Nhìn chung, áp dụng mô hình lọc nước tuần hoàn trong nuôi cá "sông trong ao" sẽ tăng năng suất từ 5 đến 7 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với biện pháp nuôi truyền thống.
Bên cạnh mô hình nuôi cá “sông trong ao”, nuôi cá lồng trên sông, hồ cũng là một trong những giải pháp phát triển thủy sản theo hướng thâm canh đạt hiệu quả cao.
Với lợi thế của các dòng sông như sông Đà, sông Lô, sông Bứa và một số hồ, đập lớn, tiềm năng về cá lồng có thể khai thác trên địa bàn tỉnh còn khá lớn.
Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 1.832 lồng cá, trong đó lồng lưới kiểu mới là 1.713 chiếc, lồng truyền thống 119 chiếc, tăng 148 lồng các loại so với cùng kỳ năm 2019. Đầu tư nuôi cá lồng chi phí ban đầu khá thấp nhưng cho lợi nhuận cao.
Ông Triệu Quốc Trung ở khu 7, xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) cho biết: Gia đình ông có 14 lồng cá làm theo kiểu mới, hàn khung sắt và quây lưới, diện tích mỗi lồng khoảng 90m2; đầu tư chi phí hết khoảng 14 -15 triệu đồng/lồng.
"Sản lượng thu hoạch mỗi vụ có thể đạt khoảng 4 tấn cá/lồng, tương đương với 1ha mặt nước lớn. Với 14 lồng cá, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên, nuôi cá lồng cũng cần chú ý đến tình hình thời tiết, nhất là thiên tai để có phương án bảo vệ, di tản cá kịp thời, tránh thiệt hại do bão lũ gây ra...", ông Trung cho hay.
Có thể thấy, một trong những khó khăn thâm canh thủy sản hiện nay là tại các địa phương thiếu cán bộ chuyên môn về thủy sản.
Hầu như tại các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông chỉ có cán bộ có chuyên môn về trồng trọt, chăn nuôi, thú y chứ chưa có cán bộ kỹ thuật về thủy sản. Điều đó đã gây khó khăn rất lớn cho người nuôi khi cần tham vấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh…
Hơn nữa, tình hình biến đổi khí hậu những năm gần đây ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng cho nghề nuôi thủy sản. Chỉ tính một đợt mưa lớn trong tháng 9/2020, toàn tỉnh Phú Thọ đã có gần 1.000 ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng, trong đó thiệt hại nặng trên 623 ha; 62 lồng cá trên sông Đà bị ảnh hưởng do hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến thiệt hại hơn 920 tấn cá các loại…
Để phát triển thủy sản theo hướng thâm canh, bền vững, bên cạnh việc chú ý các yếu tố như kỹ thuật, khoa học công nghệ, mô hình; diễn biến thời tiết; trình độ kỹ thuật của người nuôi thì một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt là tiêu thụ sản phẩm.
Vài năm trở lại đây, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ đã đồng hành cùng với người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh tập trung xây dựng các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ; triển khai các chương trình, nội dung liên quan đến truy xuất nguồn gốc thủy sản; phối hợp với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến để xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản ổn định…
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong thời gian tới, ngành thủy sản sẽ tập trung định hướng tăng diện tích mặt nước và số lồng nuôi thâm canh với những loại cá có giá trị cao như nheo, diêu hồng, lăng, chép, trắm đen, chiên… và một số loại thủy sản khác...
Ngành thủy sản cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người nuôi thâm canh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; quản lý chặt việc sử dụng kháng sinh, chế phẩm hóa học; đẩy mạnh việc hỗ trợ xúc tiến và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu thủy sản Phú Thọ an toàn để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển thủy sản theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất và sản lượng song trên thực tế, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Vì thế, dần xóa bỏ tình trạng nuôi quảng canh, tập trung đầu tư thâm canh là định hướng phát triển quan trọng của ngành thủy sản trong thời gian tới.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, tổng diện tích nuôi thủy sản năm 2020 của tỉnh Phú Thọ đạt 10.865ha. Diện tích chuyên nuôi đạt 5.350ha, trong đó nuôi thâm canh đạt 2.026ha; diện tích nuôi tại các hồ chứa và ruộng 1 vụ đạt 5.515ha, (diện tích mặt nước lớn chiếm 2.315ha, diện tích ruộng 1 vụ chiếm 3.200ha).
Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt trên 40.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi đạt khoảng 37,5 nghìn tấn; sản lượng khai thác tự nhiên đạt trên 2,5 nghìn tấn. So với năm 2019 diện tích nuôi thâm canh đã tăng thêm gần 300ha.
Xu thế chung của các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay là đang chuyển dần sang nuôi thâm canh các loại cá có giá trị kinh tế cao, giảm dần một số loại cá truyền thống; trên một đơn vị diện tích mặt nước tăng mật độ thả nhiều loại cá với nhiều tầng ăn khác nhau; học tập và ứng dụng một số biện pháp nuôi thâm canh; đưa tiến bộ kỹ thuật vào thực tế…