Tây Ninh công bố số liệu thống kê mới nhất: Người buồn kẻ vui bên gốc mía, cây mì

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 29/12/2020 17:12 PM (GMT+7)
Ngày càng nhiều nông dân bỏ mía thì diện tích khoai mì (sắn) lại tăng. Mía và khoai mì là hai loại cây trồng mang nét tương phản đặc trưng trong những biến động của nhóm cây trồng chủ lực của Tây Ninh năm 2020.
Bình luận 0
Ngày 29/12, Cục thống kê Tây Ninh họp báo công bố số liệu thống kê chính thức về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh.

Ngày 29/12, Cục Thống kê Tây Ninh họp báo công bố số liệu thống kê chính thức về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Bửu Quang – Cục trưởng Cục Thống kê Tây Ninh cho biết, đại dịch Covid-19 khiến nhiều chỉ tiêu năm 2020 đạt thấp hơn so với kế hoạch và thấp nhất trong các năm gần đây. Ngành sản xuất nông lâm thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn về thị trường, giá cả, thời tiết và sâu bệnh.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, thể hiện nhiều điểm tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Với nhóm cây trồng hàng năm, mía và khoai mì có sự tăng, giảm đáng kể về diện tích, sản lượng.

Tính cả diện tích mía mới trồng và diện tích còn lưu gốc cả năm 2020 của Tây Ninh là 6.963ha; giảm 35,1% so cùng kỳ.

Thu hoạch mía ở Tây Ninh

Thu hoạch mía ở Tây Ninh

Theo Cục thống kê, do chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều thị trường phát triển, lợi nhuận từ trồng mía đường ở Tây Ninh ngày càng thấp. Điều này khiến nhiều nông dân trồng mía điêu đứng, phá sản, diện tích trồng ngày càng thu hẹp.

Do hiệu quả kinh tế mang lại thấp, chi phí đầu tư chăm sóc cũng giảm theo nên năng suất giảm theo. Cộng cả hai yếu tố này lại, sản lượng mía cả năm chỉ đạt hơn 526.000 tấn. Con số này giảm 35,3% so cùng kỳ (khoảng 287.154 tấn).

Dây chuyền sản xuất đường của công ty CP Thành Thành Công–Biên Hòa

Dây chuyền sản xuất đường của công ty CP Thành Thành Công–Biên Hòa

Trong đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2020–2025, Tây Ninh xác định mặt hàng đường hữu cơ nằm trong nhóm sản phẩm có tiềm năng 3 sao. 

Tuy nhiên, đề án cũng chỉ rõ, với yêu cầu rất nghiêm ngặt về nguyên liệu, người trồng mía ở Tây Ninh khó có khả năng đáp ứng. Trong khi giá mía nguyên liệu luôn biến động theo hướng bất lợi cho người trồng mía nguyên liệu, diện tích trồng mía đang có xu thế giảm nhanh.

Đầu tháng 12, công ty CP Thành Thành Công–Biên Hòa thông báo giá mua mía vụ 2020-2021 từ 850.000–950.000 đồng/tấn (cho mía có chữ đường 10 CCS) tại ruộng, tùy theo khu vực và vụ trồng.

Nhiều nông dân cho rằng, mức giá cho niên vụ mới dù có tăng nhưng người trồng vẫn chưa thể có lãi. 

Ông Ngô Minh Chí - Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Phước Điền lý giải, không dễ để đạt mức chữ đường 10 CCS. Theo ông, giá mía phải từ 900.000 đồng/tấn trở lên cho mía 9 CCS thì người trồng mới có lãi và có điều kiện tái sản xuất vụ sau.

Ở chiều ngược lại, tuy vẫn chịu ảnh hưởng dịch khảm lá nhưng cây khoai mì vẫn đem lại hiệu quả kinh tế. Người dân tiếp tục xuống giống trên diện tích mì đã thu hoạch; và trên diện tích mía phá bỏ, cũng như diện tích cao su mới thanh lý.

Trồng mì ở huyện Tân Châu, Tây Ninh

Trồng mì ở huyện Tân Châu, Tây Ninh

Hiện diện tích mì toàn tỉnh cả năm thực hiện 57.149ha, tăng 9,2% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, giá mì từ năm 2019 tăng, người dân tăng cường chăm sóc nên năng suất chung cả tỉnh đạt 325 tạ/ha. Đây là mức năng suất khá cao so với các tỉnh thành khác có trồng khoai mì.

Riêng sản lượng khoai mì năm nay đạt gần 1,86 triệu tấn, tăng hơn 11,1% nhờ diện tích và năng suất đều tăng.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT, cùng với nguồn nguyên liệu nội địa, Tây Ninh còn nhập một lượng lớn khoai mì từ Campuchia. Nói cho công bằng, mì vẫn là ngành nhập thô xuất tinh và đem lại ngoại tệ nhờ lực lượng hùng hậu các nhà máy chế biến.

Thu hoạch mì ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh

Thu hoạch mì ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh

Hiện Tây Ninh có 68 nhà máy mì (chiếm hơn phân nửa so cả nước) với tổng công suất khoảng 6,4 triệu tấn củ/năm; trong đó, có 6 nhà máy chế biến sâu (sản xuất tinh bột biến tính và mạch nha). Đây cũng là nguyên nhân giúp khoai mì có đầu ra ổn định.

Theo Cục Thống kê, diện tích gieo trồng toàn tỉnh là 255.656 ha, mặc dù xấp xỉ cùng kỳ nhưng cơ cấu cây trồng có sự chuyển biến mạnh sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao và thích nghi biến đổi thời tiết tốt hơn. Mảng chăn nuôi cũng duy trì đà ổn định. Riêng sản phẩm thịt heo xuất chuồng, sau thời gian dài giảm sâu đang có xu hướng phục hồi, sản phẩm gia cầm tăng khá.

"Cùng với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ đang tiếp tục phục hồi, tình hình kinh tế xã hội tỉnh những tháng cuối năm đã có dấu hiệu khởi sắc", ông Nguyễn Đình Bửu Quang chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem