Truyện dự thi: Rau muống

Phạm Thuận Thành Chủ nhật, ngày 02/08/2020 14:00 PM (GMT+7)
Truyện ngắn dự thi của Phạm Thuận Thành (Bắc Ninh)
Bình luận 0

Sáng sớm bà Tình đã trở dậy đốt đèn đi hái rau. Ngọn đèn dầu vàng khè không soi sáng được tương lai nhưng chí ít cũng báo hiệu cho người khác biết là có người đang đi đây. Ở cái làng Khoai này bây giờ không thiếu kẻ vô công rồi nghề gõ kẻng ba giờ sáng đi tập dưỡng sinh. Dưỡng sinh để trường thọ. Lũ con cháu đi làm ăn sớm mắt để trên trán phi xe va vào khối người. Bà Thôn bị xe máy nhà hàng thịt đi vội tông ngã đập đầu xuống đường chết tại chỗ. Bà Ngọt dính xe hàng bún chợ muộn phóng vội ngã gẫy tay. Vợ chồng nhà Nụ khoác tay nhau bách bộ dính xe hàng cá khiến cả hai cùng gãy chân một lúc. Bà Tình chả rỗi hơi đi hóng đi hớt chờ xe tông như thế. Bà cũng đi nhưng là đi ra ruộng, tay cầm đèn báo hiệu tôi đang đi đây. Bà không dưỡng sinh bằng túm năm tụm ba mà dưỡng sinh bằng lao động một mình.

Nửa thôi cuốc ruộng bằng mấy ngày vươn vai lắc mình trên sân hội trường. Mảnh ruộng diện rau non nửa sào của bà quanh năm rau xanh các thức ăn tươi ngon bán tươi ngon. Chỗ này vài gốc bí đỏ, chỗ kia vài đẫn đỗ đũa, chỗ khác mấy gốc bí đao leo giàn. Rồi hành, tỏi, cà ghém, húng, kinh giới, lá lốt, ngải cứu...

Miếng đất cấy rau muống rộng nhất. Rau muống Khoai nổi tiếng ngon trong vùng. Giống rau thân thẳng, màu trắng nhờ, ngọn nhỏ, lá nhỏ, ăn sống thì giòn, ăn chín thì ngọt. Nhà hàng làm rau ghém chẻ tư thân cây rau muống Khoai dóc như chẻ tre, bốn sợi rau ghém cong xoắn chữ O nhìn đã thấy ngon thấy thèm. Rau luộc chấm tương thằng Thính nhà bà ăn hết một rổ lèn chặt. Những năm tám mươi đói kém nó ăn rau trừ bữa được. Lớn lên đi bộ đội đóng quân trên chốt ăn nhiều mắm kem thèm rau quá, hễ về nhà là chỉ ra một điều kiện luộc thật nhiều rau vào. Thì đấy, rau muống vườn nhà tám gánh. Hay nó tuổi trâu mà thèm rau kinh niên không biết nữa. Nhìn nó ăn rau mà mát lòng người trồng rau.

Truyện dự thi: Rau muống - Ảnh 1.

Thằng Thính lành cục đất mà được làm cán bộ huyện rồi cán bộ tỉnh cơ đấy. Nó có nhà trên tỉnh rồi. Khổ nỗi không có tấc ruộng tấc vườn trồng rau. Ven đường thừa miếng đất bằng bàn tay cũng dí một hai cây rau vào. Thèm rau phải biết nhớ. Con thích ăn rau nên bà thích trồng rau. Ba giờ sáng bọn vô công rồi nghề gõ kẻng đánh thức cả làng đi dưỡng sinh, bà cũng dậy đốt đèn đi hái rau cho tươi ngon, còn kịp ra bến chờ xe buýt chuyến đầu tiên lên tỉnh. Hôm qua bà đã dặn Tuấn xe ôm không cần đón bà nữa. Bà đi xe buýt cơ. Tiện. Lại rẻ. Bà chả thấy vất vả đi lại nữa.

Xe buýt từ tỉnh về huyện chạy qua ngay đầu làng. Rộng rãi. Không còn đâu cảnh lèn người bão táp đứng một chân hàng trăm cây số. Bà mang hẳn gánh rau đẫy cho con. Ăn no chán vài bữa liền. Rồi bà lại tiếp tế nữa. Gánh rau đè bà xuống nhưng không đè nổi cuộc đời bà. Cái lưng còng càng còng thêm. Bàn chân giao chỉ toẽ ngón hết cỡ bám chắc vào đất. Cái nón cũ tơ tướp vành che kín mặt nhưng bà vẫn nhìn ngang mà đi. Mình không tránh thì người ta phải tránh mình. Không ai nỡ đâm xe vào người già đang gánh nặng.

Tên làng là Khoai không biết có phải làng trồng nhiều khoai không. Nghe người già kể lại thì trước đây làng đúng là trồng nhiều khoai sọ thật. Nhưng nghề làng truyền ra tiền ra của lại là nghề làm rau muống dẫy. Nhà nào cũng để ra mươi thước ruộng làm rau. Ngày nào cũng phải hái rau đi chợ. Có năm mưa nhiều được bán đến tết. Rau muống lành. Cơm tẻ rau muống ăn cả đời không chán. Đến lúc rét đậm, rau cỗi không lên được thì không hái nữa cứ để nguyên ở ruộng giữ gốc. Đến tiết lập xuân dẫy lượt đất mỏng cho đứt gốc cũ, dùng vồ đập nhẹ cho tơi đất, vơ cỏ phủ trấu cho ấm. Có mưa xuân là rau mầm mọc lên. Những lứa đầu bán giống cho các làng khác trong vùng đắt bằng mấy lần lứa chính vụ. Bà Tình làm rau từ bé nên thuộc cả nết cây rau. Gánh rau mang lên tỉnh cho con bà hái lúc chớm đến lứa, hao một chút nhưng ngon ngọt hơn rau tới lứa nhiều.

Vừa đặt gánh rau xuống đất chưa kịp thở, bà Tình đã nghe tiếng còi toét toét từ bến dưới. May quá. Hái cố mươi mớ nữa chắc nhỡ chuyến. Đợi chuyến sau có nắng rau ôi mất. Gánh của bà phải cỡ năm chục mớ mới vừa vai. Gánh nhẹ quá toòng teng khó đi lắm. Hôm nay chỉ vì sợ nhỡ chuyến mà bà phải thôi non. Non là phải. Vừa kịp.

Thấy bà vẫy xe dừng lại. Người phụ xe nhảy xuống hỏi:

- Bà già định mang rau muống lên tỉnh bán à? Rau ngon quá nhỉ.

- Bác tài giúp tôi với. À, tôi mang rau cho con tôi làm trên tỉnh chứ bán chác gì đâu.

- Bà già ơi, xe buýt chỉ chở khách chứ không chở hàng. Mỗi khách chỉ được mang một túi xách tay thôi. Bà già muốn mang rau thì phải thuê xe tải nhé.

Người phụ nhảy ngay lên xe giục đi. Bà Tình sợ nhỡ chuyến vội bám vào cánh cửa khiến lái xe chưa dám đạp số tăng ga. Bà Tình hổn hển:

- Bác tài làm ơn làm phúc cho tôi đi một lần này thôi, lần sau tôi không gánh nữa. Để nhỡ chuyến rau ôi hết mất.

Người phụ giải thích:

- Cho bà già mang gánh rau lên xe thì ai nộp tiền phạt cho tôi đây. Công ty phạt. Công an phạt. Giao thông phạt. Bà già thông cảm đi phương tiện khác cho tôi còn chỗ kiếm cơm nhé.

- Thế này vậy, tôi biếu mỗi bác vài mớ rau cầm tay thì tôi được lên xe chứ. Tôi chỉ giữ lại mươi mớ cầm tay thôi chứ không phải một gánh nữa.

- Bà già mà nhanh trí quá nhỉ. Thôi được, bà già chia rau cho mọi người đi, mau lên nào.

Bà Tình được người phụ xe giúp chia đều mỗi người ba mớ, còn hơn chục mớ bà giữ lại. Không biết đâm khổ. Biết quy định xe buýt thế thì chỉ hái mươi mớ thôi. Coi như làm phúc. Ba nghìn một mớ rau, mấy chục nghìn chứ ít của đâu. Cả xe người đều có phần rau ngon. Thằng Thính ngần này cũng đủ ăn được hai bữa. Càng tươi. Cứ nghĩ đến lúc con trai được ăn rau tươi ngon mà bà Tình thấy phấn chấn hẳn lên, quên hết mệt nhọc, quên hết chuyện suýt nhỡ xe, quên hết việc phải chịu thiệt để được đi.

* * *

Nhà Thính ở phố Mới xe buýt không chạy qua. Phố này chỉ dành cho cán bộ tỉnh nên cần yên tĩnh. Việc tỉnh quy hoạch cho cán bộ có nhà ở để yên tâm công tác là hợp tình hợp lý, vậy mà bọn rỗi mồm cũng có cớ chọc ngoáy. Bọn chúng là ai có trời mới biết. Có khi tức nhau cái ghế ở cơ quan mà nên chuyện. Có khi tức nhau phần đất đẹp cũng nên chuyện. Có khi là tâm lý dân sở tại dè bỉu dân ngụ cư ở đâu nhảy về làm dân phố. Chọc ngoáy sâu cay còn hơn bọn "diễn biến hoà bình".

Đầu tiên người ta gọi là phố Quan. Nghe hợp lí vì chỉ có quan tỉnh mới được đất ở đây. Rồi xuất hiện cái tên phố Dần Tiên. "Dần tiên" đa nghĩa. Nói lái là "tiền dân", ý chỉ cán bộ lương không đủ tiền làm nhà mà vẫn làm được nhà thì chỉ có cách lấy tiền của dân mà thôi. "Dần tiên" nói lóng lại là chỉ việc cán bộ trác táng truỵ lạc nơi nhà hàng khách sạn. Nói tóm lại là nói xấu cán bộ bất kể thực hư hợp tình hợp lý thế nào. Đã có chuyện nhà giám đốc sở bị dân vây mấy ngày ném gạch đá. Một vị phó giám đốc sở khác thì bị dân ném tờ rơi kể tội "dần tiên" đến mức bồ nhí phải tự vẫn tại khách sạn do ông phó thuê bao. Có thư tuyệt mệnh hẳn hoi. Hoá ra sắp đại hội. Hai vị mất điểm không trúng cấp ủy, không còn cơ hội thăng tiến. Một mũi tên trúng mấy đích.

Đường quan lộc của Thính hanh thông hơn người. Có quý nhân phù trợ có khác. Bản thân được mỗi cái thành phần xuất thân cơ bản. Ông bà bố mẹ chỉ làm ruộng lương thiện, không làm gì cho đế quốc phong kiến. Thính ăn đói mặc rách đi bộ học lên cấp ba. Năm bảy chín đang học lớp mười nhận lệnh tổng động viên lên biên giới, được cấp bằng tốt nghiệp đặc cách. Nằm chốt hơn ba năm thì được xuất ngũ. Thấy bố thằng bạn nằm cùng chốt làm ở văn phòng uỷ ban huyện, Thính chịu khó đi lại và xin làm con nuôi nên ông nhận vào làm quản lí bếp ăn.  Ông có con mắt nhìn xa. Cho Thính đi học lớp trung cấp lý luận hàm thụ rút gọn hai năm còn một năm. Lại cho ghi tên theo học lớp trung cấp quản lí kinh tế tại chức cấp tốc sáu tháng. Xong trung cấp kinh tế lại gửi đi chuyên tu cao đẳng rồi liên thông đại học. Ông có chân giò Thính phải thò chai rượu. Chai rượu là gật đầu lấy Hoài con gái ông. Con gái giống bố tướng ngũ đoản không được "cây trúc xinh" gì cho lắm. Mặt Thuý Vân chân lực sĩ. Đi như lăn trên đường.

Biết chai rượu hơi bị nhiều ông thò thêm con gà. Đó là việc nhường chân phó chánh văn phòng cho con rể, còn ông "luân chuyển" sang phòng nội vụ. Mới yên chỗ thì xảy ra việc tái lập tỉnh cán bộ thiếu nhiều, Thính trẻ khoẻ có năng lực  nhảy phắt lên tỉnh. Vợ cũng có việc kiểu hợp lý hoá. Việc cơ quan của con, việc học của cháu quay như chong chóng, con cháu cả năm không về thăm quê một lần. Bà Tình nhớ cháu tự mò lên. Chốc lát thôi. Bà còn lo con gà con chó đói ăn, cây rau cây mướp khô héo. Vậy mà con dâu không bằng lòng. Bế cháu nó sợ mất vệ sinh. Mua quà cho cháu thì bảo cháu thừa mứa bánh kẹo hảo hạng rồi. Ngồi cùng mâm ăn bữa cơm gia đình nó hắt hơi xỉ mũi ra điều chê mùi nhà quê khó gần. Thời xưa bà nhai cơm búng mớm cho thằng Thính ăn no lớn tướng có sao đâu. Vậy mà bà nhai cơm cho cháu thì con dâu hầm hầm chạy tới giằng phắt lấy con gầm thét ăn bẩn mất vệ sinh lây bệnh truyền nhiễm. Rồi cấm không cho bà bế cháu. Bà lên chơi là được bố trí ở nhà bên cạnh. Nhớ cháu quá, bà leo lên tầng thượng mở cửa tum sang bên nhà Thính xuống phòng cháu chơi. Hễ có tiếng người là bà lại lập cập ra cầu thàng trèo lên tum về phòng mình. Thấy cháu thích chơi búp bê, bà tỉ mẩn lấy áo nõn bẹ ngô tết búp bê cho cháu chơi. Vì con búp bê mà bà bị lộ. Hoài kêu khóc bà làm chết rậm cháu. Không dám cấm cửa nhưng giao hẹn bà dăm bữa nửa tháng mới lên chơi chốc lát thôi. Cháu còn phải đi lớp. Bà nghĩ mẹ chồng nàng dâu xưa nay khó hợp nhau nên cứ nhớ là thuê xe ôm lên với cháu. Thằng Thính có dúi tiền bà cũng không nhận. Nội tiền bán rau đã thoả tiêu rồi. Tiền bán lứa gà to hơn thì bà bỏ ống để dành cho con làm nhà.

* * *

Từ bến xe buýt đến nhà Thính dễ gần cây số. Bà Tình vừa xuống xe đã có mấy xe ôm đến hỏi đi về đâu cháu chở giúp. Bà biết ở phố người ta ăn khéo nói khéo thế thôi chứ làm gì có chuyện có người tốt đến mức chở giúp. Rồi lại bóp hầu bóp cổ người ta lè lưỡi ra. Bà cố ngay lưng dõng dạc đáp:

- Cám ơn ba bốn bác. Nhà em gần ngay đây rồi.

Đoạn bà tay ôm rau, tay xách quang gánh xăm xắm đi. Cái lưng còng như quệt xuống đất. Đi một đoạn đường bà còn nghe tiếng người xe ôm than "Đúng là bà già nhà quê, lên tỉnh mà một đồng không muốn mất". Bà cười nhẹ thầm cự lại "Xin lỗi. Có mấy bước chân đi cho khoẻ, thừa tiền tôi cũng chả đi xe ôm xe kéo đâu nhé".

Đến trước cửa nhà con trai rồi bà Tình mới hoảng. Nhà đóng kín cửa. Cả dãy phố đều đóng kín cửa. Bà bấm chuông nhà con. Cái nút chuông này bà đã để ý từ lâu. Áp tai vào cửa nghe thấy có tiếng chuông kêu reng reng bên trong. Tiếng kêu nhẹ, âm, tưởng xa xôi lắm. Bấm nhát một. Bấm liên hồi. Cửa vẫn đóng im ỉm. Bà phát hoảng hay chúng nó gặp chuyện bất thường gì chăng. Vội bấm chuông nhà bên cạnh hỏi thăm. Bấm mãi vẫn không thấy cửa mở. Chẳng lẽ cả phố này đều gặp chuyện chẳng lành. Bà liền quay mặt ra phố kêu to tướng lên:

- Bớ người ta, cứu, cứu.

Phía xa có cửa hiệu, từ đó nhô ra hai ba người phụ nữ, thấy bà kêu cứu mà không có ai gây sự hoặc bị va quệt nên lại quay vào coi như vô sự. Bà Tình cứ kêu. Bà tin ở đâu cũng có người tốt. Quả nhiên một người đi xe máy ghé vào hỏi:

- Cụ bị mất cướp hay bị làm sao?

- Ông cứu. Con cháu tôi phải cảm trong nhà mà cửa khoá chặt rồi.

- Thế bà ra ngoài từ bao giờ?

- Tôi ở quê mới lên. Bấm chuông mãi không thấy đứa nào ra mở cửa. Bấm chuông nhà hàng xóm hỏi thăm cũng không thấy mở cửa. Ông làm ơn làm phúc mở cửa cứu chúng nó với.

- Cụ bình tĩnh đã. Bây giờ đang giờ làm việc, con cháu cụ đến sở đến trường cả chứ không ai làm sao đâu. Bà vào chỗ mát đợi tan tầm họ về. Đừng kêu cứu cụ nhé. Hàng phố người ta cười cho đấy.

Bà Tính bán tín bán nghi. Hỏi giờ. Mới có hơn chín giờ. Còn lâu mới tan tầm.

Người khách đi rồi bà Tình tự cười mình. Chưa chi đã thần hồn nát thần tính kêu toáng lên. Hàng phố lại tưởng mình bị thần kinh. Ngại quá. Bà đành kê đòn gánh giữa cửa ngồi đợi. Cái nón dành che mấy mớ rau đỡ héo.

Truyện dự thi: Rau muống - Ảnh 2.

* * *

Có tiếng quát gằn làm bà Tình giật mình:

- Bà già xê ra để mở cửa nào. Đây không phải là chỗ ăn mày ăn xin đâu nhớ.

- Mẹ Thính về rồi à.

- Ồ, bà lại lên chơi à. Lần sau lên chơi phải báo trước chứ. Để bà ngồi đợi phơi nắng cả buổi ở cửa người ta cười cho à. Ối, đi chơi chứ có phải đi nhổ mạ đâu mà bà mang cả quang gánh thế này. Thật dơ mặt con cái.

Bà Tình định kể chuyện gánh rau lên tiếp tế, thấy con dâu lầm bầm vậy lại thôi. Mấy mớ rau cũng đã héo rũ. Bà ngại cứ bê nguyên cả nón cả rau tự mang vào bếp. Rồi xối nước làm ra vẻ rửa cho sạch bụi đường. Rau non gặp nắng đã héo làm sao tươi lại được nữa. Vợ Thính liếc mắt biết ngay việc làm của bà liền gắt:

- Lần sau bà lên chơi thì cứ lên đừng mang rác rưởi theo con lại phải dọn khó.

- Ơ hay, rau quê hái sớm héo một chút vẫn ngon chán sao mẹ Hoài nói khó nghe thế.

- Không à. Ở phố người ta ăn rau sạch siêu thị chứ ai người ta ăn thứ rau ruộng đầy vi trùng này. Bà tiếc thì mang về mà xào xáo nộm luộc tuỳ bà.

Bà Tình nuốt nước mắt vào trong. Bao công lao chăm chút mang lên cho con lại được đối xử như vậy. Bà nén buồn hỏi:

- Thế lúc nào hai đứa tan lớp?

- Chúng nó học bán trú gần tối mới về. Thôi bà rửa ráy chân tay rồi ra ngồi quạt mát để con nấu cơm. Mà lần sau có lên chơi bà cũng nên ăn mặc tươm tất một chút vào. Mặc bộ đồ đi làm này lên phố dơ con cháu lắm. Chó ỉa bàn cờ dơ mặt tướng chứ có dơ mặt chó đâu. Bà nhớ nhé. Hôi hám lắm.

Mẹ chồng nàng dâu xưa nay vốn không hợp nhau. Nó nói thế là nói vắng mặt chồng. Cho qua. Không chấp. Thằng Thính có nhà mà nó vẫn nói vậy là không xong với bà.

Vợ Thính dọn cơm vẫn chưa thấy chồng về đành gọi điện thoại. Thính bảo hôm nay ăn cơm khách không về. Hoài báo có mẹ ở quê lên, thu xếp về sớm khỏi mẹ tủi. Thính bảo không thể về sớm được, giữ mẹ lại mai hẵng về. Vợ Thính truyền đạt lại nguyên vẹn lời chồng. Bà Tình ậm ừ cho qua. Vậy là chỗ rau muống ngon nhất ruộng thành rác rưởi nhà nó thật rồi. Con trai thì ăn cơm khách sạn. Con dâu thì ăn rau sạch siêu thị. Các cháu thì ăn bán trú ở lớp. Bữa cơm chỉ có hai người không hợp nhau ngồi đối diện nhau hỏi còn gì là ngon. Vợ Thính xới cơm cho mẹ chồng xong liền đứng dậy kêu mệt không muốn ăn phải đi nghỉ để chiều còn đi làm sớm. Bà Tình nghẹn ngào không nuốt nổi miếng cơm đã và vào miệng. Miếng cơm đắng chát, vữa ra. Bà cũng đứng dậy bảo:

- Tôi phải về cho con mực ăn cơm đây. Không có tôi thì người khác dù cho cơm gà cá gỡ nó cũng chẳng thèm ăn đâu.

Bà úp nón vào mặt quày quả đi ra. Con dâu ngọt nhạt nói với theo:

- Đang trưa nắng bà về vội làm gì. Nhà con trai chứ có phải nhà hàng sứ đâu mà ngại.

Bà đi như chạy ra cửa. Vừa lúc đó có chiếc xe máy to kềnh càng xẹt qua làm bà giật mình suýt ngã. Hai đứa trẻ đầu nhuộm xanh đỏ quay lại quát:

- Bà ăn mày muốn chầu trời à. Muốn giải thoát thì ra đường tàu chứ đừng làm khổ bọn trẻ nhớ. Bọn này còn chưa hưởng mùi đời đâu.

Truyện dự thi: Rau muống - Ảnh 3.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem