Những hộ nông dân tiên phong trong trồng trà hoa vàng và cây ba kích hiện nay đều là những hộ khá giàu.
Là một trong những hộ đầu tiên ở Tam Đảo trồng ba kích với quy mô lớn, anh Nguyễn Văn Sô, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo) cho biết, trước đây, hơn 1 ha đất đồi của gia đình chỉ trồng sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2011, sau khi được một người bạn ở Quang Ninh chia sẻ về lợi ích từ trồng ba kích và thấy ngày càng có nhiều thương lái về Tam Đảo tìm mua ba kích rừng với giá cao, anh đã cải tạo khu đất đồi để ươm giống, trồng thử ba kích.
Sau mấy tháng trồng, thấy cây phát triển tốt, anh tiếp tục nhân giống, mở rộng diện tích trồng lên hơn 1 ha.
Theo anh Sô, kỹ thuật trồng, chăm sóc ba kích không khó, Nếu chăm sóc tốt, sau 4 đến 5 năm trồng, trọng lượng củ sẽ đạt từ 1.000 - 1.400 kg/sào.
Hiện phần lớn ba kích được xuất bán đi Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh: Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Nam với giá ba kích bán bình quân từ 120.000 đồng – 150.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Văn Long, khu Đông Hội, thị trấn Đại Đình (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc)- một trong những người thực hiện thành công việc di thực trà hoa vàng từ trên núi Tam Đảo về trồng ở vườn nhà.
Ông Văn Long cho biết, gia đình ông có trên 5.000m2 đất đồi. Trước đây, toàn bộ diện tích đất này chỉ trồng cây ăn quả, hải đường đỏ.
Năm 2014, sau khi được tham gia các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm trồng trà hoa vàng ở nhiều nơi, gia đình ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất vườn sang trồng khoảng 2000-3000 cây trà hoa vàng các loại ở độ tuổi khác nhau.
Nhờ thực hiện tốt các kỹ thuật chăm sóc, đến nay, gia đình ông Long đã nhân giống và xây dựng được thương hiệu “Trà hoa vàng Hoàng Long” với nhiều loại trà được thị trường tin dùng như: Kim hoa trà, trà hoa vàng Tam Đảo, trà hoa vàng lá dày, hải đường vàng…
Theo ông Long, năm 2020, vườn trà hoa vàng của gia đình ông cho thu hoạch với 80kg hoa tươi. Dự kiến năm 2021 cho thu hoạch khoảng 100kg hoa tươi, cho thu lãi từ bán hoa trà khoảng 150 - 200 triệu đồng, bán lá trà 50 - 100 triệu đồng và bán cây con giống từ 200 - 300 triệu đồng.
Cũng mạnh dạn chuyển gần 2 ha đất trồng sắn, bạch đàn sang trồng trà hoa vàng từ năm 2010, ông Nguyễn Văn Sâm, thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan cho biết, trà hoa vàng trồng khoảng 3 năm sẽ cho thu hoạch.
Trung bình mỗi vụ, 1 gốc trà cho khoảng 1 kg hoa, nụ tươi. Cây trà hoa vàng càng lâu năm thì hoa càng nhiều. Với 2 ha trồng trà hoa vàng, từ tháng 10/2020 đến nay, gia đình ông hái được hơn 2 tạ hoa tươi, bán với giá bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/kg.
Tính từ năm 2015 đến nay, vườn trà hoa vàng đem lại thu nhập cho gia đình ông từ 300 - 500 triệu đồng/năm, cao hơn gấp hàng chục lần so với trồng sắn, trồng khoai.
Theo thống kê của UBND huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), toàn huyện có trên 70 ha trồng cây dược liệu, trong đó có 15 ha ba kích, tập trung ở xã Đạo Trù, gần 20 ha trà hoa vàng ở xã Tam Quan, thị trấn Đại Đình và hàng chục ha các loại cây dược liệu khác như: Cà gai leo, đinh lăng, giảo cổ lam, tam thất, náng hoa trắng…
Để giúp các hộ dân vươn lên làm giàu, đạt và vượt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới và bảo tồn, phát triển các loại dược liệu quý này, những năm qua, huyện Tam Đảo đã tăng cường các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân.
Huyện Tam Đảo xây dựng Đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023, với mục tiêu đưa vào bảo tồn hơn 250 loài cây dược liệu, lưu giữ nguồn den đặc hữu, bản địa có giá trị và nguy cơ tuyệt chủng cao.
Cùng với đó, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đẩy mạnh việc quy hoạch, phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu; thành lập các cơ sở liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các sản phẩm dược liệu đặc trưng phục vụ khách du lịch và nhu cầu thị trường.