WWF cảnh báo: Có hơn 5 triệu bẫy động vật hoang dã trong các khu bảo tồn ở Việt Nam

Bạch Dương Thứ hai, ngày 13/07/2020 15:24 PM (GMT+7)
Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa có thông tin cảnh báo về tình trạng đặt bẫy săn bắt động vật hoang dã trong các khu bảo tồn tại Việt Nam nói riêng và khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng nói chung.
Bình luận 0
WWF cảnh báo: Có hơn 5 triệu bẫy động vật hoang dã trong các khu bảo tồn của Việt Nam - Ảnh 1.

Một con cầy bị mắc bẫy. Ảnh: WWF

Theo khảo sát của WWF, chỉ riêng trong hai Khu bảo tồn sao la ở 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và  Quảng Nam đã có 127.857 bẫy thú được tháo gỡ trong giai đoạn năm 2011-2019 (trung bình mỗi năm tháo gỡ được 14.206 bẫy).

Mật độ bẫy tại Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam là 880 bẫy/km2, cao nhất trong khu vực. Số lượng bẫy ước tính tại Việt Nam là hơn 5 triệu bẫy, dựa trên mật độ bẫy ước tính trong khu bảo tồn là 110,7 bẫy/km2.

Các loài thú quan trọng tại Việt Nam bị đe dọa bởi hoạt động đặt bẫy bao gồm: Sao la, mang lớn (loài cực kỳ nguy cấp), thỏ vằn Trường Sơn, bò rừng, cầy vằn bắc (loài nguy cấp).

WWF đã thực hiện phỏng vấn 16 thợ săn người Cơ Tu tại Việt Nam. Hơn một nửa trong số này đặt bẫy để kiếm thêm thu nhập, không phải để cung cấp thực phẩm cho bản thân họ. Các cuộc khảo sát về kinh tế, xã hội tại các cộng đồng sống xung quanh 3 khu bảo tồn của trung Trường Sơn cho thấy khoảng 25% - 33% làng bản chủ yếu dùng bẫy để săn bắt thú, không phải vì thức ăn, hay để tồn tại, mà đó là nguồn thu nhập chủ yếu của gần 40% người sống bằng nghề đi săn.

Theo WWF, tại Việt Nam, thịt của các loại động vật hoang dã quý hiếm như tê tê hay hổ là mặt hàng xa xỉ dành cho những người giàu có. Trong khi phần lớn động vật ăn thịt và động vật móng guốc nhỏ được tầng lớp trung lưu xem như đặc sản.

Khảo sát cho thấy nhiều người dân sống tại các đô thị của Việt Nam (20% - 80%, tùy vào địa điểm) sử dụng các sản phẩm từ thịt động vật hoang dã ít nhất một lần mỗi năm. 60% - 80% việc sử dụng thịt động vật hoang dã tại các trung tâm đô thị xảy ra tại nhà hàng. Loài được tiêu thụ nhiều nhất (chiếm gần 75% tổng lượng tiêu thụ) là lợn rừng.

Theo ước tính của WWF, mỗi năm có hàng triệu bẫy được đặt trong những cánh rừng của Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, đặc biệt là ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Cuộc khủng hoảng đặt bẫy này đang dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng về số lượng và sự tuyệt chủng cục bộ của nhiều loài, bao gồm các loài động vật săn mồi như hổ, báo, báo đốm và con mồi của chúng như bò tót, bò rừng, mang và hươu.

WWF cảnh báo 58% trong số tất cả các mầm bệnh được phát hiện ở người được cho là có nguồn gốc từ động vật, bao gồm 60% - 73% các bệnh truyền nhiễm mới bùng phát. 71% các bệnh xuất hiện trong thời gian gần đây (từ năm 1940 - 2004) có nguồn gốc từ động vật, vật chủ là động vật hoang dã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem