Nhiều nhà máy chế biến sắn bị "đe doạ" vì đói hàng, giá sắn tươi, sắn khô đồng loạt tăng

Nguyễn Vy Thứ ba, ngày 01/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Áp lực nguồn cung đang là mối đe dọa đối với các nhà máy chế biến sắn (khoai mì) khi lượng tồn kho nội địa cạn kiệt, dịch bệnh khảm lá tiếp tục lan rộng. Trong khi đó, lượng sắn từ Campuchia nhập khẩu về cũng ít ỏi do lũ lụt kéo dài...
Bình luận 0

Nguồn cung từ Campuchia sụt giảm

Cây sắn được trồng ở hầu hết các tỉnh của nước bạn Campuchia. Vụ mùa được trồng vào tháng 5, thu hoạch từ tháng 11 đến cuối tháng 2 hàng năm. Giá sắn tại nước này đang tăng cao nhưng sản lượng sắn dự kiến sẽ giảm so với năm ngoái.

Nhiều nhà máy chế biến sắn bị "đe doạ" vì đói hàng, giá sắn tươi, sắn khô đồng loạt tăng - Ảnh 1.

Một điểm thu mua sắn tại cửa khẩu Sa Mát, Tây Ninh. Nguyễn Vy

 Dẫn lời Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Battambang, báo PhnomPenh Post (Campuchia) cho biết, trận lũ lụt gần đây đã làm thiệt hại 30% diện tích sắn trong tỉnh, khiến vụ thu hoạch bị trì hoãn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia cũng thừa nhận, lũ lụt sẽ làm giảm số liệu thu hoạch ở các tỉnh như Battambang, Pursat, Banteay Meanchey và Oddar Meanchey.

"Dịch bệnh không chỉ làm thiếu nguồn hom giống nghiêm trọng, mà hầu hết các nhà máy cũng không quan tâm việc phòng chống bệnh khảm lá sắn ở vùng nguyên liệu. Các nhà máy cần có trách nhiệm tái đầu tư cho vùng nguyên liệu, làm lợi cho chính mình và nông dân".

Ông Bùi Xuân Phong

Tại Tây Ninh, tỉnh giáp Campuchia, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, phần lớn nguồn nguyên liệu sắn của các nhà máy chế biến tinh bột trên địa bàn được nhập từ Campuchia. Đợt mưa bão vừa qua đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất tinh bột sắn của doanh nghiệp. 

Ông Trần Văn An - chủ một doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn ở huyện Tân Biên cho biết, lượng củ sắn nhập khẩu đã giảm 30% từ 3 tháng trước. Dù giá củ sắn tươi đang dao động gần 3.000 đồng/kg nhưng vẫn không có nguyên liệu để mua về chế biến. Do thiếu hụt nguyên liệu, doanh nghiệp của ông An chỉ hoạt động cầm chừng, khoảng 20 - 30% công suất. Đây cũng là tình hình chung của các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Tây Ninh.

Không chỉ thiếu hụt nguồn sắn tươi, việc thu mua sắn lát phơi khô từ Campuchia cũng gặp khó khăn không kém. Các thương lái cho biết, nguồn sắn lát này được cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Nhiều thời điểm, giá sắn lát phơi khô mua tại cửa khẩu lên tới hơn 6.000 đồng/kg nhưng không có để mua. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nửa đầu tháng 11/2020, giá sắn và các sản phẩm từ sắn tăng cao do nhu cầu mua từ Trung Quốc tăng lên.

Dịch khảm lá hoành hành

Ở trong nước, giá sắn nguyên liệu tiếp tục tăng do lượng sắn về nhà máy không đủ cho công suất hoạt động. Ví dụ tại Tây Ninh, giá sắn tăng lên gần 3.000 đồng/kg do nhiều nhà máy đẩy giá thu mua để hút nguồn sắn về nhiều hơn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thời gian tới, giao dịch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sẽ sôi động hơn khi thị trường Trung Quốc và Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch.

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, áp lực nguồn cung vẫn là mối đe dọa đối với các nhà máy chế biến khi tồn kho nội địa cạn kiệt, lượng sắn từ thị trường Campuchia nhập khẩu về ít do lũ lụt kéo dài.

Trong khi đó, dịch bệnh khảm lá ở trong nước tiếp tục lan rộng với mức độ nặng hơn năm trước, làm ảnh hưởng đến sản lượng. Còn theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), thời gian qua, các địa phương đã kiện toàn, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá.

Tuy nhiên, diện tích nhiễm bệnh ngày một tăng do không thực hiện tiêu hủy triệt để nguồn bệnh. Hầu hết các mô hình thử nghiệm sản xuất giống sắn sạch bệnh ở các địa phương đều thất bại, tỷ lệ cây nhiễm bệnh từ 70-100%.

Nhiều nhà máy chế biến sắn bị "đe doạ" vì đói hàng, giá sắn tươi, sắn khô đồng loạt tăng - Ảnh 4.

Ông Bùi Xuân Phong - Trưởng phòng BVTV kiểm tra tình hình bệnh khảm lá sắn ở Tây Ninh. Nguyễn Vy

Ông Bùi Xuân Phong - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, thực tế sản xuất tại Tây Ninh và các tỉnh cho thấy, cây sắn vẫn là loại cây chủ lực do dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, có nguồn tiêu thụ ổn định và có lãi hơn so với một số loại cây trồng khác.

Trong khi đó giống sắn chủ yếu là giống tự để, lấy từ vụ trước để trồng tiếp vụ sau. Nếu giống nhiễm bệnh sẽ lây lan theo cấp số nhân. "Cứ 1ha sắn thu hoạch sẽ trồng được 10ha mới. Vì thế dịch bệnh không thuyên giảm" - ông Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển giống sắn không thể kiểm soát do chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Bệnh lây lan từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, từ Nam ra Bắc là do các công ty, HTX, cá nhân mua giống về trồng. Lào Cai, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị là ví dụ rõ ràng nhất.

Cũng do các tỉnh chưa tổ chức được việc nhân giống sạch cung cấp cho sản xuất đại trà nên nông dân phải dùng giống nhiễm bệnh để trồng, đặc biệt là với giống sắn HL-S11 có năng suất, hàm lượng tinh bột cao (29-31%), vượt trội hơn so với các giống khác.

Trong khi đó, ở những diện tích bị nhiễm bệnh, năng suất sắn ở mức có thể chấp nhận được nên bà con vẫn muốn trồng giống này. Điển hình như ở Đồng Nai, thống kê đến tháng 10, giống HLS-11 được trồng đến 42% diện tích, tương đương gần 14.000ha sắn toàn tỉnh.

Theo ông Bùi Xuân Phong, cả nước có 137 doanh nghiệp sản xuất chế biến tinh bột sắn, trong đó có 59 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem