Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 3/2021 đến nay, giá mì nguyên liệu (sắn tươi) trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Tại Tây Ninh, giá mì nguyên liệu dao động từ 3.350-3.500 đồng/kg; tăng từ 200–500 đồng/kg so với tháng trước.
Ông Tạ Văn Minh, người chuyên thu mua mì ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) cho biết, dịch Covid-19 khiến mì từ Campuchia nhập khẩu về bị hạn chế. Trong khi nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến sắn tăng nên giá thu mua sắn tăng cao.
Nhờ kỹ thuật thâm canh tốt, củ mì tươi của Tây Ninh có độ trữ bột cao hơn mì của Campuchia. Vì thế lâu nay, giá mì từ Campuchia nhập về tỉnh thường thấp hơn giá mì trồng tại địa phương.
Thế nhưng, các tỉnh trồng mì ở Campuchia năm nay bị ngập lụt, năng suất sụt giảm trong khi nhu cầu về sắn tăng nên giá tăng theo rất nhanh.
Ông Minh còn nhớ, hồi tháng 1, giá mì Campuchia chỉ khoảng 1.700 đồng/kg; qua tháng 2 tăng lên 2.750 đồng/kg. Đến nay, giá mì tươi tại Campuchia dao động từ 2.900-3.500 đồng/kg; ngang bằng giá mì Tây Ninh.
Tuy giá sắn đang tăng vù vù, nhưng nhiều diện tích trồng sắn trong tỉnh chỉ mới trồng được khoảng 4,5-5 tháng, chưa cho thu hoạch được nhiều.
"Hiện củ mì Campuchia vẫn là nguồn nguyên liệu chính của các nhà máy chế biến tinh bột mì Tây Ninh", ông Minh cho biết.
Ông Đào Hữu Hạnh, trồng xen canh 2,5ha mì ở huyện Tánh Linh (Bình Thuận) kể, chưa lúc nào ông chứng kiến giá mì tăng nhanh như hiện tại. Trước tết, giá mì chỉ 2.000 đồng/kg, qua tết đã nhích lên 2.200 đồng/tấn. Hiện nay giá mì đã tăng lên 2.400-2.500 đồng/kg.
Thế nhưng bệnh khảm lá mì trước đó đã làm 1ha mì của ông bị chết. Diện tích trồng mì xung quanh cũng lây bệnh theo, nên năng suất mì chung giảm hơn 1/3 năm trước. "Hiếm khi giá bán mì tăng cao mà niềm vui của nông dân không trọn vẹn", ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, cây mì ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn các loại cây khác nên nông dân tận dụng tối đa các vùng đất có thể trồng được để trồng mì.
Tuy nhiên, giá củ mì tươi lên xuống thất thường. Năm trước, giá mì đầu vụ chỉ 1.200 đồng/kg; giữa vụ thu hoạch tăng lên 2.000 đồng/kg. Đến cuối vụ giá sắn lại giảm dần.
Năm nay, do mưa lũ và dịch Covid, giá mì mới tăng cao bất ngờ. Cùng với dịch khảm lá mì chưa có thuốc đặc trị, ông Hạnh cho biết, không dám mạo hiểm mở rộng thêm diện tích trồng mì.
Gia Lai cũng là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng từ dịch khảm lá mì.
Ông Trần Ngọc Định, trồng 2ha mì ở huyện Kông Chro (Gia Lai) kể, vụ năm trước ông thu hoạch 50 tấn củ mì. Năm nay giá mì cao hơn, nhưng dịch bệnh làm năng suất giảm đến 20%, chỉ còn 40 tấn.
Theo Phòng NNPTNT huyện Kông Chro, toàn huyện có gần 11.590ha trồng mì. Đến nay, người dân đã thu hoạch được gần 7.400ha. Giá mì tăng làm nông dân phấn khởi nhưng mì là cây trồng dễ làm đất bạc màu, lại đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh khảm lá sắn.
"Chúng tôi khuyến cáo nông dân không ồ ạt mở rộng diện tích mà chú trọng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng", ông Võ Văn Hưng - Trưởng NNPTNT huyện Kông Chro cho biết.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, bệnh khảm lá sắn đang tiếp tục lây lan và gia tăng diện tích nhiễm bệnh tại các vùng trồng sắn khu vực miền Trung và phía Nam. Cập nhật đến giữa tháng 3/2021, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn trên cả nước 53.007ha; tăng 10.020 ha so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích nhiễm nặng 6.398 ha.