Có nên thu hồi, loại bỏ xe máy cũ?

Nguyễn An Thanh Thứ tư, ngày 06/01/2021 09:02 AM (GMT+7)
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề nghị Hà Nội và TP HCM thực hiện thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu. Vấn đề đang được nhiều người dân quan tâm là lấy tiêu chí nào để thu hồi xe cũ?
Bình luận 0

Đầu năm 2020, Việt Nam đã chạm ngưỡng 60 triệu xe máy, một con số gây ngạc nhiên với nhiều người. Hiện tại, Việt Nam đang xếp thứ 4 trong danh sách các quốc gia tiêu thụ xe máy nhiều nhất thế giới, đứng sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. Trước khi Covid-19 bùng phát, năm 2019 nước ta tiếp tục vượt mức trên 3 triệu xe, tính bình quân mỗi ngày người Việt mua sắm thêm gần 9.000 xe máy mới.

Hàng chục năm qua, xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu của người Việt, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện. Sự bùng nổ xe máy đã mang đến quá nhiều hệ lụy. Ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, tỷ lệ tai nạn giao thông gia tăng cao và ô nhiễm môi trường là những vấn đề mà xe máy mang đến. 

Vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng xe máy vẫn được coi là tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường không khí. Đồng thời còn là mối nguy tiềm tàng với người tham gia giao thông, nguy cơ ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Nhưng theo các chuyên gia giao thông, phải đến khi các phương tiện giao thông công cộng cáng đáng 70% nhu cầu đi lại của người dân thì mới tính đến việc hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy.

Theo thông lệ quốc tế, Luật giao thông đường bộ sửa đổi 2020 (đang trình Quốc hội xem xét) cũng không có quy định nào đề cập về niên hạn xe máy. Phần lớn các quốc gia vẫn chưa đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn nào để xác định niên hạn sử dụng an toàn đối với loại phương tiện này. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng ngày tại Hà Nội vẫn có tới 5,7 triệu chiếc xe máy tham gia giao thông, trong đó có 2,5 triệu xe máy có tuổi đời "trung niên" trên 20 năm (đăng ký trước năm 2000) và khoảng 60.000 xe có tuổi đời từ 30 năm- 50 năm.

Có nên thu hồi, loại bỏ xe máy cũ? - Ảnh 2.

Thu hồi xe máy cũ sẽ hạn chế khí thải ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa.

Hãy khoan nói đến lộ trình hạn chế xe máy, câu hỏi được đặt ra là có nên thu hồi xe máy cũ hay không? Có nên đổi xe máy cũ? Cách đây 3 năm, Hà Nội đã từng bỏ đề xuất thu hồi xe máy cũ, "Sau khi các bộ, ngành cho ý kiến cũng như phản biện của Mặt trận Tổ quốc, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của người dân, cơ quan soạn thảo thấy rằng nội dung này còn phải xem xét, tính toán kỹ hơn nên nghị quyết dự kiến trình HĐND TP không có nội dung thu hồi phương tiện cũ" ông Nguyễn Nguyên Quân, trưởng Ban Đô thị HĐND TP cho biết như trên tại cuộc họp báo trước kỳ họp HĐND TP Hà Nội lần thứ 4, khóa XV, ngày 30/6/2017. 

Mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. Trong số các biện pháp, Bộ này đề nghị Hà Nội và TP HCM thực hiện thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề đang được nhiều người dân quan tâm là lấy tiêu chí nào để "loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu"?

 Như thế các chuyên gia vận tải và các nhà môi trường có điểm chung khi cho rằng cần kiểm tra khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường chứ không phải quy định niên hạn sử dụng xe. Ông Đặng Văn Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn RCIC cho biết: "Ai cũng biết xe cũ thì xả ra môi trường chất thải nhiều hơn xe mới. Nhưng cấm lưu hành xe cũ là điều ít quốc gia làm. Thông thường các nước đưa ra quy định, người đi xe máy đều bị kiểm tra khí thải trên đường, không đạt quy định thì bị phạt, thậm chí thu giữ, loại bỏ. Nhưng những người có chơi xe cũ hoặc chơi xe cổ (đã sử dụng vài chục năm) nhưng bảo đảm đạt tiêu chuẩn khí thải vẫn được phép lưu thông, đó mới công bằng".

Rõ ràng, nếu như Chính phủ quy định chi tiết quyết định 909 của Thủ tướng phê duyệt đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy và có lộ trình thì sẽ được người dân ủng hộ. Khi đó thông qua biện pháp kiểm tra khí thải, người dân nghèo có thể đưa xe cũ về vùng nông thôn, vùng xa để sử dụng tiếp thay vì loại bỏ xe máy, được coi là một tài sản có giá trị. Nói cách khác, nhà nước thay vì chọn công việc được cho là phức tạp hơn là quy định chỉ tiêu môi trường, tăng cường kiểm tra người điều khiển xe máy thay vì một lệnh quy định cứng nhắc về niên hạn sử dụng sẽ được coi là hợp lòng dân hơn. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Chưa kể về lý thuyết, tuổi đời động cơ xe máy lên đến 400.000-500.000 km, sử dụng khoảng 20 năm, nếu thay thế động cơ mới thì vẫn cơ bản đảm bảo yêu cầu môi trường. Đối với những người sử dụng thường xuyên bảo dưỡng kỹ thuật thì có khá nhiều xe máy niên hạn sử dụng đã 25-30 năm vẫn bình thường. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia người ta quy định số km xe lăn bánh chứ không áp dụng niên hạn sử dụng. Các quốc gia châu Âu thì tăng thêm phí bảo hiểm môi trường với các loại xe máy cũ chứ không cấm hẳn bởi chính các quốc gia này cũng thấy như thế là lãng phí không cần thiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem