Tháng 7/2020, UBND tỉnh Long An công nhận làng nghề trồng mai xã Tân Tây. Vẻ đẹp đặc trưng của cây mai vàng Tân Tây là được nghệ nhân tạo giàn đế và bộ rễ từ lúc mới trồng nên đến khi cây trưởng thành đẹp hơn các nơi khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm nay, ông Phạm Văn Mười, nhà vườn trồng mai ở ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) rất vui vì 500 gốc mai vàng trị giá hơn 1,3 tỉ đồng đã được thương lái ký hợp đồng thu mua.
So với năm trước, sau khi trừ chi phí đầu tư, ông thu về lợi nhuận cao gấp đôi. Hiện tại, vườn mai vàng của ông Mười còn khoảng 1.500 gốc mai vàng đang thương lượng giá với thương lái.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Lê Xuân Hảo cho biết: Những năm gần đây, cây mai vàng phát triển mạnh mẽ ở địa phương.
Nếu như năm 2018, toàn xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) có hơn 180ha đất tràm, đất lúa được người dân chuyển sang trồng mai vàng thì đến cuối năm 2020 đã tăng lên 265ha với 300 hộ dân chuyên trồng mai kiểng.
Bình quân mỗi hécta trồng được khoảng 2.000 gốc mai vàng, sau 4 năm chăm sóc, trừ chi phí, người dân thu về lợi nhuận hơn 800 triệu đồng/ha/năm.
Từ ngày làng mai được công nhận làng nghề, thu thập của người trồng mai vàng tăng lên khá cao, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức thù lao từ 500.000-800.000 đồng/ngày/người.
Năm 2020, tổng thu nhập của người trồng mai vàng trong xã Tân Tây đạt hơn 70 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về cao gấp 20 lần so với trồng lúa.
Định hướng của địa phương đến năm 2025 là phát triển làng mai gắn với du lịch sinh thái cộng đồng để quảng bá thương hiệu làng mai Tân Tây, tạo thêm việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.
Hy vọng những năm sắp tới, diện tích trồng mai vàng ngày càng được mở rộng, thương hiệu mai vàng của Tân Tây sẽ ngày càng được vươn xa hơn. Để cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, mai vàng Tân Tây, huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) lại được dịp vươn mình và khoe sắc khắp trời phương Nam./