Lũ lụt ở miền trung Những chiến sỹ hi sinh thầm lặng, phải chăng họ đã bị lãng quên?
Ngoài Thủy Tiên làm từ thiện, còn những hy sinh thầm lặng
Phan Mỹ Hà
Thứ tư, ngày 04/11/2020 13:00 PM (GMT+7)
Khi nói về chuyện từ thiện hay cứu trợ lũ lụt miền Trung, giữa những người nổi tiếng và những người bình thường âm thầm, ta thường quan tâm điều gì hơn? Dám chắc là về những người nổi tiếng. Nhưng, hình như có điều gì đó đang bị chúng ta lãng quên.
Giữa thiên tai, lũ lụt miền Trung, những con người thầm lặng ấy, đang làm một cách đầy trách nhiệm, can trường, từ vùng núi cao đến ngoài khơi. Đó là những chiến sỹ bộ đội, công an... các cấp chính quyền từ cao xuống thấp.
Miền Trung những ngày tháng 10 oằn mình chống lũ. Lũ chồng lũ sau những ngày mưa như trút nước do ảnh hưởng của bão số 5, 6, 7 liên tiếp. Các hồ chứa nước thuỷ lợi, thủy điện đồng loạt xả tràn khiến cho hạ lưu như một túi nước lớn, đầy tràn khắp vùng.
Nước ngập trắng trời, đâu đâu cũng mênh mang nước. Nước dâng lên tận mái nhà, nước biến đường thành sông, nước quét đi tất cả của cải, hoa màu, trâu, bò, lợn, gà.
Giữa biển nước mênh mông, giữa đồi núi sạt lở, chấp chới những cánh tay kêu cứu qua mái ngói, những thân người nửa chìm nửa nổi, những gương mặt hoảng sợ, thất thần của những cụ già, em nhỏ, những tiếng khóc xé ruột của các em bé khát sữa, đói ăn, những tiếng gào khóc ai oán của những gia đình mất đi người thân do chìm trong lũ dữ hay vùi sâu trong bùn đất.
Những ngày đầu tháng 10, cả dãy miền Trung tang thương chồng tang thương, quặn lòng khi nhìn những đám tang tập thể của các chiến sĩ hy sinh khi đi cứu nạn, những vành khăn trắng không thể nhiều hơn ở bất cứ một đám tang nào với những tiếng khóc lặng, nấc nghẹn của người thân ngất lả đi vì đau thương quá sức chịu đựng...
Cả nước đau thương vì mất mát, tổn thất quá lớn của quân đội trong thời bình và của những người thiệt mạng do bão lũ, sạt lở đất trong những ngày qua. Tình cảm quân dân lại thêm một lần nữa bùng cháy sau đại dịch Covid-19.
Bởi vậy, chúng ta hãy làm thiện nguyện bằng "trái tim nóng và cái đầu lạnh", đừng thấy việc làm của mình là "cao cả" mà chà đạp lên những giá trị khác nhất là giá trị đạo đức, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ ở vùng lũ.
Nếu không có Thủy Tiên, thì chính quyền sẽ để cho người dân chết?
Một streamer có tiếng trong giới game thủ Liên Minh Huyền Thoại bình luận rằng: "Thủy Tiên là người cuối cùng giúp dọn dẹp tàn dư bão lũ"!
Tôi ngạc nhiên là bình luận này có tới gần 2.000 lượt yêu thích, hàng trăm lượt đồng ý và đa phần là trách móc chính quyền, bộ đội không làm gì cả, mọi thứ để hết cho Thủy Tiên. Và sự thật là có khá nhiều người như streamer này, phủi sạch một cách đầy phũ phàng công lao của bao nhiêu con người khác.
Streamer này còn bảo là, bộ đội không phải là dân, không tính. Nhưng, quân đội của chúng ta là quân đội nhân dân mà? Quân từ dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Ngoài ra, gia đình của các chiến sĩ ấy, cũng chỉ là những người dân bình thường. Có không ít người có gia đình chịu thiệt hại nặng sau lũ. Nhưng vì nhiệm vụ và trách nhiệm, họ ra đi cứu giúp những người khác và mong rằng sẽ có những người khác thay họ cứu giúp người thân.
Ngoài Thủy Tiên ra, vẫn còn biết bao nhiêu đoàn từ thiện khác, có thể họ không có nhiều tiền, không có nhiều đồ cứu trợ, nhưng "tích tiểu thành đại", điều gì cũng đáng quý, ủng hộ bao nhiêu tùy theo sức của mình. Chúng ta không thể khinh thường những đoàn từ thiện khác được.
Một mình Thủy Tiên và đoàn của em ấy không thể "gánh" hết được miền Trung trên vai, hỗ trợ miền Trung bao nhiêu người cũng không đủ. Khoản tiền hơn 150 tỷ thì nhiều thật đó, nhưng thậm chí còn không đủ để xây dựng lại tuyến quốc lộ 1A tại các tỉnh bị bão lũ càn quét qua.
