Đây là những nguyên nhân được Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Công Tuấn chỉ ra cho kết quả tăng trưởng ấn tượng của ngành gỗ Việt Nam năm 2020, tại sự kiện khai mạc tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ diễn ra tại TP.HCM, ngày 14/4.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn năm 2020, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đạt được mục tiêu kép rất thành công với những con số có ý nghĩa lịch sử.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 2020 đạt hơn 13 tỷ USD, tăng hơn 16%, trong đó, ngành gỗ và đồ gỗ tăng trưởng hơn 16% với kim ngạch xuất khẩu 12,1 tỷ USD. Giá trị đồ gỗ và ghế là hai mặt hàng rất cơ bản, chiếm xấp xỉ 70% xuất khẩu gỗ.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng có 3 yếu tố để ngành gỗ tăng trưởng vượt bậc trong năm 2020 bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Thứ nhất: Chính là cùng với cả hệ thống chính trị và toàn dân, ngành gỗ đã kiên trì thực hiện chống dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đã thích ứng nhanh và xử linh hoạt những biến động của tình hình mới.
Thứ hai: Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng các doanh nghiệp, doanh nhân đã cố gắng và kịp thời ứng dụng công nghệ vào việc kinh doanh, kết nối thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế khiến chuỗi cung ứng trong ngành gỗ không bị đứt đoạn. Trong năm 2020, các hội chợ trực tuyến cũng đã diễn ra với nhiều hoạt động để giữ được chuỗi cung ứng cơ bản.
Ông đánh giá cao doanh nghiệp, doanh nhân trong khó khăn đã góp phần quan trọng phát triển nền kinh tế đất nước. "Trong bối cảnh đó, giữ được tốc độ tăng trưởng đã khó nhưng lại càng tăng lên", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Thứ ba: Theo ông trong tình hình khó khăn, với các chính sách hỗ trợ của nhà nước theo mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Thứ trưởng cho rằng nguồn ngân sách hỗ trợ thì "một miếng khi đói bằng gói khi no". Trong quá trình đó, chính các doanh nghiệp, doanh nhân cũng đã hỗ trợ, tiếp sức nhau trong mùa dịch.
Thứ trưởng thường trực Bộ NNPTNN Hà Công Tuấn cho rằng giai đoạn tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ là ngành quan trọng, cần tiếp tục gạn đục khơi trong, lựa thiên thời để thích ứng và thích ứng có hiệu quả trong điều kiện hiện nay.
"Chúng ta phải tiếp tục mở rộng thị trường. Tôi mong Hiệp hội, doanh nghiệp quyết tâm cao hơn nữa để giải quyết thách thức biện nay với toàn ngành, truy xuất nguồn gốc, phải có nguồn gốc hợp pháp và kiên quyết không dung thứ hành vi gian lận thương mại. Hiện chúng ta đang lợi thế nếu không làm tốt sẽ chuyển từ thuận lợi thành bất lợi", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông chỉ rõ đối thủ của ngành chính là những doanh nghiệp làm ăn gian dối, gỗ bất hợp pháp. Còn đối tác của ngành chính là các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính trong và ngoài nước.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh toàn cầu, các doanh nghiệp cần mở rộng hợp tác và thương mại từ hữu tuyến lẫn trực tuyến, kết nối không biên giới và phải xoá bỏ hoàn toàn tư duy cục bộ.
Với kết quả đã đạt được, Thứ trưởng kỳ vọng uy tín của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam sẽ được nâng trên bảng xếp hạng toàn cầu, từng bước khẳng định được như ngành cao su, lúa gạo đã có thời gian qua.
Tuần lễ Giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ diễn ra từ ngày 12-19/4, được tổ chức bởi Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA). Điểm đặc biệt của tuần lễ giao thương này là vừa kết nối trực tiếp vừa kết nối trực tuyến các doanh nghiệp trong ngành.
Đây được xem là sự kiện giao thương đặc biệt diễn ra đúng thời gian "vàng" trong công tác đặt hàng thường diễn ra trong tháng 3 và tháng 4 hàng năm. Sự kiện được kỳ vọng giải quyết được các điểm thắt nút trong công tác giao thương của thị trường nội thất thế giới, đang bị cản trở bởi Covid-19 thời gian qua.