Dân Việt

Động lực nào cho "đại bàng nội" làm nên kỳ tích?

Quốc Phong 05/03/2021 09:50 GMT+7
Gần đây, khi nói về thu hút đầu tư, các chuyên gia đề cập chuyện trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư lớn với câu nói" lót tổ cho đại bàng", nhưng đâu chỉ có "đại bàng ngoại", mà làm sao để đón được cả" đại bàng nội"!

Nhìn lại nhiều năm vừa qua, tôi thấy một vấn đề nổi cộm trong nước. Ngoài các doanh nghiệp lớn của nước ngoài mang về nguồn thu lớn cho nước nhà như Samsung, Honda, Toyota..., đây đó cũng có những doanh nghiệp FDI  đầu tư rất lớn, thậm chí thì thoảng vẫn rót vốn tiếp để mở mang cơ sở, nhưng họ lại luôn báo lỗ!

Mới đây Cục Thuế TP Hồ Chí Minh một mực khẳng định, Coca-Cola phải nộp đủ 821 tỷ tiền thuế trước đó (gốc đã nộp và lãi do chậm nộp). Còn Coca-Cola cho rằng mình vẫn lỗ(?!). Họ từng bị Cục thuế TP Hồ Chí Minh xếp vào vị trí số một trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá, liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Các năm từ 2012 trở về trước, công ty này liên tục kê khai số lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh. 

 PGS,TS, kinh tế gia Trần Đình Thiên nhận  xét:  "FDI vào Việt Nam thực sự đóng góp tốt, nhưng đáng lẽ còn đóng góp mạnh hơn, tốt hơn rất nhiều. Kết quả thực tế hiện nay rất không tương xứng. FDI chỉ như một bộ phận "gá lắp" độc lập, tác động lôi kéo doanh nghiệp Việt, cải tạo công nghệ rất thấp. Thậm chí, nó còn chứa đựng rủi ro làm nền kinh tế lệ thuộc vào đầu tư và thương mại nước ngoài.

Hiện nay, đã có những tập đoàn lớn, khó tính vào Việt Nam. Samsung, Intel, LG là những ví dụ. Nhưng những lực lượng đó chỉ giúp ta bám vào chuỗi thế giới, chứ chuỗi vẫn là của họ. Họ chỉ thuê đất của mình, lao động của mình và trả một ít tiền..."

Từ mấy câu chuyện này, có lẽ phải quay lại việc chủ động dọn tổ đón "đại bàng nội" một cách nghiêm túc để phát huy vai trò kinh tế tư nhân khi đây được xác định là động lực quan trọng của sự phát triển, đúng như Đảng ta gần đây khẳng định .

Nhìn vào bức tranh kinh tế Việt Nam khoảng gần chục năm qua, rõ ràng vai trò to lớn của kinh tế tư nhân đã gánh vác cùng đất nước rất nhiều. Hình ảnh đổi thay từng tháng, từng năm của các địa phương như Quảng Ninh, như Phú Quốc ( Kiên Giang), như Hải Phòng thời gian qua, đặc biệt là sau khi tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup xuất xưởng những chiếc xe hơi do Việt Nam sản xuất, Hải Phòng và các tỉnh nói trên như được tiếp luồng sinh khí mới.

Thử hỏi có mấy địa phương giữ vững tăng trưởng GDP, không để bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch Covid-19 rất đáng nể như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam? Nhờ từ đâu mới có được thu hoạch đó nếu không có Sungroup, Vingroup, Thaco Trường Hải cùng một số ông lớn tư nhân khác tham gia?

Rõ ràng, chúng ta cần phải nhìn nhận lại vai trò của kinh tế tư nhân khi động lực để phát triển của họ được nhà nước quan tâm và hỗ trợ. Sự đóng góp vào ngân sách của Sungroup với các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc... ; như Vin group với mấy địa phương nói trên cộng với nhiều tỉnh thành khác,  như Thaco Trường Hải với Quảng Nam... đều rất lớn. Điều này cần được xã hội ghi nhận và xem đó như sự thành công của doanh nghiệp tư nhân nước ta.

