Đề án khu bảo tồn voọc mông trắng ở Hà Nam, bao giờ thành hiện thực?

Nguyễn Đức - Nguyễn Chương Thứ hai, ngày 22/03/2021 15:16 PM (GMT+7)
Từ năm 2017, Hà Nam đã có ý kiến đồng ý chủ trương cho phép Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng đề án thành lập khu bảo tồn voọc mông trắng (voọc quần đùi trắng) tại huyện Kim Bảng. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa được thực hiện.
Bình luận 0

Những năm 1990, người dân ở xã Thanh Sơn đi rừng đã từng phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có loài voọc mông trắng ở Hà Nam. Sau những phát hiện của người dân đi rừng về loài động thực vật quý hiếm

Đến năm 2016, Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và một số tổ chức bảo tồn khác đã phối hợp với Chi cục kiểm lâm Hà Nam khảo sát quần thể voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng và ghi nhận được 13 đàn với khoảng 100 cá thể voọc mông trắng.

Rà soát khu vực dự kiến bảo tồn voọc mông trắng ở Hà Nam

Đến năm 2017, UBND tỉnh Hà Nam có văn bản gửi Sở Kế hoạch và đầu tư; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có ý kiến, đồng ý chủ trương cho phép Sở Nông nghiệp xây dựng đề án thành lập khu bảo tồn voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, đến nay chủ trương đó vẫn chưa thể thực hiện, môi trường sống của loài voọc mông trắng ở Hà Nam đang bị đe dọa ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác đá vôi, săn bắt.

Hà Nam đang xây dựng đề án khu bảo tồn voọc mông trắng quý hiếm? - Ảnh 1.

Thung Ba Bậc, nơi sinh sống của loài voọc mông trắng ở Hà Nam.

Cuối tháng 2/2021, phóng viên Dân Việt đã liên hệ với UBND tỉnh Hà Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam để tìm hiểu các thông tin liên quan đến tiến độ dự án thành lập khu bảo tồn, lý do chưa thực hiện dự án bảo tồn. Tuy nhiên, đến nay phóng viên chưa nhận được phản hồi từ các đơn vị nêu trên.

Theo tài liệu của Dân Việt, ngày 6/11/2020, UBND tỉnh Hà Nam có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy sau hội nghị nghe Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam báo cáo rà soát quy hoạch khu vực bảo tồn loài voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng.

Theo đó, việc thành lập khu bảo tồn voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn loài động thực vật và sinh cảnh voọc mông trắng (loài động vật quý hiếm trong 25 loài nguy cấp nhất thế giới, loài đặc hữu của Việt Nam); trong định hướng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái.

UBND tỉnh Hà Nam giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất nguồn kinh phí thực hiện việc thành lập khu bảo tồn voọc mông trắng.

Đồng thời yêu cầu, thành lập đoàn khảo sát, đánh giá vùng trú của voọc mông trắng, nhất là tại khu vực có các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, các nhà máy sản xuất xi măng tiếp giáp với khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn voọc mông trắng. 

Hà Nam đang xây dựng đề án khu bảo tồn voọc mông trắng quý hiếm? - Ảnh 3.

Hình ảnh loài voọc mông trắng trong khu rừng ở huyện Kim Bảng.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Kim Bảng và các đơn vị liên quan rà soát quy hoạch khai thác khoáng sản; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, công tác bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường của các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trong khu vực; nghiên cứu đề xuất các khu vực mỏ để đề xuất di dời .

Các doanh nghiệp khai khoáng phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, đầu tư, xây dựng, pháp luật liên quan trong hoạt động đầu tư.

Đề nghị xem xét lại phần mỏ đá đã quy hoạch đưa vào khu bảo tồn voọc mông trắng

Thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh Hà Nam, Sở NNPTNT đã đi khảo sát và có báo cáo gửi UBND tỉnh. Theo đó, từ ngày 26/11/2020 đến ngày 10/12/2020, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát hiện trạng các khu mỏ đang hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh với khu vực rừng trước đó đã ghi nhận loài voọc mông trắng (voọc quần đùi trắng).

Đoàn khảo sát đã tiến hành khảo sát tại khu vực của 15 công ty đang khai thác khoáng sản giáp ranh với khu quy hoạch bảo tồn. Tại thời điểm khảo sát, 11 công ty vẫn đang thực hiện hoạt động khai thác, xay đá tại chỗ; 4 công ty chưa thực hiện hoạt động khai thác.

Hà Nam đang xây dựng đề án khu bảo tồn voọc mông trắng quý hiếm? - Ảnh 4.

Bản đồ thể hiện khu khai thác khoáng sản (phần màu đỏ) và khu dự kiến thành lập khu bảo tồn voọc mông trắng ở Hà Nam. Ảnh FFI.

Đồng thời, trong quá trình đi rừng, đoàn ghi nhận 4 đàn, với tổng 25 cá thể voọc mông trắng (bằng hình ảnh và clip) xuất hiện tại khu vực giáp ranh phía đông của khu dự kiến bảo tồn với các khu vực mỏ khoảng sản.

Cụ thể, tại thung Đại Địa ghi nhận từ 6-8 cá thể voọc mông trắng; thung Xồ Là Má 3-4 voọc mông trắng; thung Cơm Tám và Ba Bậc 12 cá thể; thung Dứa 1 cá thể. Thảm thực vật trong khu vực rừng đang phục hồi và phát triển tốt.

Sau quá trình khảo sát, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam đã có đề nghị UBND tỉnh Hà Nam xem xét, quyết định đối với khu vực thung Cơm Tám; Ba Bậc; Xồ Là Má; Thần Chết (khu mỏ đá quy hoạch dự kiến cấp cho các công ty khai thác đá) đưa trở lại vào khu bảo tồn.

Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Với số lượng chỉ còn khoảng 250 cá thể, voọc mông trắng nhiều năm được liệt kê trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới.

Hiện nay, loài linh trưởng này được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) trong danh lục đỏ của IUCN (2019); thuộc Nhóm IB, Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem