Làn sóng dịch thứ 3 cho thấy sự cảnh giác, lo âu của ngành y tế lâu nay không hề thừa, thậm chí, còn diễn biến đúng như dự cảm.
Thực ra, bất ngờ mà không bất ngờ. Bất ngờ khi sau nhiều tháng không còn phát hiện ca mắc cộng đồng nhiều nữa như ở Đà Nẵng, thì lần này, ngày đầu tiên đã ghi nhận tới gần 100 người, mà chắc chắn con số chưa dừng lại, thậm chí, Bộ Y tế yêu cầu phải lập ít nhất 3 bệnh viện dã chiến ở Hải Dương. Nếu không có một phụ nữ đi Nhật bị phát hiện dương tính, thì chắc tình hình còn diễn biến kinh khủng hơn nhiều.
Không bất ngờ khi vừa mới tuần trước, chủ trì cuộc họp về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đầy lo âu: "Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ những người nhập biên theo đường mòn lối mở là rất lớn khi diễn ra rất phức tạp. Có ngày người nhập cảnh trái phép lên tới gần nghìn người, còn bình thường vẫn có từ 100-200 người/ngày. Đó mới chỉ là số người bị phát hiện và bắt giữ".
Cao Bằng là điển hình về tình trạng nhập cảnh trái phép với gần 20 nghìn người từ Trung Quốc đã về, trong đó, riêng từ đầu tháng 1/2021 đến nay đã có khoảng 3.000 người. Ngày nào cũng có hàng trăm người nhập cảnh trái phép.
Dự báo được tình hình nên mới đây, lực lượng bộ đội biên phòng đã tăng cường cả về quân số lẫn số chốt cắm dọc biên giới, nhằm ngăn chặn những dòng người nhập cảnh trái phép, trốn cách ly y tế.
Trước nguy cơ cao của dịch, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã cho Nhóm truy vết vận hành trở lại. Theo đại diện Nhóm truy vết, trên mạng xã hội, nhiều group rất nhộn nhịp, đông người mong muốn về Việt Nam, hướng dẫn cách trốn về Việt Nam để không phải cách ly.
Bất chấp nỗ lực của Chính phủ và các ngành, làn sóng dịch thứ 3 một lần nữa lại ập đến. Lần này, việc phòng, chống dịch sẽ khó khăn hơn. Bởi ổ dịch được phát hiện có số người lây nhiễm cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, đặt ra những nguy cơ cao đến mức Thủ tướng phải bỏ dở phiên họp quan trọng của Đại hội Đảng để khẩn cấp chủ trì một hội nghị ứng phó, đồng thời với việc ra ngay một chỉ thị về công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều cùng ngày 28/1.
Để cũng chiều tối 28/1, ngay khi rời Đại hội Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã lập tức chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương với các biện pháp ứng phó mạnh mẽ, với quyết tâm "tập trung tổng lực cho Hải Dương để xử lý dứt điểm".
Khó khăn nữa, là các tỉnh có người mắc đều là gần đường biên với Trung Quốc, nơi dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên trên thế giới, lại cũng gần Thủ đô, mà vào dịp giáp Tết nên việc đi lại, giao lưu giữa các địa phương cũng nhiều, càng khiến cho việc lây lan cao.
Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 biến chủng có tốc độ lây lan tăng tới 70%, mà theo Bộ Y tế, với những ca đã diễn ra tại Hải Dương và Quảng Ninh, thì thấy tốc độ lây lan phải lớn hơn 70%, tạo thêm những nguy cơ lớn cho chúng ta khi Tết Tân Sửu đã ở bên thềm.
Nguy cơ lớn đến mức Thủ tướng phải chỉ đạo giãn cách toàn bộ thành phố Chí Linh (Hải Dương) và đóng cửa sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết có thể phải phong tỏa Quảng Ninh, Hải Dương, còn các địa phương khác đều có khả năng lây lan diện rộng.
Một khó khăn nữa là về mặt chuyên môn, theo ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho đến giờ chưa xác định được F0, mà các trường hợp mắc lần này đều là virus SARS-CoV-2 biến chủng nên lây lan rất nhanh. Trước kia chu kỳ ủ bệnh khoảng 4 ngày thì bây giờ chỉ 2-3 ngày.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt tình hình. Niềm hy vọng vào quyết tâm dập dịch chỉ trước Tết Nguyên đán có cơ sở để tin tưởng, khi Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó với dịch từ 2 lần trước, nhất là kinh nghiệm từ làn sóng dịch ở Đà Nẵng với việc tập trung nhân lực và vật lực để dập dịch chỉ trong chưa đầy một tháng.
Các bước chỉ đạo ứng phó dịch của Chính phủ và Bộ Y tế đều chính xác, dựa trên cơ sở khoa học và tình hình thực tế. Sau một năm có dịch, hiện nay, các vật tư y tế đã không còn phải lo thiếu vì ở vào thế bị động như giai đoạn trước. Đặc biệt, chúng ta lại có đội ngũ các chuyên gia chống dịch tài năng, tâm huyết; các bác sĩ có trình độ và kinh nghiệm, tận tâm với công việc, là những lợi thế quan trọng.
Một yếu tố không thể thiếu là lòng dân, khi nhân dân đều đồng lòng ủng hộ Chính phủ chống dịch. Trong vụ dịch lịch sử này, Việt Nam có yếu tố rất quan trọng là lòng dân - điều kiện tiên quyết để mọi chỉ đạo của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Một khảo sát của Poll Dalia Research (Đức) cho thấy người dân Việt Nam tin tưởng vào phản ứng của Chính phủ đối với đại dịch ở mức cao nhất trong số tất cả các nước được thăm dò.
Sự minh bạch thông tin đã góp phần tạo dựng lòng tin trong nhân dân và thực tế cho thấy chưa bao giờ công tác truyền thông được ngành Y tế làm tốt như với dịch Covid-19. Từng diễn biến về dịch bệnh đều được Bộ Y tế chủ động công bố kịp thời, minh bạch cho báo chí, để người dân hiểu đúng và đồng lòng ủng hộ.
Lần chống dịch này nhiều khó khăn hơn, nhưng cũng nhiều thuận lợi hơn trước. Bởi thế, chúng ta có niềm tin rằng, với sự chỉ đạo minh bạch, sự đồng thuận từ Chính phủ đến người dân, chúng ta sẽ nhanh chóng khống chế được dịch bệnh, để cả nước đón một cách tết an toàn, vui vẻ. Nhưng, để góp phần vào niềm tin đó, mỗi người dân cần thực hiện tốt khẩu hiệu "5K" của Bộ Y tế, để bảo vệ mình và người thân, là: "Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế".