Đi dọc các xã khu vực phía Nam Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) những ngày đầu năm mới Tân Sửu, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động sôi nổi của người dân vùng này.
Những chiếc xe benz loại 10 tấn của Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa liên tục vào tận nương rẫy để thu mua, chở sắn củ của người dân về nơi sản xuất.
Các hộ dân hoán đổi công cho nhau để nhà nào cũng thu hoạch sắn nhanh chóng, gọn gàng. Gia đình anh Hồ Văn Ngoai ở thôn A Xóc, xã Lìa trồng hơn 1 ha sắn.
Nếu như mọi năm, trên diện tích trồng sắn này, gia đình anh thu hoạch được khoảng 30 tấn sắn củ tươi thì vụ này chỉ được hơn 10 tấn. Nguyên nhân là do các trận mưa bão trong năm 2020 đã làm phần lớn cây sắn bị gãy đổ, thối củ.
Tuy nhiên, khi hay tin giá củ sắn tăng cao hơn mọi năm gia đình anh và những người trồng sắn trong xã rất phấn khởi.
Anh Ngoai chia sẻ: “Đầu mùa thu hoạch, giá sắn tương đối ổn định nên người dân chúng tôi phần nào đỡ lo lắng. Giờ giá sắn tăng lên ai cũng mừng vì bù được phần sản phẩm bị thiệt hại. Để phát triển kinh tế, năm nay gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng sắn.
Bên cạnh đó, tăng cường cải tạo đất để nâng cao chất lượng, sản lượng sắn. Do thời tiết năm vừa qua thất thường, mưa bão liên tục nên giống sắn sử dụng lại sau thu hoạch để trồng rất khan hiếm. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ giống sắn để người dân tái sản xuất hiệu quả hơn”.
Hiện nay, toàn huyện Hướng Hóa có trên 4.700 ha trồng sắn, tập trung chủ yếu ở các xã phía Nam. Nhiều năm qua, cây sắn đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, trong năm 2020 nhiều trận mưa lũ kéo dài đã làm khoảng 50% diện tích sắn bị hư hại nên năng suất giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, do mưa nhiều nên hàm lượng tinh bột sắn rất ít. Thiên tai để lại hậu quả nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây sắn, UBND huyện Hướng Hóa đã kịp thời chỉ đạo các địa phương khẩn trương giúp dân khắc phục, khôi phục sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021.
Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huy động mọi nguồn lực để phục hóa diện tích đất bị bồi lấp nhằm đảm bảo diện tích canh tác theo kế hoạch.
Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, thâm canh, chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, khai thác tiềm năng, lợi thế, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp…
Các doanh nghiệp cũng đã tích cực vào cuộc, thu mua nông sản với giá tương đối ổn định, qua đó khích lệ, động viên nông dân duy trì, đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Đóng chân trên địa bàn lâu năm, Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa thường xuyên quan tâm, hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch sắn và bao tiêu sản phẩm.
Đặc biệt, niên vụ 2020 - 2021, trước tình hình thiên tai làm hư hại nhiều diện tích sắn, hàm lượng tinh bột giảm nhưng đơn vị vẫn cam kết thu mua sản phẩm với giá cao, giúp người trồng sắn yên tâm thu hoạch, tái sản xuất.
Năm nay, ngay từ đầu vụ, nhà máy đã thu mua sắn củ tươi với giá khá cao từ 1.800 - 2.000 đồng/kg, hiện tại giá trên 3.000 đồng/kg (tùy theo hàm lượng tinh bột).
Anh Lê Minh Tám ở xã Thanh đưa sắn đến nhập cho Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa cho biết: “Gia đình tôi trồng gần 1 ha sắn. Mặc dù năm nay sản lượng sắn giảm hơn năm ngoái rất nhiều nhưng bù lại nhà máy thu mua với giá cao nên chúng tôi rất mừng. Nhờ thế, Tết vừa rồi những hộ nào trồng sắn không phải lo thiếu thốn, ai cũng có tiền mua sắm, ăn Tết vui vẻ”.
Không chỉ thu mua sắn cho nông dân huyện Hướng Hóa, Nhà máy Tinh bột sắn còn bao tiêu sản phẩm cho nông dân ở huyện Đakrông với giá cao. Do đó, người dân vùng khó ở các địa phương này rất yên tâm về đầu ra của cây sắn.
Giám đốc Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa Lê Văn Thể cho biết: “Niên vụ 2020 - 2021 do mưa lũ kéo dài nên nhiều diện tích sắn bị thối củ. Số diện tích còn lại hàm lượng tinh bột cũng không cao. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn thu mua sắn củ tươi với giá cao hơn mọi năm nên người dân rất phấn khởi. Trong thời gian tới, nhà máy tiếp tục thu mua sắn, đảm bảo giúp người dân hoàn thành tốt việc thu hoạch, chuẩn bị các điều kiện bước vào niên vụ mới”.