Dân Việt

"Cát tặc" lộng hành, Bình Phước vẫn xin đề nghị gia hạn giấy phép khai thác cát từ văn bản cam kết... suông

Hoàng Hưng - Thành Nguyên 25/03/2021 11:10 GMT+7
Trong khi UBND tỉnh Lâm Đồng dè dặt trong việc gia hạn giấy phép khai thác cát, nhưng trong qua một số văn bản của UBND tỉnh Bình Phước gần đây, lại cho thấy động thái nỗ lực gia hạn giấy phép khai thác cát cho doanh nghiệp từng bị ví von đã bức tử thượng nguồn sông Đồng Nai.

Đề nghị gia hạn giấy phép khai thác cát từ văn bản cam kết… suông

Thế nhưng, qua một số văn bản của UBND tỉnh Bình Phước gần đây, lại cho thấy động thái nỗ lực gia hạn giấy phép khai thác cát cho doanh nghiệp - từng một thời bị báo chí ví von rằng, đã "bức tử" thượng nguồn sông Đồng Nai.

Ngày 11/1/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành văn bản số 122/UBND-KT, gửi UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo UBND tỉnh Bình Phước, thì UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn "chưa thống nhất thỏa thuận để gia hạn cho Công ty TNHH SX-TM-DV Trường Phát được tiếp tục khai thác cát trên sông Đồng Nai, với lý do:

Trong thời gian hoạt động khai thác cát, Công ty chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nội dung chỉ đạo của UBND hai tỉnh và gây nhiều sạt lở bờ sông phía huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, nhưng không hợp tác trong việc khắc phục, bồi thường cho người dân, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, an ninh – trật tự tại địa phương".

Bình Phước: Doanh nghiệp khai thác cát từng "bức tử" sông Đồng Nai, có nên gia hạn giấy phép ? - Ảnh 1.

Hình ảnh một khu vực bị sạt lở điển hình ở thượng nguồn sông Đồng Nai, nơi giáp ranh 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng. Ảnh: T.N

Thật vậy, UBND tỉnh Bình Phước đã thừa nhận: Việc Công ty Trường Phát khai thác cát gây sạt lở bờ sông, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Bình Phước xử phạt 70 triệu đồng vào tháng 11/2016.

Hành vi chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, Công ty Trường Phát đã bị UBND tỉnh Bình Phước xử phạt trên 334, 4 triệu đồng vào tháng 9/2020.

Năm 2017 và 2018, Công ty Trường Phát đã nhiều lần bị người dân phản ánh "hoạt động gây sạt lở bờ sông". Việc phản ánh này là đúng. Công ty đã thỏa thuận đền bù cho người dân 2 bờ sông, tại những khu vực bị sạt lở, nhưng chưa kịp thời, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, an ninh – trật tự tại địa phương…

Bình Phước: Doanh nghiệp khai thác cát từng "bức tử" sông Đồng Nai, có nên gia hạn giấy phép ? - Ảnh 2.

Những tàu hút cát lậu - thủ phạm gây sạt lở bờ sông Đồng Nai, bị cơ quan bắt giữ. Ảnh: T.N

Nhưng, UBND tỉnh Bình Phước vẫn đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng "tạo điều kiện cho Công ty (tức Trường Phát - PV)  tiếp tục hoạt động", "xem xét, chấp thuận việc gia hạn giấy phép khai thác cát cho Công ty Trường Phát". Do giấy phép khai thác cát của doanh nghiệp này đã hết hạn từ cuối năm 2018.

Cơ sở để UBND tỉnh Bình Phước sốt sắng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng đồng tình gia hạn giấy phép cho Công ty Trường Phát, là xuất phát từ một văn bản của Công ty Trường Phát gửi cho UBND tỉnh Bình Phước cuối tháng 12/2020.

Tại công văn này, "Công ty đã giải trình việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác khoáng sản, thống kê đầy đủ các khoản chi phí đã thỏa thuận, đền bù cho người dân 2 bên bờ sông, tại những khu vực bị sạt lở. Công ty cam kết chấp hành đúng các quy định của pháp luật về khoáng sản. Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của 2 UBND tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng…".

Bình Phước: Doanh nghiệp khai thác cát từng "bức tử" sông Đồng Nai, có nên gia hạn giấy phép ? - Ảnh 3.

Một điểm tập kết cát ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ảnh: T.N

Ông Phạm S - phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - thì có ý kiến: "Giấy phép khai thác cát tại lòng sông Đồng Nai, thuộc tỉnh Bình Phước của Công ty Trường Phát, là do UBND tỉnh Bình Phước cấp. Nên việc gia hạn giấy phép là thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Bình Phước".

Nhưng, trước khi xem xét gia hạn, ông S đề nghị: "UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo, yêu cầu Công ty Trường Phát phải bảo đảm các yêu cầu, điều kiện theo quy định của Luật Khoáng sản, các quy định khác liên quan... 

Đồng thời, phải được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, nhân dân xung quanh khu vực khai thác (bao gồm chính quyền và người dân địa phương khu vực giáp ranh), tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện".

Tuy nhiên, cho đến lúc này, việc lấy ý kiến của chính quyền địa phương và người dân khu vực khai thác cát của Công ty Trường Phát, vẫn chưa thấy gì. 

"Cát tặc" vẫn lộng hành

Trong khi đó, bà Trần Thị Cúc - Bí thư, Trưởng thôn 5, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng - khẳng định: "Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai vẫn lén lút diễn ra thời gian gần đây, chủ yếu vào đêm, rạng sáng. Hầu như các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân đều kiến nghị về vấn đề này.

Tình trạng hút cát trái phép đã khiến vườn cây, khu đất đai của dân bị sạt lở, gây hư hại cây trồng, đất đai…"

Bình Phước: Doanh nghiệp khai thác cát từng "bức tử" sông Đồng Nai, có nên gia hạn giấy phép ? - Ảnh 5.

Trên bờ, khu vực huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước , là dày đặc những điểm tập kết cát để bán. Ảnh: T.N

Những đoàn xe tải chở cát nối đuôi nhau trên tuyến đường ĐT 753B (hay thường được gọi là đường Sao Bọng-Đăng Hà) đã không còn xa lạ với người dân 2 xã Đăng Hà và Thống Nhất (huyện Bù Đăng) những năm qua. Rất nhiều bãi tập kết cát lớn, nhỏ từ vài chục mét khối đến cả trăm; thậm chí cả ngàn mét khối. Hầu hết các bãi tập kết này đều là trái phép, luôn có các đối tượng cảnh giới.

Dọc 2 bên bờ sông Đồng Nai, còn rất nhiều dấu tích, đoạn tuyến bị sạt lở, hậu quả của tình trạng "cát tặc" hoành hành những năm qua. Anh Lục Văn Giang (ngụ thôn 5, xã Thống Nhất cho biết: "Do tình trạng khai thác cát nên khi trời mưa hay đến mùa mưa, nước dâng lên rồi rút ra là bờ lại bị sạt lở."

Bình Phước: Doanh nghiệp khai thác cát từng "bức tử" sông Đồng Nai, có nên gia hạn giấy phép ? - Ảnh 6.

Máy xúc cát hoạt động ngày đêm. Ảnh: T.N

Bình Phước: Doanh nghiệp khai thác cát từng "bức tử" sông Đồng Nai, có nên gia hạn giấy phép ? - Ảnh 7.

Cát đổ tràn cả ra lề đường. Ảnh: T.N

Anh Hà Đại Lộc, ở thôn 4, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng cho biết, năm 2015, anh chuyển đến xã Đăng Hà sinh sống thì dòng sông Đồng Nai vẫn đang còn nguyên sơ, đầy đủ cây cối, rất đẹp và mát mẻ. Tuy nhiên, càng ngày các tàu cát nối đuôi nhau tới khai thác cát khiến hai bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, bờ sông bị sạt lở, mở rộng ra hai bên hàng chục mét.

Liên quan đến tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, thiếu tá Phan Công Lý - Trưởng Công an xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng - cho biết: Năm 2020, công an xã cùng phối hợp đội kinh tế, công an huyện bắt giữ, xử lý 4 tàu có hành vi khai thác trái phép khoáng sản.

Hiện nay, công an xã đi tuần tra 3 ngày/tuần. Địa hình ở khu vực này cũng rất phức tạp, đồi núi, có nhiều vực sâu. Công tác tuần tra trên dòng sông chưa có, chủ yếu tuần tra về an ninh trật tự và các hành vi khai thác gần bờ cũng như các hành vi khác của các tàu cát...

Ông Vũ Ngọc Đỉnh - Chủ tịch UBND  xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng - cho biết: Huyện Bù Đăng vẫn thường xuyên duy trì các tổ kiểm tra, chỉ đạo các xã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý.

Bình Phước: Doanh nghiệp khai thác cát từng "bức tử" sông Đồng Nai, có nên gia hạn giấy phép ? - Ảnh 9.

Những núi cát khổng lồ tại các điểm tập kết cát ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ảnh: T.N

Tuy nhiên, công tác xử lý tình trạng khai thác cát lậu gặp rất nhiều khó khăn, vì các đối tượng thường khai thác trộm từ nửa đêm đến rạng sáng. Thậm chí, khi bị lực lượng tuần tra phát hiện, các đối tượng nhanh chóng tránh sang địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng nên công tác truy bắt, xử lý rất khó khăn.

Trong khi vấn nạn "cát tặc" gây ra thảm họa sạt lở 2 bên bờ sông, hủy hoại môi trường, dẫn tới "bức tử" thượng nguồn sông Đồng Nai, vẫn chưa xử lý tận gốc. Nay, chỉ qua một văn bản cam kết suông từ doanh nghiệp đầy tai tiếng, gây hệ quả cho môi trường thượng nguồn sông Đồng Nai không kém gì "cát tặc".

UBND tỉnh Bình Phước lại nhiệt tình đề nghị gia hạn giấy phép khai thác cát cho doanh nghiệp này, khác nào tự tròng thêm vào cổ mình khó khăn, thách thức trong công tác xử lý "cát tặc", bảo vệ môi trường thượng nguồn sông Đồng Nai?