Có những người trưởng xóm bị mắng chửi thậm tệ vì có tên trong danh sách nhận quà, mà trưởng xóm thì đâu có phải là "cơ quan chức năng gì". Gia đình bác ngập gần mét rưỡi, là một trong những hộ dân ngập sâu nhất, đồng thời cũng là một trong những hộ nghèo nhất xóm, nhưng vì là "trưởng xóm" - một chức danh "vác tù và hàng tổng", nên không được nhận. Người dân mấy xã khác trách móc cho rằng vì bác mà họ không được nhận quà nữa, người dân trong xóm thì nghi ngờ lẫn nhau, "đấu tố" nhau. Còn cư dân mạng thì mặc nhiên không quan tâm đến sự thực, ra sức miệt thị, chửi rủa thậm tệ.
Vào những bài đăng của Thủy Tiên, đằng sau những chuyến cứu trợ hay những hình ảnh ý nghĩa, là những lời chửi nhà nước. Mà đôi khi, cứ ngỡ như là trang Việt Tân vậy, dày đặc những bình luận chửi chính quyền, những lời buộc tội vô căn cứ, kích động thù hằn dân tộc và vùng miền, nhưng lại tuyệt nhiên không bao giờ bị xử lý. Mỗi bình luận ấy, như là một nhát dao đâm vào những con người đang ngày đêm cùng đồng bào khắc phục hậu quả của bão lũ.
Đồng ý rằng, tôn vinh và ủng hộ Thủy Tiên là đúng, cái tâm làm từ thiện của Thủy Tiên là tốt, chúng ta không phủ nhận việc Tiên đã cống hiến những gì, đã mệt mỏi thế nào, đã phải khổ sở trao tiền đến từng người dân ra sao. Nhưng, cũng đừng vì thế mà nâng tầm Thủy Tiên một cách thái quá và đạp bỏ công sức của bao nhiêu đoàn từ thiện khác, bao nhiêu chiến sĩ khác, bao nhiêu con người khác.
Mọi năm, miền Trung vẫn có bão lũ, Tây Nam Bộ vẫn có hạn mặn, chứ bão lũ hay hạn mặn đâu có phải là chuyện mới đây? Người dân bị thiệt mạng vì bão lũ, chứ làm gì có người dân nào thiệt mạng vì đói? Đường xá hỏng hóc, trường học bị tàn phá, cơ sở vật chất bị hư hỏng, cũng là chính quyền và nhân dân chung tay xây lại. Những bản làng ở vùng cao thì hàng hóa được viện trợ bằng sức người, có những thai phụ được trực thăng đưa ra tận Đà Nẵng để sinh nở mà không mất bất cứ chi phí nào, có những người già được chuyển ra vùng an toàn để chăm sóc sức khỏe.
Người ta đâu biết rằng, ở những nơi không có sóng điện thoại, còn có những con người cao cả khác, những con người sẵn sàng dùng đôi chân trần băng rừng mang đồ ăn đến cứu trợ đồng bào. Những con người sẵn sàng đi ngược vào tâm bão giật trên cấp 14 để tìm kiếm đồng bào mất tích. Hay biết bao nhiêu người dân bình thường khác, không phải bộ đội, chẳng phải cơ quan chức năng, tình nguyện theo đoàn cứu trợ mang đồ đến cứu những người khác.
Có những việc làm của họ, mà phải vài ngày sau chúng ta mới được biết, vì làm gì có mạng để mà tải lên, làm gì có máy tính để mà viết bài? Những gì mà chúng ta thấy trên các đoạn trực tiếp, đều là những nơi có mạng, vẫn còn ra vào được, vẫn còn cứu trợ được tương đối thuận tiện. Còn những nơi khác, đúng nghĩa "khỉ ho cò gáy", nơi ấy, dĩ nhiên là không livestream được.
Những người ấy, có những người sống trong vùng lũ, nhưng vì tiếng gọi của Tổ Quốc và nhân dân, họ lên đường. Những người ấy, đi đến những nơi nguy hiểm nhất, giúp đỡ mọi người từ lúc bão chưa cập bờ và chỉ ra đi khi cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Họ không viết lên mạng, không than vãn, không kêu ca, không đòi người khác phải chú ý, họ chỉ mong muốn giúp đỡ nhiều người nhất có thể.
Hồi đại dịch, nhân dân cả nước đồng loạt đứng dậy chống dịch, cùng nhau vượt qua gian khó, phía trên làm nhiệm vụ định hướng, lãnh đạo, bên dưới nghe theo, đoàn kết và bảo ban nhau. Những người hỗ trợ nhân dân mùa bão lũ này, cũng là những người đã trực tiếp ở những phòng tuyến chống dịch. Từ hồi ấy đến bây giờ, làm gì đã lâu đâu, mà nhiều người quên nhanh thế?
Nếu chính quyền của chúng ta mà bỏ mặc dân, thì có lẽ đã có hàng trăm ngàn người chết vì đại dịch rồi, chứ chẳng phải là còn ngồi ở đây bàn chuyện bão lũ và cãi nhau nữa. Thật tiếc là thế giới này không có phép màu, nhưng thật may vì chúng ta còn có họ.
Giá như, trong những dòng viết của Thủy Tiên có dòng chữ: "Những bình luận ác ý, sai sự thực chửi bới Đảng và chính quyền, người dân vùng lũ và kích động thù hằn dân tộc sẽ bị xóa" thì tốt biết mấy. Và tôi mong những con người đang ngày đêm cố gắng, bất chấp hiểm nguy ngoài kia, cùng đồng bào khắc phục hậu quả bão lũ thiên tai, không đọc được những dòng bình luận đau lòng ấy.
Các anh bộ đội đã vượt qua khó khăn hiểm trở để đến với dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.