Từng là một kỹ sư cơ khí làm việc trong lĩnh vực dầu mỏ gần hai thập kỷ, ông Abu al-Seoud bất ngờ quyết định nghỉ việc vào năm 2018 để rẽ sang một con đường khác - sản xuất nọc độc bọ cạp cho mục đích nghiên cứu dược phẩm.
"Tôi đang lướt mạng và thấy nọc độc của bọ cạp là một trong những loại đắt nhất trên thị trường. Vì vậy, tôi tự nghĩ: 'Tại sao không tận dụng môi trường sa mạc - nơi bọ cạp bò lang thang khắp nơi để kiếm tiền", ông Abu al-Seoud chia sẻ về việc bỏ việc đi bắt bọ cạp ở sa mạc để lấy nọc độc.
Không chỉ tự tay săn bọ cạp, ông Abu al-Seoud cũng thuê người dân địa phương ở các làng gần đó bắt loài vật này. Ông trang bị cho họ găng tay, nhíp, ủng, đèn UV - và thuốc kháng nọc độc.
Những thợ săn bọ cạp kiếm được từ 1-1,5 bảng Ai Cập (khoảng hơn 2.000 đồng) cho mỗi con bọ cạp họ bắt được.
Dược sĩ Abdel-Hameed cho biết bọ cạp được săn bắt trong các khu dân cư để không làm tổn hại đến "sự cân bằng sinh thái".
Các nhà nghiên cứu y sinh học đang nghiên cứu các đặc tính dược phẩm của nọc độc bọ cạp, khiến nó trở thành mặt hàng được săn lùng ráo riết hiện nay tại một số nước Trung Đông. Nọc độc bọ cạp được biết đến là một chất độc thần kinh hiếm và mạnh nhưng hàng chục phân tử hoạt tính sinh học có nguồn gốc từ nọc độc bọ cạp đã được chứng minh là có các đặc tính dược lý học đầy hứa hẹn.
Nhiều phòng thí nghiệm hiện đang nghiên cứu các tác dụng chống vi khuẩn, ức chế miễn dịch và chống ung thư tiềm năng của nọc độc bọ cạp bên cạnh những tác dụng khác, với hy vọng một ngày nào đó sẽ sử dụng hoặc tổng hợp chúng để làm thuốc.
Phòng thí nghiệm của ông Abu al-Seoud tọa lạc tại ốc đảo Dakhla, nằm ở tỉnh Valley mới rộng lớn của Ai Cập và cách thủ đô Cairo khoảng 800 km về phía tây nam.
Những cồn cát và những cây cọ cao chót vót bao quanh phòng thí nghiệm của ông - nơi ông gọi là "Vương quốc bọ cạp".
Để bọ cạp tiết ra nọc độc trong điều kiện kiểm soát của phòng thí nghiệm, người ta sẽ thực hiện một cú sốc điện nhẹ lên chúng.
Các công nhân phải đợi 20-30 ngày sau mỗi lần lấy nọc độc để có được nọc độc chất lượng cao nhất.
"Điều quan trọng là mức độ tinh khiết", ông Abu al-Seoud nói.
Sau đó, nọc độc bọ cạp được làm lạnh và vận chuyển đến Cairo, nơi nó được làm khô và đóng gói để bán dưới dạng bột.
Tỉnh New Valley có khoảng 5 loài bọ cạp khác nhau, bao gồm cả bọ cạp tử thần (Leiurus quinquestriatus) - loại được săn lùng nhiều nhất. Nọc độc của loài này được bán với giá lên tới 7.500 USD/gram (tương đương 173 triệu đồng), theo ông Abu al-Seoud.