Trước hết phải khẳng định, đây là một chủ trương đúng. Là người đã có tới 40 năm gắn bó với Tây Nguyên, bằng những gì đã trải qua, đã thấy, tôi cho rằng, đề án này khá thiết thực. Tôi xuống xã, gặp các thanh niên về công tác trong diện "500" là yên tâm hẳn. Họ có tri thức, có nhiệt huyết, có sức khỏe, là con em địa phương hoặc am hiểu tình hình địa phương nên công việc suôn sẻ, có chất lượng, được dân tin.
Sáng nay, ngồi cà phê "giao ban báo chí"- cách gọi vui của nhóm anh em báo chí mỗi buổi sáng ngồi cà phê kháo chuyện nghề, khá nhiều người quan tâm đến vấn đề này. Nhiều người chép miệng, lãng phí quá, và các cơ quan có trách nhiệm đã không đi tới tận cùng câu chuyện, vân vân... Nhưng có một ý kiến của một người tôi cho là khá lý thú, rằng là, nếu tài thật sự thì số hơn 400 kỹ sư kia không lo thất nghiệp.
Chứ không ư, thứ nhất, khi được tuyển vào "danh sách 500" tức là các bạn này đã là "gạo trên sàng". Thời gian 7 năm qua chính là quãng thời gian vàng để các bạn thực tập, một cách thực tập thiết thực, hiệu quả... nếu có thể gọi thời gian ấy là thực tập. Thế thì bây giờ, nếu vì lý do gì đấy nhà nước không bố trí công việc được tiếp, mà nôm na, theo tư tưởng bao cấp, là không vào biên chế được, thì ra ngoài làm, các bạn ấy lại chả có điều kiện hơn rất nhiều bạn khác ư? Ngay tôi, từ điều kiện làm việc hiện nay của mình, gặp rất nhiều bạn trẻ rất đáng kính nể. Họ làm ăn giỏi, có lý tưởng, hoài bão. Đa phần là ổn định về kinh tế và tham gia lo các công việc xã hội trong khả năng của mình. Họ tự tin và quyết đoán trong công việc, nắm bắt thời cơ và thành công. Ví dụ tôi vừa quen anh Lý Quang Thắng - CEO of Social Impact (SIV), tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Hawaii ở Manoa (bang Hawaii, Mỹ) về, anh Thắng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Quản lý và Đào tạo nhân sự cho các tập đoàn lớn trên thế giới: GHN Express, Coca-Cola, Marico Southeast Asia… và giờ thành lập một team khởi nghiệp ở Việt Nam với đội ngũ nhân viên rất trẻ, thạo việc, yêu nghề và rất có trách nhiệm. Thôi, không nói đến Thắng vì anh được đào tạo bài bản, rất chuyên nghiệp, mà nói tới đội ngũ nhân viên của anh. Họ đều rất trẻ, mới ra trường, nhưng khi được "chiêu mộ", đặt vào một môi trường vừa chuyên nghiệp vừa khích lệ được sự phát huy khả năng cá nhân, họ làm việc rất hiệu quả. Tôi biết rõ họ và công việc của họ vì vừa cộng tác với nhau trong một công việc mà họ làm với tư cách tình nguyện, bỏ ra mỗi tuần 2 ngày để làm không công cho một khu du lịch, về quản trị, về phương pháp, và cả thổi vào công việc một luồng sinh khí mới, tươi trẻ, trách nhiệm và hiệu quả.
Thế tức là gì, là không sợ hơn 400 bạn trí thức trẻ kia thất nghiệp. Tôi tin là họ sẽ sống khỏe bằng tri thức và kinh nghiệm họ đã trải qua sau 7 năm tham gia làm lãnh đạo xã, ít nhất cũng tham gia điều hành công việc, tại những xã hết sức khó khăn ở vùng sâu vùng xa.
Thế nhưng, đâu chỉ lo cho thân mình. Lại sẽ có ý kiến như thế. Đừng lo, công việc bây giờ không phải như ngày xưa. Giờ, mỗi công việc đều cần nhóm, hiện đại gọi là team. Họ gắn kết các cá nhân trong một tổng thể để phát huy vai trò của từng người, tạo thành sức mạnh tập thể, người này bù người kia, hỗ trợ nhau để làm việc. Và những gì họ làm ra, chắc chắn họ được hưởng đầu tiên, rồi gia đình họ hàng, và rồi cộng đồng, xã hội... chắc chắn thế.
Có chăng là tiếc. Đúng thế, rất tiếc, nếu cái "đề án 500" hay như thế, có ích như thế, mà giờ lại vì cơ chế mà không bố trí công việc cho hơn 400 người này được. Thế thì phía thiệt thòi lại chính là... nhà nước.
Nhưng tôi tin, bằng nhiệt huyết và những trải nghiệm mà các bạn trẻ này đã trải qua, nếu không có việc trong bộ máy, họ tự làm, với quyết tâm và tấm lòng của mình, xã hội cũng sẽ không thiệt.
Bởi tôi đã gặp, hàng vạn bạn trẻ làm việc miệt mài, không chỉ cho mình, mà luôn luôn xả thân vì cộng đồng. Những công việc giúp ích cho cộng đồng đã đành, mà khi có việc, như bão lũ miền Trung vừa rồi chẳng hạn, rất đông bạn trẻ, lại bỏ công bỏ của đi san sẻ với bà con hoạn nạn. Bây giờ không như ngày xưa, hở nhà nước ra là đói, là sợ không có việc.
Có ý kiến còn cho rằng, đề án này là "đem con bỏ chợ". Quả là nếu cách đây ba bốn chục năm, thậm chí hai chục năm còn có thể nói thế, chứ giờ, thứ nhất đây là những đứa con đã trưởng thành, thứ 2, chợ chính là nơi học được nhiều thứ nhất, và cũng là nơi, con người tìm việc dễ nhất. Chỉ cần có ý chí và tri thức. Điều ấy tôi tin hơn 400 bạn trẻ kia có thừa. Thế nên ý kiến nên tăng biên chế cho các địa phương để tuyển các bạn này có vẻ như không thích hợp lắm. Rất nhiều bạn trẻ ở thành phố bây giờ, họ không còn khái niệm làm nhà nước hay làm ngoài, biên chế hay hợp đồng. Vấn đề là công việc phù hợp chuyên môn, thu nhập và cống hiến, đóng góp và sẻ chia với cộng đồng...
Vậy thì lo gì nữa ạ?
Thì một lãnh đạo ngành đã lên tiếng.
"Điều kiện làm việc rất khó khăn, tiếng địa phương không nghe rõ, xã nghèo, lương thấp, xa nhà. Trong khi nhiều bạn ở thành phố đi làm 1 năm hết thử thách, được bố trí vào công chức bậc 1, đây các bạn 5 năm, chúng tôi rất chia sẻ, đúng là phải có điều kiện, thu nhập, môi trường, cơ hội thăng tiến", Thứ trưởng bộ nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chia sẻ khi gặp các bạn trí thức trẻ tình nguyện.
Và như thế, rõ ràng là, cơ quan tham mưu cao nhất về nhân lực đã nắm được vấn đề. Vấn đề ở đây là từ hai phía, phía các trí thức trẻ thì như đã nói, các bạn ấy có thể sẽ tự tạo cơ hội cho mình, dù có thể thời gian về địa phương làm việc thì cơ hội đã qua. Còn phía sử dụng lao động, rõ ràng, nếu chỉ vì cơ chế mà để lãng phí những người vừa có nhiệt huyết vừa đã có kinh nghiệm, ít nhất là 5 năm, làm việc ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, hiểu công việc, hiểu con người... thì đúng là rất phí. Nhất là, đề án 500 trí thức về xã này, nhà nước đã bỏ ra gần 300 tỉ đồng để thực hiện, chưa tính chi phí xã hội, gia đình bỏ ra.