Trồng loài cây hoa thụ phấn xong biến thành củ, dân Bình Định nhổ bán giá cao, nhà nào cũng trúng
Bình Định: Trồng thứ cây ra hoa vàng "chui" xuống đất thành ra củ, nhổ gốc lên nhà nào cũng kêu trúng mùa được giá
TRƯỜNG GIANG - MỘC MIÊN - THANH TRỌN
Chủ nhật, ngày 09/05/2021 05:44 AM (GMT+7)
Năm nay toàn tỉnh Bình Định được mùa đậu phụng, hơn nữa đậu phụng lại được giá, cao hơn năm trước khá nhiều. Trong số những người trồng đậu phụng có nhiều người vừa chuyển đổi năm đầu tiên và ai cũng phấn khởi. Vì thế có thể nhắc đến cái được thứ ba, ấy là chính sách đúng được lòng dân.
Vụ Đông Xuân năm nay, nông dân huyện Phù Cát trồng 3.664 ha đậu phụng, vượt 1,8% kế hoạch, tăng 65 ha so với cùng kỳ; trong đó có 2.609 ha đậu phụng thuần và 1.055 ha đậu phụng xen mì.
Đậu phụng trồng tập trung nhiều ở các xã: Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Trinh, Cát Tài, Cát Hải, Cát Hanh, Cát Sơn…
Kết quả thu hoạch cho thấy năng suất bình quân đạt gần 42 tạ/ha, với giá đậu phụng ổn định ở mức 23.000 - 26.000 đồng/kg, người trồng đậu phụng lãi tới khoảng 70 triệu đồng/ha, nên rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh, kể: Với 1,8 ha đậu phụng, năm nay gia đình tôi lãi hơn 140 triệu đồng, trên cùng chân đất ấy chưa loại cây trồng nào mang lại mức lãi cao như vậy. Lãi cao, được Nhà nước khuyến khích trồng, hỗ trợ thêm về KHKT, giống mới nên nông dân yên tâm đầu tư.
Với 855 ha - trong đó có 265 ha đậu phụng thuần và 590 ha đậu phụng xen mì - Cát Hiệp là xã trồng nhiều đậu phụng nhất huyện Phù Cát.
Để tiến tới đảm bảo lợi ích bền vững, vụ Đông Xuân vừa qua, Cát Hiệp đồng thời thực hiện 3 mô hình/50 ha cánh đồng mẫu lớn sản xuất đậu phụng xen mì.
Ông Nguyễn Tôn Hiến, Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp cho biết: “Toàn bộ diện tích đất trước đây trồng 1 vụ mì/năm, đất quanh vườn nhà, đất sản xuất lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng đậu phụng; năng suất đậu phụng ở đây khoảng hơn 42 tạ/ha. Trên diện tích đậu phụng sau khi thu hoạch, nông dân đưa vào sản xuất các loại cây trồng khác như: Bắp lai, mè, dưa hấu… nhờ đó thu nhập trên cùng một chân đất, cùng một diện tích đã tăng lên gấp hơn 5 lần so với trước!”.
Tây Sơn tích cực hỗ trợ người trồng đậu phụng
Vụ Đông Xuân vừa qua, toàn huyện Tây Sơn trồng hơn 1.500 ha đậu phụng, tăng 303,4 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhiều nhất là xã Bình Thuận trên 748 ha; năng suất bình quân toàn huyện đạt hơn 40 tạ/ha.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho hay: “Năm 2020 toàn xã Bình Thuận có 350 ha đậu phụng, sang vụ Đông Xuân 2020 - 2021 con số này tăng lên hơn 742 ha. Cách đây chừng 3 năm, năng suất đậu phụng Đông Xuân vào tầm 30 tạ/ha, nhờ được các cấp các ngành hỗ trợ từ kỹ thuật canh tác đến cây giống, năng suất đậu phụng tăng cao liên tục và đến vụ này lên tới 41,1 tạ/ha”.
Tây Sơn là địa phương rất tích cực trong việc hỗ trợ người trồng đậu phụng. Khi người tiêu dùng có xu hướng quay lại với các sản phẩm thủ công, dầu phụng được ưa chuộng, UBND huyện sớm hỗ trợ các địa phương phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đăng ký sản phẩm OCOP để giúp nông dân phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang, cho hay: Cùng với việc đầu tư mua 2 máy ép dầu công nghệ cao để tự mua đậu ép lấy dầu, mở dịch vụ ép dầu phụng phục vụ nông dân, chúng tôi cũng tích cực hoàn thiện thủ tục để đăng ký nhãn hiệu “Dầu phụng Hà Nhung”.
Cây đậu phụng vững vàng trên chân đất Phù Mỹ
Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Phù Mỹ trồng 1.646,4 ha đậu phụng. So với nhiều loại cây trồng cạn khác như dưa hấu, ớt, cây đậu phụng được nông dân tin tưởng vì ổn định hơn về giá và đầu ra.
Hiệu quả kinh tế cao từ cây trồng này khiến vụ vừa qua, nông dân xã Mỹ Quang mạnh dạn chuyển 50 ha đất lúa kém hiệu quả, đất trồng mì sang trồng đậu phụng và đáng mừng là toàn bộ các diện tích này đều thắng lớn so với trước.
Ông Trần Đình Văn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Quang, cho biết: Năng suất đâu phụng bình quân rất khá - 39 tạ/ha. Cái hay là ngay ở vụ chuyển đổi đầu tiên, bà con đã áp dụng biện pháp tưới phun sương tiết kiệm vừa được hướng dẫn, nên chi phí đầu tư thấp, năng suất lại khá, nên nông dân lãi từ 4 - 5 triệu đồng/sào.
Tại xã Mỹ Châu, nơi có diện tích đậu phụng lớn nhất huyện Phù Mỹ, ông Lê Việt Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, vụ này toàn xã trồng 405 ha đậu, ở đây bà con thu hoạch đến đâu bán đậu tươi tại ruộng đến đó. Năm nay đậu được mùa, được giá, giá đậu phụng bình quân 12.000 - 14.500 đồng/kg đậu phụng tươi, cao hơn năm ngoái một chút nên ai cũng vui, rủ nhau mở rộng diện tích đậu.
Đang thu hoạch đậu trên cánh đồng thôn Vĩnh Nhơn, ông Trần Văn Đông phấn khởi: “Năm ngoái giá đậu phụng khô từ 18.000 - 22.000 đồng/kg, năm nay giá đậu phụng khô tăng lên tới 24.000 đồng/kg. So với trồng dưa, ớt, hành thì trồng đậu phụng ít phải lo lắng, suy nghĩ hơn. Giá bán đậu phụng ổn định đã đành mà bây giờ nếu muốn lãi nhiều hơn mình còn có thể đem ép dầu bán sau”.
Hiện nay tại huyện Phù Mỹ, đặc biệt là tại các xã Mỹ Tài, Mỹ Hòa đã xuất hiện nhiều cơ sở ép dầu, trong đó có cả một số cơ sở sử dụng thiết bị ép lạnh hiện đại vừa phục vụ nhu cầu của nông dân, vừa tổ chức mua gom đậu để ép lấy dầu thương phẩm. Nhờ vậy chỗ đứng của cây đậu phụng trên các chân đất huyện Phù Mỹ thêm vững vàng.
Vụ đậu phụng Ðông Xuân 2020 - 2021, toàn huyện An Lão xuống giống hơn 40 ha, tập trung ở các xã: An Tân, An Hòa và thị trấn An Lão. Năm nay, người trồng đậu phụng lãi khoảng 3 triệu đồng/sào. Ðậu phụng có nhiều ưu thế, như: Giá bán luôn ở mức khá, khả năng tiêu thụ ổn định, tiết kiệm được khá nhiều khoản đầu tư (nước tưới, công bơm nước, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu…).
Ngành nông nghiệp huyện An Lão đánh giá cây đậu phụng là một trong vài loại cây trồng cạn đạt hiệu quả kinh tế cao, phục vụ tốt chương trình chuyển đổi diện tích đất trồng lúa bấp bênh về nước tưới.
Cơ giới hóa thâm nhập sâu vào sản xuất từ gieo trồng - chăm sóc - thu hoạch đã giúp nông dân Tây Sơn có thêm cơ hội vừa mở rộng diện tích vừa cải thiện năng suất. Vụ Ðông Xuân 2018 - 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xã Bình Thuận 1 máy tuốt đậu phụng. Chiếc máy phát huy hiệu quả tốt đến nỗi ngay ở vụ đậu kế tiếp nông dân mua về 16 máy và đến năm nay riêng xã Bình Thuận đã có tới 40 máy.
Chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời thích ứng với sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên đất, nước tưới là chủ trương lớn của tỉnh ta trong mấy năm gần đây. Thực tế cho thấy chủ trương này là đúng và nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, phù hợp; trong số này ổn định và được nông dân “hít” nhất là cây đậu phụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.