Không chỉ là một tỷ cây xanh

Đặng Trung Kiên Thứ năm, ngày 08/04/2021 09:50 AM (GMT+7)
Không chỉ là một tỷ cây xanh, mà mỗi người đều nhận thấy những giá trị to lớn của rừng, từ đó ứng xử với rừng văn minh hơn, công bằng hơn. Đây mới là mục tiêu cao nhất, nhân văn nhất của Đề án trồng một tỷ cây xanh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bình luận 0

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó trong 5 năm tới, cả nước sẽ trồng 690 triệu cây xanh phân tán ở các đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây khác sẽ được trồng tập trung thành rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.

Ý tưởng của người đứng đầu Chính phủ - lúc đó vẫn là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, xuất phát từ thực trạng rừng tự nhiên trong cả nước đang suy giảm, tình trạng phá rừng vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương. Cùng đó là sự "nổi giận" của thiên nhiên qua những trận lũ quét, sạt lở đất với mức tàn phá ngày càng khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của biết bao người dân vô tội.

Không chỉ là một tỷ cây xanh - Ảnh 1.

Tình trạng phá rừng với mục đích lấy đất còn xảy ra tại nhiều địa phương

Vậy thảm trạng mất rừng, suy giảm chất lượng tài nguyên rừng - mà Thủ tướng phải tìm giải pháp - bắt đầu từ đâu?

Đầu tiên là quá trình khai thác, xuất khẩu gỗ kéo dài nhiều chục năm, khi mà mỗi đơn vị quản lý rừng là một công trường khai thác gỗ. Đơn vị nào khai thác được nhiều gỗ, vượt chỉ tiêu còn được tuyên dương, khen thưởng, thậm chí phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Đến khi hết gỗ, hàng trăm nghìn ha rừng được gọi là rừng "nghèo kiệt", tiếp tục được chuyển đổi thành đất sản xuất bằng các dự án trồng cao su, chăn nuôi, thuỷ điện... để phát triển kinh tế. 

Cùng đó là làn sóng di dân tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc đến Tây Nguyên, cũng trong hàng chục năm, góp phần "xoá sổ" hàng nghìn ha rừng để lập làng và lấy đất sản xuất, ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Chưa kể nạn khai thác gỗ lậu vốn luôn được "tiếp tay" bởi sự yếu kém, buông lỏng, thậm chí làm ngơ của lực lượng bảo vệ rừng.

Không chỉ là một tỷ cây xanh - Ảnh 2.

Một đường dây gỗ lậu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị Bộ Công triệt phá

Nhưng rồi cũng đến lúc chúng ta phải trả nợ cho rừng. Điều đáng nói là chúng ta bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng cho công tác bảo vệ, phát triển rừng mà kết quả lại không như mong muốn. Trồng rừng chủ yếu vì mục tiêu kinh tế với các loại cây tầm thường, yếu đuối, không bản sắc như keo, tràm, thông và cả cây... cao su. Độ che phủ rừng có tăng lên (số liệu Tổng cục Lâm nghiệp công bố năm 2020 là 42%) nhưng chất lượng rừng suy giảm, rừng nguyên sinh trên cả nước chỉ còn lại 0,25% tổng diện tích rừng.

 Ông Nguyễn Xuân Phúc - khi là Thủ tướng, trong cả nhiệm kỳ, đã có nhiều quyết sách để việc bảo vệ, phát triển rừng đi vào thực chất, lan toả trong toàn xã hội. Điều đó thể hiện sự trân trọng của Chính phủ đối với các giá trị về môi trường, xã hội, văn hoá, hình ảnh đất nước... mà rừng đem lại.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ,  Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo đóng cửa rừng, chấm dứt việc khai thác gỗ rừng tự nhiên dù biết thực thi quyết sách này là không hề đơn giản. Cũng trong nhiệm kỳ qua (tính riêng từ năm 2017 đến nay) đã có đến 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích hơn 183.000 ha, nhưng chỉ có 133 dự án với 3.325 ha rừng được chấp thuận chủ trương. Các dự án được chấp thuận (dù rất ít) đều nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, có hiệu quả kinh tế - xã hội, đặc biệt là không có dự án nào liên quan đến dự án thuỷ điện mới. 

Không chỉ là một tỷ cây xanh - Ảnh 3.

Trồng cây hưởng ứng chương trình một tỷ cây xanh.

Còn với đề án trồng một tỷ cây xanh,  Chính phủ nhắn gửi các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương rằng: Để có được một tỷ cây xanh, tương đương 180 nghìn ha rừng thì cả nước phải nỗ lực liên tục trong 5 năm tới. Nhưng nếu các địa phương không ngăn chặn được nạn phá rừng, để mỗi năm cả nước mất đi hàng nghìn ha rừng như thời gian qua là không thể chấp nhận được.

Và với đề án này, trồng rừng không còn là nhiệm vụ riêng của ngành lâm nghiệp, mà của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cây không chỉ được trồng trong rừng, mà còn được trồng phân tán cả ở các đô thị và vùng nông thôn. Đây là một khu vực quan trọng để phủ xanh đất nước. Đã có biết bao nhiêu cây xanh đô thị và nông thôn bị chặt để xây đường, xây khu đô thị, khu công nghiệp... Các vùng quê giờ san sát nhà cửa, những mảng xanh ngày càng ít đi khi đất chật, người thêm đông. Không chỉ trả nợ rừng, chúng ta còn phải trả nợ những con đường, những khu vực xanh trong thành phố, làng xóm. 

Dân số nước ta có hơn 97 triệu người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động là hơn 55 triệu người. Theo đề án thì trong 5 năm tới, bình quân mỗi người sẽ trồng khoảng 3 – 4 cây xanh/năm (tính cả số cây trồng tập trung trong các khu rừng). 

Và nếu làm thật tốt, chúng ta sẽ được nhiều hơn, không chỉ là một tỷ cây xanh. Bởi qua việc trồng cây, mỗi người đều thấy được giá trị của cây xanh, của rừng đối với cuộc sống của chính mình và các thế hệ mai sau. Từ đó ứng xử với rừng văn minh hơn, công bằng hơn, bỏ hẳn tâm lý lấy của rừng, "ăn" của rừng. Đây mới là mục tiêu cao nhất, nhân văn nhất trong đề án trồng một tỷ cây xanh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem