơm hắn bước vào nhà. Thằng Toàn mặt dài như cái bơm đang nằm đo trường kỷ. Không khí gia đình nó u ám phát sợ. Hắn thả người xuống cái ghế dài đối diện. Thằng Toàn nhỏm dậy. Mày đi đâu thế. Ơ, hay nhỉ. Tao đến mày. Có tí gọi là chia buồn. Thằng Toàn đưa tay gãi cái đầu mới cạo trọc lóc. Tao chết chắc mày ạ. Mày khoan làm gì vội ở cữ này. Dịch bệnh đang bao trùm. Thầy tao đang chửi tao ngựa non háu đá. Vùng mình, sản xuất gì, quy mô mấy cũng vẫn là nhỏ lẻ manh mún, thị trường không ổn định. Chỗ thằng Thạc ý, chỉ vài bài báo tỉnh phang lên ca ngợi, giờ khắp cái huyện này ổi sạch, ra chợ vấp ổi ngã vỡ mặt, giá tụt xuống đáng kể. Thấy ai làm gì có ăn, thi nhau làm theo, giờ sặc tiết. Ông Thủy nhà tao đấy, khi xưa nuôi bò sắm được ô tô, bây giờ cả làng, cả xã, cả huyện bò, rẻ như biếu, bán cả cặp không bằng một con ngày trước. Tao vô học không tính. Nhì nhằng vài năm nữa rồi vợ con. Còn mày, bằng đỏ hẳn hoi, nghe tao, ra thiên hạ kiếm việc gì đấy mà làm cho đỡ đau đầu. Không tự nhiên mà người ta bỏ hết bờ xôi ruộng mật để đi làm công ty cho Nhật với Hàn đâu. Tao chuẩn bị té vào Bình Dương, chỗ bà cô tao. Làm cơ khí, gì cũng làm, miễn có tiền về chuộc nhà cho thầy bầm tao. Ở nhà, nghe chửi nhiều, quẫn trí rồi đâm đầu xuống trằm Hồng mà chết. Hắn lạnh lưng. Thấy cái ba lô vải bạc phếch căng tròn nằm lăn lóc trên phản. Mày đi thật à? Thật. Tao đợi bầm tao đi chợ về, dặn dò cho đoan trang. Chứ dưng dưng mà đi, bầm tao sốc. Thằng Thạc nói cứng thôi, mấy hôm nay lo sốt vó. Ao tao cách ao nó chẳng bao xa. Tao mới bảo nó tìm kế giải tán số cá của nó đi. Nghe nói, nó đang tìm mối để đẩy. Không thể nói trước được điều gì đâu, dù nó phòng ngừa kỹ lắm.

Hắn chưa kịp can ngăn thằng Toàn thì tiếng còi xe đã toe toe ngoài cổng. Thằng Thạc đánh xe vào sân nhưng không xuống xe, chỉ lui cui quay đầu rồi thò cổ ra. Chúng mày mau giúp tao một tay. Hai thằng nhìn nhau, cùng đứng dậy, lên xe. Ra ngõ, thằng Thạc bảo. Đi kéo cá giúp tao. Hắn rùng mình nhớ đến chuyến đi Hỏa Phong, rõ ràng thằng Thạc ném dây lưới vào tay hắn, hắn đã hất ra. Nhưng giờ thì không thể từ chối. Tao tính sơ tán cá lên đầm Chuông. Thằng Toàn há hốc mồm. Lên tận quê bà vãi mày hả? Mấy chục cây số, tao nghĩ không được đâu. Không được cũng phải được. Giờ bán không hết. Gọi lái rồi. Chỉ giải quyết được một nửa thôi. Tao gửi cá lên đó, cũng chỉ trong một tuần là phải nghĩ cách đẩy hết đi. Cá vẫn khỏe mà. Nói chung là đánh bạc.

Thạc nói cá khỏe, mà sao giọng nó run thế!

Cuối ngày, hắn nằm im không nhúc nhích. Lần đầu tiên có một ngày kéo lưới quần quật như thế. Phải hai ngày nữa mới kéo hết số cá của thằng Thạc. Thằng Toàn lác cũng đã hủy chuyến Nam tiến rồi. Hơn chục thanh niên được thuê đến giải cứu cá.

Đang liu riu chìm vào giấc mệt nhọc thì tiếng mẹ hắn la lối. Ối giời ôi, con ơi, con ăn học cho nhiều vào mà dại dột. Nhà mình lãi giả từng ngày, lại đi cho cái thằng thu đầy thu vơi cả tỉ bạc một năm gửi cá. Giời ôi, ao với chả vườn. Giờ vườn phủ bạt đen sì, ao cho người ta mượn để nhốt cá. Con ơi là con, khôn ơi là khôn...

Mẹ, con vội quá chưa kịp nói với mẹ. Chả phải mẹ vẫn nói, mẹ mong nông thôn đổi mới thật sự là gì. Con nghĩ, đổi mới thật sự phải là đổi mới từ cách nghĩ của con người. Làm kinh tế nông nghiệp mà theo kiểu đèn nhà ai nhà nấy rạng thì sớm muộn cũng thất bại thôi ạ. Chính vì con người ném gia súc, gia cầm chết bừa bãi, tiêu hủy không đúng quy cách mới khiến bệnh dịch lan rộng và hủy hoại nhau, đẩy nhau vào chỗ chết. Rồi thì trừ sâu trừ cỏ phun vô tội vạ để giành giật hạt lúa hạt ngô với sâu bệnh khiến cho môi trường ô nhiễm nặng nề. Con cá hay ngọn rau, hạt lúa nhà người, mình cũng phải tiếc, phải thương như của mình, thì mới là đổi mới mẹ ạ.

Những lời ấy, không biết hắn có kịp nói hết với mẹ hắn không mà hắn đã vội chìm vào giấc ngủ. Cả đêm trước hắn thức để trao đổi trên diễn đàn online về cách xử lý, khoanh vùng bệnh dịch, khử độc nguồn nước rồi...

Xin chào điền chủ!

Tiếng chào the thé quen quen của con rệp làm hắn giật mình. Hóa ra, hắn đã trở lại Hỏa Phong. Hắn mở to mắt sững sờ. Hỏa Phong đổi mới nhanh như thế này sao? Mát mẻ, trong trẻo như thế này sao? Trời ơi! Trước mắt hắn là vườn bưởi da vàng sai trĩu, rộng mênh mang. Xa xa là cả hồ nước nom như trằm Hồng. Hình như có cả chiếc thuyền câu. Ai như thằng Thạc với thằng Toàn đang mải miết chèo trong sương mờ.

Này, sao mày còn ở đây? Con rệp mếu máo. Họ nhà con sắp tuyệt chủng rồi ông ơi, còn sót mỗi con thôi. Ông nhìn xem, biến đổi gien khiến con ra hình hài này. Hắn nhìn kỹ. Ừ nhỉ, sao tao nom mày giống con cánh cam hơn là con rệp.

Rồi mặc kệ cho con rệp lai cánh cam nỉ non than vãn, hắn đứng dậy, bắc tay lên miệng, gọi rõ to. Thạc ơi! Toàn ơi! Lại đây mau!

Truyện dự thi: Trở lại Hỏa Phong - Ảnh 2.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem