Dân Việt

Kể chuyện làng: Làng Yên Phụ

Nhất Mạt Hương 08/05/2021 14:03 GMT+7
Đó không phải là Yên Phụ ở Tây Hồ - Hà Nội mà là tên một làng thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Tôi không sinh ra ở đây nhưng dạy học ở đó đã hơn mười năm.  Nên có những điều còn biết, hiểu hơn cả ở làng mình.

Kể chuyện làng: Làng Yên Phụ - Ảnh 1.

Gọi là làng nhưng thực ra đó là tên của xã. Địa danh hành chính vẫn gọi xã Yên Phụ nhưng trong đời sống hàng ngày, người ta vẫn coi cả 5 thôn chung một làng. Có nhiều điều gắn kết từ xa xưa cũng như nhiều phong tục tập quán của làng còn đậm đặc và lưu truyền qua bao năm bao tháng; ấn tượng nhất là hội làng. Đó là hội chung của cả 5 thôn, tổ chức rất lớn và diễn ra thường niên.  

Hội làng rầm rộ khắp từ khu trung tâm đến đình, chùa, đền, miếu... Phần lễ rình rang, nhộn nhịp.Thú nhất là có đủ mọi trò từ truyền thống đến hiện đại. Nào cờ người, đấu vật đến bóng đá, bóng chuyền. Giải thưởng rất to nên thu hút nhiều nhân tài từ khắp các tỉnh thành miền Bắc tham gia. Tôi luôn ngạc nhiên với những dòng người ùn ùn đổ về sân đình ken dày vòng trong vòng ngoài, tầng trên tầng dưới mỗi buổi chiều diễn ra hội vật. Đúng cảnh đông như nêm cối. 

Hội làng nhưng cảm giác không thua gì các lễ hội lớn của quốc gia. Có những năm, ban tổ chức còn chịu chi, mời hẳn đội bóng chuyền nữ quốc gia về thi đấu giao lưu và cổ vũ cho các cuộc tỉ thí, tranh tài. Dân tình phấn khích vô cùng vì tận mắt chững kiến những cô gái tài năng, xinh đẹp đón bóng, chuyền bóng ngay tại quê mình. Còn được bắt tay, chụp ảnh thật gần. Mà nhân vật trung tâm một thời là cô gái vàng Kim Huệ.

Kể chuyện làng: Làng Yên Phụ - Ảnh 2.

Người Yên Phụ ăn hội to và tốn kém hơn ăn Tết. Hội Yên Phụ hoành tráng là niềm mong chờ cho người dân của cả vùng. Người ta nhẩm nhớ 17, 18, 19 tháng giêng để đổ về dự hội. Kinh phí tổ chức không hề nhỏ là kết quả từ việc đóng góp của dân, ủng hộ của các mạnh thường quân. Người dân Yên Phụ vốn nhanh nhạy và làm kinh tế giỏi. Học trò có lần kể với tôi: cô ơi, các bạn nơi khác cứ bảo Yên Phụ là "Tàu 2". Bật cười. Ý các bạn là Yên Phụ hàng hóa đa dạng, cái gì cũng có, cũng đúng còn gì. 

Quả thật, Yên Phụ có chợ đầu mối hoa quả chả khác gì chợ Long Biên; các mặt hàng gia dụng, quần áo, giày dép, đồ điện tử cũng bạt ngàn, chẳng thiếu thứ gì. Chỉ cần loanh quanh chợ Núi và các cửa hàng hai bên đường là có thể mua sắm đủ mọi nhu cầu. Chưa kể còn vô số các cửa hàng, cửa hiệu, đại lí trong các xóm ngõ. Giá cả thì bao giờ cũng mềm mại hơn thị trấn và  các trung tâm lớn dù chất lượng không hề thua kém. Đó là điều thích thú của nhiều người trong đó có các cô giáo quê xa khi về dạy Yên Phụ. 

Như để bù dắp cho những vất vả khi ngày ngày phải vượt qua quãng đường xa vời vợi, gập ghềnh. Yên Phụ sầm uất và tấp nập với các hoạt động buôn bán từ sáng sớm đến đêm khuya; người Yên Phụ năng động và chịu khó. Từ bọn trẻ con cấp 1 đến các cụ già đều có thể kiếm tiền những lúc rảnh rỗi từ việc bóc bánh nem, đan hàng mã, nhặt dây dứa, gói bánh...

Nhưng thật lạ, kinh tế Yên Phụ phát triển như thế nhưng ở đây vẫn còn nhiều nét cổ khi vẫn lưu luyến những nếp cũ, phong tục xưa.

Kể chuyện làng: Làng Yên Phụ - Ảnh 3.

Không chỉ riêng tôi mà nhiều người ấn tượng với cách sắp cỗ ở Yên Phụ. Cách đây khoảng mấy năm mà cỗ vẫn sắp ngồi 4. Vô cùng tốn chén đũa, mâm bát. Người Yên Phụ vẫn ăn sâu tư tưởng trọng nam khinh nữ nên nhiều nhà đông con vì phải cố bằng được con trai cho có người nối dõi. Đàn ông vẫn có nhiều đặc quyền hơn phụ nữ. Vẫn còn hình thức chọn quan đám- là người được lựa chọn kĩ lưỡng và đáp ứng được nhiều quy định khe khắt của làng. Vừa là vinh dự nhưng đồng thời cũng gánh bao nhiêu nghi lễ, trách nhiệm. Tốn kém cả thời gian và tiền bạc.

Trọng nếp cổ nên cỗ bàn ở Yên Phụ cũng lê thê, nhiều thủ tục. Thú vị nhất là cỗ khao thọ. Đến giờ vẫn có những nhà tổ chức khao thọ từ 60 tuổi như tục lệ từ xưa. Dù ở tuổi đó ngày nay nhiều cụ còn rất trẻ, khỏe (cụ 90 còn đi làm, đi chợ nhoay nhoáy mà). Cỗ khao thọ thì cầu kì, chuẩn bị vất vả. Vì ngoài những món mặn còn một mảng nữa là món ngọt với đủ thứ xôi chè, bánh trái, sơ sơ khoảng 10 loại. Đồ bày mâm, đồ gói làm quà. Khách ở xa được mời ăn cỗ khao thọ ở đây không khỏi nắc nỏm, xuýt xoa ; mắt tròn, mắt dẹt.

 Làng Yên Phụ cổ vì còn có những di tích mang màu sắc thời gian, huyền thoại. Chùa làng nghe nói ngày xưa là chùa trăm gian rất bề thế, dẫu bây giờ đã bị thu hẹp đi nhiều. Giếng cô Tiên, miếu Bạch Kê vẫn phảng phất huyền tích cũ. Về kho lương của Lý Thường Kiệt, chuyện con gà trắng giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Những con đường, xóm ngõ dài dặc ngoằn ngoèo nối các thôn quy tụ về hướng núi. Những con dốc bất ngờ đổ dài các ngả tạo nên nét riêng của Yên phụ với các xóm làng thôn xã khác ở xung quanh.

Nên cứ thấy Yên Phụ thật đặc biệt. Người già trong làng gọi mảnh đất này là "đất tiên đất bụt" và người ở xa về thì đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngôi làng vừa cổ kính lại vừa hiện đại, vừa dân dã lại vừa nhanh nhạy. Con người vừa chịu thương chịu khó nhưng cũng rất biết nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó chẳng phải là điều hiếm có và thú vị lắm sao?