Facebook ở Australia: Buộc mạng xã hội tuân thủ luật chơi
"Cuộc chiến" Australia – Facebook: "Trói" mạng xã hội tuân thủ luật chơi
Lê Ngọc Sơn
Thứ hai, ngày 22/02/2021 06:08 AM (GMT+7)
Việc chính phủ Australia quyết tâm yêu cầu các công ty công nghệ phải trả tiền cho tin tức báo chí được sử dụng trên mạng xã hội có thể sẽ là chỉ dấu cho một bước ngoặt trên thế giới và ở Việt Nam trong việc cân bằng lại các lợi ích giữa các nền tảng số và các hãng tin truyền thống.
Trong hơn một thập niên qua báo chí truyền thống đã phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng chưa từng có bởi sự lên ngôi của mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube,v.v… Với sự ưu trội của mình về mặt kỹ thuật, sự xuất hiện các "tay chơi" công nghệ trong việc cung cấp và chia sẻ tin tức đã làm cho ngành công nghiệp tin tức kiểu cũ thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế truyền thông.
Thị trường tin tức biến dạng: Xã hội mở hơn, nhưng cũng áp lực hơn vì tin giả và các thuyết âm mưu xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh việc đưa tin nhanh được coi như là một lợi thế, kèm theo đó, thông tin thiếu khả tín, tin khơi gợi hận thù,v.v… được coi như là một "gót chân Achilles" của những nhà mạng xã hội, đặt ra nhiều thách thức lớn trong quản trị xã hội đối với hầu hết các chính phủ trên thế giới.
Sự thiếu khả tín của các mạng xã hội đã được bù đắp khi gia tăng việc sử dụng, chia sẻ những thông tin của báo chí chính thống, nơi phải trả chi phí cho các nhà báo kiểm chứng, xác thực và đối soát các nguồn tin. Như vậy, nhìn ở một bình diện rộng hơn, sự lớn mạnh của các mạng xã hội có một phần đóng góp không nhỏ của báo chí truyền thống.
Tuy nhiên, trong hơn một thập niên qua, đối nghịch với sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu của các nhà mạng xã hội, các tờ báo bị mất thị trường và độc giả, thoái trào, thu hẹp quy mô, thậm chí rất nhiều tờ báo phá sản vì không còn có khách hàng sẵn sàng chi trả. Nghịch lý này là một sự bất công mang tính toàn cầu.
Không những thế, các công ty công nghệ áp đảo (big tech) đang lớn mạnh đến một mức độ gây ra sự e ngại rằng chính những "big tech" này sẽ chi phối xã hội, mặc cả với các chính phủ. Và trên thực tế, chuyện đó đã xảy ra, khi mà Facebook mới đây quyết định chặn tất cả tin tức của Australia để gây áp lực tới Quốc hội nước này bỏ phiếu chống đạo luật bắt buộc các nền tảng số phải trả tiền sử dụng và chia sẻ nội dung tin tức.
Trang mạng xã hội của nhiều cơ quan thiết yếu của Chính phủ Australia (như cứu hỏa, y tế) đột ngột gián đoạn, khiến một quan chức nước này phải thốt lên rằng Facebook đang "hủy kết bạn" với "đất nước kangaroo".
Facebook đã lạm dụng sự độc quyền công nghệ, độc quyền thị trường để ra những quyết định độc đoán, đi ngược lại chính những nguyên tắc tự do biểu đạt mà họ theo đuổi.
Trên trang The New Republic, tác giả Jacob Silverman gọi Facebook là "mafia toàn cầu". "Cuộc chiến của người khổng lồ công nghệ với Chính phủ Australia cho thấy, Mark Zuckerberg nghĩ rằng anh ta không chỉ vượt trên luật pháp, mà còn đủ mạnh để bẻ cong luật pháp theo ý mình" - bài báo viết.
Nhưng trước sự chỉ trích của các quan chức Australia, sự phản đối của người dùng, và sự ủng hộ của nhiều nước khác với Australia, Facebook đã phải ngồi vào bàn đàm phán. Canada, Anh, Pháp, Đức… đang rất quan tâm đến "cuộc chiến" của Australia với Facebook, bởi từ lâu họ cũng đã muốn có những chế tài để buộc Facebook phải trả tiền cho tin tức báo chí. Năm 2019, Pháp là nước EU đầu tiên thực thi các quy định mới của EU về bản quyền, trong đó yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền để hiển thị tin tức, nhưng cả hai đều từ chối. Google sau đó đã ký thỏa thuận với hàng loạt tờ báo Pháp trị giá 76 triệu USD để hiển thị tin tức của họ, song tranh chấp vẫn tiếp tục ở Pháp – theo trang Business Insider.
Rõ ràng, việc trả tiền để sử dụng nội dung báo chí là hoàn toàn khả thi, bằng chứng là Google vừa phải đồng ý trả tiền nội dung cho các tờ báo, tuân thủ luật mới của Australia, cũng như ở Pháp trước đó.
Đây là một bước tiến mới làm lành mạnh hóa mối quan hệ cộng sinh giữa các mạng xã hội và các tờ báo. Và thực tế này sẽ được áp dụng phổ biến trong tương lai rất gần, dù còn nhiều chông gai, bởi rằng không có cớ nào các mạng xã hội chia sẻ tin tức của báo chí truyền thống, được hưởng lợi "vô hình" từ những nội dung này mà lại không chi trả.
Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ của các mạng xã hội. Theo một báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, trong năm 2018 doanh thu của Facebook tại Việt Nam là khoảng 1 tỷ USD và của Google là 450 triệu USD. Các cơ quan của chính phủ Việt Nam đã và đang đặt vấn đề nghiêm túc về việc yêu cầu nghĩa vụ đóng thuế của các hãng công nghệ này, và có lẽ trong thời gian tới cũng cần đặt ra câu chuyện pháp lý về việc yêu cầu các nhà mạng xã hội phải trả tiền "bản quyền do sử dụng, chia sẻ thông tin báo chí" trên nền tảng của mình.
Các tờ báo và các nhà làm luật cần có những sự chuẩn bị pháp lý cho việc đề xuất một đạo luật buộc các công ty công nghệ có sử dụng tin tức báo chí phải có trách nhiệm tài chính. Lợi ích của việc kinh doanh của các công ty công nghệ này phải đi kèm nghĩa vụ phải thực hiện nên được xem là một nguyên tắc xuyên suốt.
Với các đại công ty công nghệ này, chính phủ cần có nỗ lực liên chính phủ, mà câu chuyện "liên thủ" giữa Australia và Ấn Độ đang làm với Facebook là một gợi ý tốt với các chính phủ trong việc buộc các đại công ty này tuân thủ luật chơi. Luật chơi phải do chính phủ các nước đặt ra, thay vì các chính phủ và người dân của họ là "con tin" của những nhà mạng này!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.