Vì sao tỉnh Đồng Nai quyết định "buông tay", ngừng hỗ trợ vaccine với người nuôi gia cầm?

Trần Khánh Thứ hai, ngày 12/04/2021 16:07 PM (GMT+7)
Việc tỉnh Đồng Nai ngừng hỗ trợ vaccine với bệnh cúm gia cầm và Newcatle được cho là sẽ tạo động lực để nông hộ tăng cường trách nhiệm, tạo ra hệ miễn dịch tốt hơn. Theo đó, ngành chăn nuôi Đồng Nai sẽ phát triển hiệu quả và bền vững hơn.
Bình luận 0

Người chăn nuôi Đồng Nai "không sợ" dịch bệnh gia cầm

Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn gia cầm lớn thứ hai cả nước, với gần 25,5 triệu con. Trong số đó, đàn gà chiếm hơn 93%. Theo Cục Thống kê tỉnh, đến tháng 3/2021, tổng đàn gà đạt gần 24 triệu con, tăng 8,58% so quý 1 năm ngoái.

Cục Thống kê cho biết, đàn gà của tỉnh tăng cao do Đồng Nai đã thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi an toàn, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. 

Nhiều cơ sở, trang trại tham gia sản xuất chăn nuôi an toàn sinh học, đã hạn chế được rủi ro dịch bệnh, giảm tỷ lệ hao hụt, và đạt lợi nhuận cao.

Trên diện tích nửa hecta, trại gà giống của ông Phạm Văn Giới ở xã Phú Túc (Định Quán) thuộc diện chăn nuôi quy mô lớn. Trước đây, trại thường xuyên duy trì tổng đàn 20.000 con gà bố mẹ.

Từ năm ngoái, tình hình tiêu thụ gia cầm gặp khó do dịch Covid-19, nên ông Giới đã chủ động giảm đàn xuống còn phân nửa. Hiện mỗi tuần, ông xuất bán khoảng 20.000 con gà giống.

Ông Giới cho biết, nuôi gà giống phải qua nhiều công đoạn phức tạp, khó khăn hơn nuôi gà thịt. Khó nhất là khâu kỹ thuật, phải đảm bảo đàn gà cho năng suất cao, gà con ít bị bệnh.

Trang trại chăn nuôi gà giống của ông Giới

Trang trại chăn nuôi gà giống của ông Giới

Là trại chăn nuôi quy mô lớn, ông Giới cho rằng việc không được hỗ trợ tiêm phòng vaccine không quan trọng. Người chăn nuôi phải có ý thức tự bảo vệ mình là chính.

Nếu nhiễm dịch, việc gây nuôi lại một đàn gà thịt rất tốn kém. Với đàn gà giống, phải mất gần 2 năm mới gầy lại được lứa mới. 

Vì thế, ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt công tác tiêm phòng. "Hơn 10 năm chăn nuôi, trại gà giống của tôi chưa một lần nhiễm bệnh cúm gia cầm và Newcatle", ông Giới nói.

Đàn gà của huyện Cẩm Mỹ nằm trong chương trình xây dựng vùng an toàn dịch để xuất khẩu thịt gà sang Nhật

Đàn gà của huyện Cẩm Mỹ nằm trong chương trình xây dựng vùng an toàn dịch để xuất khẩu thịt gà sang Nhật

Ông Nguyễn Văn Đài ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) kể, từ năm 2020 trở về trước, chính quyền vẫn hỗ trợ tiêm phòng cho hộ nuôi gà từ 5.000 con trở xuống. Theo đó, nông hộ được được hỗ trợ miễn phí 2 đợt đầu tiên, 4 đợt tiếp theo thì tự lo.

Tuy nhiên, mỗi liều vắc xin có giá chưa tới 300 đồng/liều. Số tiền mua vaccine phòng bệnh sẽ không đáng kể với người chăn nuôi số lượng lớn. Bản thân ông đang nuôi 10.000 con gà nên phải hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm dịch.  

"Huyện Cẩm Mỹ nằm trong chương trình xây dựng vùng an toàn dịch để xuất khẩu thịt gà sang Nhật nên chăn nuôi an toàn dịch lại càng được đề cao", ông Đài cho hay.

Nâng cấp nghề chăn nuôi

Ông Trần Đình Sỹ - Trưởng trạm Chăn nuôi thú y huyện Cẩm Mỹ cho biết, việc ngừng hỗ trợ tiêm phòng vaccine bắt đầu từ năm 2021 là lộ trình đã được tính đến từ lâu. Việc triển khai chỉ gặp có chút khó khăn thời gian đầu với các hộ nuôi quy mô gia đình.

Việc ngừng hỗ trợ vaccine chỉ gặp có chút khó khăn thời gian đầu với các hộ nuôi quy mô gia đình

Việc ngừng hỗ trợ vaccine chỉ gặp có chút khó khăn thời gian đầu với các hộ nuôi quy mô gia đình

Đàn gà trong các hộ này không nuôi theo quy mô sản xuất hàng hóa lớn, ý thức tiêm phòng của chủ hộ còn thờ ơ. Còn với các hộ chăn nuôi quy mô từ 1.000 con trở lên, sau nhiều bài học cay đắng, việc tiêm phòng là nhu cầu tất yếu để bảo vệ tài sản. Người nuôi chỉ bỏ ra một số tiền nhỏ nhưng giảm thiểu được thiệt hại về sau.

Ông Sỹ kể, từ cuối năm 2020, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đánh giá huyện Cẩm Mỹ đã hình thành được vùng an toàn dịch đối với cúm gia cầm và Newcastle. Việc giữ vững vùng an toàn dịch được ngành thú y đặc biệt chú trọng.

Mạng lưới cộng tác viên cơ sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ. Song song đó là công tác kiểm tra nghiêm ngặc từ nguồn giống đầu vào, quá trình chăn nuôi cho đến suất bán.

Người chăn nuôi gà thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng vaccine.  Ảnh: Phước Bình

Người chăn nuôi gà thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng vaccine. Ảnh: Phước Bình

Theo Sở NNPTNT tỉnh, Đồng Nai hiện đã có hơn 660 trang trại được chứng nhận an toàn dịch. Tỉnh đang duy trì 38 xã vùng đệm, 5 vùng an toàn dịch đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle.

Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, 90% tổng đàn gia cầm của Đồng Nai tập trung ở các trang trại, doanh nghiệp nên công tác an toàn dịch thực hiện tốt. Để giữ vững vùng an toàn dịch đã được Cục Thú Y công nhận, 10% còn lại thuộc các hộ nhỏ lẻ sẽ được các địa phương tập trung kiểm soát.

"Việc ngừng hỗ trợ tiêm phòng vaccine nhằm tạo áp lực để nông hộ tăng cường trách nhiệm cộng đồng. Qua đó giúp ngành chăn nuôi gia cầm được từng bước nâng cấp, tạo ra hệ miễn dịch cộng đồng cao hơn, ngành chăn nuôi sẽ phát triển hiệu quả và bền vững hơn", ông Sinh chỉa sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem