Khi Dịch CoV- 19 lan rộng, khi Vaccine ngừa bệnh chưa đến đủ mọi người thì người lây nhiễm sẽ nhiều hơn, chắc chắn sẽ đến bệnh viện đông hơn, mà bệnh viện không thể từ chối người bệnh. Người bị bệnh nặng phải nằm viện lâu dài, mức truyền nhiễm rất cao đến nhân viên, bác sỹ điều trị và cả người thân đi chăm sóc. Nên trong dịch dã, bệnh viện mà "bục" thì xã hội "toang". Vì thế mà bệnh viện là vũ khí cuối cùng, là nguồn lực chủ công trong cuộc chiến bảo vệ tính mạng con người. Vì thế mà bệnh viện phải được bảo vệ nghiêm cẩn, vững vàng.
Ví như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 (Hà Nội) là điển hình. Khi một nam bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu của Viện dương tính với SARS – CoV- 2, một ngày sau, 14 ca dương tính mới đã được phát hiện tại nơi điều trị. Và trong một thời gian rất ngắn, tổng số người mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch này đã là 95 người, bao gồm 4 nhân viên Y tế, 37 bệnh nhân, 45 người người nhà, 9 ca là F1; phạm vi lan ra từ bệnh viện này tới 15 tỉnh, thành, 2 bệnh viện quân y. Truy vết, phân luồng, khám sàng lọc, khám ban đầu – Bộ Y tế đã lập danh sách 685 người nhập viện, 300 nhân viên y tế, 1.135 bệnh nhân và người nhà phải điều trị, cách ly và thực hiện giãn cách xã hội.
Dịch lây lan nhanh hơn nhiều so với 3 lần trước, đã làm cho 10 bệnh viện phải phong tỏa, cách ly y tế; trong đó, đóng cửa 3 cơ sở Bệnh viện K Trung ương, 4.000 người bị phong tỏa. Nhận định tình hình và đến thời điểm này - PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bện Viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, để Việt Nam tránh khỏi nguy cơ vỡ trận" như Ấn Độ thì cần bảo vệ "thành trì" bệnh viện, không để Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện một cách ồ ạt, vì bệnh viên là nơi có rất nhiều bệnh nhân nặng, bấp bênh sinh tử. "Bệnh viện là thành trì cuối cùng trước dịch. Nếu hệ thống bệnh viện suy yếu, thảm họa y tế lẫn nhân đạo sẽ xảy ra".
Dịch Covid-19 đã gây ra hai cuộc chiến đồng thời: Cuộc chiến bảo vệ sinh mạng con người và bảo đảm sinh kế của người lao động. Trong hai cuộc chiến đó, thì bảo vệ sinh mạng con người là ưu tiên trước hết.
Tại các bệnh viện lúc này, việc cần là một quy trình ra sao để virus không tác động tới những bệnh nhân nặng, hồi sức và không làm dịch lan tràn không khống chế được. Đồng thời điều chỉnh ra sao khi bệnh viện vẫn phải mở cửa chữa bệnh nhân có những bệnh lý còn nguy hiểm hơn cả Covid-19 như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, chấn thương và u bướu...
Chống dịch lâu dài - vấn đề nhân lực của Ngành Y rất quan trọng. Nếu bác sĩ mệt mỏi sẽ dẫn tới có quyết định sai lầm, để lại hậu quả trên chính người bệnh. Nếu lựa chọn một phương pháp chưa trúng thì việc chống dịch cũng có thể lặp lại như ở Đà Nẵng, chỉ xảy ra ở một bệnh viện mà cả thành phố rung chuyển, 35 người đã tử vong.
Và một điều cốt tử khác - vaccine chắc chắn là chìa khoá cuối cùng của bất cứ đại dịch nào trên thế giới. Tuần trước, tin một nữ nhân viên y tế tử vong sau khi tiêm vaccine Covid-19 đã khiến mọi người rất lo lắng. Tuy nhiên nguyên nhân đã được xác định rõ ràng: Chị bị sốc phản vệ trên nền dị ứng nặng, một trường hợp rủi ro trong y học và chính các nhân viên y tế cũng biết trước, chấp nhận các rủi ro đó, sẵn sàng tiêm đầu tiên để bảo vệ chính mình, bảo vệ bệnh nhân và cộng đồng. Ngay cả sau tai nạn của chị, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam vẫn khuyến cáo việc tiêm vaccine để đương đầu với Covid-19.
Các bác sĩ, nhân viên y tế đã đủ vất vả lúc bình thường, giờ trong đại dịch nhiều người phải làm việc gấp đôi gấp ba. Bảo vệ an toàn cho tuyến đầu trong đại dịch cũng là bảo vệ cả cộng đồng.
Vì vậy, giờ có lẽ là lúc nghiêm khắc với lệnh giãn cách, quyết tâm bảo vệ và làm sạch các bệnh viện, cộng với kiên định tiêm vaccine, có kèm theo tư vấn và khám sàng lọc thật kỹ. Hy sinh một vài lợi ích ngắn hạn để hệ thống y tế không quá tải thì mới mong đảm bảo cơ sở để hồi phục một cách bền vững.