2020 là năm vô cùng khắc nghiệt đối với đất nước, với mỗi gia đình, cá nhân, gây ra những tổn thất nặng nề về người và của, dồn cộng những khó khăn chồng chất tưởng chừng rất khó vượt qua.
Một năm dồn dập sự kiện. Ngay từ đầu năm những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên đã xuất hiện trong nước. Một đất nước nghèo tiềm lực, cả phương diện kinh tế lẫn thiết bị y tế đều hạn chế, nhưng ý chí con người Việt được tôi luyện thử thách từ gian khó vượt lên đã tạo ra sức mạnh thống nhất. Đó là những quyết sách của chính thể từ trung ương đến địa phương, là sự quyết tâm của người dân bằng mọi nỗ lực tối đa để chống dịch.
Tôi nhớ lần giãn cách xã hội đầu tiên cuối tháng 3/2020. Hà Nội những ngày ấy triệt để tuân thủ chỉ đạo của chính phủ. Các quán ăn, nhà hàng, tụ điểm công cộng đóng cửa. Đường phố vắng vẻ, hạn chế người đi lại. Không khí những ngày này luôn ở những thái cực khác nhau. Có thời điểm người dân đổ xô đến siêu thị, cửa hàng, mua bất cứ thứ gì từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng để tích trữ tạo ra không ít hoang mang. Tâm lý hoảng hốt ấy như một phản ứng phòng vệ thoảng qua, người Hà Nội nhanh chóng ổn định nếp sống dịch giã.
Phố cổ Hà Nội có lẽ chịu tổn thất nặng nề nhất khi biên giới phong tỏa, không còn khách du lịch nước ngoài, những hộ buôn bán dịch vụ hầu như chỉ còn hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa. Nhiều hộ nghèo không có tích trữ, đời sống khó khăn.
Khó khăn từ dịch Covid-19 gây ra là không thể tính đếm. Nền kinh tế đất nước chựng lại, tăng trưởng chỉ đạt 2,9%. Nhiều doanh nghiệp, hộ tiểu thương thu nhập giảm sút, thậm chí phá sản. Mỗi gia đình người Việt nào cũng đều phải chịu rủi ro. Cá nhân cũng vậy. Tôi là thành viên một đoàn phim truyện làm ở Nghệ An. Vì Covid-19 mà phim gặp phải những thách thức trước mắt không thể vượt qua, như những bối cảnh quay ở nước ngoài tạm thời chưa thể thực hiện vì bế quan tỏa cảng. Nhiều lắm, không thể tính đếm hết.
Lúc này mới thấy phẩm chất đồng bào tương thân tương ái thể hiện rõ nhất. Không chỉ xuất hiện những điểm phát lương thực, thực phẩm cho những người nghèo, cơ nhỡ mà còn là những cử chỉ rất tình người ở nhiều lĩnh vực. Những chủ nhà trọ giảm tối đa tiền trọ đã ký trong hợp đồng. Những hộ cho thuê nhà miễn giảm tiền cho người thuê, cùng gánh vác thiệt hại để cùng tồn tại. Người dân cùng nhau làm nhiều điều thiện nguyện tương trợ lẫn nhau. Không ít cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hô hào quyên góp lo từ cái khẩu trang đến thiết bị y tế để chống dịch...
Tôi nghĩ đây có lẽ là điểm mạnh nhất trong phẩm chất người Việt. Đó là sự đoàn kết và tinh thần bao bọc lá lành ít đùm lá rách nhiều mỗi khi có biến cố từ giặc giã đến dịch bệnh, thiên tai.
Phải ghi nhận sự hiệu quả và nhanh nhạy sắc bén trong những quyết sách chống dịch của chính phủ và các cấp chính quyền. Đó là những chỉ đạo kịp thời từ việc giãn cách xã hội đến phong tỏa biên giới, là sự chấp nhận thua thiệt kinh tế để bằng mọi giá đẩy lùi dịch bệnh. Đó đây vẫn còn địa phương này khác cục bộ đóng cửa cứng nhắc khu vực, gây khó cho hoạt động cộng đồng, nhưng cả nước đồng lòng nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và mức độ lây lan nhiễm bệnh. Gói cứu trợ của chính phủ với các hộ dân và doanh nghiệp kịp thời đã tác động nhiều đến sự ổn định của sản xuất cũng như kinh tế, đời sống xã hội.
Về cứu trợ, tôi vốn là một cựu chiến binh nằm trong đối tượng hưởng chính sách. Khi đoàn công tác xã hội của phường đến tận nhà riêng cấp phát tiêu chuẩn trong hoàn cảnh cá nhân ổn định, tôi không giấu được cảm xúc về sự quan tâm này. Nhưng cũng thật buồn lòng khi có những địa phương làm không tốt, cấp phát không đúng đối tượng, thậm chí có cá nhân dám ăn chặn tiền cứu trợ. Khi khốn khó, những hành động này càng đáng lên án và phải trừng phạt.
Cho đến ngày đầu của năm mới 2021, dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Con số người nhiễm bệnh vẫn tăng thêm, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những gì đất nước làm được. Không chỉ thế, đời sống cũng như các mặt hoạt động xã hội chúng ta luôn giữ được sự ổn định ở mức khả dĩ nhất. Đấy chính là những điều thật đặc biệt của một năm đặc biệt.
Dịch bệnh vẫn tiếp diễn khó lường. Hiện nay có làn sóng người vượt biên trái phép vào nội địa. Trước đấy cũng cần lên án ý thức kém của một số người không triệt để chấp hành quy định cách ly, gây ra những ca nhiễm bệnh nguy hiểm. Mới nhất những ngày cuối năm liên tiếp phát hiện những trường hợp dương tính Covid-19, gây ra nguy cơ mới về lây lan nhiễm bệnh rất khó kiểm soát từ những người vượt biên nhập cảnh trái phép.
Thiết nghĩ với lượng người Việt lao động công tác ở nước ngoài đang bị kẹt ở nước sở tại, Chính phủ cần thiết phải có biện pháp nhanh nhạy để giải quyết. Thay vì thụ động ngăn chặn người vượt biên bằng các biện pháp an ninh, có lẽ phải lên một kế hoạch đồng bộ, đưa họ về bằng con đường hợp pháp có kiểm soát có cách ly, thì mới có thể chặn được dịch bệnh xâm nhập. Tôi nghĩ về kinh tế có thể là bài toán khó nhưng nếu so sánh với những gì chúng ta phải trả giá cho kiểm soát cộng đồng, cho điều trị và ngăn chặn an ninh, biện pháp đưa người Việt từ nước ngoài về bằng con đường hợp pháp là điều chấp nhận được và phải làm không sớm thì muộn.
Một năm đã qua. Thông thường với một chu trình thời gian khép lại, chúng ta thường tổng kết đánh giá ở mọi lĩnh vực bằng những thành tựu, nhưng với 2020, thành tựu lớn nhất, đó là sức mạnh toàn dân cùng chính quyền đã đoàn kết trước thử thách. Bài học đoàn kết làm nên kỳ tích là bài học xuyên suốt lịch sử Việt Nam.
Cũng không thể không nhắc đến thiên tai lũ lụt miền Trung mùa mưa bão vừa rồi. Thiên tai thảm khốc năm nay gây thiệt hại quá nặng về người. Đau xót nhất là sự hy sinh của những chiến sĩ quân đội trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ. Nhưng cũng chính từ mất mát này chúng ta nhìn nhận rõ tấm chân tình đồng bào, cả nước dồn về miền Trung,vì miền Trung bão lụt.
Còn nhiều điều cần phải nói về 2020, năm lạ lùng và đầy xáo trộn trong lịch sử gần đây. Quy luật thời gian một năm kết thúc để ta ngoái nhìn lại năm cũ bằng những thách thức mới của một năm mới và những hy vọng mới.
Hy vọng 2021 sẽ là năm khống chế được dịch Covd-19, để thế giới bình yên, phát triển, để đất nước cất cánh.