Như vậy, đã đến lúc rất nên tiếp tục nghiên cứu các chính sách hiện hành cùng với những bất cập lâu nay vô tình cản bước các doanh nghiệp tư nhân nói riêng và doanh nghiệp trong nước nói chung trên bước đường xây dựng đất nước phồn vinh. Dường như nhiều khi, chúng ta đã từng ưu ái quá với các nhà đầu tư nước ngoài, xem nhẹ các doanh nghiệp trong nước. 

Năm 2017, Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Khoá XII đã nhận định về những điểm hạn chế của kinh tế tư nhân cần được Đảng, Nhà nước tháo gỡ. Nghị quyết TW 10 năm đó về vai trò của kinh tế tư nhân, ngoài những mặt tích cực, Đảng ta  nhận ra những mặt hạn chế: Nhiều quy định của pháp luật về kinh tế tư nhân chưa được thực hiện nghiêm; môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao và thiếu tính minh bạch; quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác; chi phí trung gian, không chính thức còn nhiều; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến; phân công, phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương còn bất hợp lý, thiếu chặt chẽ; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của kinh tế tư nhân còn thấp...

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu và là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách, nếu muốn tạo điều kiện để lực lượng kinh tế tư nhân có đất dụng võ tốt nhất, làm lợi cho đất nước cũng như chính doanh nghiệp của họ .

Chúng tôi có lẽ là lớp người vừa cũ vừa mới do được đào tạo dài hạn lúc giao thời trong Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc khoá 15 (1988-1990). Đây là giai đoạn đất nước ta đã xuất hiện những ông chủ mới, họ bỏ nhà nước ra mở doanh nghiệp tư nhân, nhưng diện đáng "để mắt" cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Các giáo sư dạy chúng tôi trong Trường Đảng ngày đó (khi học đến lúc gần ra trường thì Trường được đổi tên là Học viện Chính trị Cao cấp Nguyễn Ái Quốc) không hiểu sao vẫn cứ loay hoay trước tư duy mà có lẽ hôm nay tôi kể lại, cũng không mấy người tin là thật.

Thực chất đây có lẽ không hẳn do các thày tôi đặt ra mà phải từ trên cao, rất cao nữa "phán" xuống, muốn gợi mở hướng nhìn nhận: Đảng ta muốn đề nghị các nhà  nghiên cứu định nghĩa thế nào là một đảng viên mở doanh nghiệp tư nhân bị coi là bóc lột? Và một doanh nghiệp tư nhân là đảng viên cộng sản sẽ không bị coi là bóc lột khi mà nhân lực họ sẽ được phép thuê chỉ dưới 12 người hay là có thể nhiều hơn?

Chỉ có thế thôi, nhưng nếu tôi không lầm thì cả một thời gian rất dài trôi qua, trong những năm đó, khái niệm thế nào thì doanh nghiệp tư nhân nọ bị coi là bóc lột vẫn không đi đến đâu. Nó vẫn mơ hồ không thể thoát ra nổi, mà thực tiễn thì vô cùng phong phú và đổi thay theo ngày, theo tháng, trong khi lý thuyết thì thường nhuộm màu xám.

Cánh học viên chúng tôi ngày đó, hình như cũng nhờ có tư tưởng đổi mới của Đảng ta nên các thày "bật đèn xanh" cho trò tranh luận cùng thày mà không ngại bị thày ghi sổ đen báo cáo lên Ban Giám hiệu hoặc về cơ quan cử đi học. Đó cũng là điều mà các khoá trước chúng tôi ao ước cũng chưa thể có và cũng là nét mới của một nhà trường nhiều năm bị hay học viên coi là "thành trì của bảo thủ" .

