Những bài trước đó Dân Việt đã thông tin, hoạt động khai thác núi đá vôi đang gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái, môi trường sống của loài voọc mông trắng ở Hà Nam, loài được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) trong danh lục đỏ của IUCN (2019).
Từ tháng 7/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Nam, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Hà Nam khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức áp dụng các biện pháp cấp bách bảo vệ quần thể voọc mông trắng tại sinh cảnh sống tự nhiên trên địa bàn theo Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017.
Đồng thời, rà soát, đánh giá việc chấp hành yêu cầu về môi trường của các hoạt động khai thác đá trên địa bàn, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của loài voọc mông trắng trong tự nhiên.
Bên cạnh đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hướng dẫn Hà Nam thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ loài voọc mông trắng trên địa bàn tỉnh Hà Nam; chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu , đề xuất lập khu bảo tồn nhằm bảo tồn lâu dài quần thể voọc mông trắng trên địa bàn tỉnh Hà Nam theo quy định của pháp luật.
Bộ NNPTNT đã hướng dẫn Hà Nam thành lập khu bảo tồn
Theo tài liệu Dân Việt có được, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cũng đã có ý kiến việc thành lập mới khu bảo tồn loài sinh cảnh để bảo tồn loài vọọc mông trắng tại huyện Kim Bảng là cần thiết và phù hợp với nội dung của Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Do đó, Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu việc thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh cho loài voọc mông trắng phải đảm bảo điều kiện, đáp ứng các tiêu chí về Khu bảo tồn loài sinh cảnh quy định tại Nghị định số 156/2016/NĐ-CP.
Trong đó, diện tích dự kiến thành lập khu bảo tồn loài sinh cảnh loài voọc mông trắng (khoảng 3500 ha) chưa nằm trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Hà Nam. Ngoài ra, phải được tích hợp quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Song song với đó, Bộ TNMT cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Nam liên quan đến loài voọc mông trắng.
Theo đó, các dự án, hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến nơi cư trú, đường di chuyển, nơi kiểm ăn của loài được bảo vệ phải có các biện pháp giảm thiểu phù hợp, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của loài đó trong tự nhiên và khu vực có loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa phải được điều tra , đánh giá để lập dự án thành lập khu bảo tồn.
Gần đây nhất, tháng 1/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện kiểm soát các tác động bất lợi tới môi trường và đa dạng sinh học của các hoạt động phát triển kinh tế. Đặc biệt là tác động của các dự án thăm dò, khai thác đá vôi trên địa bàn đến loài voọc mông trắng và sinh cảnh của chúng.
Ngoài ra, phải đánh giá thực trạng phân bố, sinh cảnh sống, các mối đe dọa và thực hiện các chế độ bảo vệ phù hợp đối với loài voọc mông trắng, nghiên cứu đề xuất dự án thành lập khu bảo tồn loài, sinh cảnh, xem xét đưa khu vực bảo vệ, bảo tồn loài Voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng trong quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030.