Thiên Lương
Thứ hai, ngày 05/04/2021 12:13 PM (GMT+7)
Hôm nay Chủ tịch Nước và Thủ tướng mới được bầu tuyên thệ nhậm chức. Một tin vui đầu nhiệm kỳ mới là vừa qua các tổ chức tín dụng quốc tế như Fitch Ratings hay Moody's đã nâng xếp hạng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam. Tuy nhiên còn rất nhiều kỳ vọng và thách thức mà tân Thủ tướng và chính phủ mới phải đối mặt.
Những ngày đầu năm 2021 mang lại nhiều tin vui cho nền kinh tế Việt Nam: Thị trường chứng khoán thăng hoa, với chỉ số VNIndex vượt qua mức kỷ lục 1200 điểm, mức tăng trưởng kinh tế dẫn đầu khu vực và nằm trong số rất ít nền kinh tế lớn trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng quốc tế đã nâng hạng tín nhiệm của VN lên mức mới. Chẳng hạn Fitch Ratings nâng triển vọng của Việt Nam từ 'ổn định' lên 'tích cực'.
Cùng với sự kiện Moody's vừa qua đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam, điều chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19, việc Fitch Ratings nâng triển vọng cho Việt Nam đã thể hiện sự tin tưởng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với sự điều hành chính sách hết sức hiệu quả của Chính phủ, triển vọng tăng trưởng mạnh cũng như dư địa tài khóa ngày càng vững chắc.
Về bản chất "xếp hạng tín nhiệm là ý kiến về khả năng và sự sẵn sàng của một nhà phát hành trong việc thanh toán đúng hạn cho một khoản nợ nhất định trong suốt thời hạn tồn tại của khoản nợ".
Như vậy nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng được hưởng lợi từ sự nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, do mức xếp hạng tín dụng của họ được mặc nhiên gắn với xếp hạng tín nhiệm quốc gia (thường ở mức thấp hơn), do sự ngầm định là Chính phủ Việt Nam sẽ phải ra tay cứu trợ và trả nợ thay cho các DNNN nếu họ gặp khó khăn trong kinh doanh và mất khả năng trả nợ.
Sự nâng hạng tín nhiệm cũng làm giảm chi phí vốn nói chung cho thị trường vốn ở Việt Nam. Các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn sẽ có thể hưởng lợi khi họ được tiếp cận thị trường vốn trong và ngoài nước với chi phí thấp hơn. Và nhờ vậy mà họ có thể tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, có thể mở rộng quy mô của mình ra với tốc độ cao hơn.
Như vậy, đại dịch Covid-19 không những không đẩy lùi được tốc độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam, mà còn mở ra được những cơ hội phát triển mới cho chúng ta.
Điều này có được chắc chắn nhờ sự điều hành quyết liệt và sáng suốt của Đảng và Chính phủ, cũng như sự tuân thủ kỷ luật cách ly và ý thức chung của người dân Việt Nam.
Những tín hiệu lạc quan trên mọi mặt trận kinh tế làm gợi nhớ đến năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Sau sự kiện đó là một thời kỳ bùng nổ trên thị trường chứng khoán, bất động sản, tín dụng, ngân hàng. Còn nhớ những ngày thị trường chứng khoán liên tục tăng hết biên độ, những dòng người xếp hàng mua nhà và bán lại ngay lập tức với hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu lợi nhuận.
Tuy nhiên ngay sau cơn say đó là một thời kỳ khủng hoảng kéo dài do bong bóng tài sản phình to quá mức, và thị trường chứng khoán đỏ lửa hàng năm trời, giảm xuống tận đáy ở mức hơn 200 điểm, với lãi suất huy động lên đến 18%, thậm chí 20%. Giá nhà đất sụp đổ gây ra biết bao nhiêu hệ lụy mà đến giờ này vẫn còn làm cho nhiều đại gia còn phải nằm trong tù. Nhiều ngân hàng đến giờ này vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ bong bóng tài sản hồi đó.
Ngoài lòng tin vào sự điều hành của Chính phủ và vào tiềm năng phát triển kinh tế đất nước, cơn sốt nhà đất và chứng khoán hiện nay còn do lãi suất ngân hàng quá thấp, dẫn đến việc người dân có thể dễ dàng vay với lãi suất thấp, và cảm thấy việc để tiền tiết kiệm khó sinh lợi, trong khi Covid-19 làm cho việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Dòng tiền giá rẻ đã chạy vào các thị trường hàng hóa có uy tín lâu năm và được người châu Á yêu thích như bất động sản.
Tất cả những điều này dễ dàng thổi phồng các bong bóng tài sản mà sau này sẽ để lại các hậu quả khôn lường và cần rất nhiều năm để giải quyết.
Con người rất nhanh quên, mặc dù bong bóng tài sản 2007-2008 còn để lại những biểu tượng hữu hình, chẳng hạn như một cao ốc ngay trung tâm TP.HCM hoặc nhiều vùng đất hoang ở Hà Nội.
Cũng đúng thời điểm lịch sử này, đất nước chúng ta có sự chuyển giao quyền lực ở các vị trí cấp cao, các nhà lãnh đạo mới của chúng ta sẽ đứng trước rất nhiều cơ hội và rủi ro mới. Nếu bong bóng tài sản được thổi phồng từ nguồn vốn giá rẻ mà không được kiểm soát và xả hơi đúng lúc thì rất có thể những thảm họa mươi, mười hai năm trước dễ dàng lặp lại: Những ngân hàng ôm các khoản nợ xấu khổng lồ, những đại gia vào tù vì không thanh toán được nợ, những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và thậm chí phải cho phá sản.
Tuy nhiên, Việt Nam 2021 đã là một quốc gia rất khác, ở một vị thế cao hơn rất nhiểu, bối cảnh thế giới cũng đã khác. Trung Quốc - nước láng giềng lớn nhất của chúng ta – đã ở vị thế hoàn toàn khác mười năm trước đây, và đang vững chắc tiến đến vị trí quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cả người dân và Chính phủ Việt Nam đã có tích lũy lớn hơn rất nhiều so với mười năm trước cả về kinh nghiệm và tài sản để lường trước và tránh được những rủi ro kinh tế từ vi mô đến vĩ mô. Niềm tin của dân chúng với Đảng và Nhà nước cũng đã tăng lên rất nhiều.
Đây là những nguồn vốn hữu hình và vô hình tạo nên cơ hội cho sức mạnh Việt Nam. Và mặc dù mọi sự kiện đều có những mặt trái mặt phải của nó, thách thức vẫn còn rất lớn, và luôn là như vậy. Hy vọng nhiệm kỳ mới, Chính phủ tiếp tục phát huy khả năng lắng nghe nhân dân, doanh nghiệp, phản ứng, đáp ứng nhanh những đòi hỏi bức xúc của xã hội mà nhiệm kỳ qua đã làm khá tốt, điều đó sẽ tạo hưng phấn cho toàn thể công cuộc cải cách, đúng là chính phủ kiến thiết mà Đại hội Đảng vừa qua đã đề ra.
Với những điều đó, chúng ta có thể lạc quan nhìn tới trước, và tin rằng không bao lâu nữa, chúng ta sẽ "sánh vai được với các cường quốc năm châu".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.