Rồi tiếp đó, ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Chính trị Cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trong khoá chúng tôi cũng đã xuất hiện những cán bộ từng là cấp vụ được cử đi học đã rẽ ngang. Họ quyết định từ bỏ nhà nước, từ bỏ sự nghiệp chính trị được trải thảm từ trước và quyết định mở công ty tư nhân.  Cụ thể là mấy người bạn cùng khoá với tôi, họ thành lập Công ty 3C một thời đình đám, oanh liệt về lĩnh vực kinh doanh máy tính và tin học .

Tôi kể lại chuyện cũ này để thấy rằng, nhận thức luôn là cả một quá trình. Giá như chúng ta linh hoạt hơn, thoáng hơn, bớt giáo điều và cứng nhắc hơn ngay từ mấy chục năm trước, nhiều khi chỉ vì mấy khái niệm khó hiểu chưa giải đáp và chưa thống nhất được thế nào là "ông chủ bóc lột người lao động" trong một đất nước đi theo con đường  xã hội chủ nghĩa, thì chắc chắn  đất nước ta còn tiến nhanh hơn nữa từ lâu rồi.

Nay xin hãy nhớ lại (mà phải tận 1/4 thế kỉ sau đó mới trở thành hiện thực và được thừa nhận), khi bước vào nhiệm kỳ 2016-2020, Đảng ta mới coi tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường. Và từ đó kinh tế phục hồi một cách rất đáng ngạc nhiên.

Nói như PGS Trần Đình Thiên thì lời giải thích đơn giản bậc nhất về mặt đường lối, là chúng ta đã đi đúng cốt lõi của kinh tế thị trường. Hàm ý là, chúng ta hãy cứ vận động đúng quy luật thị trường, đừng cố trói buộc. Nếu làm được như vậy, nền kinh tế này có đủ khả năng vượt qua nhiều thử thách. Đây là điểm mấu chốt nhất, nếu tới đây chúng ta làm đúng tinh thần của Đảng, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, thì nền kinh tế còn tăng trưởng cao hơn nữa.

"Động lực của phát triển" - tư nhân nghe vậy là phấn khởi, vì họ bị trói buộc, phân biệt đối xử quá lâu. Nhưng cá nhân tôi thì thấy như thế vẫn chưa hoàn toàn thỏa đáng. Tư nhân xứng đáng được đối xử tốt hơn thế nhiều, tức là họ phải được đối xử công bằng.

Hơn nữa, khu vực kinh tế tư nhân lớn lên và phát triển khi có các tập đoàn tư nhân là trụ cột. Một trong những thất bại đau đớn là nhiều doanh nghiệp FDI thâm dụng lao động không giúp được gì cho Việt Nam mà còn để lại những hậu quả như lao động trẻ mất việc làm...

Đất nước chúng ta hôm nay đã đổi thay về cơ bản và có những bước phát triển thật ngoạn mục, cho dù bất cập vẫn chưa hết. Nếu trước đây chúng ta  loay hoay xác định thế nào thì doanh nghiệp tư nhân bị coi là bóc lột chỉ xung quanh con số mươi người làm cho ông chủ thì nay tư tưởng đó đã rất xa vời.

Chúng ta hiện có cả ngàn doanh nghiệp tư nhân trên cả nước có nguồn nhân lực tính con số ngàn người trở lên. Trong đó, con số chục ngàn lao động trong một doanh nghiệp tư nhân hẳn cũng không hề hiếm. Tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng như doanh nghiệp nhà nước (có thể đã cổ phần hoá nhưng nhà nước vẫn nắm quyền chi phối) cũng rất mạnh. Cớ gì chúng ta không coi đó như những chú "đại bàng nội "đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với "đại bàng ngoại" trong tương lai.

Tôi tin rằng "đại bàng nội" rồi cũng sẽ làm được những kỳ tích mà 1/3 thế kỷ trước, chắc không một ai trong chúng ta dám nghĩ đến sẽ có một ngày, nhờ kinh tế thị trường mà kinh tế tư nhân  được cởi trói và phát triển mạnh mẽ như hôm nay. 

Họ sẽ còn làm được nhiều thứ. Tôi tin là như thế!