Long An: Nuôi loài thú tai dài cho ăn thứ lá lạ mà ông nông dân này khá giả hẳn lên

Thứ tư, ngày 10/02/2021 19:06 PM (GMT+7)
Dám nghĩ, dám làm, ông Đỗ Minh Đức, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống gia đình.
Bình luận 0

Chọn con thỏ là vật nuôi để phát triển kinh tế cách đây hơn 2 năm, ông Đức (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chia sẻ, việc nuôi thỏ đến với ông như một cái duyên và cũng là một sự may mắn vì trong suốt thời gian chăn nuôi, con thỏ chưa bao giờ gặp vấn đề lớn về dịch bệnh hay giá cả đầu ra.

Long An: Nuôi loài thú tai dài cho ăn thứ lá lạ mà ông nông dân này khá giả hẳn lên - Ảnh 1.

Mô hình nuôi thỏ an toàn sinh học của ông Đỗ Minh Đức, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đỗ Minh Đức Đức chia sẻ: “Không giống như heo, gà hay vịt, dịch bệnh trên thỏ rất ít khi xảy ra, nếu có thì cũng ở mức độ rất thấp, không lây lan và không gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Mặt khác, thỏ là loài vật có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, thịt thơm, ngon, bổ dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng...".

Theo ông Đức, nuôi thỏ rất dễ, chỉ cần làm chuồng thoáng mát, sạch sẽ, khử trùng thường xuyên sẽ ít bệnh tật. Thông thường, thỏ hay bị bệnh ghẻ, nấm, rối loạn tiêu hóa nhưng chỉ cần tiêm phòng vắc-xin đầy đủ thì nguy cơ rủi ro rất thấp”.

Để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ, ông Đức đã tận dụng phần đất trống trước nhà để trồng cây chè đại, một loại cây mà ông đã mang từ miền Bắc về trồng. 

Theo ông Đức, cây chè đại là loại cây có hàm lượng dinh dưỡng và lượng kháng sinh tự nhiên cao, rất tốt cho thỏ. Bên cạnh đó, ông Đức còn lắp đặt hệ thống uống nước tự động gắn vào mỗi lồng, thỏ khát có thể đưa miệng vào uống nên tiết kiệm được nhiều thời gian và công chăm sóc.

Ngoài ra, ông Đức còn xử lý phân và nước tiểu thỏ bằng men sinh học nên dù nuôi thỏ với số lượng nhiều nhưng khu vực nuôi thỏ của gia đình ông vẫn sạch sẽ. 

Cũng nhờ đó, đàn thỏ không chỉ ít bệnh mà còn phát triển rất tốt. Trung bình 3 tháng, ông Đức sẽ xử lý phân thỏ một lần và dùng chúng để bón cho cây chè đại.

Được biết, thỏ là loài sinh sản nhanh, đều, mỗi thỏ mẹ 1 năm có thể sinh sản từ 7-8 lứa, mỗi lứa từ 6-9 con. 

Thỏ thịt thương phẩm có thời gian sinh trưởng khá ngắn, chỉ từ 3-3,5 tháng tuổi; trọng lượng trung bình khi xuất bán đạt từ 2,3-2,5kg/con. Với giá 60.000-70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Đức có lãi khoảng 30.000 đồng/con.

Nhờ cần cù lao động và áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, hiện nay, đàn thỏ của gia đình ông Đức có trên 400 con, trong đó có 100 con thỏ nái, 30 con thỏ hậu bị, 200 con thỏ thịt và trên 70 con thỏ con. 

Hiện tại, giá bán các loại thỏ khá ổn định. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ Nuôi thỏ an toàn sinh học của thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), ông Đức luôn tận tình chia sẻ kinh nghiệm với mọi người từ cách làm chuồng trại, chọn giống đến kỹ thuật phòng, trị bênh.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An)- Nguyễn Văn Chót, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và sự bấp bênh về đầu ra của một số nông sản thì mô hình nuôi thỏ theo hướng an toàn sinh học của ông Đức thật sự góp phần mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi.

"Thời gian tới, huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) sẽ khuyến khích người dân nhân rộng mô hình chăn nuôi thỏ này để từng bước đa dạng hóa vật nuôi, bình ổn giá cả thị trường và giải quyết phần nào khó khăn về đầu ra cho ngành chăn nuôi...", ông Nguyễn Văn Chót chop hay.

Bùi Tùng (Báo Long An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem