Hà Nam: "Đại công trường" khai thác đá sát nơi cư trú loài voọc mông trắng đặc biệt quý hiếm

Nguyễn Đức – Nguyễn Chương Chủ nhật, ngày 21/03/2021 09:23 AM (GMT+7)
"Đại công trường" khai thác đá hoạt động ngày đêm, nơi giáp ranh với khu vực phát hiện loài voọc mông trắng quý hiếm, loài được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp trong danh lục đỏ của IUCN (2019).
Bình luận 0

LTS: Voọc mông trắng - 1 trong 5 loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới và chỉ được ghi nhận ở khu vực núi đá vôi huyện Kim Bảng và khu bảo tồn đất ngập nước đầm Vân Long (tỉnh Hà Nam) của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ "mất nhà".

Nhóm phóng viên Dân Việt đã xuyên rừng, ngủ lán để ghi nhận những tác động, ảnh hưởng đến ngôi nhà của voọc mông trắng....

"Nhà" của voọc mông trắng ở Hà Nam bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác đá

Thú rừng ra sát nhà dân tìm kiếm thức ăn

Những năm 1990, khu rừng ở xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam phủ một màu xanh mướt, với những cây rừng to cỡ hai ba người ôm

Các ngọn núi nhấp nhô trùng điệp, được ví như vịnh Hạ Long trên cạn. Nước suối chảy róc rách ngày đêm.

Trong ký ức của ông Lê Văn Hiên cũng như nhiều người dân trong thôn Hồng Sơn, đó là một khu rừng tràn đầy sức sống, là lá phổi xanh của tỉnh Hà Nam và các tỉnh lân cận.

Mỗi sáng họ đều nghe thấy tiếng muông thú gọi bầy đi ăn, tiếng chim hót líu lo vang vọng khắp một rừng. Khỉ, sơn dương, sóc… ra quả núi ngay sát nhà dân tìm kiếm thức ăn.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 1.

Hình ảnh khai thác đá tại công trường khai thác đá ở thung Dứa, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

"Không khí lúc đó rất trong lành, tôi vẫn còn nhớ như in thời đó, mỗi ngày gia đình nào cũng ra suối gánh nước về dùng sinh hoạt cho gia đình. Cảnh tượng rất đông vui, hào hứng", ông Hiên nhớ lại.

Năm 13 tuổi, trong những lần theo bố mẹ vào rừng hái măng, học nghề săn bắn, ông Hiên đã nhiều lần bắt gặp muông thú, trong đó có loài voọc mông trắng quý hiếm. 

Sau những phát hiện của người dân đi rừng về loài động thực vật quý hiếm, đến giữa năm 2016, Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và một số tổ chức bảo tồn khác đã phối hợp với Chi cục kiểm lâm Hà Nam khảo sát quần thể voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng. 

Kết quả đã ghi nhận được 13 đàn với khoảng 100 cá thể voọc mông trắng.

Các đàn voọc phân bố rộng khắp khu vực vùng lõi của rừng Kim Bảng và tập trung lớn tại phía đông của khu rừng huyện Kim Bảng. 

Cùng thời điểm này, UBND tỉnh Hà Nam có văn bản gửi Sở Kế hoạch và đầu tư; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có ý kiến, đồng ý chủ trương cho phép Sở Nông nghiệp xây dựng đề án thành lập khu bảo tồn voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng. 

Tuy nhiên, sau nhiều năm, đến nay chủ trương đó của Hà Nam vẫn chưa thể thực hiện, môi trường sống của loài voọc mông trắng đang bị đe dọa ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác đá vôi.

Công trường khai thác đá "sát nhà" voọc mông trắng

Trong các tài liệu của cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam thể hiện việc ghi nhận vài chục cá thể voọc mông trắng xuất ở các thung Cơm Tám, Ba Bậc, Đại Địa, Xồ Là Má, Thần Chết, thung Dứa… (huyện Kim Bảng).

Đến giữa tháng 2/2021, phóng viên của Báo Điện tử Dân Việt có chuyến đi thực tế tại khu vực rừng huyện Kim Bảng gồm các thung Ba Bậc, Cơm Tám, Dứa…, nơi sinh sống của loài voọc mông trắng.

Con đường, hàng cây hai bên đường chạy qua thôn Hồng Sơn phủ một lớp bụi màu trắng xoá. 

Cách khu dân cư chừng hơn 1km là "đại công trường" khai thác đá, tiếng máy khoan đá, máy xúc hoạt động, xe ben chở đá hoạt động làm huyên náo cả một vùng.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 3.

Hình ảnh đàn voọc mông trắng ghi nhận tại thung Cơm Tám, Hà Nam.

Tại khu vực thung Dứa, xã Thanh Sơn (tên do người dân địa phương đặt) hiện đang khai thác đá nham nhở. 

Lớp bì, cây cối ở các ngọn núi cao được lột bỏ, lộ ra lớp đá trắng xoá. Ngay sát thung Dứa là thung Núi Cái, nơi đây, người dân từng ghi nhận một số cá thể voọc mông trắng.

"Năm 2019, vào buổi trưa, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp một số cá thể voọc mông trắng ăn ở dãy núi gần công trường. Có hôm mưa rét tôi còn thấy đàn voọc về hang ở gần thung Dứa ngủ vào buổi tối", một bảo vệ làm việc tại công trường khai thác đá cho biết.

Phóng tầm mắt nhìn ngang chính là thung Ba Bậc, Cơm Tám, nơi đoàn khảo sát của Hà Nam ghi nhận một số cá thể loài voọc mông trắng. 

Nhưng nơi này hiện đã là công trường huyên náo, các loại xe ben, xe "hổ vồ" được huy động đến công trường phục vụ cho việc vận chuyển đá từ khu vực khai thác ra khu vực nghiền đá. 

Những quả núi từng nhấp nhô lấp ló sau những áng mây trôi nay là một "đại công trường" ngổn ngang.

Bà N.T.L, (ở xã Thanh Sơn), hiện nay đời sống của người dân ở xã Thanh Sơn bị đảo lộn bởi ô nhiễm, khói bụi từ các khu vực khai thác đá.

"Bụi bay vào nhà, bể nước khiến đời sống sinh hoạt của chúng tôi bị đảo lộn, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Hằng ngày, tôi phải quét nhà 2-3 lần. Thậm chí, sau vài tiếng đi làm về tôi sờ tay vào bàn thấy một lớp bụi dày trắng xoá", bà N.T.L nói.

Ông Nguyễn Hồng Đức, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho hay, từ năm 2005, một số công ty được Hà Nam cấp phép cho khai thác đá tại khu vực rừng Kim Bảng. Các công ty khai thác đá trên địa bàn xã đều được Hà Nam cấp phép khai thác.

Ngoài ra, chính quyền xã thường xuyên làm việc với các công ty yêu cầu họ chấp hành về việc đảm bảo môi trường, che chắn khu vực khai thác để không ảnh hưởng tới người dân.

"Đối với loài voọc mông trắng, nHà Nam đang rà soát dự kiến thành lập khu bảo tồn. Hằng năm chúng tôi vẫn tổ chức hội nghị tuyên truyền để người dân hiểu, không tham gia việc săn bắt các loài động vật quý hiếm, trong đó có loài voọc mông trắng", ông Đức nói.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại "đại công trường" khai thác đá ở Hà Nam, nơi ghi nhận sự xuất hiện của loài voọc mông trắng quý hiếm:

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 4.

Từ năm 2005, một số công ty được Hà Nam cấp phép cho khai thác đá tại khu vực rừng Kim Bảng. Diện tích rừng sau đó bị thu hẹp, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động vật.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 5.

Năm 2016, Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và một số tổ chức bảo tồn khác đã phối hợp với Chi cục kiểm lâm Hà Nam khảo sát quần thể voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng và ghi nhận được 13 đàn với khoảng 100 cá thể voọc mông trắng.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 6.

Một ngọn núi ở thung Dứa đang trong quá trình khai thác đá.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 7.

Trước khi nổ mìn khai thác đá, các lớp cây ở ngọn núi được bóc bỏ, lộ ra lớp đá trắng.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 8.

Ngọn núi cao trước đây giờ chỉ còn lại trơ lại một tảng đá lớn.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 9.

Công nhân làm việc tại công trường khai thác đá ở thung Hang Dái (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng). Ngay cạnh thung Hang Dái là thung Ba Bậc, Cơm Tám, nơi đoàn khảo sát của Hà Nam ghi nhận một số cá thể loài voọc mông trắng.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 10.

Các loại xe ben, xe "hổ vồ" được huy động đến công trường phục vụ cho việc vận chuyển đá từ khu vực khai thác ra khu vực nghiền đá.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 11.

Phía chân của một ngọn núi sau khi bị "xẻ thịt" để phục vụ cho việc khai thác đá.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 12.

Ngoài ra, máy xúc, xe chuyên dụng cũng được huy động tới để thực hiện công việc khai thác đá.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 13.

Xen lẫn giữa các dãy núi phủ màu xanh bạt ngàn là những ngọn núi đang được khai thác đá nham nhở, ngổn ngang.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 14.

Phía chân của một ngọn núi sau khi bị “xẻ thịt” để phục vụ cho việc khai thác đá.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 15.

Những tảng đá lớn sau khi được khoan phá sẽ được xe tô chuyển ra khu vực nghiền đá, xay nhỏ

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 16.

Xe ô tô chở những hòn đá lớn từ khu vực khai thác đá (ở thung Hang Dái) ra khu vực chế biến thành sản phẩm.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 17.

Nhà máy xi măng nằm ngay gần khu vực thung Núi Cái, nơi từng ghi nhận sự xuất hiện của loài voọc mông trắng.

 "Đại công trường" khai thác đá ngay sát nơi cư trú loài voọc mông trắng quý hiếm - Ảnh 18.

Theo phản ánh, hiện nhiều hộ dân ở gần nhà máy xi măng, khu vực khai thác đá đang bị ảnh hưởng bởi khói bụi mù mịt.

 (Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem