Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn: Đóng cửa rừng tự nhiên không có nghĩa là "rào kín"

Khương Lực Thứ hai, ngày 28/12/2020 11:51 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho rằng, đóng cửa rừng tự nhiên chúng ta không hiểu cực đoan ở nghĩa rào kín, không có một hoạt động gì khác. Khi đóng cửa rừng tự nhiên, chúng ta phải tăng vai trò của dịch vụ môi trường rừng cũng như phát triển cây dưới tán, nhất là dược liệu.
Bình luận 0

Ông Hà Công Tuấn đánh giá, nhờ thực hiện quyết liệt giải pháp đóng cửa rừng tự nhiên, hàng năm chúng ta không khai thác gỗ rừng tự nhiên, đồng thời với đó là việc kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn: Đóng cửa rừng tự nhiên không có nghĩa là "rào kín" - Ảnh 1.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn: Đóng cửa rừng tự nhiên chúng ta không hiểu cực đoan ở nghĩa rào kín, không có một hoạt động gì khác. Ảnh: K.Lực

Theo chiến lược đã đề ra, ngành lâm nghiệp định hướng duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42% và tập trung vào nâng cao chất lượng rừng. Để làm được điều này, Bộ NNPTNT sẽ đề ra những giải pháp cụ thể như thế nào?

- Đến cuối năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng cả nước đạt 42%, cao hơn ngưỡng bình quân của thế giới. Tuy vậy, chúng ta cũng thẳng thắn, nghiêm túc nhìn lại trong khoảng 14,6 triệu ha rừng có khoảng 10,4 triệu ha rừng tự nhiên. Trong đó, tỷ lệ rừng có chất lượng cao mà mọi người vẫn gọi là rừng tự nhiên nguyên sinh chỉ khoảng 15-16%, còn lại khoảng 50% rừng trung bình và 35% rừng nghèo. 

Có thể nói đấy là rừng tự nhiên đã có tác động của con người, tác động chủ yếu là khai thác trong nhiều năm qua. Hầu hết diện tích này chúng ta đã khoanh nuôi, tái sinh trong vòng hơn 10 năm qua, đến nay chất lượng rừng này vẫn còn thấp. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn: Đóng cửa rừng tự nhiên không có nghĩa là "rào kín" - Ảnh 2.

Lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đăk Lăk) đi bộ băng rừng để tuần tra những diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ. . Ảnh: K. Lực

Rừng trồng của chúng ta có hơn 4,3 triệu ha, trong đó khoảng 3,6 triệu ha rừng trồng phục vụ cho lấy gỗ, tức rừng sản xuất. Năng suất rừng trồng của nước ta còn thấp hơn bình quân của thế giới rất nhiều. 

Năm 2020, rừng trồng của chúng ta mới bình quân 1 chu kỳ, xấp xỉ được 100 m3 cho 1 chu kỳ, như vậy là rất thấp. Năng suất rừng trồng của nước ta thấp có mấy lý do, không chỉ về năng suất của cây rừng mà chu kỳ kinh doanh của chúng ta quá ngắn. 

Chúng ta chủ yếu sau 4-6 năm đã khai thác, diện tích ấy rõ ràng đường kính cây còn rất nhỏ nên giá trị nó không cao, vì nó chỉ phục vụ chủ yếu cho dăm và viên nén. Vì thế, chúng ta phải kéo dài chu kỳ này ra.

Nói tóm lại, trong những năm tới, với quy mô dân số gần 100 triệu và định hình phát triển lên khoảng 120 triệu dân thì chúng ta hướng tới độ che phủ của rừng ổn định khoảng 42%. Nhưng chúng ta phải điều chỉnh để nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên. 

Đối với rừng tự nhiên, chúng ta phải khoang lại, chống chặt phá pháp luật một cách nghiêm túc, làm cho rừng phục hồi từ tái sinh lên. Tất nhiên, chúng ta không thể nói một sớm, một chiều mà phải mất hàng chục năm, thậm chí để nó trở thành rừng như nguyên thủy ban đầu phải mất hàng trăm năm. Đây cũng là kinh nghiệm của thế giới. 

Đối với rừng trồng, chúng ta phải cải thiện cơ cấu cây trồng, trước hết là giống cho rừng sản xuất là phải giống có năng suất cao hơn, kéo dài chu kỳ để chất lượng rừng tăng lên. Đồng thời, chúng ta phải tăng cường lựa chọn tập đoàn cây bản địa để bổ sung vào rừng phòng hộ, đặc dụng. Như vậy, chúng ta đã nâng cao được trữ lượng và đa dạng sinh học. 

Muốn đa dạng sinh học, chúng ta không chỉ trồng bổ sung, khoanh nuôi mà phải có các giải pháp kỹ thuật lâm sinh để điều chỉnh tổ thành loài cho phù hợp. Đã là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì phải đa tầng, đa tán và như thế sức hấp thụ cacbon sẽ tăng lên và khả năng lưu trữ nước, chống xói mòn sẽ tăng lên rất nhiều.

Năm 2020 là năm thứ 7, cả nước ta thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo số liệu cập nhật mới nhất, 20 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên tăng lên, nhưng cũng có 33 tỉnh có diện tích rừng giảm xuống như: Đắc Lắc, Đắk Nông... diện tích rừng tự nhiên mất rất nhiều. Vậy, Thứ trưởng đánh giá việc đóng cửa rừng, đối với các tỉnh mang lại thuận lợi, khó khăn gì?

- Từ năm 2014, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt các giải pháp rất đồng bộ về đóng cửa rừng tự nhiên. Đóng cửa rừng tự nhiên ở đây là chúng ta không có cấp chỉ tiêu khai thác gỗ và cũng không giải quyết các nhu cầu khác mà chặt gỗ từ rừng tự nhiên. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn: Đóng cửa rừng tự nhiên không có nghĩa là "rào kín" - Ảnh 4.

Từ năm 2010 đến nay, các cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Núi Chúa cùng chính quyền địa phương bảo vệ rừng tự nhiên, đồng thời hỗ trợ người dân trong xã phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ rừng để bán cho du khách hoặc tham gia tổ hoạt động du lịch sinh thái.

Nhưng đóng cửa rừng tự nhiên chúng ta không hiểu cực đoan ở nghĩa rào kín, không có một hoạt động gì khác mà phải tăng vai trò của dịch vụ môi trường rừng cũng như phát triển cây dưới tán, nhất là dược liệu.

Việc đóng cửa tự nhiên là một tầm nhìn chiến lược trước yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là giải pháp nhất quán không chỉ trong giai đoạn 7 năm vừa qua mà chúng tôi được biết dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Trung ương cũng chỉ đạo kiên quyết việc này.

Nhờ giải pháp quyết liệt ấy, hàng năm chúng ta không có khai thác gỗ rừng tự nhiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng. Có thể nói từ khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư có Chỉ thị 13-CT/TW, vài năm qua chúng ta đã kiểm soát rất chặt chẽ trên 3.000 dự án đề nghị có chuyển mục đích sử dụng rừng. 

Đến nay, Chính phủ đã ban hành hệ thống pháp luật và chỉ đạo các bộ ngành giám sát rất chặt chẽ nên mới giải quyết có hơn 3,6% số dự án, đặc biệt số diện tích từ diện tích đề nghị đến diện tích cho phép chuyển đổi, chuyển mục đích chỉ là 1,81%. Điều này góp phần rất lớn, rất có ý nghĩa trong việc chúng ta hạn chế mất rừng tự nhiên. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng một số khu vực hiện nay thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ chưa có hiệu quả. Hay nói khác đi, một số nơi còn có vi phạm, thực hiện thiếu nghiêm túc cho nên tình trạng phá rừng, nhất là rừng tự nhiên vẫn xảy ra, nhất khu vực Tây Nguyên và một số khu vực ở miền núi phía Bắc - những vùng có gỗ quý hiếm, có nhu cầu lấy đất, nhất là đất tốt cho sản xuất.

Chúng ta không thể để người dân khó khăn về cuộc sống trong khi chúng ta cứ chỉ nói một chiều đóng cửa rừng bằng mọi giá. Nếu làm như thế, tôi cho rằng kinh nghiệm thực tiễn của đất nước ta là rất khó, có khi lợi bất cập hại. Đây cũng là bài học, kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn

Đất nước ta là đất nước đang phát triển, dứt khoát không tránh khỏi chúng ta phải có một số yêu cầu của thực tiễn để phát triển kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng cho quốc phòng, an ninh. Chúng ta đương nhiên sẽ phải có tác động vào diện tích rừng, trong đó có rừng tự nhiên nhưng phải kiểm soát rất chặt chẽ. 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta phát triển kinh tế, nhưng chúng ta không đánh đổi giá trị môi trường bằng mọi giá. Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, đồng thời phải tăng cường các giải pháp, trừng trị những kẻ phá rừng trái pháp luật.

Cùng với đó, chúng ta cũng phải giải quyết đời sống cho người dân miền núi. Chúng ta không thể để người dân khó khăn về cuộc sống trong khi chúng ta cứ chỉ nói một chiều đóng cửa rừng bằng mọi giá. Nếu làm như thế, tôi cho rằng kinh nghiệm thực tiễn của đất nước ta là rất khó, có khi lợi bất cập hại. Đây cũng là bài học, kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Nhật Bản chủ trương tự nhiên hóa rừng trồng

Các nước đã trải qua như đất nước chúng ta - Nhật Bản chẳng hạn, sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, họ gần như không còn rừng tự nhiên. Nhưng với sự phát triển kinh tế tăng lên, giải quyết tốt đời sống của người dân thì họ sẽ không phá rừng để lấy đất nữa.

Bây giờ các nước như Nhật Bản, Đức…, họ đã có điều kiện tự nhiên hóa rừng trồng, tức là rừng trồng rất lâu năm nay họ không chặt nữa. Và như thế họ có điều kiện để tác động rừng trồng một thế hệ ấy thành rừng nhiều thế hệ - đa tầng, đa tán và đa dạng sinh học cao hơn.

Xuất khẩu gỗ cán đích 12,5 tỷ USD

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 11/2020 đạt 1,24 tỷ USD, tăng 28,6% so với tháng 11/2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,01 tỷ USD, tăng 32,1% so với tháng 11/2019. Trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến năm 2020 đạt 12,5 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ trong thời gian qua là nhờ các chính sách của Chính phủ và các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết như: CPTPP, EVFTA.

Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới có mức độ cam kết cao, toàn diện sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu sang các thị trường.

Các Hiệp định cũng tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ.

Các nước ký Hiệp định thường đưa ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4 - 6 năm cho ngành gỗ Việt Nam; giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem