Xử nghiêm băng nhóm tham nhũng để cứu muôn người

Vương Hà Thứ hai, ngày 14/12/2020 16:12 PM (GMT+7)
Dư luận chưa thể hình dung nổi, trước trùng điệp các "cửa ải" kiểm soát, vì sao có những đối tượng mắc nhiều trọng tội nhưng vẫn có thể leo cao đến như vậy?
Bình luận 0

1. "Tôi đã nhiều lần nói rằng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người." Đó là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 vừa diễn ra cuối tuần qua.

Có lẽ vì vậy, dư luận không hề ngạc nhiên trước những con số được đưa ra: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý ( 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Trong đó, 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị xử lý hình sự.

Kết quả này cho chúng ta thấy điều gì?

"Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không còn là khẩu hiệu mà đã đi vào cuộc sống. 

Mặt khác, các lực lượng thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhưng dù rất muốn, chúng cũng không thể tìm một tì vết nào của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng như gia đình để bôi nhọ nhân phẩm, đạo đức của ông. Đó cũng là lý do không một thế lực thù địch nào, hoặc những  nhóm lợi ích liên kết với nhau truy tìm nổi, dù chỉ một "vết ố" để "hù dọa" ông. 

Do đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng có đủ uy tín, có tâm, có tầm để tập hợp được đội ngũ mạnh chống tham nhũng một cách quyết liệt nhất. Từ các vị tướng biến chất, các vị bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố, Bộ trưởng cho đến những vị Ủy viên Bộ Chính trị nếu vi phạm pháp luật cũng không thể thoát tội. Có thể nói, chưa bao giờ kết quả đấu tranh chống tham nhũng có kết quả cao như hiện nay.

 Nhờ những kết quả đó, người dân hoàn toàn tin tưởng, đoàn kết chặt chẽ, ủng hộ  mạnh mẽ Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng hiện nay, tạo sức mạnh vô hình khiến những băng nhóm tham nhũng dù có xảo quyệt, gian manh đến đâu cũng phải run sợ.

2. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đánh giá, "việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, ... ; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu..."

Nếu hiện nay, đó là khâu yếu, thì trước kia đây là khâu rất yếu. Nhìn lại các đối tượng bị kỷ luật, bị xử lý hình sự, chúng ta thấy rõ hơn khâu "tự kiểm tra, tự phát hiện" yếu đến mức nào.

 Các vụ án vừa qua, hầu hết không phải do các tổ chức, đoàn thể trong cơ quan phát hiện ra các sai phạm, tham nhũng. Thậm chí, những cá nhân dũng cảm tố cáo còn bị trù úm, thậm chí còn bị ra tòa. Vì vậy, một số vị mắc trọng tội nhưng bị phát hiện quá chậm, nên đủ thời gian leo rất cao, thậm chí còn gây dựng được uy tín trong dư luận.

Xử nghiêm băng nhóm tham nhũng để cứu muôn người - Ảnh 2.

Bị cáo Đinh La Thăng được đưa tới phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm tại tuyến cao tốc Trung Lương - TPHCM sáng 14/12. Ảnh: TTXVN.

Trường hợp ông Đinh La Thăng là ví dụ điển hình. Từ ngày bị khởi tố đến nay, ông ta phải ra tòa liên miên, từ trách nhiệm của người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho đến vai trò của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Nếu không điểm lại, chắc chắn dư luận không thể biết được ông Thăng đã phải hầu tòa bao nhiêu vụ án, tổng cộng đã phải chịu bao nhiêu năm tù, dù rằng, theo luật định, với người tù có thời hạn, tối đa cũng chỉ chịu tối đa 30 năm tù. Theo kế hoạch, ngày 14.12, ông Thăng hầu tòa ở TP HCM và sau đó, ông Thăng lại tiếp tục đứng trước vành móng ngựa ở Hà Nội. 

Từ đó, dư luận không thể không đặt ra câu hỏi, ông Thăng cũng như một số vị lãnh đạo cấp cao khác, dù mắc sai phạm rất nghiêm trọng, có nhiều "cửa ải" kiểm soát chặt chẽ đến thế, sao họ vẫn có thể thăng tiến đến vị trí quyền lực cao như vậy? 

Mặt khác, một số vị có trọng trách, đứng đầu tỉnh, bộ ngành có quyền hành gần như những ông vua, muốn gì được nấy, từ "chỉ định thầu" cho đến "nâng đỡ không trong sáng" con cháu và đệ tử. Phải chăng, các cấp ủy, công đoàn, đoàn thanh niên, thanh tra nhân dân... trong bộ, ngành chỉ còn là "lá bài" hợp thức hóa các quyết định của người đứng đầu biến chất?

Những câu hỏi này cho thấy rõ hơn, không chỉ kiềm tỏa, triệt tiêu lẫn nhau, khi cần, các nhóm lợi ích sẵn sàng "bắt tay" nhau để xâu xé ngân khố, để con cháu, đệ tử của anh, của tôi cùng thăng tiến bất chấp pháp luật.

Thấy rõ điều đó, Tổng bí thư, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".

Dư luận hy vọng, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng sẽ khiến các cánh cửa lũng đoạn chính sách, thao túng quyền lực dần được khép lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem