Nước mắt sá sùng

Nguyễn Quý Thứ năm, ngày 25/02/2021 09:18 AM (GMT+7)
Những ngư dân đào sá sùng trên bãi triều Đông Xá (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) gặp tôi, sẵn sàng bỏ cả buổi làm để trút niềm phiền muộn. Họ nói trong uất nghẹn, như thể vừa tìm được nơi giải thoát nỗi niềm chất chứa bấy lâu nay vì dự án khu đô thị Phương Đông…
Bình luận 0

Dự án khu đô thị Phương Đông (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) được phê duyệt từ năm 2011, nhưng phải đến năm 2018 mới rầm rộ triển khai. 

Để thực hiện dự án, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đô thị Phương Đông đã thực hiện san lấp trên tổng diện tích 171,4ha, đồng nghĩa với việc xóa sổ vĩnh viễn phần diện tích đất bãi triều, trong đó có khoảng 35ha bãi đào sá sùng truyền thống của ngư dân Vân Đồn.

Nước mắt sá sùng - Ảnh 1.

Một góc khu đô thị Phương Đông vừa mọc lên từ bãi triều Đông Xá.

Sau nhiều kiến nghị, mạnh mẽ và yếu ớt, cuối cùng khoảng 400 người đào sá sùng ở bãi triều Đông Xá cũng đành đồng thuận, ủng hộ cho một dự án "góp phần mở rộng không gian đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển của Khu kinh tế Vân Đồn".

"Ở đây chủ yếu đàn ông đi biển, phụ nữ ở nhà thì đi đào sá sùng. Trước đây sá sùng nhiều vô kể, nhưng không được giá như bây giờ. Đào sá sùng là nghề truyền thống của nhiều hộ dân ở đây, giúp họ ổn định cuộc sống. Mùa hè, đào sá sùng khoảng 20 ngày/tháng, mùa đông từ 10-15 ngày/tháng, người đào ít cũng được 300.000 - 400.000 đồng/ngày, nhiều thì 700.000 đến hơn 1 triệu đồng" - chị Phạm Thị Luyến (thôn Đông Sơn, xã Đông Xá), người có hơn 20 năm gắn bó với nghề đào sá sùng, cho biết.

Nước mắt sá sùng - Ảnh 2.

Người làm nghề đào sá sùng ở Đông Xá đến từ nhiều xã thuộc huyện Vân Đồn.

Mọi thứ đã thay đổi rõ rệt, ngay sau khi nền móng khu đô thị Phương Đông hình thành. Những chương, bãi bị chôn vùi giờ đã thành tên các lô, thửa đất. 400 người đào sá sùng trên bãi triều Đông Xá, giờ đã giảm đi quá nửa. Chị Luyến, bà Hội, chị Hoa… cùng gần 200 người khác phải lặn lội ra các chương bãi xa hơn, âm thầm cam chịu như đó là số mệnh mà những thân phận nhỏ nhoi như họ phải chấp nhận.

Thế nhưng, nào đã được yên.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, phát hiện nhiều xe tải chở đất chạy qua khu đô thị Phương Đông, đổ ra ngoài bờ kè ranh giới được cấp làm khu đô thị, lấp đi một diện tích lớn mặt nước biển và bãi triều, nhiều người dân đào sá sùng đã khẩn báo với chính quyền, đồng thời dựng lán ngay sát bờ biển ngăn không cho xe chạy.

Nước mắt sá sùng - Ảnh 3.

Theo số liệu của UBND huyện Vân Đồn, 16.000m2 đất bãi triều đã bị chủ đầu tư khu đô thị Phương Đông lấn chiếm, vùi lấp.

Khi lực lượng chức năng của huyện Vân Đồn đến kiểm tra, lập biên bản, 16.000m2 đất bãi triều xã Đông Xá đã bị vùi lấp, lu lèn chặt chẽ. Quyết định xử phạt 100 triệu đồng đối với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đô thị Phương Đông về hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn do UBND xã Đông Xá quản lý ngay sau đó được thực hiện.

Nhưng những xung đột liệu đã được gỡ bỏ?

Nước mắt sá sùng - Ảnh 4.

Bà Hội (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) xót xa khi nhìn bãi triều, nơi bà mưu sinh với nghề đào sá sùng, bị vùi lấp.

Tại hiện trường khu vực đổ đất lấn chiếm của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đô thị Phương Đông, thời điểm PV Dân Việt cùng đại diện UBND huyện Vân Đồn xuống kiểm tra vào sáng 23/2, nhiều người dân vẫn vô cùng bức xúc. Những tiếng nói uất nghẹn cất lên bên cạnh tiếng máy xúc gầm gào.

Chị N.T.M (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn), nói: "Nguồn sống của biết bao con người trông chờ vào cái bãi này, thế mà họ lấy đi bao nhiêu đất thế kia vẫn chưa đủ, giờ còn cái khoảnh bãi hẹp này, họ lại định thôn tính hết".

Nước mắt sá sùng - Ảnh 5.

Bãi đào sá sùng bị vùi lấp ngay sau lưng chị H (người đào sá sùng ở xã Đông Xá, huyện Vân Đồn).

Mắt rớm lệ, chị M kể hoàn cảnh chồng bị bệnh ung thư mất sớm, 3 năm nay, chị một mình nuôi 3 con. Không kể ngày hè nắng như đổ lửa hay trời mưa giá rét, cứ nước thủy triều rút lộ bãi, chị lại vác thuổng đi đào mồi (tiếng người dân Vân Đồn gọi thay cho con sá sùng). 

Từ những năm 2015 trở về trước, chị cùng rất nhiều người dân Vân Đồn đến bãi triều thênh thang ở Đông Xá, không quá khó để kiếm tiền triệu mỗi ngày, dư sức chi tiêu cho cả nhả. Nhưng từ ngày khu đô thị Phương Đông mọc lên, lượng người giữ nghề đào sá sùng chỉ còn ngót 200, số tiền làm cật lực cũng chỉ được khoảng 500.000 đồng mỗi buổi.

Nước mắt sá sùng - Ảnh 6.

Những bước chân rụt rè của người ngư dân qua khu đô thị Phương Đông tráng lệ để xuống bãi mưu sinh.

"Giờ họ lại lấp thêm bãi thế này, không biết gia đình chúng tôi sẽ bấu víu vào đâu để sống" – chị M lấy tấm khăn đội đầu quẹt nhanh qua mặt, không biết chị lau đi mồ hôi hay nước mắt.

"Tôi không biết họ khắc phục thế nào để có thể trả lại bãi đào mồi của chúng tôi. Hôm họp ở xã, họ nói sẽ cho múc đất đi rồi trải cát xuống để trả lại môi trường sống cho con mồi. Nhưng bãi kia họ lèn chặt rồi, giờ múc đất lên rồi trải cát, đến hàng trăm năm nữa chưa chắc đã tái tạo được môi sinh cho con mồi" – chị H.T.H (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) bày tỏ.

Nước mắt sá sùng - Ảnh 7.

Sá sùng, loài hải sản đắt như vàng ròng của Quảng Ninh.

Nước mắt sá sùng - Ảnh 8.

Diện tích bãi triều bị thu hẹp, khiến số người làm nghề đào sá sùng ở Đông Xá chỉ còn ngót 200. Bóng họ trông xa như những thân cò trên bờ biển.

Tôi đã lang thang trên nhiều bãi triều có nghề đào sá sùng ở Quảng Ninh, từ Đông Xá đến Quan Lạn, từ Hải Hà ra Móng Cái, chưa bãi nào mà số lượng người đào vơi đi nhiều Đông Xá. Trong số hàng trăm nghề bám biển, hầu hết những người đã chọn nghề đào sá sùng thì xác định gắn bó cả đời, trừ khi không còn sức khỏe. Lý do đơn giản là vì, thứ sản vật đắt đỏ cả nhiều đời nay đã nuôi sống họ, thậm chí  giúp họ đổi đời.

Trong bối cảnh phát triển xanh, phát triển hợp sinh thái đang là xu hướng được Quảng Ninh lựa chọn, nhằm duy trì sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, thì việc một doanh nghiệp lớn đổ đất lấn chiếm bãi triều trái phép là hành vi khó chấp nhận. Quảng Ninh phát triển, Vân Đồn phát triển là tất yếu. Vấn đề là trong quá trình phát triển đó, quyền lợi, rồi kể cả tâm tư, tập quán, việc làm... của người dân phải được tôn trọng, phải được giải quyết hài hoà để đôi bên cùng thắng, đó mới là sự phát triển bền vững.

Tôi lái xe dọc bờ biển. Hình ảnh người đào sá sùng cứ liêu xiêu như bóng dáng thân cò trên bãi, dần dần mờ nhạt, chìm khuất giữa khu đô thị Phương Đông xa hoa, lộng lẫy.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem