Từ "Tiệc trăng máu" đến "bom hạt nhân" trên mạng

Thiên Lương Thứ bảy, ngày 17/04/2021 14:09 PM (GMT+7)
Chỉ dữ liệu điện thoại thôi đã rất nguy hiểm với một cá nhân nếu lọt vào tay người khác, còn khi Dữ liệu lớn của một dân tộc nằm trong tay dân tộc khác, trên thực tế đã bắt đầu quá trình thực dân hóa kiểu mới: Thực dân hóa bằng công nghệ.
Bình luận 0

Khép lại thập kỷ thứ hai, bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, nhân loại chứng kiến những điều hết sức kỳ lạ, không chỉ nhờ con số 2020 lặp lại trăm năm có một, mà còn vì những sự kiện chấn động, làm thay đổi tương lai: Covid-19 giết chết hàng triệu người và chưa có dấu hiệu dừng lại, cuộc bầu cử tổng thống hết sức bất thường ở Mỹ, hàng tỷ người buộc phải làm việc ở nhà qua mạng, và sự lên ngôi của hàng loạt phần mềm làm việc trực tuyến trong điều kiện đặc biệt này.

Tất cả các sự kiện trên cho thấy nhân loại đã bước rất sâu vào một kỷ nguyên mới của Mạng và Dữ liệu lớn. Nhân loại đã kết nối với nhau chặt chẽ và nhanh chóng đến mức một con virus có thể lan truyền với tốc độ không thể tưởng tượng nổi, và những vấn đề của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được phóng đại lên hàng ngàn lần nhờ mạng xã hội.

Dữ liệu lớn có phải kẻ thù nhân loại?

Trong cuộc nói chuyện "Buổi tối với Elon Musk - sứ mệnh tới sao Hoả" được tổ chức tại Đức ngày 1/12/2020, Chủ tịch tập đoàn Tesla khẳng định siêu trí tuệ kỹ thuật số tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với cộng đồng. "Dữ liệu lớn còn nguy hiểm hơn bom hạt nhân nếu không được bảo mật nghiêm ngặt và bị sử dụng bởi những kẻ có mục đích xấu", ông nói. 

Thực ra điều Elon Musk nói chỉ là một nửa sự thật. Dữ liệu lớn là một dạng năng lượng mới, và cũng như năng lượng hạt nhân, nó vừa có ích vừa có hại cho nhân loại. Nó có thể là hàng triệu quả bom hạt nhân đủ sức hủy diệt cuộc sống hàng tỷ người và chiếm quyền kiểm soát cả một quốc gia, như Hoa Kỳ đã làm với Nhật vào cuối thế chiến thứ hai, nhưng nó cũng có thể tạo động lực tăng trưởng vô hạn với các nền kinh tế, có thể nâng chất lượng sống của con người lên những tầm cao mới mà tổ tiên chúng ta chưa từng mơ tới.

Tại sao dữ liệu lớn lại nguy hiểm?

Một điều hết sức nguy hiểm là dường như người Việt chưa đánh giá đúng sự nguy hiểm của Dữ liệu lớn và Mạng mà mới chỉ nhìn thấy các cơ hội kiếm tiền từ chúng.

Bộ phim "Tiệc trăng máu" đề cập đến một trong các tác hại của Mạng: Khi mọi người đọc được tin nhắn và email trên điện thoại của nhau chỉ trong vài giờ tiệc đêm thì các gia đình tham dự buổi tiệc lập tức đứng trên bờ vực tan vỡ.

Chúng ta sống cùng một lúc 3 cuộc đời: Công khai, riêng tư và bí mật. Mỗi cuộc đời đó chỉ được hé lộ cho một tập hợp quan hệ nhất định của chúng ta, và dường như chỉ chính chúng ta mới biết hết 3 cuộc đời của mình. Nhưng ngày nay, có một thứ biết cả 3 cuộc đời ấy và thậm chí còn hiểu hơn chúng ta vì chúng có khả năng ghi nhớ vô hạn và xử lý được các mối quan hệ liên quan để đưa ra bức tranh mà chính chúng ta còn không biết về mình: Dữ liệu lớn!

Thông qua các thiết bị công nghệ cá nhân và công cộng, Dữ liệu lớn nắm được toàn bộ hoạt động của mỗi người. Biết các quan hệ riêng, thói quen, lịch trình di chuyển, số dư tài khoản ngân hàng, hồ sơ y tế…, thậm chí cả những người đã đi qua đời chúng ta mà chúng ta không hề hay biết. Người xưa có câu: Trời biết, đất biết; nhưng ngày nay chúng ta phải nói thêm: Điện thoại biết.

Chỉ dữ liệu điện thoại thôi đã rất nguy hiểm với một cá nhân nếu lọt vào tay người khác, còn khi Dữ liệu lớn của một dân tộc nằm trong tay dân tộc khác, trên thực tế đã bắt đầu quá trình thực dân hóa kiểu mới: Thực dân hóa bằng công nghệ, và nước yếu hơn sẽ thành một dạng con tin của nước lớn, hệt như khi dùng các nhà máy năng lượng hạt nhân theo công nghệ của nước lớn để phát điện.

Dữ liệu lớn còn nguy hiểm hơn bom hạt nhân vì chúng không cần máy bay hay tên lửa để bay đến mục tiêu. Chúng nằm trong các máy chủ vĩ đại ở các nước lớn, và không có cách gì kiểm soát được việc họ dùng dữ liệu của ta như thế nào và vào mục đích gì.

Nguy và cơ của nước nhỏ

Ai nắm được Mạng và Dữ liệu lớn sẽ làm chủ cuộc chơi tương lai. Nhưng trên thực tế, chúng ngoài tầm kiểm soát và vượt qua trình độ khoa học kỹ thuật của các quốc gia nhỏ. Phải có những nguồn lực khổng lồ mới có thể nghiên cứu và xây dựng được hệ thống định vị vệ tinh, phát sóng 5G, máy chủ, mạng cáp quang, các nhà máy sản xuất vi xử lý, các hệ điều hành và ứng dụng cho máy tính và điện thoại.

Nếu một nước nhỏ đầu tư vào những lĩnh vực này, họ sẽ nhanh chóng bị tụt hậu với đà tăng trưởng bão táp của công nghệ, chưa kể đến việc thị trường nhỏ sẽ rất khó giúp giảm giá thành sản phẩm để có được lợi nhuận và nhờ đó mà tái đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ kế tiếp.

Mặt khác, nước lớn chắc chắn không muốn để nước nhỏ tự do chọn con đường riêng, các hiệp ước kinh tế đều đặt vấn đề mở cửa cho mạng xã hội, Dữ liệu lớn lên hàng đầu, như một trong các điều kiện tiên quyết. 

Chính Liên Hợp Quốc cũng kiểm soát chặt công nghệ năng lượng hạt nhân, nước nhỏ nào có dự định phát triển nó, dù cho mục đích kinh tế, cũng chịu các lệnh trừng phạt nặng nề. Trên thực tế nếu các nước nhỏ muốn sử dụng năng lượng hạt nhân đều phải chọn bên, chọn công nghệ của ai chính là chịu ảnh hưởng của kẻ đó. 

Không khó thấy rằng một tương lai tương tự như trên đang dần dần hình thành trong ngành công nghiệp Mạng và Dữ liệu lớn. Bằng cách này cách khác, hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc đang muốn các nước nhỏ phải đứng trước sự lựa chọn phức tạp không chỉ về công nghệ mà cả về chính trị. Thế giới một lần nữa lại chia phe, và cũng như những bước ngoặt lịch sử khác, công nghệ là yếu tố quyết định cho những thay đổi địa chính trị vĩ đại.

Câu hỏi cho tương lai

Có cách nào tránh được việc phải lệ thuộc công nghệ và làm mất dữ liệu lớn vào tay các cường quốc hay không? Đây thực sự là câu hỏi khó trả lời, vì cũng như năng lượng hạt nhân, Dữ liệu lớn mang lại lợi ích lớn cho tất cả mọi người.

Để tìm lời giải, có lẽ cần rất nhiều giải pháp khác nhau, mà một trong số chúng là cái mà Việt Nam vẫn theo đuổi lâu nay: Yêu cầu Facebook, Google và các công ty mạng xã hội khác phải đặt máy chủ ở Việt Nam, phải đóng thuế và tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Mặt khác, hãy nhìn về công nghệ hạt nhân. Sự khác biệt giữa bom hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân là ở chỗ phản ứng hạt nhân được kiểm soát hay không. Nếu phản ứng hạt nhân không thể kiểm soát thì sẽ xảy ra vụ nổ với sức mạnh khủng khiếp đủ tàn phá một thành phố lớn, nhưng nếu được kiếm soát tốt thì các thanh nhiên liệu sẽ tạo được năng lượng cho cả một thành phố lớn hoạt động.

Để kiếm soát vụ nổ, người ta dùng các thanh điều khiển. Các thảm họa tại nhà máy điện nguyên tử xảy ra khi quá trình điều khiển tự động bị mất kiểm soát.

Phải chăng đó cũng là một biện pháp nên nghĩ đến với các mạng xã hội. Chúng ta rất cần các "thanh điều khiển" để kiếm soát các vụ nổ trên mạng xã hội, hướng chúng đến việc phục vụ lợi ích dân tộc. Tin xấu và tin giả lan truyền trên mạng theo đúng cơ chế vụ nổ hạt nhân, các hạt va đập theo phản ứng dây truyền, năng lượng tăng theo cấp số nhân đến mức không thể kiểm soát nổi.

Vấn đề cấp bách hiện nay không chỉ còn là thu thuế Facebook, Google,… nữa, dù đó cũng là một tổn thất rất lớn cho ngân sách nhà nước, chúng ta nên nhìn rộng hơn vài trăm triệu USD tiền thuế mỗi năm, và sớm nghĩ đến việc kiểm soát các quả bom dữ liệu đang được cất giữ ở những nơi mà chúng ta không thể với tới được.

Việt Nam có lịch sử vẻ vang trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước các nước lớn, và ngày nay trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ được chủ quyền trên không gian mạng và giữ được tài nguyên từ Dữ liệu lớn. Chắc chắn chúng ta phải tìm được con đường riêng để công nghệ đem lại hạnh phúc cho cả dân tộc chứ không chỉ làm giàu cho các công ty ngoại quốc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem