Đây là một trong các nội dung quan trọng trong kế hoạch tăng cường quản lý thu, đôn đốc thu và chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2021 do UBND TP.HCM vừa ban hành.
Theo đó, TP.HCM sẽ tăng cường quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử với nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Nhóm đối tượng thứ nhất vào "tầm ngắm" của cơ quan thuế là các tổ chức cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước có kết nối người bán và người mua như Chợ Tốt, Vật Giá, Shopee, Lazada, Tiki… Các tổ chức trực tiếp bán hàng trên các website trong và ngoài nước như Shein.com.vn…
Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, du lịch, đặt phòng, đào tạo trực tuyến, vé máy bay, tổ chức sự kiện như VnTrip, Topica, Trivago, Traveloka, Ticketbox, Google, Apple…
Ngoài ra, các doanh nghiệp có website bán hàng, cung cấp dịch vụ do mình trực tiếp sản xuất, kinh doanh; cá nhân trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ trên Facebook, Zalo... do mình trực tiếp mở tài khoản; hoặc tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam nhưng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội nước ngoài như Google, Facebook, Youtube… cũng sẽ nằm trong tầm ngắm của cơ quan thuế.
Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ siết quản lý thu, đôn đốc thu và chống thất thu ngân sách bằng nhiều biện pháp để xác định các đối tượng kinh doanh thương mại điện tử cũng như doanh thu của các cá nhân này.
Theo đó, Cục Thuế sẽ thanh tra các công ty giao nhận hàng hóa cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, nhất là các doanh nghiệp được ủy quyền thu hộ tiền (COD) để xác định các đối tượng cũng như doanh thu của người kinh doanh qua thương mại điện tử.
Đặc biệt, cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngân hàng để phát hiện những tài khoản không kê khai với cơ quan thuế, cung cấp sao kê tài khoản đã mở tại ngân hàng để làm căn cứ vận động doanh nghiệp kê khai đúng thực tế.
Đối với các doanh nghiệp bán hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, ngành thuế sẽ phối hợp Cục Hải quan TP đề nghị cung cấp dữ liệu hàng hóa nhập khẩu để đối chiếu doanh thu.
Trường hợp người có doanh thu từ Youtube, Cục Thuế TP.HCM sẽ rà soát từng nội dung số trên các trang Youtube xác định tên, địa chỉ của các Youtuber, xác định người thụ hưởng, các ngân hàng xác minh tài khoản nhận tiền để đấu tranh khai thác thu.
UBND TP.HCM sẽ làm việc với Bộ Công Thương về cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước, quy chế chia sẻ thông tin để thực hiện việc rà soát, kiểm tra, thanh tra nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM.
Đồng thời, TP.HCM sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm khai thác thông tin từ các nhà cung cấp hạ tầng cho các chủ website thương mại điện tử bán hàng và các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.